Tình hình nghiên cứu chọn tạo giống lúa thuần tại Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tuyển chọn một số dòng, giống lúa thuần năng suất chất lượng cho các tỉnh phía bắc (Trang 26 - 32)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.2. Tình hình nghiên cứu chọn tạo giống lúa thuần trên thế giới và trong

2.2.2. Tình hình nghiên cứu chọn tạo giống lúa thuần tại Việt Nam

a. Định hướng nghiên cứu chọn tạo giống thuần tại Việt Nam

Sản xuất lúa gạo của Việt Nam trong những năm gần còn sử dụng gieo cấy nhiều giống lúa (154 giống lúa tẻ trong số 270 giống được phép sản xuất kinh doanh với diện tích trên 6,8 triệu ha năm 2015), số lượng giống lúa chủ lực tại mỗi vùng từ 10 đến 15 giống được gieo cấy 40 - 60% diện tích sản xuất. Có nhiều giống lúa được nhập nội nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc nước khác có năng suất cao nhưng chất lượng chỉ ở mức trung bình (giống Q5, Khang dân 18, Khang dân đột biến...), một số giống lúa chất lượng Bắc thơm 7, Hương thơm 1, BC15, RVT, VS1 còn hạn chế về năng suất và khả năng chống chịu sâu bệnh hại (bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá, rầy nâu) nên chưa đáp ứng hết nhu cầu tiêu dùng gạo chất lượng trong nước. Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (2013), nước ta hiện nay chỉ có khoảng 30 % giống lúa có chất lượng tốt, điều đó cho thấy công tác chọn giống lúa vẫn là thách thức đối với các nhà khoa học, kinh doanh và người nông dân. Do đó nghiên cứu chọn tạo và phát triển các giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt, kháng các loại sâu bệnh hại, thích ứng rộng với nhiều vùng sinh thái là yêu cầu cấp thiết.

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (2008), mục tiêu nghiên cứu chọn tạo giống lúa thuần đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 tập trung vào một số vấn đề trọng tâm như sau:

1. Chọn, tạo và phát triển giống lúa có năng suất cao và ổn định 8-10 tấn/ha/vụ, phẩm chất gạo đáp ứng thị trường nội địa và xuất khẩu.

2. Chọn tạo và phát triển giống lúa có khả năng chịu hạn cao, năng suất 5-6 tấn trong điều kiện thiếu nước, tạo ra các giống lúa chịu mặn (0,5-0,6%) năng suất 5,5-6,0 tấn/ha/vụ.

3. Chọn tạo, phát triển bộ giống có khả năng chống chịu với sâu bệnh hại chính (rầy nâu, lùn xoắn lá, bạc lá, đạo ôn…) và những giống thích nghi với những biến động của khí hậu (nhiệt độ tăng cao trong những năm tới đây).

4. Khôi phục, phục tráng, duy trì và phát triển các giống lúa đặc sản, bản địa, xây dựng thương hiệu, tên gọi xuất xứ địa lý cho một số giống chất lượng tốt nhất.

5. Nghiên cứu các giống lúa Japonica hạt tròn phục vụ xuất khẩu.

Trong đề án phát triển “Sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao" thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (2013) đã nêu rõ 2 nhiệm vụ trong tâm trong công tác nghiên cứu chọn tạo giống lúa như sau:

1. Chọn tạo và phát triển được các giống lúa ngắn ngày (dưới 110 ngày ở phía Bắc và dưới 100 ngày ở phía Nam), có năng suất cao (tối thiểu 7,0 tấn vụ xuân và 6,0 tấn ở vụ mùa), chất lượng tốt (hàm lượng amylose dưới 22%, hạt gạo dài, trong, ít hoặc không bạc bụng), chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện bất thuận, được công nhận chính thức, bảo hộ quyền đối với giống cây trồng, là giống lúa chủ lực trong sản xuất ít nhất 10 năm, có giá trị hàng hóa tương đương 600 USD/tấn trở lên.

2. Chọn tạo và phát triển được các giống lúa thơm ngắn ngày (dưới 110 ngày ở phía Bắc và dưới 100 ngày ở phía Nam), có năng suất cao (tối thiểu 6,5 tấn/ha trong vụ xuân và 6,0 tấn /ha trong vụ mùa), chất lượng tốt (hàm lượng amylose dưới 22%, hạt gạo dài trên 7mm, có mùi thơm), chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện bất thuận, được công nhận chính thức, bảo hộ quyền đối với giống cây trồng, là giống lúa chủ lực trong sản xuất ít nhất 10 năm, đạt giá trị tương đương 800USD/tấn trở lên.

b. Một số kết quả nghiên cứu chọn tạo giống lúa tại Việt Nam trong những năm qua

Theo Nguyễn Trí Hoàn và cs. (2013), Viện cây lương thực và cây thực phẩm đã nghiên cứu và phát triển mở rộng sản xuất 10 giống lúa thuần năng suất cao, chất lượng tốt PC6, CH208, P376, P6ĐB, PĐ211, P9, HDT8, HT18, Trân Châu Hương - SH8 và Gia Lộc 102 tại các tỉnh phía Bắc và Duyên hải Nam Trung Bộ giai đoạn 2011-2013. Trong đó có các giống lúa tẻ thơm HT9, Trân Châu Hương - SH8, HT18, TH134, Tám Dự ĐB có thời gian sinh trưởng ngắn, vụ Xuân 125 - 135 ngày, vụ Mùa 95 - 110 ngày, thích hợp gieo cấy trong vụ Xuân muộn và vụ Mùa đang được phát triển mở rộng sản xuất tại các tỉnh phía Bắc (Nguyễn Xuân Dũng và cs., 2013).

Nguyễn Trọng Khanh và cs. (2013), Trung tâm nghiên cứu phát triển giống lúa thuần – Viện Cây lương thực và cây thực phẩm công bố kết quả chọn tạo và phát triển mở rộng sản xuất các giống lúa Gia Lộc 101, Gia Lộc 102, Gia Lộc 105, Gia Lộc 106, Gia Lộc 107, Gia Lộc 159, Gia lộc 160, LTh24, LTh31, Việt thơm 2. Trong đó giống lúa Gia Lộc 102 đã được công nhận cho sản xuất thử tại các tỉnh phía Bắc và duyên hải Nam Trung Bộ, giống có thời gian sinh trưởng 120 - 125 ngày trong vụ xuân, 85 - 90 ngày trong vụ mùa tại các tỉnh phía Bắc và 83 - 87 ngày trong vụ hè thu tại các tỉnh Trung Bộ, tiềm năng năng suất khá (55 - 65 tạ/ha trong vụ xuân, 50 - 60 tạ/ha trong vụ mùa hoặc hè thu), chất lượng gạo cao, hạt gạo dài trong, cơm mềm, dẻo, đậm, thơm.

Dương Xuân Tú và cs. (2013, 2016) đã công bố kết quả chọn tạo giống lúa thơm HDT8, HDT10 có gen thơm fgr được chọn bằng chỉ thị phân tử kết hợp đánh giá kiểu hình thực hiện từ 2006-2016. Giống HDT8 chọn từ tổ hợp lai Peai32/P6//Hương thơm số1 và được công nhận cho sản xuất thử tại các tỉnh phía Bắc theo Quyết định số 116/QĐ-TT-CLT ngày19/4/2012 của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT. Giống HTD10 chọn từ tổ hợp lai N46/ĐB6 có thời gian sinh trưởng ngắn 100 - 110 ngày trong vụ Mùa và 130 - 135 ngày trong vụ xuân, năng suất đạt 6,5 tấn/ha trong vụ Xuân và 6,0 tấn/ha trong vụ Mùa. Qua 3 vụ khảo nghiệm giống, HDT10 đã được Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống và Sản phẩm giống cây trồng Quốc gia kết luận là giống có triển vọng có nhiều đặc điểm tốt thích hợp cho gieo trồng trong vụ xuân và vụ mùa tại các tỉnh phía Bắc.

Tác giả Hà Văn Nhân và cs. (2016) đã công bố kết quả nghiên cứu chọn tạo giống N25 bằng chiếu xạ đột biến tia gamma Co60 trên giống 9311. Giống N25 có thời gian sinh trưởng cực ngắn 90-95 ngày trong vụ Mùa, 115-120 ngày trong vụ Xuân, năng suất trung bình đạt 55-63 tạ/ha, thâm canh cao có thể đạt 65-67 tạ/ha. Tỷ lệ gạo xay 81%, gạo nguyên 85%, hàm lượng amyloza 17,2%. Giống N25 đã được Bộ NN và PTNT công nhận là giống sản xuất thử theo QĐ số 609/QĐ-TTCLT ngày 30 tháng 12 năm 2015 và hiện nay giống lúa N25 đã được sản xuất thử rộng rãi tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hòa Bình, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.

Trong giai đoạn từ 2011 -2013 Viện Di truyền Nông nghiệp đã nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa thuần chất lượng, đặc sản gồm có DT68, ĐS1, QR1, QR2, QR14, DT39, J02, J01. Trong đó giống lúa ĐS1 là giống lúa Japonica chất lượng cao, đã được sản xuất rộng ở Thái Bình, Hải Dương, Hòa Bình, Thái Nguyên, Yên Bái, Sơn La, Cao Bằng, Thái Nguyên và vùng Tây Nguyên cho năng suất cao và ổn định, diện tích đạt khoảng 3000 ha/vụ. Giống lúa QR1, QR2, QR14 ngắn ngày, năng suất và chất lượng gạo ngon, hạt dài, chống chịu sâu bệnh tốt, dễ canh tác, có tính thích nghi rộng. Giống QR1 đã được các địa phương Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Thái Bình, Nam Định, Bắc Giang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La sản xuất với tổng diện tích khoảng 3.428,7 ha/vụ. Giống lúa J01, J02 là các giống có tiềm năng về năng suất và chất lượng cao, chịu lạnh tốt, đã được trồng phổ biến ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc, tham gia cơ cấu mùa sớm trong các chương trình sản xuất lúa chất lượng tại Thái Nguyên, Ninh Bình, Nghệ An, Thái Bình, Hải Dương, Yên Bái, Điện Biên, Thanh Hóa, Bắc Giang, Bắc Ninh. Giống lúa DT68 chất lượng gạo ngon, ngắn ngày, chịu hạn đã được triển khai sản xuất đại trà tại Thái Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Kạn. Giống đã được sản xuất quy mô lúa hàng hóa và gạo xuất khẩu, sản lượng 2000 tấn gạo/năm (Lê Huy Hàm, 2013),

Phạm Thị Ngọc Yến và cs. (2013) đã công bố kết quả nghiên cứu và phát triển mở rộng sản xuất giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt Hương cốm 4. Giống có thời gian sinh trưởng ngắn 105-110 ngày vụ mùa, 125-140 ngày vụ xuân. Năng suất khá (4,5-7 tấn/ha) và ổn định, chất lượng gạo tốt: hạt gạo thon dài trắng bạc (chiều dài hạt 6,5cm, tỷ lệ chiều dài/chiều rộng > 3,7- 4,4 lần) tỷ lệ gạo nguyên cao, hàm lượng amylose 17,9-18,5%, protein 7,9-8,2%, chất lượng

cơm ngon, thơm nhẹ, mềm dẻo, bóng, ngọt đậm. Giống Hương cốm 4 thích hợp mở rộng sản xuất tại các tỉnh Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và Hà Tĩnh.

Nguyễn Thị Lệ vàcs. (2014) đã công bố kết quả nghiên cứu chọn tạo giống Bắc thơm số 7 kháng bạc lá (BT7 KBL) có chứa gen kháng bệnh bạc lá Xa21 được chọn bằng phương pháp lai trở lại và chọn lọc cá thể. Giống BT7KBL có các đặc điểm nông sinh học như giống Bắc thơm số 7 (BT7), thời gian sinh trưởng ngắn vụ xuân 130-135 ngày, vụ mùa 103-105 ngày, năng suất khá, ổn định trung bình đạt 5,0-5,5 tấn/ha, chất lượng gạo ngon. Giống đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và cho mở rộng sản xuất ở các tỉnh phía Bắc, giống thích hợp cho vụ Xuân muộn và Mùa sớm.

Theo Lê Quốc Thanh và cs. (2016) nghiên cứu đánh giá 9 dòng, giống lúa Japonica nhập nội tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và miền núi phía Bắc (MNPB) đã lựa chọn được 4 giống lúa ĐS1, ĐS3, J01 và J02 có năng suất cao hơn so giống lúa thuần BT7, Khang Dân 18, Hương thơm số1, Nếp 87, Nếp 97 trong cùng một điều kiện canh tác ở cả 2 vụ lúa Xuân và lúa Mùa. Ưu thế về năng suất của các giống lúa Japonica biểu hiện rõ ở vụ Xuân là chịu rét, năng suất cao: giống ĐS1 đạt từ 67,8 tạ/ha (Hưng Yên) đến 72,6 tạ/ha (Thái Bình); giống J01 đạt từ 68,5 tạ/ha tại Hưng Yên đến 73,3 tạ/ha tại Thái Bình; giống J02 từ 62 tạ/ha (Hưng Yên) đến 68 tạ/ha (Thái Bình, Ninh Bình); giống ĐS3 đạt 67,5 tạ/ha (Hưng Yên). Vụ Mùa các giống lúa Japonica đều cho năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, ổn định.

Theo Trần Mạnh Báo và cs. (2016), Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình được công nhận chính thức giống lúa TBR225 theo Quyết định số 202/QĐ - TT - CLT ngày 9 tháng 6 năm 2015. Giống lúa TBR225 cho năng suất từ 6,5 - 7,5 tấn/ha, cao hơn đối chứng Khang dân 18 (KD18) từ 3,76 - 11,44% và cao hơn so với Hương thơm 1 từ 4,87 - 15,67%, chiều dài trên 6,8 mm, thuộc nhóm hạt dài, hàm lượng amylose thấp (13,7%).

Theo Nguyễn Thị Lang và cs. (2016), Viện nghiên cứu lúa Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn 2011 – 2015 đã được bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn công nhận chính thức 7 giống lúa thuần chất lượng phục vụ xuất khẩu OM6161, OMCS2009, OM6600, OM5629, OM5954, OM6377, OM5891.

+ Giống OM6600 được công nhận theo quyết định số 711/QĐ-TT-CLT ngày 07/12/2011, giống có chiều dài hạt gạo là 7,2mm, hàm lượng amylose

19,52%, mùi thơm cấp 1, bạc bụng cấp 0, khả năng kháng bệnh đạo ôn cấp 3, rầy nâu cấp 3 và năng suất trung bình khoảng 6,5 - 7,5 tấn/ha. Đến hết năm 2012 diện tích sản xuất giống OM6600 14.590 ha.

+ Giống lúa OM6377 được công nhận theo quyết định số 711/QĐ-TT-CLT ngày 07/12/2011, giống có chiều dài hạt 7,1mm, dài/rộng 3,8, giống chịu phèn khá, chịu mặn trồng cho vùng lúa tôm, thích nghi các vụ trong năm, kháng được bệnh đạo ôn cấp 3 - 5 và kháng rầy nâu cấp 3. Năng suất trung bình 6 - 8 tấn/ha. Đến hết năm 2012, diện tích sản xuất giống OM6377 đạt 23.711,3 ha.

+ Giống OM5954 được công nhận theo quyết định số 711/QĐ-TT-CLT ngày 07/12/2011. Giống lúa OM5954 có chiều dài hạt gạo là 7,1 mm, hàm lượng amylose 22%, mùi thơm cấp 1, bạc bụng cấp 1, khả năng kháng rầy nâu và đạo ôn cấp 3, có khả năng chống chịu mặn và năng suất trung bình từ 5 - 7 tấn/ha.

+ Giống OMCS2009 được công nhận theo quyết định số 711/QĐ-TT-CLT ngày 07/12/2011. Giống lúa OMCS2009 có chiều dài hạt gạo 7,1mm, hàm lượng amylose từ 22 - 23%, bạc bụng cấp 3, khả năng kháng bệnh đạo ôn cấp 4, kháng rầy nâu cấp 3 - 7 và năng suất trung bình từ 5-7 tấn/ha. Diện tích mở rộng sản xuất giống OMCS2009 đến hết năm 2012 đạt 34.700 ha.

+ Giống lúa OM5981 được công nhận theo quyết định số 711/QĐ-TT- CLT, ngày 07/12/2011. Giống lúa OM5981 có chiều dài hạt 7,1mm, hàm lượng amylose 24,5 độ bạc bụng cấp 1, mùi thơm cấp 0, năng suất trung bình 5 - 7 tấn/ha. Chống chịu phèn tốt, chịu mặn 6 - 8‰. Rầy nâu kháng cấp 3, đạo ôn hơi kháng cấp 3. Diện tích mở rộng sản xuất đến hết năm 2012 đạt 12.986 ha.

Trần Thị Cúc Hòa và cs. (2016), Viện nghiên cứu lúa Đồng bằng sông Cửu Long còn được công nhận đặc cách giống lúa OM 8017 theo quyết định số 201/QĐ-TT-CLT ngày 09/06/2015. Giống lúa OM9605 được chọn tạo từ tổ hợp lai OM6976/OM6072 và được công nhận là giống sản xuất thử theo quyết định số 221/QĐ- TT-CLT ngày 02/06/2016.

Theo Trần Thị Hồng Thắm (2016) thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam đã nghiên cứu và phát triển mở rộng sản xuất giống lúa ĐTM126, ĐTM192 có nhiều đặc tính ưu việt, khắc phục được một số nhược điểm của giống lúa IR50404 đang phổ biến trong sản xuất đại trà ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Đồng Tháp Mười nói riêng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tuyển chọn một số dòng, giống lúa thuần năng suất chất lượng cho các tỉnh phía bắc (Trang 26 - 32)