Cơ sở lý luận về thực hiện quy hoạch sử dụng đất

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất huyện ý yên tỉnh nam định đến năm 2020 (Trang 26 - 30)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.1.2. Cơ sở lý luận về thực hiện quy hoạch sử dụng đất

2.1.2.1. Tính khả thi và hiệu quả của phương án quy hoạch sử dụng đất

Theo từ điển Wiktionary "Tiêu chí là tính chất, dấu hiệu để dựa vào mà phân biệt một sự vật, một khái niệm, để phê phán nhằm cơ sở đánh giá”. Từ khái niệm nêu trên, đối với tiêu chí đánh giá tính khả thi và hiệu quả của phương án quy hoạch sử dụng đất có thể hiểu như sau:

- Để nhận biết cần có một hệ thống các chỉ tiêu, có thể là chỉ tiêu tổng hợp hay theo từng yếu tố, chỉ tiêu định tính hoặc định lượng.

một chuẩn mực hay ngưỡng để đánh giá dựa trên các định mức, chỉ số cho phép, đơn giá hoặc quy ước mức đó được chấp nhận.

2.1.2.2. Bản chất và phân loại tính khả thi của quy hoạch sử dụng đất

Về mặt bản chất, tính khả thi biểu thị khả năng thực hiện của phương án quy hoạch sử dụng đất khi hội tụ đủ một số điều kiện hoặc yếu tố nhất định cả về phương diện tính toán, cũng như trong thực tiễn.

Nhìn nhận một cách đầy đủ về góc độ lý luận, tính khả thi của phương án quy hoạch sử dụng đất bao hàm “tính khả thi lý thuyết” được xác định và tính toán thông qua các tiêu chí với những chỉ tiêu thích hợp trong xây dựng và thẩm định phương án quy hoạch sử dụng đất; “tính khả thi thực tế” được xác định dựa trên việc điều tra, đánh giá kết quả thực tế đã đạt được khi triển khai thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất.

Tính khả thi của phương án quy hoạch có thể được đánh giá và luận chứng thông qua 5 nhóm tiêu chí sau (Võ Tử Can, 2006):

* Khả thi về mặt pháp lý, có thể bao gồm các tiêu chí đánh giá về:

Căn cứ và cơ sở pháp lý để lập quy hoạch sử dụng đất gồm các chỉ tiêu, các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật; các quyết định, văn bản liên quan đến triển khai thực hiện dự án...

Việc thực hiện các quy định về thẩm định, phê duyệt phương án quy hoạch sử dụng đất: thành phần hồ sơ và sản phẩm; trình tự pháp lý...

* Khả thi về phương diện khoa học - công nghệ, bao gồm:

Cơ sở tính toán và xác định các chỉ tiêu sử dụng đất: tính khách quan của các yếu tố tác động đến việc sử dụng đất như điều kiện tự nhiên, định hướng phát triển kinh tế - xã hội; sử dụng các định mức, tiêu chuẩn; xây dựng các dự báo theo quy luật phát triển khách quan; căn cứ theo mô hình mẫu...;

Phương pháp công nghệ được áp dụng để xử lý tài liệu, số liệu và xây dựng tài liệu bản đồ...

* Khả thi về yêu cầu chuyên môn - kỹ thuật, gồm các tiêu chí đánh giá

Mức độ đầy đủ các nội dung chuyên môn theo các bước thực hiện quy hoạch và các nội dung cụ thể của phương án quy hoạch sử dụng đất...;

Nguồn tư liệu và độ tin cậy của các thông tin phụ thuộc vào cách thức thu thập, điều tra, xử lý và đánh giá;

Tính phù hợp, liên kết từ trên xuống dưới của các chỉ tiêu sử dụng đất theo quy định trong hệ thống quy hoạch sử dụng đất các cấp.

* Tính khả thi về các biện pháp để thực hiện phương án quy hoạch, tiêu chí này có thể được đánh giá căn cứ theo đặc điểm hoặc tính chất đầu tư của nhóm các biện pháp sau đây:

Nhóm 1: là các biện pháp về tổ chức lãnh thổ nhằm tạo điều kiện không gian phù hợp với cơ cấu tổ chức sản xuất kinh doanh và mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp và người sử dụng đất. Cụ thể bao gồm: các biện pháp cần thiết khi thực hiện việc chu chuyển đất đai và chuyển đổi mục đích sử dụng đất; xác định ranh giới và cơ cấu diện tích đất của các chủ sử dụng, cơ cấu diện tích cây trồng; xác lập các chế độ sử dụng đất.

Nhóm 2: Các biện pháp về xây dựng các hạng mục và thiết bị công trình trên lãnh thổ. Lượng vốn đầu tư cơ bản (gồm cả chi phí điều tra khảo sát, thiết kế cũng như vốn đầu tư để thực hiện công trình) và thực hiện theo dự án đầu tư hoặc thiết kế kỹ thuật chi tiết, hệ thống công trình thuỷ lợi, ao hồ chứa nước (tưới tiêu, chống xâm nhập mặn, thau chua, rửa mặn, rửa phèn);

Nhóm 3: Các biện pháp bảo vệ đất và môi trường sinh thái để phát triển bền vững. Các biện pháp thuộc nhóm này được đề xuất trong phương án quy hoạch sử dụng đất tuỳ theo đặc điểm của lãnh thổ, phải đầu tư vốn cơ bản và cũng được triển khai thực hiện theo dự án đầu tư hoặc luận chứng kinh tế - kỹ thuật;

Nhóm 4: Các biện pháp không đòi hỏi vốn đầu tư cơ bản, nhưng được thực hiện bằng dự toán chi phí sản xuất bổ sung hàng năm của doanh nghiệp hoặc người sử dụng đất như nâng cao độ phì và tính chất sản xuất của đất, áp dụng các quy trình công nghệ gieo trồng tiên tiến, thực hiện các biện pháp kỹ thuật canh tác chống xói mòn, sử dụng các chế phẩm hoá học, bón phân, bón vôi...

* Khả thi về các giải pháp tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, được đánh giá theo nhóm các giải pháp gồm:

- Các giải pháp về cơ chế chính sách:

Tạo điều kiện để nông dân dễ dàng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất nông nghiệp nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Tổ chức tốt việc định canh, định cư.

Ổn định đời sống cho người dân được giao đất, giao rừng, khoán rừng; khuyến khích ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ có liên quan đến sử dụng đất nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất

- Các giải pháp về quản lý và hành chính:

Xác định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch;

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất đã được quyết định, xét duyệt;

Biện pháp kiểm soát chặt chẽ tình trạng tự phát chuyển đổi đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, nuôi trồng thuỷ sản hoặc chuyển sang sử dụng vào các mục đích khác không theo quy hoạch;

Thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề và chuyển đổi cơ cấu ngành nghề đối với lao động có đất bị thu hồi,...

- Các giải pháp về nguồn lực và kinh tế:

Huy động các nguồn lực về vốn và lao động để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án.

Giải quyết tốt việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các công trình, dự án.

2.1.2.3. Bản chất và phân loại hiệu quả của quy hoạch sử dụng đất

Hiệu quả sử dụng đất là tổng hoà các lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường do quy hoạch sử dụng đất đem lại khi phương án quy hoạch được triển khai thực hiện trong thực tiễn.

Quy hoạch sử dụng đất là một bộ phận hợp thành trong hệ thống kinh tế của xã hội. Quá trình lập phương án quy hoạch sử dụng đất khá phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề và chịu tác động của nhiều yếu tố khác nhau như các mối quan hệ sản xuất; hình thức sở hữu đất đai và các tư liệu sản xuất khác. Với cách tiếp cận này, cần phải lưu ý một số vấn đề khi xem xét hiệu quả quy hoạch sử dụng đất, đó là:

- Hiệu quả của phương án quy hoạch phải được đánh giá trên cơ sở hệ thống các mối quan hệ về kinh tế cùng với việc sử dụng các chỉ tiêu đánh giá phù hợp;

- Khi xác định hiệu quả của quy hoạch sử dụng đất cần xem xét đồng thời giữa lợi ích của những người sử dụng đất với lợi ích của toàn xã hội;

- Đất đai là yếu tố của môi trường tự nhiên, vì vậy cần phải chú ý đến các yêu cầu bảo vệ và nâng cao độ phì nhiêu của đất, cũng như giữ gìn các đặc điểm sinh thái của đất đai;

- Việc tính toán các chỉ tiêu hiệu quả cần tách bạch rõ phần hiệu quả đem lại của phương án quy hoạch sử dụng đất thông qua các chỉ tiêu đồng nhất về chất lượng và có thể so sánh được về mặt số lượng;

- Phương án quy hoạch sử dụng đất là cơ sở để thực hiện các biện pháp như chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất, cải tạo và bảo vệ đất, xây dựng các công trình thuỷ lợi, giao thông, các dự án xây dựng công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh... Vì vậy, cần tính đến hiệu quả của tất cả các biện pháp có liên quan được thực hiện cho đến khi định hình phương án quy hoạch sử dụng đất (bao gồm chi phí vốn đầu tư cơ bản và vốn quay vòng, các chi phí cần thiết để bồi thường thiệt hại và bảo vệ môi trường).

Quy hoạch sử dụng đất mang tính tổng hợp, nên việc đánh giá và luận chứng phương án quy hoạch sử dụng đất khá phức tạp, nội dung luận chứng tổng hợp và đánh giá phương án quy hoạch sử dụng đất sẽ bao gồm các hợp phần sau:

- Luận chứng và đánh giá về kỹ thuật;

- Luận chứng và đánh giá về quy trình công nghệ; - Luận chứng và đánh giá về kinh tế;

- Luận chứng và đánh giá tổng hợp (chứa đựng đồng thời các yếu tố kinh tế - xã hội - môi trường).

Mục tiêu của luận chứng về kinh tế và luận chứng tổng hợp (kinh tế - xã hội - môi trường) nhằm xác định phương án, tính toán hiệu quả của các biện pháp đề ra trong quy hoạch, xác định các chỉ tiêu tổng hợp (biểu thị bằng tiền) đặc trưng cho hiệu quả của phương án quy hoạch sử dụng đất, so sánh những kết quả nhận được (do tổ chức hợp lý sản xuất) với các chi phí bổ sung.

2.2. CƠ SỞ THỰC TIỄN THỰC HIỆN QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất huyện ý yên tỉnh nam định đến năm 2020 (Trang 26 - 30)