Phần 4 Kết quả và thảo luận
4.2. Sử dụng hormone nhằm nâng cao khả năng sinh sản
4.2.1. Điều trị bệnh thiểu năng buồng trứng
Khi khám lâm sàng qua trực tràng, thấy hai bên buồng trứng dẹt, cứng, nhỏ, không cân đối (bên nhỏ bên to) và bề mặt buồng trứng trơn nhẵn, không có thể vàng và cũng không có nang trứng thì kết luận buồng trứng bị thiểu năng không
hoạt động. Bò không xuất hiện chu kỳ động dục. Kết quả thu được có 49 bò bị bệnh thiểu năng buồng trứng (bảng 4.2).
Do buồng trứng không hoạt động, chúng tôi sử dụng vòng đặt CIDR đặt âm đạo, thời gian đặt 12 ngày. Với thời gian này nhằm cung cấp lượng progesterone vào máu (thay cho vai trò của thể vàng trong chu kỳ từ ngày 5 đến ngày 17). Đến ngày 11 sau khi đặt CIDR, bò được tiêm 20mg PGF2α (thay cho vai trò của niêm mạc tử cung tiết ra PGF2α để tiêu biến thể vàng). Đến ngày thứ 12 vòng CIDR được rút ra (để hàm lượng progesterone giảm dần và bằng không). Sau đó tiêm 100 µg GnRH để kích thích nang trứng phát triển và rụng trứng dưới tác dụng của FSH và LH. Vào thời điểm rút vòng CIDR từ 2-3 ngày, bò có biểu hiện động dục và tiến hành phối giống cho bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Kết quả thể hiện ở bảng 4.6.
Bảng 4.6. Kết quả điều trị bệnh thiểu năng buồng trứng
Chỉ tiêu Kết quả điều trị
Tổng số bò thiểu năng buồng trứng n (con) 49
Bò động dục n (con) 41
Tỷ lệ (%) 83,67
Có chửa n (con) 30
Tỷ lệ (%) 73,17 Theo Lưu Công Khánh và cs. (2004) khi nghiên cứu về việc gây động dục đồng pha cho bò bằng phương pháp kết hợp giữa CIDR và tiêm PGF2α cho biết; tỷ lệ động dục ở bò Lai Sind là 85,71% và ở bò lai HF là 878,3%. Cũng theo Phan Văn Kiểm và cs. (2006), sử dụng CIDR với PGF2α điều trị bệnh buồng trứng không hoạt động cho kết quả bò động dục 78,95% (chẩn đoán bằng phương pháp định lương progesterone. Kết quả của nhóm tác giả Trịnh Quang Phong và cs. (2012), khi điều trị bệnh thiểu năng buồng trứng trên đàn bò Hà Nội cho biết 79,16 – 84,2 % bò động dục trở lại và 71,2 – 81,2 % bò có chửa ở 2 kỳ phối giống khi sử dụng kết hợp giữa CIDR, HCG, estrogen và PGF2α.
Theo Thái Khắc Thanh (2008) khi nghiên cứu khả năng gây động dục bằng phương pháp đặt dụng cụ âm đạo CIDR cho biết tỷ lệ động dục ở bò cái tơ là 75%; bò cái sinh sản là 80%, thời gian động dục tập trung vào 48-72 giờ sau khi tháo thiết bị đặt âm đạo.
Theo công ty nghiên cứu bò sữa (DRC) của Newzealand khi đặt dụng cụ âm đạo cho bò đã sinh sản đạt tỷ lệ động dục từ 1-14 ngày sau khi rút dụng cụ đặt
âm đạo là 95% (1994) và 89% (1995) và kết quả có chửa lần đầu là 47-48%. Theo Mylrea (1997), đạt tỷ lệ đẻ lần đầu là 57%, tỷ lệ động dục và phối giống có chửa cao nhất từ 48 – 72 giờ sau khi tháo thiết bị.
Như vậy, kết quả của chúng tôi cũng có sự tương đồng với kết quả của một số tác giả được nêu ở trên. Khác biệt là chúng tôi không sử dụng estrogen trong điều trị bò bị thiểu năng buồng trứng do sự tồn dư của nó trong sữa, có thể gây ra một số hiện tượng như động dục giả, động dục kéo dài.
Nghiên cứu của chúng tôi là sử dụng CIDR kết hợp PGF2α trong thời gian cuối của ngày rút CIDR là để làm sạch các tế bào hạt, kích thích nang trứng và làm sạch dịch nhầy tử cung sau khi rút CIDR, đồng thời bổ sung lượng GnRH ngay sau khi rút CIDR đã tạo ra kích thích cho tuyến yên phân tiết FSH và LH một cách chủ động nên làm cho tỷ lệ động dục và phối giống đạt kết quả cao hơn.