Đặc điểm sinh lý và sinh trưởng của lợn con và các yếu tố ảnh hưởng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) năng suất sinh sản của lợn nái lai f1 (landrace x yorkshire), f1 (yorkshire x landrace) phối với đực duroc và pidu nuôi tại công ty TNHH lợn giống DABACO (Trang 29 - 34)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.1. Cơ sở khoa học của vấn đề nghiên cứu

2.1.4. Đặc điểm sinh lý và sinh trưởng của lợn con và các yếu tố ảnh hưởng

tới khả năng sinh trưởng

2.1.4.1. Đặc điểm sinh lý và sinh trưởng phát triển của lợn con

Đối với lợn con khả năng sinh trưởng có liên quan chặt chẽ và ảnh hưởng mang tính quyết định tới khối lượng cai sữa và khối lượng xuất chuồng sau này.

Sau khi được sinh ra khỏi cơ thể mẹ, lợn con sẽ phải trải qua 4 giai đoạn (bú sữa, thành thục, trưởng thành và già cỗi). Giai đoạn bú sữa rất quan trọng, nó ảnh hưởng tới khối lượng lợn con cai sữa. Nếu nuôi dưỡng tốt lợn con ở giai đoạn này sẽ làm tăng khả năng sinh sản của lợn mẹ và làm cơ sở cho quá trình sinh trưởng của lợn con ở những giai đoạn tiếp theo.

Đặc điểm sinh trưởng của lợn con: lợn con có khả năng sinh trưởng rất mạnh, thể hiện bằng khả năng tăng khối lượng của cơ thể. Sau khi đẻ ra 1 tuần khối lượng lợn con đã gấp 2 lần khối lượng sơ sinh, đến khi cai sữa ở 60 ngày tuổi gấp 10- 15 lần. Khối lượng cai sữa chịu ảnh hưởng và có liên quan chặt chẽ với khối lượng sơ sinh. Khối lượng sơ sinh càng cao thì khả năng khối lượng cai sữa cao càng lớn. Trong chăn nuôi lợn nái chửa, việc chăm sóc nuôi dưỡng tốt để có khối lượng sơ sinh lớn là cần thiết, làm tiền đề cho khối lượng cai sữa cao. Khối lượng sơ sinh cao còn là điều kiện đảm bảo cho tỷ lệ nuôi sống đến cai sữa cao. Tốc độ sinh trưởng của lợn con lớn nhất ở 21 ngày tuổi, sau đó giảm dần và giảm nhanh hơn cho đến 60 ngày tuổi. Điều này phù hợp với qui luật tiết sữa của lợn mẹ (cao nhất về số lượng và chất lượng ở 21 ngày sau đẻ, giảm dần đến 45 ngày sau đó giảm rất nhanh). Mặt khác sau 21 ngày tuổi, lượng sắt trong máu lợn con rất thấp do lượng dự trữ trong gan đã hết làm cho lợn con mắc bệnh thiếu máu, ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng phát dục của lợn con. Để giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu dinh dưỡng của con ngày càng tăng mà dinh dưỡng từ sữa mẹ giảm, cần tập cho lợn con ăn sớm vào giai đoạn từ 7 đến 10 ngày tuổi. Việc này có tác dụng rất lớn trong chăn nuôi lợn nái sinh sản, vừa đảm bảo đáp ứng dinh dưỡng cho con vừa làm giảm sự hao mòn của lợn mẹ, đồng thời làm cho lợn con quen dần với các loại thức ăn sau này.

Các chỉ tiêu đánh giá khả năng sinh trưởng của lợn con giai đoạn từ sơ sinh đến cai sữa

- Khối lượng lợn con sơ sinh/ổ (kg): Tổng khối lượng của lợn con sơ sinh còn sống theo dõi trong 24 giờ sau khi lợn nái đẻ xong con cuối cùng.

ở thời điểm cai sữa mẹ nuôi riêng của 1 lứa đẻ.

- Tăng khối lượng cơ thể từ sơ sinh đến cai sữa (gam/con/ngày) - Tiêu tốn thức ăn/kg lợn con (kg).

2.1.4.2. Các yếu tố ảnh hưởng

Các tính trạng về khả năng sinh trưởng của vật nuôi nói chung và của lợn nói riêng đều là những tính trạng số lượng chịu ảnh hưởng của yếu tố di truyền và yếu tố ngoại cảnh.

Ảnh hưởng của yếu tố di truyền:

Các giống lợn khác nhau có khả năng sinh trưởng, cho thịt khác nhau (Evan, 2003).

Giống ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng, khả năng tích luỹ mỡ. Các giống lợn địa phương thường có tốc độ sinh trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn và tỷ lệ nạc thấp, nhưng tỷ lệ mỡ trong cơ lại cao (Labroue et al., 2000).

Con lai cho ưu thế lai cao hơn bố mẹ về tăng trọng (10%) và thu nhận hàng ngày (Sellier et al., 1998). Theo Liu Xiaochun et al. (2000), con lai 3 giống có ưu thế lai về tăng trọng tới 16,44 %, ưu thế lai về tiêu tốn thức ăn là -8,18%, trong khi đó con lai trở ngược có ưu thế lai về tăng trọng chỉ đạt 7,03 %, tiêu tốn thức ăn là - 2,7%.

Để tạo ra dòng, giống có sức sản xuất cao phải chọn lọc những cơ thể đực và cái có đặc tính di truyền mong muốn cho giao phối, trong quá trình đó cần chọn lọc những cá thể có đặc tính tốt để củng cố tính di truyền. Kết hợp với phương pháp chọn giống ta còn phải tiến hành lai tạo để nâng cấp khả năng sinh trưởng của giống đó.

Về phương diện sinh trưởng và cho thịt ở lợn, mối quan tâm chủ yếu tới nhân tố di truyền chính là việc tạo ra ưu thế lai. Chính vì vậy mà hầu hết đàn lợn thương phẩm ở các nước là lợn lai.

Bên cạnh giống và ưu thế lai, các tính trạng nuôi vỗ béo, thân thịt và chất lượng thịt cũng bị chi phối bởi một số gen như gen halothan, tính nhạy cảm stress với halothan chủ yếu làm giảm nhanh pH trong cơ sau khi giết thịt. Điều này làm tăng thịt PSE (Pale Sorf Excudative: nhợt, mềm và rỉ nước) ở các lợn mắc hội chứng stress.

thịt của con vật đó là do sự cấu thành của cơ thể khác nhau điều này được chi phối bởi tác động của hormone. Thường ở lợn đực có khối lượng nạc cao hơn lợn nái và đực thiến, tuy nhiên nhu cầu năng lượng cho duy trì của lợn đực cũng lớn hơn lợn cái và đực thiến. Một số công trình nghiên cứu cho rằng lợn đực thiến có mức độ tăng khối lượng cao hơn, tiêu tốn thức ăn thấp hơn.

Ảnh hưởng của yếu tố ngoại cảnh:

Các yếu tố ngoại cảnh ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của lợn nói riêng và của gia súc, gia cầm nói chung bao gồm rất nhiều yếu tố: Cơ sở chăn nuôi và chuồng trại, điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, quản lý và sử dụng,…

- Ảnh hưởng của cơ sở chăn nuôi và chuồng trại

Cơ sở chăn nuôi và chuồng trại biểu thị tổng hợp sự chăm sóc, quản lý, nuôi dưỡng đàn lợn. Lợn sẽ phát huy được hết tiềm năng và cho sức sản xuất cao trong điều kiện chăn nuôi phù hợp với đặc tính của chúng. Thông thường, khi bị nuôi trong chuồng chật hẹp thì khả năng tăng trọng của lợn là thấp hơn so với được nuôi trong điều kiện chuồng trại rộng rãi.

- Ảnh hưởng của yếu tố dinh dưỡng

Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng nhất trong số các yếu tố ngoại cảnh chi phối sinh trưởng và khả năng cho thịt của gia súc. Một khẩu phần đầy phù hợp cho từng giai đoạn phát triển, từng mục tiêu sản xuất với một chế độ ăn hợp lý sẽ tạo điều kiện cho lợn phát huy được hết tiềm năng di truyền của nó. Trong khẩu phần ăn của lợn ngoài việc phải đầy đủ các chất dinh dưỡng thì yêu cầu sự cân bằng dinh dưỡng và chất lượng thức ăn là rất quan trọng, nó tăng tỷ lệ hấp thu, giảm chi phí năng lượng cho tiêu hóa từ đó tăng tỷ lệ tiêu hóa thức ăn và làm giảm tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng.

Mối quan hệ giữa năng lượng và protein là yếu tố quan trọng giúp cho việc điều khiển tốc độ tăng trọng, tỉ lệ nạc mỡ và tiêu tốn thức ăn của lợn thịt. Theo Wood et al. (2004), nuôi lợn thịt bằng khẩu phần protein thấp, lợn sẽ sinh trưởng chậm, khối lượng giết thịt thấp. Mức năng lượng và protein thấp trong khẩu phần làm tăng khả năng tích luỹ mỡ, tăng tỷ lệ mỡ trong cơ (Chang et al., 2003).

Tốc độ tăng khối lượng, chất lượng thịt cũng thay đổi tuỳ thuộc vào mối quan hệ giữa các vitamin với nhau và giữa vitamin với protein và khoáng. Bên cạnh đó hàng loạt nghiên cứu đã xác nhận tác dụng của việc bổ sung các axit

amin giới hạn vào khẩu phần lợn thịt: tăng trọng tăng, tiết kiệm được thức ăn và protein. Chất khoáng cũng đặc biệt quan trọng với lợn thịt. Jondreville et al. (2003) cho biết bổ sung Cu, Zn một cách hợp lý vào khẩu phần có tác dụng làm tăng khả năng sinh trưởng và giảm ô nhiễm môi trường. Hiệu quả sử dụng protein bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Lợn hướng nạc có hiệu quả sử dụng protein cao hơn so với lợn hướng mỡ, lợn còn non cao hơn lợn trưởng thành, lợn đực cao hơn lợn cái và lợn đực thiến. Khẩu phần có đủ axit amin tốt hơn khẩu phần không đủ.

Thời gian nuôi:

Dựa vào quy luật sinh trưởng tích lũy chất dinh dưỡng trong cơ thể lợn, người ta đề ra 3 phương thức nuôi: nuôi lấy nạc đòi hỏi tăng trọng nhanh, thường kết thúc khi lợn có khối lượng 80-90 kg, nuôi theo hướng kiêm dụng nạc - mỡ, thời gian nuôi dài hơn, còn phương thức nuôi lấy mỡ cần thời gian nuôi dài, khối lượng giết thịt lớn hơn 2 phương thức kia.

Đinh Văn Chỉnh và cs. (1995) nghiên cứu trên lợn kiểm tra cá thể cho biết: độ lớn của hệ số tương quan giữa độ dày mỡ lưng so với tỷ lệ mỡ giảm dần theo tuổi, sự tích luỹ mỡ tăng dần theo sự tăng về khối lượng. Cứ tăng 10kg khối lượng thì độ dày mỡ lưng tăng khoảng 1mm ở tất cả các điểm.

Thành phần hoá học của cơ thể thay đổi phụ thuộc vào tuổi của gia súc, khối lượng, tính biệt, chế độ chăm sóc nuôi dưỡng. Khi sơ sinh, nước chiếm 77%, protein 18%, lipit 2% và khoáng tổng số là 3%. Ở giai đoạn trưởng thành nước chiếm 64-65%, protein 16%, lipit 16% và khoáng tổng số 3%. Khối lượng cơ thể càng tăng, tỷ lệ mỡ càng cao. Thời gian nuôi càng dài, tỷ lệ mỡ trong thân thịt càng tăng và tỷ lệ nạc càng giảm.

Các yếu tố chăm sóc nuôi dưỡng:

Nhiệt độ chuồng nuôi thấp hoặc cao hơn nhiệt độ giới hạn thích ứng cho phép đều là các yếu tố bất lợi đối với sinh trưởng của lợn thịt.

Khi lợn càng lớn nhiệt độ môi trường tối ưu càng giảm. Ở lợn mới đẻ, nhiệt độ chuồng nuôi chuồng nuôi tối ưu là 30-320C, lợn khoảng 30 kg thì nhiệt độ tối ưu 260C, lợn 50 kg thì nhiệt độ tối ưu 190C, lợn lớn hơn 50 kg đến xuất chuồng nhiệt độ tối ưu là 13-150C.

lợn bao gồm: sự thay đổi nhiệt độ chuồng nuôi, tiểu khí hậu không thích hợp, cho ăn không theo khẩu phần, chăm sóc nuôi dưỡng không tốt, cân gia súc, vận chuyển, bắt lợn để lấy máu, thiến hoạn, phân đàn, chuyển chuồng tiêm chủng và điều trị, thay đổi kích thước và hình dáng chuồng nuôi, thay đổi khẩu phần, đột ngột bỏ đói, cho uống nước thiếu....

Số lượng lợn nuôi thịt trong một ô chuồng có ảnh hưởng đến khả năng tăng trọng, thu nhận thức ăn, tiêu tốn thức ăn nhưng không ảnh hưởng đến tỷ lệ nạc.

Ảnh hưởng của năm và mùa vụ

Có nhiều tác giả nghiên cứu về năm và mùa vụ trong chăn nuôi cho biết chúng gây ảnh hưởng đến khả năng tăng khối lượng của lợn. Pathiraja et al. (1990) cho biết sự khác nhau giữa năm và mùa ảnh hưởng đến tăng khối lượng và dày mỡ lưng là rõ rệt.

Huang et al. (2004) cho biết mùa vụ có ảnh hưởng rõ rệt tới độ dày mỡ lưng và hiệu quả sử dụng thức ăn. Lợn nuôi trong mùa hè và mùa đông có độ dày mỡ lưng thấp hơn mùa thu và mùa xuân (Choi et al., 1997). Stress nhiệt có liên quan mức sinh trưởng chậm vì khả năng thu nhận thức ăn thấp.

Khi nghiên cứu về sự ảnh hưởng của nhiệt độ đến khả năng tăng khối lượng của lợn nhiều tác giả cũng cho biết tăng khối lượng chịu ảnh hưởng lớn của yếu tố mùa vụ và năm thí nghiệm.

Ngoài các yếu tố trên thì còn một số yếu tố khác như tính biệt, tuổi, khối lượng giết mổ cũng ảnh hưởng lớn tới khả năng sản xuất và cho thịt cũng như chất lượng thịt của lợn.

Ảnh hưởng của tuổi và khối lượng giết mổ

Khả năng sản xuất và chất lượng thịt cũng phụ thuộc vào tuổi và khối lượng lúc giết thịt. Giết thịt ở độ tuổi lớn hơn thì chất lượng thịt sẽ tốt hơn do sự tăng lên của các mô ở giai đoạn cuối của thời kỳ trưởng thành. Song không nên giết thịt ở tuổi quá cao vì lợn sau 6 tháng tuổi khả năng tích lũy mỡ lớn, dẫn đến tỷ lệ nạc sẽ thấp và hiệu quả kinh tế kém.

Chất lượng thịt lợn cũng thay đổi theo tuổi giết thịt là do thành phần cơ thể phát triển khác nhau ở từng giai đoạn. Mô cơ phát triển rất mạnh ngay từ khi còn nhỏ nhưng tốc độ giảm dần, còn mô mỡ tốc độ tích lũy ngày càng tăng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) năng suất sinh sản của lợn nái lai f1 (landrace x yorkshire), f1 (yorkshire x landrace) phối với đực duroc và pidu nuôi tại công ty TNHH lợn giống DABACO (Trang 29 - 34)