Chính sách bồi thường hỗ trợ và tđc tại Hà Nội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá việc thực hiện chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đường lê văn lương kéo dài và khu đô thị phùng khoang, quận nam từ liêm thành phố hà nội (Trang 46 - 48)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.4. Chính sách bồi thường hỗ trợ và tđc tại Hà Nội

Hà Nội có nhiều đặc thù khác so với những tỉnh, thành trong cả nước. Với

tính chất của một đô thị đặc biệt, bên cạnh những văn bản quy phạm pháp luật về đất đai được áp dụng chung với các tỉnh, thành khác thì chính sách pháp luật đất đai của Hà Nội còn chịu sự chi phối của Luật Thủ đô năm 2012. Luật Thủ đô năm 2012 có tác động tới việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất (THĐ) trên địa bàn Thành phố với một số nội dung chủ yếu về: Quy hoạch xây dựng và phát triển Thủ đô; quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan và xây dựng Thủ đô… đặc biệt là về quản lý đất đai. Theo đó, các vấn đề liên quan đến quản lý, khai thác đất, trong đó có việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đẩt phải bảo đảm “sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất và pháp luật về đất đai” (khoản 1 Điều 15 Luật Thủ đô năm 2012); đồng thời, đối với việc thực thi pháp luật, cơ quan chính quyền phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người có đất bị thu hồi trên cơ sở các quy định của pháp luật và yêu cầu thực tế. Hội đồng nhân dân Thành phố là cơ quan chịu trách nhiệm trong việc ban hành các biện

pháp bảo đảm việc thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng kịp thời, đúng tiến độ đối với các dự án đầu tư quan trọng trên địa bàn Thủ đô (khoản 2 Điều 15 Luật Thủ đô năm 2012). Vì mang những đặc điểm của một đô thị loại I và có những vị trí, vai trò đặc biệt trong định hướng phát triển kinh tế đất nước, việc bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án cần được áp dụng song song nhiều quy phạm pháp luật, nhằm bảo đảm theo đúng quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển Thủ đô. Việc kết hợp các quy định của pháp luật đất đai hiện hành và những quy định trong Luật Thủ đô năm 2012 trong việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất không chỉ bảo đảm lợi ích phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô qua đó nâng cao mức sống và phúc lợi cho người dân, mà còn bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất cũng như các doanh nghiệp. Nhận thức được vấn đề này, khi thực thi pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các cơ quan có thẩm quyền luôn chú ý điều chỉnh theo hướng bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa Nhà nước - người bị thu hồi đất - nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc kết hợp giữa các quy định để vận dụng linh hoạt việc bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trong thực tế là điều không dễ dàng. Đối với các dự án lớn, cần vạch ra kế hoạch cụ thể và lộ trình thực hiện, nhằm bảo đảm tối đa việc đáp ứng những yêu cầu về quy hoạch, kế hoạch dự án, đồng thời cũng cần quan tâm, chú ý giải quyết hợp lý, hài hòa với người bị thu hồi đất. Đây là một việc làm không đơn giản, nhất là đối với địa phương “đất chật người đông” như Hà Nội. Việc thực hiện các chính sách này tốn không ít thời gian và ngân sách. Pháp luật về bồi thường giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố còn gặp một số khó khăn như: Việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất chưa được quan tâm thực hiện; việc giao đất, cho thuê đất không đúng thẩm quyền, sai mục đích được giao, được thuê còn nhiều đã gây khó khăn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhiều dự án còn bị kéo dài, không được giải quyết dứt điểm; vướng mắc trong vấn đề giá đất để tính bồi thường; bên cạnh đó, chính sách quản lý đất đai nói chung và bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nói riêng có nhiều thay đổi, thiếu đồng bộ, không ổn định cũng đã góp phần gây nên tình trạng khiếu nại căng thẳng của người bị thu hồi đất. Để hoàn thành tốt chỉ tiêu, Ủy ban nhân dân Thành phố đã yêu cầu đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án, công trình trọng điểm của Thành phố. Trong đó, tập trung triển khai có hiệu quả và dứt điểm việc giao đất dịch vụ cho người dân sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp được

giao theo nghị định của Chính phủ; rà soát chuẩn bị đầy đủ quỹ tái định cư với phương châm đa dạng hóa loại hình, đa dạng hóa các chủ đầu tư. Tiếp tục tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh một số nội dung trong cơ chế chính sách như: Xác định giá đất, tái định cư, thu hồi đất, quy trình giải phóng mặt bằng, cưỡng chế thu hồi đất theo hướng tối đa hóa bồi thường, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá việc thực hiện chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đường lê văn lương kéo dài và khu đô thị phùng khoang, quận nam từ liêm thành phố hà nội (Trang 46 - 48)