Điều kiện kinh tế-xã hội huyện Thạch Thất

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 huyện thạch thất, thành phố hà nội (Trang 56 - 61)

4.1.2.1. Tăng trưởng kinh tế thời kỳ 2011 – 2016

Tình hình phát triển kinh tế năm năm qua, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản song cũng gặp nhiều khó khăn thách thức: tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình an ninh chính trị không ổn định, diễn biến phức tạp ở một số nước trên thế giới và trong khu vực, nhất là tình hình ở Biển đông đã tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh thương mại của một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Thiên tai dịch bệnh phát sinh và có những diễn biến phức tạp; giá cả hàng hóa không ổn định, đã tác động, ảnh hưởng đến hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.

Huyện Thạch Thất đã đưa ra Chương trình phát triển kinh tế về “Đẩy mạnh phát triển kinh tế toàn diện, hiệu quả, bền vững, xây dựng nông thôn mới từng bước nâng cao đời sống nhân dân huyện Thạch Thất giai đoạn 2011- 2016”.

Hình 4.2. Cơ cấu kinh tế huyện Thạch Thất năm 2016

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 11,89%. Mặc dù kinh tế có nhiều khó khăn, song thu hút đầu tư phát triển đạt cao, tổng nguồn vốn đầu tư 5 năm đạt 9.886,08 tỷ đồng (tăng 176,8% so với năm 2011); thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 35 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; đến năm

2016 tỷ trọng giá trị công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – xây dựng chiếm 68%, nông nghiệp sản chiếm 10,5%, thương mại dịch vụ chiếm 21,5%. Tổng giá trị sản xuất các ngành năm 2015 đạt trên trên 12.500 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước.

4.1.2.2. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng

Công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tiếp tục phát triển ổn định. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-xây dựng năm 2016 đạt 9.830.762 triệu đồng, tăng trưởng bình quân 15,3%/năm. Các sản phẩm chủ yếu tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá như: cơ kim khí tăng 14,3%, chế biến lâm sản đồ mộc tăng 17,7%, chế biến lương thực, thực phẩm tăng 16,6%; các sản phẩm khác tăng 16,7% so với cùng kỳ.

Giai đoạn 2011-2016 huyện đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch, hoàn thiện đồng bộ hạ tầng của 1 khu công nghiệp và 7 cụm công nghiệp với tổng diện tích 160 ha, tạo điều kiện thuận lợi cho 1.294 doanh nghiệp và hộ gia đình có mặt bằng sản xuất ổn định, thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư có số vốn lớn, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

Cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là một số tuyến đường huyết mạch đã được xây dựng hoàn thiện; hạ tầng một số khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trọng điểm; cơ sở vật chất trường học, bệnh viện, trung tâm văn hóa xã và nhà văn hóa thôn; điểm tập kết rác thải, hệ thống cây xanh, đèn chiếu sáng được đầu tư, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Các làng nghề được duy trì và phát triển mạnh; đến nay toàn huyện đã có 10 làng được công nhận làng nghề truyền thống (2 ngành sản xuất chính là cơ kim khí và chế biến lâm sản, sản xuất đồ gỗ trang trí nội thất và làm nhà cổ truyền thống).

4.1.2.2. Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch

Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển phong phú, đa dạng: Tổng giá trị thương mại, dịch vụ, du lịch năm 2016 đạt 14.729.312 triệu đồng, tăng trưởng bình quân 16,5%/năm. Căn cứ quy hoạch chung của huyện và quy hoạch xây dựng nông thôn mới, trong 5 năm qua đã đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới được 07 chợ, hình thành nhiều khu vực kinh doanh thương mại, nhất là các làng nghề, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa phục vụ nhu cầu của nhân dân trong huyện và các huyện lân cận. Hoạt động xúc tiến đầu tư,trao đổi thương mại của các doanh nghiệp trên địa bàn đã có bước phát triển mới, có

chiến lược kinh doanh và tiếp cận thị trường đúng đắn; nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài để thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu nguyên vật liệu, mở các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm tại

Lào, Châu Phi, hàng năm đã nhập khẩu khoảng 360.000 tấn thép, 110.000 m3 gỗ

tự nhiên, 40.000m3 gỗ công nghiệp từ nước ngoài. Dịch vụ du lịch có bước phát

phát triển mới đã hình thành một số khu vực ẩm thực tập trung, các khu du lịch nghỉ dưỡng; các hoạt động lễ hội được duy trì và tạo tiền đề cho phát triển du lịch như lễ hội chùa Tây Phương và tham quan du lịch ở các làng nghề truyền thống. Mỗi năm thu hút khoảng 67.000 lượt khách du lịch, trong đó có trên 5.000 lượt khách quốc tế.

4.1.2.3. Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản

Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản có nhiều tiến bộ: Thực hiện tốt định hướng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đưa tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất và thu hoạch đạt 98%, tuyển chọn và đưa vào sản xuất bộ giống lúa mới ngắn ngày, có năng suất và chất lượng cao chiếm tới 95% diện tích; làm tốt công tác truyền thông, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, các biện pháp thâm canh tiên tiến nên năng suất lúa hàng năm đều vượt kế hoạch, năm 2016 đạt 61,3 tạ/ha. Giá trị sản xuất bình quân năm 2016 đạt 85 triệu đồng/ha. Cơ cấu nội ngành được chuyển dịch theo hướng tích cực; nhân rộng các mô hình trồng hoa, rau an toàn, cây ăn quả, cây cảnh, cây bóng mát cho thu nhập cao gấp 3 đến 5 lần so với cây lúa. Mô hình chăn nuôi tập trung, cung cấp thực phẩm sạch, có chất lượng, gắn chăn nuôi với tiêu thụ sản phẩm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là mô hình chăn nuôi lợn rừng, gà thịt và trứng gia cầm cung cấp cho các trung tâm thương mại trong nước và xuất khẩu. Tỉ lệ giá trị chăn nuôi chiếm 54,2% tổng giá trị ngành nông nghiệp; trên địa bàn huyện đã có 179 mô hình chăn nuôi hiệu quả; trong đó có 106 mô hình lúa cá, chăn nuôi kết hợp với trồng cây ăn quả, 57 mô hình trang trại lợn, 34 mô hình gia cầm, 13 mô hình chăn nuôi trâu bò. Duy trì 2.583,0 ha rừng, thực hiện chuyển đổi rừng keo, bạch đàn sang rừng sinh thái kết hợp du lịch góp phần nâng cao thu nhập và nhân dân trong huyện. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản đạt 1.5155,98 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 4,9%/năm. Năm 2016 giá trị thu nhập trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản bình quân 150 triệu đồng, tăng 15 triệu đồng so với năm 2015.

4.1.2.4. Giáo dục, Dân số, lao động, việc làm và thu nhập

a. Công tác giáo dục và đào tạo

Giai đoạn năm 2011-2016, huyện đã đầu tư 475 tỷ đồng xây dựng 297 phòng học, phòng bộ môn, 118 phòng chức năng và các công trình phụ trợ khác, trong đó đã huy động xã hội hóa được 23 tỷ đồng. Hoàn thành quy hoạch mạng lưới trường lớp đến năm 2016, định hướng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Đến năm 2016 toàn huyện có 39/77 trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở công lập đạt chuẩn quốc gia (chiếm 50,6%), 23/23 xã thị trấn đều có Hội khuyến học, nhiều thônvà hầu hết các dòng họ có quỹ khuyến học. Công tác xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được chú trọng, tỷ lệ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn của các bậc học đều tăng so với 2011.

Năm học 2015-2016 toàn huyện có 77 trường công lập từ bậc mầm non đến bậc trung học cơ sở; Chất lượng giáo dục tăng lên rõ rệt, kết thúc năm học 2015- 2016 đã hoàn thành phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, nâng cao chất lượng phổ cập TH, THCS; tỷ lệ chuyển lớp bậc Tiểu học, THCS đạt 99,3% (tăng 1,3% so với năm 2011), tỉ lệ tốt nghiệp THCS hàng năm đạt trên 98%, tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi có trình độ trung học phổ thông và tương đương đạt 80%, tăng 9,5 % so với năm 2011; số học sinh trúng tuyển vào các trường đại học-cao đẳng tăng qua từng năm (trong giai đoạn 2011-2016 đã có 4.676 học sinh trúng tuyển vào các trường đại học – cao đẳng, tăng 1.078 học sinh so với 2006-2010) kết quả thi học sinh giỏi đứng ở tốp đầu của thành phố. Chất lượng giáo dục của huyện được sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đánh giá đứng thứ 13/30 quận, huyện, thị xã. Ngành Giáo dục và Đào tạo Thạch Thất luôn giữ vững và khẳng định là đơn vị dẫn đầu khối huyện của nghành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô.

b. Dân số, lao động và việc làm

Thạch Thất có 23 đơn vị hành chính gồm 1 thị trấn và 22 xã, dân số tính đến năm 2016 là 199.470 người gồm 2 dân tộc chính là Kinh và Mường. Dân tộc Mường khoảng 14.800 người chiếm khoảng 7,8% dân số, tập trung tại 3 xã Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung. Công tác truyền thông về dân số - kế hoạch hóa gia đình được quan tâm; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm, năm 2011 chiếm 15,2%, năm 2014 giảm còn 14,3%. Trên địa bàn của huyện cơ cấu dân số nam và nữ tương đối cân bằng, song cơ cấu dân số thành thị và nông thôn chênh lệch khá

lớn 1:30; Các biện pháp để nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn huyện được các cấp Đảng, chính quyền quan tâm.

Bảng 4.2. Dân số huyện Thạch Thất giai đoạn 2011 - 2016

STT Chỉ tiêu Năm 2011 Năm 2016 Dân số (người) Cơ cấu (%) Dân số (người) Cơ cấu (%) 1 Dân số trung bình 180.844 100,00% 199.470 100,00% 2 Dân số trong độ tuổi lao động 92.230 51,00% 103.126 51,70%

- Khu vực nông nghiệp 35.970 39,00% 29.907 29,00%

- Khu vực công nghiệp 37.353 40,50% 52.079 50,50%

- Khu vực dịch vụ và du lịch 18.907 20,50% 21.140 20,50%

Trong tổng dân số của huyện năm 2016, dân số trong độ tuổi lao động chiếm 51,7% (103.126 người). Số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động chiếm 97%. Cùng với quá trình công nghiệp hóa, tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp của huyện không ngừng tăng lên, đi kèm với nó là tỷ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp giảm (từ 39% năm 2010 còn 29% năm 2016). Lao động thương mại dịch vụ và du lịch chiếm 20,5%. Số lao động của huyện có trình độ tốt nghiệp phổ thông cơ sở khá cao (82%), tuy nhiên với đặc thù của huyện có nhiều làng nghề truyền thống, lao động chủ yếu làm việc bằng kinh nghiệm, tự học hỏi, do đó hạn chế lớn nhất về lao động của huyện là thiếu công nhân kỹ thuật lành nghề (số lao động được qua đào tạo năm 2011 chiếm khoảng 35,5%, đến năm 2016 đã tăng lên 55,3% lao động qua đào tạo so với tổng lao động của huyện). Hàng năm bình quân có khoảng 2.100 đến 2.300 người đến độ tuổi lao động. Giải quyết việc làm và tạo việc làm mới (trong giai đoạn năm 2011-2016) cho 23.615 lao động (trong đó có 954 người đi lao động nước ngoài). Tỷ lệ lao động trong độ tuổi chưa có việc làm chiếm 1,7% tương ứng với khoảng 1.800 lao động và thời gian sử dụng lao động của lao động nông thôn khoảng 86,3%.

c. Thu nhập và đời sống

Mức sống của nhân dân trên địa bàn huyện trong những năm gần đây được nâng lên. Trong đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 35 triệu đồng/người/năm.

Mức thu nhập bình quân đầu người có xu hướng tăng đều qua các năm và có xu hướng ổn định. Trong công tác xóa đói giảm nghèo, được sự quan tâm của huyện ủy và UBND huyện nên luôn đạt kết quả tốt. Thông qua việc thực hiện tốt các chủ

trương chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt đẩy nhanh đào tạo nghề và tạo điều kiện phát triển các làng nghề truyền thống nên hàng năm có một lượng khá lớn lao động tham gia làm việc tại đây đã góp phần không nhỏ cải thiện thu nhập dân cư nói chung và các hộ nghèo nói riêng. Trên địa bàn không còn hộ nghèo có nhà ở dột nát, trong giai đoạn 2011 - 2016 đã giảm 5.186 hộ nghèo. Kết quả số hộ nghèo qua các năm đều giảm xuống. Cụ thể tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 10,56% (năm 2011) xuống còn 3,49% (năm 2015) và đến năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,93%.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 huyện thạch thất, thành phố hà nội (Trang 56 - 61)