Là thuật ngữ dùng để chỉ có sự hiện diện của nang bất thường trên bề mặt buồng trứng với kích thước lớn hơn 2,5 cm nhưng không rụng trứng. Có 3 kiểu u nang buồng trứng:
+ U nang noãn (follicular cyst): có thành nang mỏng và mềm. Có thể là một nang hoặc nhiều nang trên một hoặc cả hai buồng trứng. trong trường hợp này thì hàm lượng progesterone thấp, estrogen cao nên có hiện tượng chảy dịch âm đạo. Trên 70% trường hợp gặp ở thể bệnh lý này
+ U nang thể vàng (luteal cyst): thường chỉ có một cấu trúc nang trên một buồng trứng, thành nang dày hơn. Hàm lượng progesterone tiết ra ở mức trung bình.
+ U nang kết hợp (co-existing): Hiện diện cả ở nang trứng và thể thể vàng trên buồng trứng. Tần suất xuất hiện u nang noãn lớn hơn u nang hoàng thể. 2.7. MỘT SỐ NGHIÊN CỨU TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC VỀ ĐẶC ĐIỂM SINH SẢN VÀ ĐIỀU TIẾT SINH SẢN TRÊN BÒ
2.7.1. Những nghiên cứu trong nước
Có nhiều công trình nghiên cứu về đặc điểm sinh sản và những biện pháp kỹ thuật để nâng cao khả năng sinh sản của bò. Việc sử dụng kích tố hướng sinh sản để nâng cao khả năng sinh sản, khắc phục hiện tượng chậm sinh, và vô sinh tạm thời đã được các nhà khoa học trong nước sử dụng. Các kích tố có thể sử dụng riêng biệt hoặc kết hợp với nhau và thu được nhiều kết quả tốt.
Kết quả thụ thai không khác nhau khi phối hợp giữa HCG hay GnRH với PGF2α để gây động dục và dẫn tinh đồng loạt cho bò sữa sau khi đẻ trong cùng
một mùa và cùng một khoảng thời gian sau đẻ, nhưng khác nhau ở tỷ lệ thụ thai của các nhóm bò ở các khoảng thời gian sau đẻ. Tỷ lệ chửa ở nhóm bò 90 ngày sau đẻ đạt 40%, còn nhóm bò 130 ngày sau đẻ đạt 70% (Quản Xuân Hữu, 2006). Số lần tiêm GnRH trong một chu kỳ gây động dục không ảnh hưởng đến tỷ lệ thụ thai khi cho phối giống, nhưng có ảnh hưởng dương tính lên tỷ lệ động dục ở bò không có chu kỳ và sau đẻ mà không làm ảnh hưởng tới chức năng của thể vàng. Tiêm hai lần GnRH cách nhau 3 ngày, ngày thứ 7 tiêm PGF2α làm tăng tỷ lệ bò biểu hiện động dục rõ nhưng không làm tăng tỷ lệ thụ thai.
Tỷ lệ động dục, thời gian động dục và tỷ lệ có thai không khác nhau ở bò có chu kỳ và không có chu kỳ. Trạng thái của noãn bào trước khi xử lý hormone có ảnh hưởng đến kết quả. Noãn bào có kích thước càng lớn thì tỷ lệ thụ thai sau khi xử lý càng thấp (Nguyễn Xuân Trạch, 2004). Khi sử dụng kết hợp huyết thanh ngựa chửa (HTNC) với progesterone, tác giả công bố, một liều 550 UI HTNC tiêm sau khi kết thúc xử lý progesterone cho tỷ lệ rụng trứng ở bò cao hơn liều 450 IU (95,4% so với 85,5%, P<0,05) mặc dù không có sự khác có ý nghĩa giữa hai liều lượng trên về tỷ lệ thụ thai sau đó. Tuy nhiên, giữa liều lượng HTNC và trạng thái chu kỳ tính của bò có tương tác có ý nghĩa lên tỷ lệ thụ thai. Liều 450 IU tỏ ra tốt hơn cho bò đã có thể vàng, trong khi đó liều 550 IU lại tốt hơn với bò không có thể vàng (Nguyễn Xuân Trạch, 2004). Nguyễn Tấn Anh và cs. (1995) đã sử dụng HTNC cho bò sữa sinh sản và bò tơ đạt tỷ lệ động dục tương ứng là 76,75% và 72,94%, tỷ lệ chửa là 76,05% và 73,38%. Sau khi tiêm progesterone 6 -7 ngày đại bộ phận bò xuất hiện động dục, nhất là sau khi tiêm HTNC và HCG. Tuy nhiên, số lần tiêm tối đa là 3 lần, cách nhau 2-3 ngày. Như vậy, liệu trình tiêm progesterone từ 6-9 ngày, sau đó 2 ngày tiêm HTNC là thích hợp nhất (Lê Văn Thọ và Lê Xuân Cương, 1979). Ngoài ra, các chế phẩm của progesterone còn được tẩm vào bọt biển rồi đặt vào âm đạo 10-12 ngày, ngày cuối cùng lấy ra tiêm HTNC sẽ gây cho bò động dục đồng loạt. Để sử dụng progesterone gây động dục ở bò, có nhiều phác đồ điều trị và liều lượng khác nhau, có thể dùng riêng biệt hoặc kết hợp với HTNC và HCG. Hoàng Kim Giao và Nguyễn Thanh Dương (1997), đã sử dụng 2 phác đồ sau để điều trị cho bò chậm sinh đạt hiệu quả cao:
- Bò được tiêm progesterone vào các ngày 1, 3, 5 với liều tương ứng 25mg, 50mg, 75mg. Ngày thứ 7 tiêm 1.500-1.800 đơn vị chuột HTNC, ngày 9-10 bò sẽ động dục và phối giống.
- Tiêm progesterone vào ngày 1,4,7 với liều tương ứng là 30mg, 60mg, 90mg progesterone, ngày thứ 9 tiêm HTNC liều 1.500-1.800 đơn vị chuột HTNC, ngày thứ 11 hoặc 12 bò sẽ động dục và phối giống.
Progesterone có thể sử dụng ở dạng bột trộn vào thức ăn, dạng nước để tiêm như trên đã trình bày, nhưng cũng có thể sử dụng dưới dạng các dụng cụ đặt vào âm đạo, cụ thể như sau:
Đặt PRID trong vòng 12 ngày, khi rút ra có tiêm hoặc không tiêm thêm 250-600 UI HTNC, đạt tỷ lệ thụ thai 55-65% (tương đương với động dục tự nhiên qua thụ tinh nhân tạo ở chu kỳ đầu là 60-65%, (Hoàng Kim Giao và Nguyễn Thanh Dương, 1997).
Trong điều kiện chăn nuôi tiêu chuẩn hóa, quản lý sinh sản tốt, việc gây động dục đồng loạt cho bò cái có thể chỉ cần sử dụng một liều PGF2α tiêm 2 liều cách nhau 11 ngày của chu kỳ động dục có thể gây động dục và dẫn tinh cho bò cái. Một chương trình khác là có thể tiêm hai mũi PGF2α vào bất kỳ ngày nào của chu kỳ, cách nhau 11 ngày và cho phối giống đồng loạt vào một thời điểm định trước hoặc phối giống vào lúc bò có biểu hiện động dục. Với việc sử dụng hai mũi PGF2α cách nhau 11 ngày, tỷ lệ xuất hiện động dục của bò có thể là: ngày thứ 1 đạt 5%, ngày 2- 20%, ngày 3- 45%, ngày 4- 20%, ngày 5- 5% (Quản Xuân Hữu, 2006). Theo Nguyễn Thị Ước (1996), khi sử dụng phương pháp tiêm hai liều PGF2α cách nhau 11 ngày để gây động dục đồng pha cho bò cái nhận phôi đã gây động dục ở bò nội là 57,8%, ở bò Lai Sind là 52,9% và ở bò sữa là 90%. Khi sử dụng phương pháp tiêm kết hợp giữa hai liều PGF2α cách nhau 11 ngày, ngày thứ 9 tiêm 500 IU HTNC, cũng chính tác giả này đã thông báo, tỷ lệ bò có biểu hiện động dục ở bò Lai Sind đạt 59,7%, ở bò sữa đạt 90%. Dùng PGF2α điều trị bò chậm động dục do thể vàng tồn lưu (chẩn đoán qua định lượng progesterone), đã có 88,90% bò động dục và tỷ lệ thụ thai đạt 65,22% (Phan Văn Kiểm và cs., 2006). Gây động dục đồng pha cho bò bằng phương pháp kết hợp giữa CIDR và PGF2α (Lưu Công Khánh và cs., 2004) đạt được tỷ lệ động dục ở bò Lai Sind là 85,71% và ở bò lai HF là 87,30%. Cũng theo báo cáo kết quả cải tiến phương pháp gây động dục đồng pha của Tăng Xuân Lưu và cs. (2010), kết quả động dục ở bò tơ là 90,0-91,67%, ở bò lai HF sinh sản là 89,58-89,65%. Trong công trình “Công nghệ sinh sản trong chăn nuôi bò”, Hoàng Kim Giao và Nguyễn Thanh Dương (1997), đã đưa ra một số giải pháp để nâng cao khả năng sinh sản cho bò, công nghệ cấy truyền phôi. Chung Anh Dũng (2001), đã xác
định các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả truyền giống nhân tạo và khả năng sinh sản của đàn bò sữa ở các hộ chăn nuôi tại thành phố Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố: số bò cái được phát hiện động dục và phối giống, trình độ tay nghề của dẫn tinh viên, chất lượng sinh sản của đàn bò cái và chất lượng tinh trùng đông lạnh. Tăng Xuân Lưu và cs. (2001), đã dùng PGF2α điều trị bò cái lai hướng sữa tại Ba Vì có thể vàng tồn lưu, kết quả đạt tỷ lệ động dục 85,71 - 87,5% và phối giống có chửa đạt 68,57-70,83%. Các tác giả này cũng đã sử dụng progesterone kết hợp với HTNC điều trị cho bò thiểu năng buồng trứng, đã gây động dục cho bò đạt 70,05% và phối giống có chửa đạt 61,22%. Đặt âm đạo cho bò bằng vòng CIDR đạt tỷ lệ bò động dục là 82,14% ở bò cái sinh sản và 75,5% ở bò cái tơ. Phan Văn Kiểm và cs. (2006), dựa vào kết quả định lượng progesterone ở bò chậm động dục do thể vàng tồn lưu, sau đó điều trị bằng PGF2α đạt kết quả 88,90% bò động dục và đạt tỷ lệ thụ thai 65,22%. Trịnh Quang Phong và cs. (2012), đã nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật tổng hợp nâng cao khả năng sinh sản cho bò sữa nuôi tại miền Bắc Việt Nam.
Nhiều công trình khác đã sử dụng kích dục tố để cải thiện khả năng sinh sản bò (Phan Văn Kiểm, 1998; Tăng Xuân Lưu và cs., 2001; Chung Anh Dũng, 2001) hoặc cải thiện khả năng sinh sản ở bò sau khi dùng kỹ thuật ELISA để định lượng progesterone ở những bò bệnh lý (Lê Xuân Cương, 1993; Chung Anh Dũng, 2001).
Một số nghiên cứu cũng đã xác định được những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sinh sản kém của đàn bò sữa trong nước như: bò lai có tỷ lệ máu Hà Lan cao (>87,5% HF), bò mới đẻ 1-2 lứa hoặc đẻ quá nhiều (>6 lứa), bò có năng suất sữa quá cao (>25 lít/ ngày); có biểu hiện động dục yếu, thời điểm TTNT không đúng, thiếu thức ăn xanh (đặc biệt vào mùa khô), hoặc thức ăn tinh chiếm tỷ lệ cao trong khẩu phần ăn hàng ngày... Hậu quả là rối loạn hormone hướng sinh dục làm ảnh hưởng tới khả năng rụng trứng và tỷ lệ thụ thai. Ngoài ra, khoảng thời gian từ khi phát hiện bò động dục đến khi thụ tinh nhân tạo quá ngắn (<12 giờ) hoặc quá dài (>30 giờ) (Chung Anh Dũng, 2001).
Trong chăn nuôi thú y, kỹ thuật ELISA mới được ứng dụng từ tháng 8 năm 2002 nhờ sự giúp đỡ của tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và bước đầu đạt được một số kết quả trong chăn nuôi bò sinh sản, ví dụ: như trong nghiên cứu động thái LH tiền rụng trứng ở bò lai hướng sữa F1 (HF x Lai Sind), hàm lượng hormone này trong máu bò tăng dần kể từ khi bắt đầu xuất hiện động dục (lúc 0
giờ đạt 4,65±0,28 ng/ml), đạt cao nhất lúc 12 giờ kể từ khi bắt đầu động dục (9,16±0,18 ng/ml) sau đó đột ngột giảm xuống lúc 16 giờ (6,88±0,22 ng/ml) và đạt thấp nhất lúc 24 giờ (2,87±0,35 ng/ml). Dẫn tinh cho bò sau khi bắt đầu động dục 14-16 giờ đạt kết quả thụ thai 81,08%, tỷ lệ đẻ 78,37%, cao hơn so với kết quả dẫn tinh theo phương pháp truyền thống (dựa theo quy luật sáng-chiều) (tỷ lệ thụ thai 75% và tỷ lệ đẻ 66,6%). Đối với bò có thể vàng tồn lưu trên buồng trứng: điều trị bằng PGF2α liều 25 mg/con, đạt tỷ lệ động dục sau điều trị 88,9%, tỷ lệ thụ thai ở lần phối đầu 65%. Đối với bò bị u nang noãn: điều trị bằng HCG, liều 3.000- 3.500UI/ con, đạt tỷ lệ động dục sau điều trị 100%, tỷ lệ thụ thai ở lần phối đầu 62,5%. Đối với bò buồng trứng kém hoạt động: dùng PRID đặt âm đạo cho tỷ lệ động dục 82,3%, tỷ lệ thụ thai ở lần phối đầu 64,3%. Nếu sử dụng PGF2α(liều 25mg) kết hợp với GnRH (liều 200 mg/con) cho tỷ lệ động dục 85%, tỷ lệ thụ thai 76,5% (Tăng Xuân Lưu và cs., 2004). Với bò cái sinh sản bị viêm nội mạc tử cung, viêm âm đạo, tiêm PGF2αvà kết hợp bơm dung dịch lugol đạt tỷ lệ động dục 80% và tỷ lệ thụ thai 60% (Hoàng Kim Giao và Nguyễn Thanh Dương, 1997).
Những nghiên cứu trên đã giải quyết được một số vấn đề chậm sinh ở bò sữa bằng các liệu pháp hormone. Tuy nhiên mỗi điều kiện, địa điểm, thời gian nghiên cứu cho các kết quả khác nhau với liều lượng và cách tiếp cận khác nhau. Những nghiên cứu trên chưa đề cập đến vấn đề cụ thể tình trạng hoạt động của buồng trứng sau đẻ thời gian là bao nhiêu thì được coi là chậm sinh ở mức độ nào, sự ảnh hưởng của lứa đẻ, mùa vụ, thể trạng cơ thể... phương pháp chẩn đoán bệnh trên buồng trứng chủ yếu là dựa trên kết quả khám lâm sàng mà chưa có kết quả đánh giá qua sự biến đổi hàm lượng hormone. Cũng như chưa đưa ra được phác đồ cụ thể cho từng trường hợp bệnh trên buồng trứng... Chính vì vậy, cần có những nghiên cứu để bổ sung vấn đề này.
2.7.2. Những nghiên cứu nước ngoài
Nghiên cứu nguyên nhân gây bệnh sinh sản của bò sữa có ý nghĩa hết sức to lớn đến việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi bò sữa.
Các tiến bộ kỹ thuật về chọn lọc di truyền giống, lai tạo con giống và dinh dưỡng đã làm tăng đáng kể năng suất sữa. Tuy nhiên, việc tăng nhanh năng suất sữa đã dẫn tới kết quả giảm tỷ lệ thụ thai và các chỉ tiêu sinh sản khác (Mann et al., 2005). Vì vậy, nghiên cứu nguyên nhân làm tỷ lệ thụ thai giảm và xây dựng chiến lược nhằm nâng cao sức sinh sản ở bò sữa là cần thiết. Các nghiên cứu
trước đây đã chỉ ra rằng bò sữa cao sản bị giảm tỷ lệ thụ thai là do mất cân đối về năng lượng trong khẩu phần ăn, do u nang buồng trứng, viêm nhiễm đường sinh dục, sảy thai, chết thai sớm, thai chết lưu, sót nhau, đẻ khó, kỹ thuật phối giống cho bò tơ chưa tốt...
Các nghiên cứu cũng chỉ ra 4 nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh sản kém của gia súc nuôi tại khu vực châu Á (FAO & IAEA, 1993) đó là:
- Stress nhiệt và độ ẩm của môi trường, đặc biệt trong mùa hè.
- Chế độ dinh dưỡng không đảm bảo và mất cân đối, đặc biệt thiếu dinh dưỡng và thức ăn thô xanh trong mùa khô (mùa đông).
- Chế độ chăm sóc, quản lý sinh sản, quy trình vệ sinh vắt sữa kém.
- Tình trạng dịch bệnh gây ra do virus, vi khuẩn và ký sinh trùng. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân gây tỷ lệ thụ thai giảm ở bò sữa cao sản là do mất cân đối về năng lượng trong khẩu phần ăn, từ đó dẫn tới hiện tượng buồng trứng không hoạt động, thể vàng tồn lưu kéo dài, mất chu kỳ động dục.
Nakao (1983a), đã sử dụng phương pháp ELISA để phân tích hàm lượng progesterone đối với bò sữa chậm sinh có u nang thể vàng trên buồng trứng. Năm 1983, tác giả trên cũng đã nghiên cứu sử dụng chế phẩm hormone nhân tạo GnRH nhằm điều khiển thùy trước tuyến yên tăng tiết FSH và LH để phục hồi lại chu kỳ động dục ở bò. Hiện nay, phương pháp ELISA được sử dụng trong y học để tiến hành các xét nghiệm sinh hoá, huyết học, chẩn đoán vi khuẩn, virus...Trong chăn nuôi, người ta ứng dụng ELISA để xác định hàm lượng progesterone trong sữa, trong huyết thanh, trong nước tiểu, trong phân của bò cái.
Stanley et al. (1986), phân tích hàm lượng progesterone trong sữa để xác định sự mang thai, xác định ngày của chu kỳ động dục và chẩn đoán các trường hợp bị rối loạn sinh sản và điều khiển hoạt động sinh sản đối với bò ở Anh. Ở Nhật Bản, Nakao et al. (1982a, 1982b) đã định lượng progesterone trong sữa nhằm chẩn đoán sớm sự mang thai của bò, chẩn đoán u nang buồng trứng, thể vàng tồn lưu và u nang thể vàng. Lee et al. (1996) cũng dùng kỹ thuật này để xác định sự mang thai và chẩn đoán các trường hợp bị rối loạn sinh sản ở bò. Allen (1975, 1976, 1984), Eissa et al. (1997), Mann et al. (1998), Niekerk et al. (1998) đã xác định hàm lượng progesterone để duy trì và bảo vệ thai ở gia súc. Prakash et al. (1987), dùng ELISA để định lượng progesterone trong huyết thanh và sữa của bò ở Hà Lan. Maurice et al. (1981), Nakao et al. (1983a), Prakash et al. (1987) đã nghiên
cứu động thái của progesterone trong thời gian động dục. Baruselli et al. (2003), Fukui et al. (1999), Cutaia et al. (2003), Gavara et al. (2003), đã có những nghiên cứu, ứng dụng progesterone trong điều khiển chu kỳ sinh dục, rụng trứng theo ý muốn nhằm nâng cao tỷ lệ thụ thai ở gia súc. Dochi et al. (1998), đã sử dụng progesterone để gây rụng trứng nhiều trong cấy truyền phôi ở gia súc. Zavadopxki (1944), sử dụng HTNC tiêm vào ngày 16-18 của chu kỳ động dục gây được bò đẻ sinh đôi, ông đã thu được 135 bê/ 100 bò cái. Tỷ lệ sinh đôi là 26%, sinh ba là 5%.