- Hệ tư tưởng là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, quan niệm của một giai cấp đã được hệ thống hóa, khái quát hóa
2. Vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử
Quần chúng nhân dân đóng vai trò quyết định đối với mọi tiến trình lịch sử. Vai trò đó được thể hiện ở ba mặt:
Một là, quần chúng nhân dânlà lực lượng sản xuất cơ bản của xã hội, trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất – cơ sở của sự tồn tại và phát triển của xã hội. Không có người trực tiếp sản xuất sẽ không có của cải vật chất, không có đời sống vật chất, và do đó cũng không có đời sống tinh thần, không có xã hội, không có lịch sử. Với tư cách là lực lượng sản xuất cơ bản, nhân dân lao động gồm cả lao động chân tay và lao động trí óc đã quyết định sự biến đổi của lịch sử, bởi vì xét đến cùng, lực lượng sản xuất qui định sự xuất hiện, đảm bảo sự tồn tại của một chế độ xã hội. Dĩ nhiên, khoa học và các nhà khoa học, nhất là trong điều kiện cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện nay, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Song khoa học và các nhà khoa học chỉ có thể xuất hiện và phát huy tác dụng thông qua thực tiễn sản xuất của quần chúng nhân dân lao động, nhất là đội ngũ công nhân hiện đại và trí thức trong nền sản xuất xã hội, của thời đại kinh tế tri thức. Nếu tách rời hoạt động sản xuất trực tiếp, khoa học sẽ trở thành giáo điều, vai trò của các nhà khoa học do đó sẽ bị hạn chế. Điều đó khẳng định hoạt động sản xuất của quần chúng nhân dân là điều kiện cơ bản để quyết định sự tồn tại và phát triển xã hội.
Hai là, quần chúng nhân dân là động lực cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội. Thực tế lịch sử chứng tỏ rằng, không có sự chuyển hoá chế độ và cách mạng xã hội nào trong lịch sử mà không có hoạt động đông đảo của quần chúng nhân dân. Trong mọi cuộc cách mạng xã hội, vai trò của quần chúng, tính tích cực của quần chúng được nâng cao rõ rệt. Trong những thời điểm lịch sử đó, tính sáng tạo và sức mạnh của quần chúng là động lực trực tiếp và mạnh mẽ thúc đẩy tiến bộ xã hội. Nếu xem xét căn nguyên của các cuộc cách mạng xã hội thì chúng ta có thể thấy, chỉ có các chế độ xã hội phản ánh và đáp ứng nhu cầu, lợi ích của quần chúng nhân dân mới có lý do tồn tại. Do đó, các cuộc cách mạng xã hội là kết quả tất yếu của phong trào đấu tranh đòi thay đổi chế độ xã hội của quần chúng, khi chế độ xã hội này đi ngược lại lợi ích của quần chúng.
Ba là, quần chúng nhân dânlà người sáng tạo ra những giá trị văn hoá – tinh thần của xã hội. Điều này được thể hiện ở chỗ: Quần chúng nhân dân là người sáng tác về văn học, nghệ thuật, khoa học, y học, quân sự, kinh tế, chính trị, đạo đức…; Hoạt động thực tiễn và cuộc sống của quần chúng nhân dân là nguồn cảm hứng vô tận cho các thiên tài của văn hoá và khoa học; hơn nữa, giá trị của các tác giả lớn, cũng như thiên tài loài người chỉ được xác định nếu nó được quần chúng chấp nhận và phổ biến trong cuộc sống của họ.
Tóm lại, xét trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế đến chính trị, từ hoạt động vật chất đến hoạt động tinh thần, quần chúng nhân dân luôn đóng vai trò quyết định trong lịch sử. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của các thời đại lịch sử khác nhau mà vai trò chủ thể của quần chúng nhân dân có thể biểu hiện khác nhau. Dưới chủ nghĩa xã hội, quần chúng nhân dân mới có đủ
điều kiện để phát huy tài năng và trí tuệ sáng tạo của mình. Nhưng, sức mạnh của quần chúng nhân dân chỉ được phát huy khi họ được hướng dẫn, tổ chức, lãnh đạo. Nói rõ hơn, vai trò sáng tạo ra lịch sử của quần chúng nhân dân không tách rời vai trò của lãnh tụ.