Chiều dài và hình dạng hạt gạo lật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tuyển chọn một số dòng, giống lúa thuần năng suất chất lượng cho các tỉnh phía bắc (Trang 72 - 75)

Theo IRRI (2002), chiều dài hạt gạo được chia thành 4 nhóm: hạt ngắn (< 5,50mm); hạt trung bình (5,51-6,60mm) và hạt dài (6,60-7,50mm) và quá dài (>7,50mm).

Số liệu trong Bảng 4.16 cho thấy: Chiều dài hạt gạo lật trung bình các dòng/giống lúa từ 6,0 – 7,35 mm trong vụ Mùa 2016 và từ 6,07-7,41mm trong vụ Xuân 2017 tại 2 địa điểm thí nghiệm. Theo hệ thống đánh giá của IRRI (2002), các dòng hạt dài gồm NSC15-8, NS1, NS2, NSC16-44, NSC16-46, NSC16-47, SSC - TT15, SSC - D23. Dòng NSC16 - 14 và NSC16-1 có chiều dài hạt gạo lật trung bình.

Các dòng lúa thuần mới và các giống đối chứng có tỷ lệ chiều dài/chiều rộng hạt gạo > 3 do đó theo hệ thống đánh giá của IRRI (2002) thuộc nhóm hạt thon dài. Trong vụ Xuân 2017 hạt lúa vào mẩy hơn vụ Mùa 2016 nên tỷ lệ chiều dài/chiều rộng hạt gạo nhỏ hơn.

4.7.2. Chất lượng xay xát

- Tỷ lệ gạo xay

Gạo xay hay còn được gọi là gạo lật sau khi đã được loại bỏ vỏ trấu. Trong hạt thóc tỉ lệ vỏ trấu trung bình từ 20 - 22%, có thể thay đổi từ 18 - 26%. Tỷ lệ gạo xay không những phụ thuộc vào đặc tính di truyền của các giống mà còn phụ thuộc vào điều kiện ngoại cảnh, do đó yếu tố mùa vụ sản xuất trong năm có ảnh hưởng tới tỷ lệ gạo xay. Chất lượng gạo xay được đánh giá theo tiêu chuẩn của IRRI (1996) như sau: Tốt (>79%), trung bình (75 -79%), kém (<75%).

Kết quả trong Bảng 4.17 và 4.18 cho thấy, các dòng/giống lúa tham gia thí nghiệm có tỷ lệ gạo xay trong vụ Mùa 2016 dao động từ 77,5 - 81,7 % và trong vụ Xuân 2017 dao động từ 78,0 - 83,7%. Tỷ lệ gạo xay của dòng NSC15-8 đạt từ 80,0 – 82,0 %, dòng NS1 đạt từ 79,8 – 82,5%, dòng NS2 đạt từ 79,5 – 81.7%, dòng SSC-TT15 đạt từ 79,2 – 80,6%, dòng SSC-D23 đạt từ 79,9 – 83,7% thuộc nhóm có chất lượng gạo xay tốt theo thang điểm của IRRI (1996).

- Tỷ lệ gạo xát

Theo Nguyễn Thị Lang và Bùi Chí Bửu (2013), trong hạt thóc còn chứa phôi và vỏ cám chiếm tỷ lệ 8-10% tùy thuộc vào giống, do đó tỉ lệ gạo trắng thường ở vào khoảng 70%. Tỷ lệ gạo xát phụ thuộc vào bản chất di truyền của giống, thời gian thu hoach bảo quản, ẩm độ của hạt trước khi xay xát và trang thiết bị xay xát.

Theo Lê Doãn Diên (1995) chất lượng lúa Việt Nam có tỷ lệ gạo xát được xếp hạng như sau: xếp hạng cao (68,1 – 72,0%), trung bình (65,0 - 68,0%) và

thấp (< 65%). Theo IRRI (1996) tiêu chuẩn phân cấp chất lượng gạo xát như sau: Rất tốt (> 70%), tốt (65,1-70%), trung bình (60 - 65%), kém (< 60%).

Tỷ lệ gạo xát trong vụ Mùa 2016 dao động từ 61,4 – 68,7 % và trong vụ Xuân 2017 dao động từ 60,2 - 68,7%. Các dòng có NSC15-8 (66,3 – 67,9%), dòng NS1 (66,9 – 68,0%), dòng NS2 (67,4 - 68,7%), dòng SSC-D23 (66,5 – 67,5%), dòng SSC-TT15 (65,9 – 67,0%), dòng NSC16-44 (65,5 - 67,5%), dòng NSC16-46 (65,9 - 67,2%), dòng NSC16-47 (66,2 – 68,4%) xếp hạng tốt theo thang điểm của IRRI (1996).

- Tỷ lệ gạo nguyên

Tỷ lệ gạo nguyên biến động rất lớn và chịu ảnh hưởng rất mạnh mẽ của môi trường, đặc biệt là nhiệt độ và ẩm độ trong suốt thời gian chín, kéo dài đến lúc sau thu hoạch, đặc biệt là điều kiện phơi sấy, bảo quản. Nếu phơi sấy hạt khô đột ngột sẽ làm hạt gãy nhiều, tỷ lệ gạo nguyên giảm, ảnh hưởng lớn đến chất lượng gạo (Nguyễn Văn Hoan, 2006). Theo IRRI (1996), tỷ lệ gạo nguyên được phân cấp như sau: Rất tốt (> 57%), tốt (46,0 – 56,9%), trung bình (39,0 – 45,9%), kém (30,0 – 38,9%).

Các dòng lúa và giống đối chứng có tỷ lệ gạo nguyên dao động từ 58,3 – 85,9% trong vụ Mùa 2016 và trong vụ Xuân 2017 dao động từ 41,2 – 67,1%. Trong vụ Xuân 2017 giai đoạn lúa chín và thu hoạch có nắng nóng (nhiệt độ > 400C) nên hạt bị nứt gãy nhiều, giảm tỷ lệ hạt gạo nguyên.

Theo thang điểm của IRRI (1996) chất lượng gạo nguyên rất tốt (trên 57%) gồm dòng NSC15-8 (58,9 – 85,9%), dòng NS1 (57,6 – 83,6%), dòng NS2 (57,8 - 75,6%), dòng SSC-TT15 (57,6 -75,9%), SSC - D23 (59,1 - 82,3%) và 2 giống đối Thiên ưu 8 (57,6 - 83,4%), TBR225 (57,4 - 71,2%). Dòng NSC15-8 và SSC - D23 có tỷ lệ gạo nguyên tốt hơn so với giống Thiên ưu 8 và TBR225. Dòng NS1 tỷ lệ gạo nguyên tương đương Thiên ưu 8.

- Tỷ lệ gạo trắng trong

Độ trắng trong hạt gạo phụ thuộc vào tính chất của nội nhũ, vết đục xuất hiện ở lưng, bụng hoặc trung tâm hạt gạo làm giảm tỷ lệ gạo trắng trong. Sự thay đổi khí hậu (nhiệt độ cao khi lúa trỗ) có ảnh hưởng đáng kể đến việc tăng độ bạc bụng giảm hạt trắng trong (Nguyễn Thị Lang và Bùi Chí Bửu, 2013).

Các dòng lúa và giống đối chứng có tỷ lệ gạo trắng dao động từ 29,3 – 85,2% trong vụ Mùa 2016 và dao động từ 44,4 – 91,2% trong vụ Xuân 2017. Tỷ

lệ gạo trắng trong của dòng NSC15-8 (81,5 -91,2%) và NS1 (72,1 - 87,5%) cao hơn giống đối chứng Thiên ưu 8 (71,5 - 81,2%).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tuyển chọn một số dòng, giống lúa thuần năng suất chất lượng cho các tỉnh phía bắc (Trang 72 - 75)