Điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của huyện Hoành Bồ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá việc thực hiện quyền của người sử dụng đất trên địa bàn huyện hoành bồ, tỉnh quảng ninh (Trang 54)

4.1.1. Điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên

4.1.1.1. Điều kiện tự nhiên

a. Vị trí địa lý

Hoành Bồ là một huyện miền núi nằm ở phía bắc tỉnh Quảng Ninh, cách trung tâm thành phố Hạ Long khoảng 10 km về phía nam, với toạ độ địa lý:

Từ 20054’47” đến 21015’ vĩ độ bắc Từ 106050’ đến 107015’ kinh độ đông.

- Phía Bắc giáp huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh và huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang;

- Phía Nam giáp vịnh Cửa Lục - thành phố Hạ Long, - Phía Đông giáp thành phố Cẩm Phả,

- Phía Tây giáp thành phố Uông Bí và thị xã Quảng Yên

Diện tích tự nhiên là 84.354,35 ha chiếm 13,82% diện tích tự nhiên của tỉnh. Đơn vị hành chính của huyện gồm 12 xã, 1 thị trấn, trong đó có 5 xã thuộc vùng cao với tổng diện tích tự nhiên 49.244,97 ha chiếm 51,27% diện tích tự nhiên của huyện.

Với vị trí địa lý giáp Vịnh Cửa Lục có vai trò là vùng ngoại ô vừa là vệ tinh của thành phố Hạ Long nên có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phát huy những lợi thế của huyện như phát triển công nghiệp xi măng, gạch ngói, dịch vụ cảng biển.

b. Địa hình, địa mạo

Hoành Bồ có địa hình đa dạng, thuộc loại địa hình đồi núi tiếp giáp biển, đại bộ phận nằm trong hệ thống cánh cung bình phong Đông Triều - Móng Cái, địa hình thấp dần từ bắc xuống nam, càng gần biển thì đồi núi càng thấp dần và xen kẽ vùng đất bằng, tạo ra sự đa dạng và kết hợp giữa phát triển kinh tế miền núi, trung du ven biển. Địa hình Hoành Bồ có thể chia thành nhiều vùng như sau:

- Vùng đồi núi cao: Bao gồm các xã Tân Dân, Đồng Sơn, Kỳ Thượng và một phần phía bắc của xã Vũ Oai, Hoà Bình thuộc vùng cánh cung bình phong Đông Triều - Móng Cái. Đỉnh cao nhất là núi Thiên Sơn 1.090,6 m, núi Mo Cao 915 m, còn lại độ cao trung bình từ 500 - 800m, sườn núi dốc, rừng cây rậm rạp. Đồi núi vùng này có vai trò quan trọng chi phối sự hình thành các yếu tố tự nhiên, đồng thời chia cắt các xã tạo thành các vùng khác nhau, là loại đất phát triển trên các loại đá mẹ, trầm tích nằm lẫn với đá Mác ma axít có màu sắc khác nhau nhưng mang tính chất chung của vùng cao.

- Vùng núi thấp, đồi cao: Bao gồm các xã ở phía nam huyện Hoành Bồ, vùng này nằm về phía nam cánh cung lớn bình phong Đông Triều - Móng Cái có độ cao trung bình từ 200 m đến 350 m, cao nhất là 580 m, thấp nhất là 1,5 - 3 m. Xen giữa các đồi núi thấp tạo thành các thung lũng, cánh đồng ruộng bậc thang, trong vùng này có thể phân ra thành 2 tiểu vùng:

+ Vùng đồi núi thấp được phân bố tập trung ở phía nam Tỉnh lộ 326 thuộc xã Sơn Dương, Thống Nhất, Vũ Oai, Hoà Bình vùng này thường bị sông suối chia cắt thành từng vùng nhỏ rời rạc, rất phức tạp, sườn dốc thoải, chân đồi là những rải ruộng bậc thang.

+ Vùng đồng bằng ven biển: Do địa hình phức tạp bị chia cắt nhiều nên đất bằng không tập trung thành khu vực lớn mà xen kẽ giữa các đồi núi thấp đã là

các thung lũng bãi bằng, đất lầy úng, bãi bồi ven sông suối, ven biển cồn cát tạo thành những rải ruộng bậc thang có diện tích tương đối lớn để cày cấy được phân bố dọc theo tuyến Quốc lộ 279 và Tỉnh lộ 326. Có độ cao trung bình 20m có nơi chênh lệch khá cao tạo cho ruộng đất ở thế bị rửa trôi, xói mòn tương đối mạnh, có hiện tượng kết von.

c. Khí hậu

Hoành Bồ là huyện miền núi có địa hình phức tạp lại nằm gần vịnh Bắc Cửa Lục chịu ảnh hưởng của vùng khí hậu đông bắc tạo ra những tiểu vùng sinh thái hỗn hợp miền núi ven biển. Theo tài liệu, số liệu của trạm dự báo khí tượng thuỷ văn Bãi Cháy thì Hoành Bồ có những đặc trưng khí hậu như sau:

- Nhiệt độ không khí.

Nhiệt độ trung bình năm 23,80C, nhiệt độ cao nhất tuyệt đối 36,60C, nhiệt độ thấp nhất tuyệt đối 5,50C, nhiệt độ không khí thấp thường bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau, cao dần từ tháng 4 đến tháng 8.

Hàng năm ở Hoành Bồ số ngày giá lạnh dưới 100C thường xuất hiện vào khoảng 2-3 ngày, số ngày nắng trên 300C khoảng 6-7 ngày, nhiệt độ không khí dao động từ 150C-250C khoảng 170 ngày trong năm, với tổng tích ôn trên 100C cả năm vào khoảng 8.3270C, trong đó lớn nhất vào tháng 7 (8800C), nhỏ nhất vào tháng 2 (4400C).

Tuy nhiên đối với vùng cao như xã Đồng Sơn, Kỳ Thượng nhiệt độ thay đổi mạnh, có năm lạnh nhất nhiệt độ không khí xuống tới 00C và sương muối xuất hiện ảnh hưởng đến sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp.

Nhìn chung nhiệt độ không khí ở huyện Hoành Bồ tương đối đồng đều giữa các tháng, mùa hè nhiệt độ dao động từ 26,7 - 280C, mùa đông từ 15 - 210C do vậy lượng nhiệt trên đảm bảo cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp được thuận lợi.

- Lượng mưa.

Là huyện chịu ảnh hưởng của khí hậu đông bắc nên lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.432,9 mm, năm cao nhất 2.852 mm, thấp nhất khoảng 870 mm, lượng mưa phân theo 2 mùa rõ rệt:

- Mùa mưa nhiều: Thường từ tháng 5 đến tháng 9 kéo dài tập trung chiếm 75- 85 % tổng lượng mưa cả năm, trong đó mưa nhiều nhất là tháng 7 và tháng 8.

- Mùa mưa ít: Từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa chỉ còn 15-25% tổng lượng mưa năm, mưa ít nhất là tháng 12.

- Độ ẩm không khí.

Do có lượng mưa khá lớn nên lượng bốc hơi trung bình hàng năm thấp (26%), độ ẩm không khí tương đối trung bình hàng năm khá cao đạt tới 82%, độ ẩm không khí cao nhất vào tháng 3, 4 đạt tới 88%, thấp nhất vào tháng 10, 11 đạt trị số là 76%.

Nhìn chung, độ ẩm không khí ở Hoành Bồ có sự chênh lệch giữa các vùng nhưng không lớn, phụ thuộc vào địa hình, độ cao và có sự phân hoá theo mùa nên cũng khá thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp.

- Gió

Có 2 loại gió thịnh hành thổi theo hướng và theo mùa rõ rệt:

+ Về mùa đông: Gió thường thổi theo hướng bắc và đông bắc từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, với tốc độ gió trung bình 2,98 m/s, đặc biệt gió mùa đông bắc tràn về thường lạnh, giá rét, thời tiết khô hanh, thường ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, gia súc, gia cầm và sức khoẻ con người.

+ Về mùa hè: Thường thổi theo hướng nam và đông nam từ tháng 5 đến tháng 9 gió thổi từ vịnh vào mang nhiều hơi nước gây ra mưa nhiều, tốc độ gió trung bình khoảng từ 3 - 3,4 m/s tạo ra luồng không khí mát mẻ.

- Bão.

Là một huyện miền núi gần biển thường hay chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, bão thường xuất hiện vào tháng 6 đến tháng 9, hàng năm thường có 3 đến 4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền với sức gió cấp 8 đến cấp 10, gây ra mưa lớn làm thiệt hại cho sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp và đời sống của nhân dân.

- Sương muối.

Ở Hoành Bồ sương muối thường xẩy ra ít, song cũng có năm sương muối xuất hiện ở các xã vùng cao vào cuối tháng 12 và tháng 1 gây thiệt hại đến cây trồng vật nuôi.

Nhìn chung khí hậu Hoành Bồ có đủ lượng nhiệt, ánh sáng mặt trời, lượng mưa dồi dào thuận lợi cho phát triển nhiều loại cây trồng, cây lương thực (Lúa, ngô, khoai, sắn...), cây thực phẩm (rau xanh, đậu...), cây công nghiệp ngắn ngày (đậu tương, lạc...), cây công nghiệp, cây đặc sản...

Bên cạnh những thuận lợi, còn có những khó khăn như mùa đông có khả năng xẩy ra sương muối, mùa hè mưa lớn, bão hoạt động mạnh có thể phá huỷ nhà cửa, đê điều, hoa màu gây lũ lụt, xói mòn đất...

d. Thuỷ văn

Sông suối Hoành Bồ chịu ảnh hưởng nhiều của địa hình, hầu hết các sông suối đều bắt nguồn từ các dãy núi cao ở phía bắc, chảy theo hướng bắc nam rồi đổ ra biển. Riêng dãy núi cánh cung Đông Triều - Móng Cái chạy theo hướng tây đông qua các xã Tân Dân, Kỳ Thượng chia huyện thành 2 vùng tạo cho suối chảy theo 2 chiều sườn bắc và nam. Do vậy sông suối bắt nguồn từ 2 sườn chảy về 2 phía nên có dòng chảy tương đối dốc và ngắn. Hoành Bồ có nguồn nước mặt phân bố tương đối đồng đều theo không gian, có khả năng khai thác phục vụ đủ nước tưới cho cây trồng và sinh hoạt của con người, nguồn nước tập trung chủ yếu ở các sông suối sau:

- Sông Diễn Vọng: Có 3 nhánh chính là suối Thác Cát, suối khe Hố, suối Vũ Oai.

- Suối Đồng Vải.

- Sông Mằn: Thượng nguồn gồm 2 nhánh là suối Lưỡng Kỳ và suối Đồng Quặng hợp thành gặp nhau tại khu đập tràn Đá Trắng rồi đổ ra biển.

- Sông Trới: Gồm 2 nhánh là suối Páo và suối Đồng Giang. - Sông Đồn.

- Sông Ba Chẽ: được hợp thành bởi 3 nhánh suối là suối Lương Mông, suối Đoáng, suối Làng Cổng.

Ngoài sông suối kể trên, huyện Hoành Bồ còn có một số suối nhỏ chủ yếu được ngăn lại để sử dụng tưới cho cây trồng và một phần phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.

- Đặc điểm thuỷ triều: Hoành Bồ có chiều dài đê biển khoảng 15 km, trong đó đê khu Bắc Cửa Lục có chiều dài 10,28 km, ở đây thuộc vùng nhật triều, mực nước bình quân 2,04 m, mực nước cực đại 4,5 m, thấp nhất là 0,07m, tuy mực nước không cao, sóng không mạnh rất thuận lợi cho việc bồi lắng phù sa nhưng do dòng sông ngắn, dốc tốc độ dòng chảy mạnh nước rút nhanh nên khả năng bồi đắp phù sa không lớn.

Nhìn chung, hệ thống sông suối phân bố tương đối đều trong huyện tạo ra nhiều vùng đồng bằng nhỏ hẹp, cung cấp nước tưới cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Ngoài hệ thống sông suối, Hoành Bồ còn có 12 hồ, đập, trong đó có 2 hồ lớn (Hồ Yên Lập và hồ Cao Vân) còn lại là hồ đập vừa và nhỏ với tổng dung tích chứa khoảng 138 triệu m3 nước, có thể tưới cho khoảng 10.000 ha đất canh tác, cung cấp hàng chục triệu m3 nước cho sinh hoạt và các ngành kinh tế.

4.1.1.2. Các nguồn tài nguyên

a. Tài nguyên đất

Tài nguyên đất trên địa bàn huyện Hoành Bồ phong phú được chia thành 5 nhóm đất, 7 đơn vị đất và 10 đơn vị phụ như sau: Nhóm đất mặn, nhóm đất phù sa, nhóm đất vàng đá, nhóm đất mùn vàng đá trên núi, nhóm đất nhân tác.

b. Tài nguyên nước

+ Nguồn nước mặt: Lượng nước các con sông suối ở huyện Hoành Bồ tương đối dồi dào, nhưng phân bố không đều theo không gian và thời gian, do địa hình phức tạp, đồi núi nhiều tạo thành nhiều nhánh khe suối nên dòng chảy nhỏ, lại chia thành 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 9, mùa khô từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, lượng nước mùa mưa chiếm từ 75 - 82% lượng nước mưa cả năm.

+ Nguồn nước ngầm: Theo tài liệu điều tra của Đoàn Địa chất 37 - Tổng cục Địa chất, nhiều địa điểm thăm dò trên phạm vi của huyện khi khoan tới một độ sâu nhất định, nước ngầm đều có một trữ lượng tương đối khá, có khả năng khai thác lưu lượng trung bình của các mũi khoan thăm dò vào khoảng 5 - 10 lít/s tức là vào khoảng 800 - 900 m3/ngày đêm, nếu được đầu tư tốt, có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt trong cả hiện tại và tương lai.

+ Chất lượng nước: Nhìn chung nước mặt nếu qua xử lý hoàn toàn có khả năng đảm bảo chất lượng cho sinh hoạt.

c. Tài nguyên rừng

Hoành Bồ có 66.799,15 ha rừng chiếm 79,19% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện, trong đó:

- Đất rừng sản xuất là 37.687,16 ha chủ yếu trồng các loại cây keo...

- Đất rừng phòng hộ 14.444,90 ha phòng hộ đầu nguồn các hồ, đập như Hồ Yên Lập, hồ Cao Vân, phòng hộ ven sông.

- Rừng đặc dụng: 14.667,09 ha chủ yếu thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng.

Rừng Hoành Bồ có các loại cây quý hiếm như lim, sến, táu, lát nhiều mây tre và dược liệu, hương liệu. Tuy nhiên, do khai thác quá mức nên hiện nay chất lượng rừng của Hoành Bồ chỉ ở mức rừng nghèo đến trung bình (70 - 100 m3/ha), nay gỗ tốt chỉ còn ở rừmg sâu khu rừng bảo tồn, động vật rừng giảm nhiều.

d. Tài nguyên khoáng sản

Trên địa bàn Hoành Bồ có rất nhiều tài nguyên khoáng sản khác nhau trong lòng đất, thuộc 4 nhóm chính: Nhóm nhiên liệu, vật liệu xây dựng, khoáng sản phi kim loại và khoáng sản kim loại.

- Nhóm nhiên liệu gồm có than đá và đá dầu.

+ Than đá phân bố chủ yếu ở các xã: Tân Dân, Quảng La, Vũ Oai, Hoà Bình, gồm nhiều vỉa khác nhau với quy mô lớn và nhỏ có trữ lượng khoảng hàng trăm triệu tấn, hàng năm cho phép khai thác hàng chục nghìn tấn than. Đây là nguồn nhiên liệu quan trọng của các nhà máy xi măng và nhà máy điện của khu công nghiệp Hoành Bồ trong tương lai.

+ Đá dầu: Có ở thôn Đồng Ho, xã Sơn Dương tuy trữ lượng nhỏ khoảng 4.205 ngàn tấn, nhưng đã là một lợi thế để sử dụng vào phát triển công nghiệp địa phương (như làm chất đốt, tổng hợp thay than nâu trong sản xuất xi măng và gạch ngói).

- Nhóm vật liệu xây dựng:

Nhóm này có chất lượng rất tốt và có trữ lượng lớn, đây là tài nguyên để làm nguyên liệu quan trọng cho công nghiệp sản xuất xi măng và gạch ngói, bao gồm đá vôi, đất sét, cát sỏi...

- Nhóm khoáng sản phi kim loại: Nhóm này nghèo cả về chủng loại và trữ lượng, chỉ có phốt pho rít, thạch anh tinh thể và cao lanh.

- Nhóm khoáng sản kim loại: Bao gồm sắt, vàng, Antimon, thuỷ ngân, man gan, chì, kẽm. Tất cả chúng đều có quy mô quặng là chủ yếu, mặc dù chưa có giá trị kinh tế cao nhưng rất có ý nghĩa về mặt khoa học.

Nhìn chung, huyện Hoành Bồ có nhiều loại khoáng sản khác nhau, trong đó phải kể đến than, đá vôi và sét các loại. Đây là những nguyên liệu quan trọng trong công nghiệp sản xuất xi măng, gạch ngói và nhiệt điện, nằm gần trục giao thông chính dễ dàng cho việc vận chuyển và khai thác.

e. Tài nguyên du lịch

Do đặc điểm và cấu tạo địa chất, vùng núi đá vôi của huyện có rất nhiều hang động đẹp như (hang Đá Trắng, hang Cảnh Tiên...) đồng thời có trên 10 nghìn hecta rừng đặc dụng có trữ lượng khá, mang tính chất còn nguyên sinh, đặc biệt còn bảo tồn được nhiều loại cây, động vật hoang dã, các vùng này lại nằm sâu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với những nét sinh hoạt văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc. Với đặc điểm các khu rừng này có giá trị cho nghiên cứu khoa học, bảo tồn gien và du lịch sinh thái, kết hợp với danh thắng hồ Yên Lập, hồ An Biên, chùa Lôi Âm, chùa Vân Phong Tự, di tích lịch sử chùa Yên Mỹ được Nhà nước xếp hạng. Hoành Bồ đã được UBND tỉnh đầu tư xây dựng khu bảo tồn văn hóa người Dao tại xã Bằng Cả. Đây là một lợi thế gắn với khu du lịch Bãi Cháy và di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long tạo vị trí thuận lợi cho du lịch Hoành Bồ phát triển trong tương lai.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá việc thực hiện quyền của người sử dụng đất trên địa bàn huyện hoành bồ, tỉnh quảng ninh (Trang 54)