Phần 2 Tổng quan tài liệu
2.1. Cơ sở khoa học cho việc sử dụng hợp lí đất đai
2.1.3. Biến động sử dụng đất và các vấn đề liên quan
- Biến động đất đai: Biến động là bản chất của mọi sự vật, hiện tượng. Mọi sự vật, hiện tượng không bao giờ bất biến mà luôn luôn biến động không ngừng, động lực của mọi sự biến động đó là quan hệ tương tác giữa các thành phần tự nhiên và xã hội. Như vậy để khai thác tài nguyên đất đai của một khu vực có hiệu quả, bảo vệ nguồn tài nguyên quí giá này và không làm suy thoái môi trường tự nhiên thì nhất thiết phải nghiên cứu biến động của đất đai. Sự biến động đất đai do con người sử dụng vào các mục đích kinh tế - xã hội có thể phù hợp hay không phù hợp với quy luật của tự nhiên, cần phải nghiên cứu để tránh việc sử dụng đất đai có tác động xấu tới môi trường sinh thái.
Nghiên cứu biến động đất đai là xem xét quá trình thay đổi của diện tích đất đai thông qua thông tin thu thập được theo thời gian để tìm ra quy luật và những nguyên nhân thay đổi từ đó có biện pháp sử dụng đúng đắn với nguồn tài nguyên này. Biến động sử dụng đất đai bao gồm các đặc trưng sau:
+ Quy mô biến động: Biến động về diện tích sử dụng đất nói chung;biến động về diện tích của từng loại hình sử dụng đất;biến động về đặc điểm của từng loại đất chính.
+ Mức độ biến động:
Mức độ biến động thể hiện qua số lượng diện tích tăng hoặc giảm của các loại hình sử dụng đất giữa đầu thời ký và cuối thời kỳ nghiên cứu.
Mức độ biến động được xác định thông qua việc xác định diện tích tăng, giảm và số phần trăm tăng, giảm của từng loại hình sử dụng đất đai giữa cuối và đầu thời kỳ đánh giá.
+ Xu hướng biến động: Xu hướng biến động thể hiện theo hướng tăng hoặc giảm của các loại hình sử dụng đất; xu hướng biến động theo hướng tích cực hay tiêu cực.
Do nhà nước: Nhà nước thu hồi, giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước và ngoài nước theo quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Do người sử dụng đất: Nhu cầu chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp theo quy định của pháp luật về các quyền của người sử dụng đất.
Do cấp lại, đổi mới GCNQSDD do mất giấy thay đổi tên chủ hộ...
Các yếu tố tự nhiên của địa phương là cơ sở quyết định cơ cấu sử dụng đất đai vào các mục đích kinh tế - xã hội, bao gồm các yếu tố sau: vị trí địa lý, địa hình, khí hậu, thuỷ văn, thảm thực vật.
Các yếu tố kinh tế - xã hội của địa phương có tác động lớn đến sự thay đổi diện tích của các loại hình sử dụng đất đai, bao gồm các yếu tố: sự phát triển của các ngành kinh tế (dịch vụ, xây dựng, giao thông và các ngành kinh tế khác, …); sự gia tăng dân số; các dự án phát triển kinh tế của địa phương; thị trường tiêu thụ các sản phẩm hàng hoá,…
- Ý nghĩa thực tiễn của việc đánh giá biến động đất đai
Đánh giá biến động sử dụng đất đai có ý nghĩa rất lớn đối với việc sử dụng đất đai: Việc đánh giá biến động của các loại hình sử dụng đất là cơ sở phục vụ cho việc khai thác tài nguyên đất đai đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.
Mặt khác, khi đánh giá biến động sử dụng đất đai cho chúng ta biết được nhu cầu sử dụng đất đai giữa các ngành kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Dựa vào vị trí địa lý, diện tích tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của khu vực nghiên cứu, từ đó biết được sự phân bố giữa các ngành, các lĩnh vực kinh tế và biết được những điều kiện thuận lợi, khó khăn đối với nền kinh tế - xã hội và biết được đất đai biến động theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực nhằm đưa ra phương hướng phát triển đúng đắn cho nền kinh tế và các biện pháp sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đất đai, bảo vệ môi trường sinh thái.
Do đó đánh giá biến động sử dụng đất có ý nghĩa hết sức quan trọng, là tiền đề, cơ sở đầu tư và thu hút nguồn đầu tư từ bên ngoài, để phát triển đúng hướng, ổn định trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia.