Chùm ngây là cây trồng có nhiều tác dụng, có hàm lượng dinh dưỡng cao trong các bộ phận của cây như lá của cây chứa nhiều khoáng chất quan trọng như: chất đạm, vitamins, beta-carotene, acid amin và nhiều hợp chất khó gặp tại các cây khác như zeatin, nhóm hợp chất flavonoid... nên được sử dụng nhiều trong thực phẩm và chế biến.
Với nhu cầu thực phẩm an toàn như hiện nay, chùm ngây là một cây trồng đảm bảo được an toàn thực phẩm nếu chúng ta kiểm soát được lượng phân bón trên nền đất đủ điều kiện sản xuất rau an toàn vì cây chùm ngây gần như kháng sâu bệnh, chỉ bị nhiễm một số ít đối tượng gây hại như ruồi đục quả Gitona spp., các loài bọ cánh cứng hại lá cây con và cây chồi giâm hom như: Mylloceus discolor, M. viridanus, Ptochus ovulum, thực vật ký sinh Dendrophthoe flacata
và các nấm hại như: Cercospora moringicola, Sphaceloma morindae, Puccinia moringae, Oidium sp, Polyporus gilvus… nên việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở thời kỳ sinh trưởng và thu hoạch là không có.
Nghiên cứu ảnh hưởng của phân bón đến sinh trưởng và năng suất của cây chùm ngây theo hướng hữu cơ là nhằm mục đích tìm ra được liều lượng phân bón thích hợp cho cây chùm ngây sinh trưởng tốt đạt năng suất cao đem lại hiệu quả kinh tế cho người trồng và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Nắm được nhu cầu tiêu dùng sản phẩm chùm ngây, diện tích trồng, mục đích sử dụng chùm ngây trên địa bàn Hà Nội sẽ giúp nông dân, các nhà đầu tư có cơ sở để định hướng phát triển cây chùm ngây cho phù hợp.