Sơ lược tình hình thực hiện quyền sử dụng đất tại tỉnh Quảng Ninh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá việc thực hiện quyền của người sử dụng đất trên địa bàn huyện hoành bồ, tỉnh quảng ninh (Trang 48 - 51)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.3. Sơ lược tình hình thực hiện quyền sử dụng đất tại tỉnh Quảng Ninh

TỈNH QUẢNG NINH

Quảng Ninh là một tỉnh ở địa đầu phía Đông Bắc Việt Nam, có toạ độ địa lý khoảng từ 106o26' đến 108o31' kinh độ Đông và từ 20o40' đến 21o40' vĩ độ Bắc. Bề ngang từ Đông sang tây, nơi rộng nhất là 195 km. Bề dọc từ bắc xuống nam khoảng 102 km. Điểm cực Bắc là dãy núi cao thuộc thôn Mỏ Toòng, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu. Điểm cực Nam ở đảo Hạ Mai thuộc xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn. Điểm cực Tây là sông Vàng Chua ở xã Bình Dương và xã Nguyễn Huệ, thị xã Đông Triều. Điểm cực Đông trên đất liền là mũi Gót ở Đông Bắc xã Trà Cổ, thị xã Móng Cái.

Quảng Ninh có biên giới Quốc gia và hải phận giáp giới nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Trên đất liền, phía Bắc của tỉnh (có các huyện Bình Liêu, Hải Hà và thành phố Móng Cái) giáp huyện Phòng Thành và thị trấn Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây với 132,8 km đường biên giới; phía Đông giáp vịnh Bắc Bộ; phía Tây giáp các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương; phía Nam giáp Hải Phòng. Có bờ biển dài 250 km.

Diện tích tự nhiên toàn tỉnh Quảng Ninh năm 2014 là 610.234 ha. Trong đó đất nông nghiệp 461.666 ha, đất phi nông nghiệp 85.810 ha (trong đó: đất ở 10.008 ha), đất chưa sử dụng 62.758 ha. Tỉnh Quảng Ninh bao gồm 14 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 04 thành phố trực thuộc tỉnh, 02 thị xã và 08 huyện, có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc đồng thời là một trong những tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia với nhiều ưu thế về tài nguyên, khoáng sản, du lịch, biển đảo, cửa khẩu để phát triển kinh tế xã hội nên đây là một khu vực có nhiều vấn đề nhạy cảm xảy ra liên quan đến tình hình kinh tế chính trị nói chung cũng như lĩnh vực quản lý đất đai nói riêng. Chính vì vậy mà việc quản lý hành chính, đặc biệt là việc quản lý đất đai và sử dụng đất đai hợp lý phù hợp đúng đủ với mọi nhu cầu phát triển của mọi lĩnh vực là rất quan trọng và cần thiết. Hàng năm dưới sự chỉ đạo của cấp trên cùng với sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý và sử dụng đất đai một cách hợp lý và có hiệu quả. Trong đó, phải kể đến công tác thực hiện QSDĐ diễn ra trên địa bàn tỉnh. Những năm gần đây, sau thời gian trầm lắng của thị trường bất động sản nói chung thì tình hình thực hiện QSDĐ ở tỉnh Quảng Ninh đang có xu hướng dần sôi động trở lại. Từ khi Luật Đất đai năm 2003 ra đời và đưa vào áp dụng, tiếp sau đó là Luật Đất đai 2013 được ban hành có nhiều thay

đổi về quy định cũng như các hình thức chuyển QSDĐ đã tác động rất lớn tới tình hình quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo và các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện các quy định mới của Luật Đất đai 2013, đồng thời cũng tổ chức tuyên truyền tới người dân nhằm nâng cao sự hiểu biết của người dân, thúc đẩy hoạt động thực hiện QSDĐ trên địa bàn toàn tỉnh diễn ra sôi động và phù hợp với quy định pháp luật hơn. Luật Đất đai năm 2013 đã khắc phục, rút gọn nhiều thủ tục rườm rà trong công tác thực hiện QSDĐ, quy định cụ thể về TTHC trong công tác chuyển QSDĐ. Đồng thời, gần đây cùng với sự thành lập Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Ninh theo Quyết định số 1648/QĐ-UBND ngày 28/6/2013 của UBND tỉnh và các Trung tâm hành chính công cấp huyện, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước đã đem lại nhiều kết quả khả quan trong việc giải quyết các TTHC trên địa bàn tỉnh. Trung tâm phục vụ Hành chính công của tỉnh hoạt động theo phương châm “Sự hài lòng của người dân làm thước đo cho sự thành công của Trung tâm”. Hướng tới người dân, Trung tâm chú trọng tới sự hài lòng của công dân về các TTHC. Bên cạnh đó là việc công dân được thụ hưởng thái độ phục vụ, văn hóa phục vụ, văn hóa công sở của đội ngũ cán bộ công chức chuyên nghiệp. Tổ chức, công dân đến giao dịch tại Trung tâm được đón tiếp và hướng dẫn chu đáo, lịch sự, môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp. Các TTHC tiếp nhận, xử lý hồ sơ tại Trung tâm được thực hiện theo nguyên tắc thuận lợi, nhanh gọn, đúng hẹn.

Hình 2.1. Lễ khai trương Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh

Năm 2015, công tác cải cách hành chính đã được tỉnh Quảng Ninh quan tâm và triển khai có hiệu quả cao. Tỉnh đã ban hành kế hoạch đơn giản hóa quy trình thực hiện một số TTHC liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp và liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh. Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Ninh và 14/14 trung tâm hành chính công địa phương đã hoạt động ổn định, giải quyết cơ bản những yêu cầu của tổ chức, cá nhân. Số TTHC thực hiện tại các trung tâm đạt tỷ lệ cao, 10/15 trung tâm đưa 100% TTHC vào thực hiện; số hồ sơ được giải quyết đúng hạn đạt tỷ lệ cao (trung tâm tỉnh 99,52%, các trung tâm cấp huyện đạt 99,6%); đánh giá người dân đến thực hiện giao dịch tại Trung tâm hành chính công tỷ lệ hài lòng đạt trên 98%; thủ tục thẩm định và phê duyệt tại trung tâm đạt 96%. Cổng thông tin điện tử tỉnh với 70 cổng thành phần, 19 liên kết website đã phục vụ đắc lực sự chỉ đạo, điều hành của tỉnh Quảng Ninh, liên tục cập nhật các TTHC giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tra cứu và làm thủ tục. Đến nay, cổng thông tin điện tử tỉnh đã cung cấp 1.286 dịch vụ công trực tuyến (1.028 dịch vụ công cấp tỉnh, 183 dịch vụ công cấp huyện, 75 dịch vụ công cấp xã). Hệ thống thư điện tử tỉnh thường xuyên được cập nhật mới, trên 90% văn bản hành chính trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị được thực hiện qua môi trường mạng, trong đó 100% văn bản có sử dụng chữ ký số, đạt hiệu quả trong xử lý công việc, tiết kiệm thời gian, chi phí hành chính và các lợi ích xã hội khác (Lan Hương, 2015).

Những lợi thế trên đã tạo điều kiện rất lớn cho việc thực hiện quyền của người sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung cũng như địa bàn huyện Hoành Bồ nói riêng. Tuy nhiên, đánh giá sau một năm thực hiện Luật Đất đai năm 2013 của tỉnh Quảng Ninh vẫn còn nhận thấy một số vướng mắc, tồn tại trong cách hiểu, cách áp dụng Luật vào thực tiễn. Vì vậy, để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân khi tham gia thực hiện QSDĐ cũng như đánh giá khách quan hơn về thực tiễn tình hình thực hiện QSDĐ hiện nay trên địa bàn huyện Hoành Bồ vẫn cần thiết phải đi sâu khảo sát, đánh giá thêm về mọi yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền SDĐ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá việc thực hiện quyền của người sử dụng đất trên địa bàn huyện hoành bồ, tỉnh quảng ninh (Trang 48 - 51)