Kinh nghiệm giảm nghèo trên thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu giải pháp nghèo bền vững theo tiêu chí nghèo đa chiều tại huyện phú lương, tỉnh thái nguyên (Trang 36 - 39)

Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn

2.2. Cơ sở thực tiễn

2.2.1. Kinh nghiệm giảm nghèo trên thế giới

2.2.1.1. Kinh nghiệm giảm nghèo ở một số nước trên Thế giới

Một thực tế cho thấy rằng hầu hết những người nghèo đều tập trung ở khu vực nông thôn, bởi vì đây là khu vực hết sức khó khăn về mọi mặt như: điện, nước sinh hoạt, đường, trạm y tế... ở các nước đang phát triển với nền kinh tế sản xuất là chủ yếu thì sự thành công của chương trình xoá đói giảm nghèo phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước đối với chương trình phát triển nông nghiệp và nông thôn của các quốc gia. Thực tế cho thấy rằng các con rồng Châu Á như: Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan; các nước ASEAN và Trung quốc đều rất chú ý đến phát triển nông nghiệp và nông thôn. Xem nó không những là nhiệm vụ xây dựng nền móng cho quá trình CNH-HĐH, mà còn là sự đảm bảo cho phát triển bền vững của nền kinh tế quốc dân.

a) Kinh nghiệm của Hàn Quốc

Hàn Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp giảm nghèo đồng thời cùng với các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao. Trên cơ sở đất đai được chia nhỏ cho nông dân sau hai cuộc cải cách ruộng đất, sự tăng trưởng của Hàn Quốc bắt đầu diễn ra từ năm 1960 gắn liền với quá trình hiện đại hoá các công ty vừa và nhỏ, quy mô sản xuất ngày càng mở rộng theo hướng xuất khẩu và thu hút ngày càng nhiều lao động. Hệ thống giáo dục đảm bảo trình độ phổ cập ngày càng cao cho tất cả các trẻ em có và lựa chọn những người có khả năng để tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn. Tất cả các yếu tố trên đã góp phần giảm bớt sự nghèo khó một cách nhanh chóng (Đại học Kinh tế quốc dân, 2010).

b) Kinh nghiệm của Trung Quốc

Sau khi cách mạng thành công (1949), có thể chia quá trình phát triển kinh tế ở Trung Quốc làm hai giai đoạn: từ năm 1949 - 1977 là thời kỳ xây dựng CNXH theo mô hình kế hoạch hoá tập trung và từ năm 1977 đến nay thực thiện

cải cách kinh tế theo hướng nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. So với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, tuy ở Trung Quốc sự chênh lệch thu nhập giữa các nhóm giàu nghèo không lớn nhưng số dân đói nghèo rất cao. Từ năm 1985 - 1988, chênh lệch thu nhập giữa nhóm dân cư giàu nhất với nhóm dân cư nghèo nhất chỉ 6,5 lần và hệ số Gini chỉ là 0,3.

Nếu theo mức chuẩn nghèo của Cục Thống kê Trung ương Trung Quốc là người có thu nhập 100 nhân dân tệ/người/ năm, thì số người nghèo ở nông thôn năm 1978 là 250 triệu người (chiếm 30% dân số), đến năm 1985 chỉ còn 125 triệu người và năm 1998 chỉ còn 43 triệu người. Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế phân hoá giàu nghèo và thực hiện công tác xoá đói giảm nghèo. Có thể phân loại các biện pháp được thực hiện xoá đói giảm nghèo ở Trung Quốc thành 2 nhóm: nhóm các biện pháp chung và nhóm các biện pháp trực tiếp XĐGN.

+ Nhóm các biện pháp chung ở Trung Quốc đã được thực hiện rất phong phú và thay đổi từng thời kỳ, cụ thể như: duy trì sự ổn định về chính trị - xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho mọi người; điều tiết hợp lý giữa thu nhập và phân phối; tạo việc làm thông qua thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là cơ cấu kinh tế nông thôn, chú ý thích đáng đến phát triển đều ở các vùng.

+ Nhóm các biện pháp trực tiếp như là: xây dựng các mô hình, chỉ đạo làm điểm cho từng vùng, từng địa phương để làm hình mẫu, làm đầu tàu “lan toả”, huy động mọi nguồn lực cho XĐGN; chuyển nền kinh tế nông nghiệp từ sản xuất tập trung sang sản xuất tư nhân với mô hình kinh tế hộ gia đình và giao quyền sử dụng đất lâu dài cho hộ nông dân; hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào các vùng nông thôn; hỗ trợ tích cực về truyền thông, giáo dục, y tế, nhà ở cho các hộ nghèo và vùng khó khăn (Đại học Kinh tế quốc dân, 2010). c) Kinh nghiệm của Nhật Bản

Nhật Bản là quốc gia đất hẹp người đông, điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt, điều kiện để phát triển kinh tế rất khó khăn, nghèo nàn về tài nguyên, lại thường xuyên xảy ra động đất. Nhưng chỉ hơn 20 năm sau chiến tranh thế giới thứ II kết thúc (1945), Nhật Bản đã từ một đất nước kệt quệ sau chiến tranh vươn lên thành một cường quốc về kinh tế, đời sống nhân dân tăng cao, tình trạng đói nghèo giảm đáng kể. Hiện nay 90% dân số Nhật Bản là tầng lớp trung lưu. Có

được thành quả như vậy là nhờ vào các kế hoạch, chính sách được đưa ra đúng đắn và thực hiện tích cực, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và XĐGN bền vững.

Nhật Bản đã thực hiện một số giải pháp cụ thể là:

(i) Nhà nước can thiệp mạnh mẽ vào nền kinh tế thị trường, đảm bảo sự phát triển theo mục tiêu ưu tiên;

(ii) Thực hiện quá trình dân chủ hoá sau chiến tranh, tạo lập nền kinh tế thị trường bao gồm nhiều chủ thể, có sự bình đẳng tương đối trong sản xuất kinh doanh, thực hiện dân chủ hoá lao động;

(iii) Xoá bỏ sự phân hoá giàu nghèo, tạo lập sự bình đẳng xã hội đối với tài sản và đất đai nhanh chóng thực hiện mục tiêu “ruộng đất cho người cày”;

(iv) Thực hiện nhiều chính sách với phương châm “mọi người cùng hưởng lợi” từ tăng trưởng kinh tế;

(v) Thực hiện chính sách thuế thu nhập để giảm bớt khoảng cách chênh lệch về thu nhập giữa các nhóm dân cư;

(vi) Thực hiện chính sách vùng, khu vực, khuyến khích phát huy lợi thế so sánh giữa các vùng, hỗ trợ khu vực nông nghiệp, nông thôn thông qua chính sách bảo hộ đối với sản xuất nông nghiệp;

Đây chính là biện pháp có hiệu quả để những người nghèo sớm thoát khỏi cảnh nghèo và những người không may gặp rủi ro nhanh chóng trở lại cuộc sống ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống (Đại học Kinh tế quốc dân, 2010). d) Kinh nghiệm của In-đô-nê-xi-a

In-đô-nê-xi-a là quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, có số dân đông nhất khu vực, lãnh thổ có hơn 7 ngàn hòn đảo, rất đa dạng về điều kiện tự nhiên, sinh thái, đa dân tộc, có sự chia cắt lớn về địa hình, nên việc phát triển kinh tế và thực hiện XĐGN là công việc phức tạp.

Trong thời kỳ đầu đất nước In-đô-nê-xi-a có nền kinh tế khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm, tỉ lệ hộ nghèo cao. Xuất phát từ thực trạng đó Nhà nước có hàng loạt các biện pháp nhằm khôi phục và phát triển kinh tế. Thực hiện chiến lược mở cửa, tăng xuất khẩu, nhất là xuất khẩu khoáng sản, sản phẩm nông - lâm - thuỷ sản. Nhờ nhận thức được tác hại của sự phân hoá giàu nghèo và cuộc sống khó khăn của người nghèo, nên trong suốt thập kỷ 80 và nửa đầu thập kỷ

90, In-đô-nê-xi-a đã thực hiện nhiều biện pháp XĐGN, đưa mục tiêu XĐGN thành mục tiêu quốc gia. Chính phủ đã trợ cấp ngân sách tín dụng cho người nghèo khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, mở rộng và củng cố hệ thống hợp tác xã của những người kinh doanh nhỏ, nhờ những biện pháp tích cực, nên số người nghèo của In-đô-nê-xi-a giảm liên tục. Năm 1976, số người dưới mức nghèo khổ là 54 triệu người, nhưng đến năm 1987 chỉ còn 30 triệu người (Đại học Kinh tế quốc dân, 2010).

2.2.1.2. Bài học kinh nghiệm giảm nghèo từ các nước trên thế giới

Thứ nhất, đói nghèo và mức độ phân hoá theo thu nhập giữa các nhóm thu nhập, giữa người giàu người nghèo đang là vấn đề mang tính toàn cầu. Giải quyết vấn đề đói nghèo không chỉ là nhiệm vụ của mỗi quốc gia mà phải là mối quan tâm chung, trách nhiệm chung của các quốc gia và quốc tế, trong đó những nước phát triển có trách nhiệm lớn nhất.

Thứ hai, đói nghèo là vấn đề có mối quan hệ liên quan tổng hợp đến nhiều nhân tố như chính trị, xã hội, dân số, vị trí địa lý, tài nguyên môi trường, bộ máy quản lý, chính sách phát triển của mỗi quốc gia, v.v.. Do đó, thực hiện giảm nghèo và giảm nghèo bền vững phải là một chương trình tổng hợp, có tính chiến lược cao, có phương pháp tiếp cận phù hợp, vừa có tính cấp thiết nhưng lại vừa có tính lâu dài.

Thứ ba, toàn cầu hóa kinh tế là xu hướng tất yếu mà tất cả các nước đều phải tham gia, đặc biệt là các nước nghèo. Tuy nhiên, những mặt trái, những hậu quả của quá trình toàn cầu hoá là rất lớn và chưa kiểm soát được. Do đó, việc tìm ra cách thức để chủ động hội nhập vươn lên thoát nghèo là thách thức khó khăn rất lớn đối với các nước nghèo.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu giải pháp nghèo bền vững theo tiêu chí nghèo đa chiều tại huyện phú lương, tỉnh thái nguyên (Trang 36 - 39)