Tình hình phát triển kinh tế-xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp nâng cao năng lực cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn huyện hữu lũng, tỉnh lạng sơn (Trang 55 - 56)

Phần 3 Phương pháp nghiên cứu

3.1.2. Tình hình phát triển kinh tế-xã hội

a. Về kinh tế

Chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, kinh tế thuần nông, cây lúa, ngô, chăn nuôi lợn, trâu bò, gia cầm và trồng một số loại rau màu. Năm 2018, kinh tế tiếp tục phát triển và đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng, thương mại – dịch vụ, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, nâng cấp, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/người/năm. Đời sống nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Qua rà soát tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 là 14,78%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 8,9%.

b. Về văn hoá - xã hội

Huyện có 25 xã, 01 thị trấn. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên (2018): 0,7%. Tỉ lệ số dân tham gia Bảo hiểm y tế đạt: 96,2%. Là huyện có truyền thống văn hoá, hiện tại trên địa bàn huyện có 113 di tích lịch sử, tôn giáo tín ngưỡng, khảo cổ và danh lam thắng cảnh, trong đó: trong đó có 11 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh. Các di tích văn hoá được bảo tồn phát huy tốt giá trị văn hóa trong những năm vừa qua. Tình hình hiện nay của huyện: An ninh chính trị được giữ vững ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, rất thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân vào tìm hiểu, xúc tiến đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

c. Về dân số và y tế

Dân số của huyện Hữu Lũng năm 2018 (tính đến 31/12/2018) là 119.984

người. Huyện có 01 Trung tâm y tế huyện, 3 phòng khám đa khoa khu vực với 200 giường bệnh; 26 trạm y tế xã - thị trấn với 78 giường; cơ sở hành nghề y, dược tư nhân 61 (trong đó: dược 33; y 28); 01 khoa đông y đảm bảo yêu cầu khám chữa và phòng chống dịch bệnh cho nhân dân.

d. Về giáo dục

Huyện có 27 trường mầm non, 29 trường tiểu học, 28 trường trung học cơ sở, 03 trường trung học phổ thông; 01 trung tâm giáo dục thường xuyên với tổng số học sinh trên 23 ngàn em. Cơ sở vật chất, phòng học, trang thiết bị phục vụ dạy và học theo chuẩn đã được tập trung đầu tư, nâng cấp, hiện có 21 trường chuẩn quốc gia (Trong đó có 10 trường tiểu học, 03 trường mầm non, 07 trung học cơ sở và 01 Trung học phổ thông).

Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của huyện có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc được nâng lên; quốc phòng - an ninh được giữ vững. Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa vững chắc; kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào đầu tư ngân sách Nhà nước; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ, nhất là hệ thống đường giao thông, hạ tầng đô thị; văn hóa, xã hội có mặt chuyển biến chậm; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa thường xuyên, do đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng, năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức huyện Hữu Lũng nói chung và cán bộ, công chức cấp xã nói riêng. Từ đó đặt ra yêu cầu, đòi hỏi cán bộ, công chức cấp xã phải không ngừng nâng cao phẩm chất đạo đức, chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng thi hành nhiệm vụ trong thực thi công vụ, v.v… (UBND huyện Hữu Lũng, 2018).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp nâng cao năng lực cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn huyện hữu lũng, tỉnh lạng sơn (Trang 55 - 56)