đội ngũ cán bộ lãnh đạo các phòng chuyên môn và cán bộ chủ chốt cấp xã
* Thành phố Đà Nẵng
Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân thành phố Đà Nẵng trong nhiều năm qua đã nỗ lực phấn đấu để xây dựng và phát triển thành phố, kết quả đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế duy trì với tốc độ tăng trưởng hàng năm cao, xã hội ổn định, các chính sách an dân, an sinh xã hội rất được chú trọng, trên một số mặt như việc phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các chương trình xã hội hướng về cộng đồng, xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh, có nhiều chính sách đột phá trong cải cách hành chính và có cả chương trình phát huy nguồn nhân lực trong khu vực công để phục vụ cho mục tiêu CNH, HĐH của thành phố. Những thành quả của thành phố cũng đã được xã hội thừa nhận, nhiều năm liền Đà Nẵng được xếp vị trí hàng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trên một số mặt đã có sự đóng góp kinh nghiệm cho các địa phương trong cả nước tham khảo học tập.
Các giải pháp đã được đề ra, trong đó, nổi bật và được duy trì thường xuyên nhất là công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCC phường, xã; đặc biệt, tập trung đào tạo lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng kỹ năng theo chức danh và theo vị trí việc làm. Thành phố đặc biệt chú trọng tới việc tổ chức các lớp bồi dưỡng như: kỹ năng xây dựng kế hoạch, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng soạn thảo văn bản, lập hồ sơ công việc, tăng cường khả năng ứng dụng công
nghệ thông tin trong việc thực hiện cơ chế “Một cửa” và “Một cửa liên thông”… Thành phố cũng đã tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho những người hoạt động không lãnh đạo chủ chốt phường, xã.
Đến nay, 76% CBCC phường, xã ở thành phố Đà Nẵng có trình độ trung cấp chuyên môn, nghiệp vụ trở lên, 75% có trình độ trung, cao cấp lý luận chính trị, 54% trung cấp hành chính và kiến thức quản lý Nhà nước.
Không chỉ từng bước nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tại chỗ theo hướng chuẩn hóa, gắn với quy hoạch, thành phố Đà Nẵng còn ban hành nhiều chính sách thu hút nguồn nhân lực trẻ để bố trí công tác tại phường, xã, góp phần trẻ hóa đội ngũ CBCC. Trong các năm qua, thành phố đã tiếp nhận 114 sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy, công lập, bố trí về công tác tại ủy ban nhân dân các phường, xã. Trong số cán bộ này, hiện nay đã có 15 người được bổ nhiệm giữ chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân phường, xã; 47 người đã vào hàng ngũ của Đảng. Ngoài ra, có 18 cán bộ lãnh đạo chủ chốt phường, xã được cử đi bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý dành cho cán bộ trẻ (Hoàn Thị Miên, 2016).
Đặc biệt, một trong mười sự kiện nổi bật nhất năm 2009 chính là Đề án “Tạo nguồn cán bộ cho chức danh Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND phường, xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” (Đề án 89) do Ban Tổ chức Thành ủy chủ công. Thực hiện thành công Đề án này, thành phố không chỉ xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo giỏi về chuyên môn mà còn vững vàng về bản lĩnh chính trị, phong cách làm việc chuyên nghiệp, thích ứng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của xã hội. Đến nay, đã có 136 người tốt nghiệp được bố trí công tác tại các phường, xã. Sau gần 2 năm công tác đã có 18 người được bầu, chỉ định, bổ nhiệm giữ các chức vụ chủ chốt phường, xã.
Xây dựng được đội ngũ cán bộ phường, xã giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ đã khó, để giữ chân người tài càng khó hơn. Ngoài các quy định hiện hành, thành phố còn hỗ trợ thêm một số chế độ, chính sách để CBCC và những người không hoạt động lãnh đạo chủ chốt cải thiện đời sống, yên tâm công tác như: quy định phụ cấp chức vụ lãnh đạo hàng tháng cho chỉ huy trưởng quân sự phường, xã và trưởng công an xã; tăng 10% phụ cấp kiêm nhiệm cho CBCC kiêm nhiệm các chức danh và tăng 30% phụ cấp kiêm nhiệm cho bí thư đồng thời là chủ tịch UBND phường, xã; phụ cấp hàng tháng cho người làm công tác tôn giáo, người làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; tăng thêm mức phụ cấp đối với người hoạt động không lãnh đạo chủ chốt theo trình độ chuyên
môn. Bên cạnh đó, những người hoạt động không lãnh đạo chủ chốt được tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và hưởng các chế độ bảo hiểm khác như CBCC phường, xã…
Riêng đối tượng là sinh viên khá, giỏi thuộc diện tiếp nhận theo chính sách thu hút nguồn nhân lực, học viên Đề án 89 bố trí công tác tại phường, xã được hưởng 1.000.000 đồng/tháng, trong vòng 60 tháng. Thành phố cũng đã hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để khuyến khích 18 CBCC phường, xã không đủ tiêu chuẩn của nhu cầu mới nghỉ việc và cán bộ có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi do không đủ điều kiện để tham gia cấp ủy phường, xã trong nhiệm kỳ 2010-2015.
Chính nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, đến nay, Đà Nẵng có 95,8% CBCC phường, xã có trình độ chuyên môn đủ chuẩn theo quy định của Bộ Nội vụ và chỉ còn 6 cán bộ lãnh đạo chủ chốt cơ sở chưa đủ chuẩn. Có thể nói năng lực đội ngũ cán bộ phường, xã của thành phố đã được tăng lên đáng kể, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.
Trong thời gian qua Thành phố Đà Nẵng đã có nhiều chủ trương, chính sách quản lý, sử dụng, đào tạo nhằm chuẩn bị cho đội ngũ CBCC của mình phục vụ tốt nhất cho sự phát triển của thành phố và đã đem lại những kết quả, hiệu quả rõ rệt và hứa hẹn nhiều hơn nữa trong tương lai, các mục tiêu của xây dựng chiến lược cán bộ của Thành phố đã và đang được tổ chức thực hiện theo kế hoạch, phù hợp với các chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về Chiến lược cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước: “Xây dựng đội ngũ CBCC có phẩm chất và năng lực là yếu tố quyết định năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước...”, Nghị Quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng: “.... Có cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trọng dụng những người có đức, có tài”... và đó cũng là mục tiêu mà Thành phố Đà Nẵng đã và đang phấn đấu vươn tới. (Đỗ Hoàng Phong, 2010).
* Tỉnh Vĩnh Phúc
Tỉnh ủy Vĩnh phúc đã nhận thức rõ, cán bộ là gốc của mọi công việc, “Cán bộ nào, phong trào ấy”, CBCC cấp cơ sở là bộ phận trực tiếp tổ chức, thực hiện, đưa đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; trực tiếp giải quyết các công việc hàng ngày của nhân dân; là “Cầu
nối” giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nâng cao năng lực đội ngũ này sẽ góp phần giúp chính quyền cấp cơ sở hoạt động hiệu lực, hiệu quả, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 03-NQ/TU về “Công tác cán bộ đến năm 2010”, nhiều giải pháp đã được đề ra, trong đó đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ cán bộ cơ sở. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng Kế hoạch “Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở đến năm 2010”, trong đó xác định cụ thể đối tượng, mục tiêu, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho từng giai đoạn, với nhiều hình thức khác nhau: từ đào tạo phổ thông đến đào tạo chuyên nghiệp, từ đào tạo chuyên môn nghiệp vụ đến đào tạo lý luận chính trị, từ đào tạo cập nhật kiến thức đến đào tạo chuyên sâu. Cùng với đó là các quy định về tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý; quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ nói chung và cán bộ cấp cơ sở nói riêng được ban hành. Do đó, đã kịp thời động viên, khuyến khích cán bộ cấp cơ sở học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết về một số chính sách phát triển đội ngũ CBCC, viên chức của tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định về một số cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Trong đó có chính sách hỗ trợ toàn bộ kinh phí, tài liệu để đào tạo cho những CBCC xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản chỉ đạo các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã để đến năm 2010 bảo đảm 100% số CBCC cấp xã đạt chuẩn theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đến nay, CBCC cấp cơ sở của tỉnh cơ bản bảo đảm đủ về số lượng, cơ cấu theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, ngày 22-10-2009 của Chính phủ, với 95,5% số CBCC cấp xã đạt chuẩn theo quy định, trong đó trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học đạt 28,16% (tăng 17,66% so với năm 2007 và tăng 22,24% so với năm 1998); trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên đạt 58,4% (tăng 6,1% so với năm 2007 và tăng 20,34% so với năm 1998).
Cùng với đào tạo, bồi dưỡng, công tác quy hoạch, luân chuyển CBCC cấp xã được chú trọng. Thực hiện sự lãnh đạo của cấp ủy cấp trên, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã tiến hành quy hoạch 06 chức danh chủ chốt xã, phường, thị trấn đến năm 2010 với đầy đủ các bước: điều tra, khảo sát; đánh giá, lựa chọn, tổ chức hội nghị giới thiệu quy hoạch; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai
thực hiện quy hoạch; định kỳ hàng năm tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch để bảo đảm phương châm quy hoạch cán bộ luôn “Động”.
Thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 30/11/2004 của Bộ Chính trị về “Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ban thường vụ các huyện, thành, thị ủy, đã có 1.947 lượt cán bộ được quy hoạch 06 chức danh cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn giai đoạn 2005 - 2010; 2.621 lượt cán bộ được quy hoạch ban chấp hành, 913 lượt cán bộ được quy hoạch ban thường vụ và 2.477 lượt cán bộ quy hoạch 06 chức danh cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn giai đoạn 2010 - 2015.
Công tác quy hoạch và luân chuyển CBCC cấp cơ sở được triển khai bài bản, nền nếp, giúp các xã, phường, thị trấn cơ bản chủ động được nguồn nhân sự trong các dịp bầu cử; Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ cấp cơ sở được quan tâm kịp thời. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng các quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ nói chung và cán bộ cấp cơ sở nói riêng. Do làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ các cấp và thực hiện các chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ một cách hợp lý, nên năng lực đội ngũ cán bộ cơ sở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng được nâng cao cả về chính trị, tư tưởng, phẩm chất, đạo đức và trình độ năng lực lãnh đạo, quản lý, trình độ chuyên môn, góp phần quan trọng xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ổn định và ngày càng vững mạnh, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở (Nguyễn Văn Sáu, 2013).