Tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đông anh thành phố hà nội (Trang 37 - 42)

Phần 2 Tổng quan vấn đề nghiên cứu

2.2. Cơ sở thực tiễn của quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên thế giới và

2.2.2. Tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam

2.2.2.1. Tình hình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên toàn quốc

Việt Nam đi lên từ một nước có nền nông nghiệp lạc hậu, vì vậy ngay trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề xuất phong trào thi đua ở vùng giải phóng với ba nội dung chủ yếu: “Thi đua tăng gia sản xuất để diệt giặc đói, thi đua học chữ quốc ngữ để diệt giặc dốt, thi đua giúp đỡ bộ đội, xây dựng dân quân du kích để diệt giặc ngoại xâm”.

Ngày 03/04/1946, Ủy ban vận động đời sống mới Trung ương được thành lập nhằm đẩy mạnh hơn nữa công cuộc vận động xây dựng đời sống mới trong toàn quốc. Đây là những tiền đề để tiến hành xây dựng NTM trong suốt quá trình chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, quá trình này vẫn tiếp tục được duy trì và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần ổn định chính trị - xã hội; xóa bỏ tàn dư văn hóa thực dân do Mỹ ngụy để lại; phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội; giữ vững chủ quyền và an ninh quốc gia; tạo ra những tiền đề cho quá trình đổi mới đất nước.

Sau 30 năm đổi mới, nền kinh tế nông thôn đã chuyển từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN. Đây là bước chuyển biến cơ bản làm thay đổi cấu trúc Kinh tế - Văn hóa - Xã hội ở nông thôn. Xây dựng và phát triển cơ cấu hạ tầng nông thôn - tiền đề để đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Trong những năm qua, mạng lưới điện nông thôn phát triển nhanh, đã đáp ứng được yêu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Năm 1994, cả nước có 60,4% số xã, 49,6% số thôn, ấp, bản và 53,2% số hộ có điện. Đến nay, mạng lưới điện đã phủ khắp 100% số xã và tỷ lệ nông thôn đã có điện đạt 97,8% (Tổng cục Thống kê, 2016).

Đường giao thông nông thôn được xây dựng và nâng cấp về cả số lượng và chất lượng. Sự phát triển mạnh mẽ giao thông nông thôn với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã góp phần đầu tư vào khu vực nông thôn, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển Kinh tế - Xã hội ở nông thôn. Theo số liệu thống kê, đến 01/7/2011 cả nước đã có 8940 xã (chiếm 98,6% tổng số xã cả nước) có đường ô tô đến trung tâm xã (tăng 2,3% so với năm 2006), trong đó đi lại được 4 mùa là 8803 xã, chiếm 97,1% ( tăng 3,5% so với năm 2006); trong đó xã có đường ô tô đến trung tâm xã đã được nhựa hóa, bê

tông hóa là 7917 xã chiếm 87,3% (tăng 17,2% so với năm 2006). Một điều đáng chú ý là không chỉ đường đến trung tâm huyện, xã được chú trọng mà đường đến các thôn, bản miền núi cũng được các cấp chính quyền hết sức quan tâm đầu tư với số liệu rất ấn tượng đó là có tới 89,5% số thôn, bản có đường ô tô đến được (Tổng cục Đường bộ Việt Nam, T10/2015).

Đảng và Nhà nước ta đã xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu nên đã chú trọng công tác giáo dục và đào tạo ở nông thôn. Hệ thống trường học các cấp liên tục được mở rộng về số lượng và chất lượng và cơ bản xóa trường, lớp tạm. Đến nay, 100% các xã đã có trường mầm non và tiểu học, số xã có trường trung học cơ sở và trung học phổ thông ngày càng tăng.

Hệ thống y tế nông thôn được quan tâm xây dựng rộng khắp và trở thành tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Năm 2010, có 100% tổng số xã có trạm y tế. Bình quân một trạm y tế có 0,78 bác sỹ và 1.000 dân có một bác sỹ. Đến nay, có 50% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 80,5% dân cư nông thôn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Hệ thống chợ, làng nghề, cơ sở chế biến nông - lâm - thủy sản có bước phát triển nhanh, góp phần đa dạng hóa các hình thức sản xuất, kinh doanh ở nông thôn, tạo điều kiện tiếp xúc với khoa học - công nghệ, kích thích sản xuất phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trên thì vẫn còn nhiều tồn tại đang gây nhức nhối khiến cho quá trình xây dựng NTM chưa được hoàn thiện: Thu nhập của người dân nông thôn vẫn đang ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chênh lệch giàu nghèo vẫn gay gắt, hệ thống an sinh xã hội chưa được cải thiện, tình trạng thiếu việc làm kéo dài, môi trường tự nhiên ở một số vùng đang bị ô nhiễm, môi trường văn hóa - xã hội chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp.

Để khắc phục tình trạng này, Đảng và Nhà nước ta đã đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ và đề ra giải pháp cho chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020:

Mục tiêu:

- Xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội hiện đại;

- Có cơ cấu kinh tế và các tổ chức sản xuất hợp lý; gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch;

- Xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; - Dân trí được nâng cao;

- Môi trường sinh thái được bảo vệ;

- Hệ thống chính trị nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường; - Xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - tri thức vững mạnh, tạo nền tảng kinh tế - xã hội và chính trị vững chắc cho sự nghiệp CNH - HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nhiệm vụ và giải pháp:

- Xây dựng và phát triển nông nghiệp hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phù hợp với đặc điểm của từng vùng.

- Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn hiện đại, gắn với phát triển đô thị và đô thị hóa.

- Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, tạo việc làm ổn định và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, nhất là vùng khó khăn.

- Đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn.

2.2.2.2. Tình hình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội

Thực hiện Nghị quyết số 26, Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Chính phủ, giai đoạn 2010 - 2020; Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ Thành phố, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng và triển khai Chương trình số 02 về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011 - 2015” nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ Thành phố. Sau 6 năm triển khai thực hiện Chương trình, nông thôn Thủ đô đã có nhiều chuyển biến tiến bộ, rõ nét với những kết quả nổi bật:

Thứ nhất, xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng từ Thành phố đến cơ sở, huy động được cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân tham gia, với phương châm dân chủ, tự giác, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra; đã xuất hiện rất nhiều các tấm gương là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình cùng chung tay đóng góp công sức, nguồn lực, góp phần đẩy nhanh việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai, Thành phố đã ưu tiên nguồn lực, huy động xã hội hóa đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội trong nông thôn, nhất là hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh (điện, đường, trường, trạm...) tạo nên diện mạo mới của nông thôn. (Tổng kinh phí đầu tư cho xây dựng nông thôn mới 5 năm qua (số làm tròn từ năm 2011 - 2015) đạt gần 63,6 nghìn tỷ đồng, trong đó, tổng đầu tư cho Chương trình xây dựng nông thôn mới gần 34,5 nghìn tỷ đồng; ngân sách nhà nước các cấp gần 23,6 nghìn tỷ đồng; ngân sách thành phố 10,2 nghìn tỷ đồng; ngân sách huyện, xã 13,4 nghìn tỷ đồng; nguồn vốn từ sự đóng góp xã hội hóa của người dân, doanh nghiệp (quy đổi thành tiền) trị giá 10,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 24% tổng kinh phí đầu tư cho Chương trình xây dựng nông thôn mới (tỷ lệ này rất cao so với cả nước).

Bình quân mỗi xã đầu tư khoảng trên 79,6 tỷ đồng. Giai đoạn 2011 - 2015, đã đầu tư xây mới 54 trạm xá; cải tạo, nâng cấp 97 trạm xá; cải tạo, nâng cấp, xây mới 288 trường mầm non, 233 trường tiểu học, 268 trường trung học cơ sở; 75 nhà văn hóa và Trung tâm thể thao xã, 352 nhà văn hóa, khu thể thao thôn đạt chuẩn).

Hệ thống đê điều, kênh mương thủy lợi, giao thông nội đồng phục vụ sản xuất được ưu tiên đầu tư nâng cấp, bảo đảm an toàn trong phòng chống lũ và tiêu úng. Số hộ nông dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt tỷ lệ cao. Các thiết chế văn hóa ở thôn, làng được quan tâm đầu tư. Hệ thống trường học, trạm y tế được xây dựng mới, nâng cấp theo chuẩn quốc gia.

Thứ ba, công tác dồn điền, đổi thửa được Thành phố chỉ đạo quyết liệt, tạo cơ sở thuận lợi cho tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp (đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất và hình thành nhiều mô hình, vùng sản xuất chuyên canh tập trung, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao). Toàn Thành phố đã chuyển đổi được trên 62,6 nghìn ha cây trồng sang mô hình chuyên canh, chiếm tỷ lệ 37,5% diện tích canh tác; chuyển đổi được 10 nghìn ha sang mô hình thâm canh thủy sản, chiếm gần 98% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản. (Mô hình rau an toàn, hoa, cây ăn quả, vùng chăn nuôi gia cầm, thủy sản với giá trị 0,5-1,5 tỷ/ha/năm thậm chí đạt gần 2 tỷ/ha/năm) góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, thu nhập bình quân đầu người tăng gần gấp đôi so với năm 2011. Số hộ nghèo ở nông thôn giảm mạnh. Phong trào toàn dân đoàn kết xây đựng đời sống văn hóa, xây dựng làng văn hóa được chú trọng cả về chất và lượng, bản sắc văn hóa được giữ gìn và phát huy.

Thứ tư, thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, hệ thống chính trị ở cơ sở từng bước được củng cố, tăng cường, vai trò lãnh đạo của cấp ủy cơ sở, chi bộ được nâng lên và có nhiệm vụ cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo, có tiêu chí cụ thể để đánh giá. An ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, giữ vững.

Có thể khẳng định, với sự chỉ đạo điều hành sáng tạo, quyết liệt, toàn diện của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực của hệ thống chính trị, sự đồng thuận và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, Hà Nội trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phong trào xây dựng nông thôn mới. Đến nay đã có 201/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 52,07%; 22 xã đang trình Thành phố công nhận xã chuẩn; huyện Đan Phượng và huyện Đông Anh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Thanh Trì và Hoài Đức đang trình Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đó là kết quả rất đáng phấn khởi, tạo nên những khởi sắc, sự đổi thay cơ bản diện mạo nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát kinh tế - xã hội của Thủ đô(Báo cáo kết quả xây dựng NTM trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015, tháng 5/2016).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đông anh thành phố hà nội (Trang 37 - 42)