Đánh giá chung về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và môi trường

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 huyện bình giang, tỉnh hải dương (Trang 53 - 55)

Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận

4.1 Đặc điểm điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của huyện Bình Giang tỉnh

4.1.3. Đánh giá chung về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và môi trường

4.1.3.1. Thuận lợi

Là huyện thuộc tỉnh Hải Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Trên địa bàn huyện có các tuyến giao thông quan trọng như Quốc Lộ 5 nối thủ đô Hà Nội với thành phố Hải Phòng, đường 392 (đường 20A cũ), đường 394 (đường 194 cũ), đường 395 (đường 39C cũ) nối Bình Giang với các huyện trong và ngoài tỉnh, những tuyến đường giao thông huyết mạch này đã tạo điều kiện thuận lợi cho huyện tiếp nhận thông tin kinh tế thị trường, chuyển giao nhanh các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cải thiện môi trường đầu tư để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội.

Khí hậu, thời tiết thuận lợi, nguồn nước ngọt dồi dào là điều kiện thuận lợi để đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá lớn.

Lực lượng lao động dồi dào, nhân dân có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp.

Về cơ cấu kinh tế: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, cụ thể là giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, góp phần tích cực tăng việc làm và thu nhập cho người lao động.

Người dân đã tích cực áp dụng những tiến bộ khoa học kĩ thuật mới, đưa giống cây trồng vật nuôi cho năng suất cao, chất lượng tốt vào thâm canh theo cơ chế thị trường, chính vì vậy đã tăng hiệu quả đồng vốn đầu tư, tăng giá trị ngày công lao động, tăng thu nhập cho người dân.

Nhờ có sự tăng trưởng kinh tế và có sự quan tâm của toàn xã hội mà cơ sở hạ tầng có sự thay đổi đáng kể, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, bộ mặt đô thị và nông thôn trong toàn huyện thay đổi rõ rệt, tạo ra cho Bình Giang thế và lực trong phát triển kinh tế xã hội toàn diện của giai đoạn tiếp theo.

Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội là cơ sở vững chắc để phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới.

4.1.3.2. Khó khăn

Trước đòi hỏi của tình hình thực tiễn hiện nay, để thực hiện chủ trương đường lối công nghiệp hoá - hiện đại hoá của Đảng và Nhà nước, tình hình kinh tế xã hội của huyện Bình Giang đứng trước một số khó khăn sau:

Tài nguyên khoáng sản nghèo, tiềm năng về du lịch không lớn.

Vấn đề ô nhiễm cảnh quan môi trường tuy chưa lớn, song cũng đã ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khoẻ của nhân dân.

Kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn, nhất là hạ tầng phục vụ cho sản xuất và đời sống tuy đã được nâng lên một bước, song chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở một số xã, thôn, hộ gia đình tuy đã thực hiện, nhưng còn chậm và chưa vững chắc. Một số ngành và địa phương chuyển hướng cơ cấu kinh tế còn thiếu quy hoạch, manh mún mang tính chất tự phát, chưa khai thác hết tiềm năng lao động, việc khôi phục các ngành nghề truyền thống còn hạn chế, chưa có sản phẩm hàng hoá mang tính chủ lực.

Tỷ lệ lao động không có việc làm mỗi năm một tăng, trong khi đó đất đai ít, lao động phần lớn chưa được đào tạo nghề, chủ yếu là làm thủ công nên năng suất lao động thấp. Chính vì vậy tạo một sức ép rất lớn đối với xã hội về giải quyết việc làm.

4.1.3.3. Một số tiêu chí cụ thể gây áp lực đối với đất đai trong những năm tới

Với tổng diện tích đất tự nhiên 10614.5 ha cho đến nay huyện Bình Giang đã cơ bản đưa vào khai thác sử dụng, áp lực trong việc sử dụng đất đai của huyện có những điểm chính sau đây:

Bình Giang có quy mô dân số lớn, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hằng năm vào loại thấp. Tuy vậy việc giải quyết đất để xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ đời sống nhân dân hàng năm vẫn phải đặt ra.

Cơ cấu kinh tế của huyện hiện nay nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao, việc chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế chỉ mới bước đầu. Để đạt được cơ cấu kinh tế như phương hướng của huyện đã đề ra thì các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ cần phải có quỹ đất tương đối lớn để xây dựng các cơ sở sản xuất và phục vụ sản xuất. Mặc dù một phần sử dụng các cơ sở sản xuất và hạ

tầng cũ để cải tạo mở rộng thì vẫn phải lấn vào đất nông nghiệp. Do đó việc xây dựng và phát triển các công trình mới từ nay cho tới năm 2020 và cho những thập kỷ tiếp theo phải hết sức tiết kiệm đất theo hướng sử dụng triệt để không gian và hạn chế lấy vào đất nông nghiệp.

Hiện tại có hàng vạn lao động ở khu vực nông thôn còn dư thừa. Để giải quyết được số lao động này vào các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ thì hệ thống các đô thị và các điểm dân cư phải tiếp tục mở rộng với tốc độ nhanh. Sự phát triển đó không thể tránh khỏi lấy vào đất nông nghiệp. Do đó cần có hướng phát triển các điểm dân cư tập trung, các khu chung cư để tiết kiệm đất so với cách cấp đất ở phân tán theo khu vực nông thôn như hiện nay.

Như vậy, từ thực trạng phát triển kinh tế - xã hội những năm gần đây cũng như dự báo phát triển trong tương lai (trong khi quỹ đất có hạn), thì áp lực đối với đất đai của huyện đã và sẽ ngày càng gay gắt hơn (nhất là ở khu vực nội thị, các tụ điểm kinh tế phát triển) dẫn đến thay đổi lớn hiện trạng sử dụng đất hiện nay của huyện.

4.2 TÌNH HÌNH QUẢN LÝ SỬ DỤNG ĐẤT HUYỆN BÌNH GIANG TỈNH HẢI DƯƠNG HẢI DƯƠNG

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 huyện bình giang, tỉnh hải dương (Trang 53 - 55)