2.2.1. Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở một số nước trên thế giới
2.2.1.1. Xây dựng nông thôn mới ở Hàn Quốc
Hàn Quốc, từ một nước thuộc địa đến tận cuối thế kỷ XIX, đã đi lên từ vị trí giữa những nước nghèo nhất thế giới nay trở thành nước có nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới, Hàn Quốc đã cho thấy sức mạnh và tiềm năng khổng lồ của mình. Nền tảng cơ bản cho sự vươn mình nỗ lực đó chính là Saemaul Undong - mô hình phát triển làng mới mang đặc sắc riêng Hàn Quốc.
Cuối thập niên 60 của thế kỷ XX, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc chỉ có 85 USD; phần lớn người dân không đủ ăn; 80% dân nông thôn không có điện thắp sáng và phải dùng đèn dầu, sống trong những căn nhà lợp bằng lá. Là nước nông nghiệp trong khi lũ lụt và hạn hán lại xảy ra thường xuyên, mối lo lớn nhất của chính phủ khi đó là làm sao đưa đất nước thoát khỏi đói, nghèo.
Phong trào Làng mới (SU) ra đời với 3 tiêu chí: cần cù (chăm chỉ), tự lực vượt khó và hợp tác (hiệp lực cộng đồng). Năm 1970, sau những dự án thí điểm đầu tư cho nông thôn có hiệu quả, Chính phủ Hàn Quốc đã chính thức phát động phong trào SU và được nông dân hưởng ứng mạnh mẽ. “ Phong trào nông thôn mới” với cách thức hoạt động chủ yếu là “ Chính phủ là chủ đạo, cung cấp nguyên liệu, tài liệu. Hội nông dân tổ chức cho nông dân thực thi cụ thể”. Tinh thần Seamaul Undong được xây dựng với ba trụ cột “chuyên cần - tự giác - hợp tác”. Ba trụ cột đó là những giá trị xuyên suốt trong quá trình phát triển nông thôn nói riêng và phát triển xã hội Hàn Quốc nói chung, được công nhận đã góp công đưa GNP bình quân từ 85USD lên 20.000USD sau 30 năm phát triển. Tới nay, thông qua phong trào NTM, Hàn Quốc đã phổ cập được hạ tầng cơ sở nông thôn khá đồng bộ và hiện đại, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, nâng cao trình độ tổ chức của nông dân, chấn hưng tinh thần quốc dân, cuộc sống của người nông dân cũng đạt đến mức khá giả, nông thôn Hàn Quốc cũng đã bắt kịp tiến trình hiện đại hóa của đất nước, đồng thời đưa thu nhập của Hàn Quốc đạt chỉ tiêu của một quốc gia phát triển (Phan Đình Hà, 2011).
Bộ mặt nông thôn Hàn Quốc đã có những thay đổi hết sức kỳ diệu. Chỉ sau 8 năm, các dự án phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn cơ bản được hoàn thành. Trong 8 năm từ 1971 - 1978, Hàn Quốc đã cứng hóa được 43.631 km đường làng nối với đường của xã, trung bình mỗi làng nâng cấp được 1.322 m đường; cứng hóa đường ngõ xóm 42.220 km, trung bình mỗi làng là 1.280 m; xây dựng được 68.797 cầu (Hàn Quốc là đất nước có nhiều sông suối), kiên cố hóa 7.839 km đê, kè, xây 24.140 hồ chứa nước và 98% hộ có điện thắp sáng. Nhờ phát triển giao thông nông thôn nên các hộ có điều kiện mua sắm phương tiện sản xuất. Cụ thể là, năm 1971, cứ 3 làng mới có 1 máy cày, thì đến năm 1975, trung bình mỗi làng đã có 2,6 máy cày, rồi nâng lên 20 máy vào năm 1980. Từ đó, tạo phong trào cơ khí hóa trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng công nghệ cao, giống mới lai tạo đột biến, công nghệ nhà lưới, nhà kính trồng rau, hoa quả đã thúc đẩy năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng nhanh. Năm 1979, Hàn Quốc đã có 98% số làng tự chủ về kinh tế.
Thắng lợi đó được Hàn Quốc tổng kết thành 6 bài học lớn đó là: Phát huy nội lực của nhân dân để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất để tăng thu nhập, đào tạo cán bộ phục vụ phát triển nông thôn, phát huy dân chủ để phát triển nông thôn, phát triển kinh tế hợp tác từ phát triển cộng, phát triển và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường bằng sức mạnh toàn dân.
2.2.1.2. Xây dựng nông thôn mới ở Thái Lan
Ngành nông nghiệp Thái Lan đã và đang là ngành chủ chốt trong nền kinh tế, thu hút sự quan tâm của Chính phủ kể từ khi Thủ tướng Thaksin Shinawatra nhậm chức vào tháng 2/2001. Chính phủ đang tìm cách biến những lời hứa thành hiện thực và đảm bảo công bằng cho mọi người dân thông qua ba dự án đầy tham vọng: hoãn nợ cho nông dân trong 3 năm, tài trợ một triệu bạt cho mỗi làng trong cả nước và chương trình “Mỗi địa phương, một sản phẩm”.
Theo Tổng giám đốc Phòng Xúc tiến xuất khẩu, Thái Lan, Chính phủ sẽ chọn 100 sản phẩm từ các Dự án “Mỗi địa phương, một sản phẩm” để xúc tiến bán ra thị trường vào năm tới và đây cũng là hoạt động trong khuôn khổ dự án. Ông nói rằng Phòng Xúc tiến xuất khẩu đã bắt đầu thực hiện chương trình chọn lựa 100 sản phẩm từ danh sách 500 sản phẩm đủ chất lượng để bán ra thị trường thế giới vào năm 2002 nhằm thúc đẩy các sản phẩm địa phương và phân phối lại thu nhập trong cộng đồng dân nghèo nông thôn.
Thái Lan đã xuất khẩu nhiều sản phẩm nhưng chỉ với khối lượng nhỏ, chất lượng và mẫu mã chưa đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và được thị trường quốc tế chấp nhận. Hầu hết các sản phẩm xuất khẩu là sản phẩm thủ công, để cải thiện tình hình này, Phòng Xúc tiến xuất khẩu sẽ phối hợp với Trung tâm Hợp tác Châu Á - Nhật Bản để đào tạo cho người lao động ở nông thôn về mẫu mã sản phẩm. Thái Lan dự định hoàn thành quá trình cải tiến sản phẩm trong một năm mặc dù thông thường cần 3 đến 4 năm. Chính phủ sẽ hỗ trợ tài chính và các công nghệ cần thiết, đặc biệt là các công nghệ để sản xuất các sản phẩm thủ công.
Để có thể đạt mục tiêu đã đề ra, Chính phủ Thái Lan đã dành 100 triệu bạt được trích từ khoản ngân sách dự trữ 58 tỷ bạt của Chính phủ dành cho các chương trình phát triển kinh tế để thành lập một trung tâm thiết kế để cải tiến mẫu mã sản phẩm do người dân nông thôn làm ra. Các khoản hỗ trợ tài chính sẽ thông qua Hội đồng Phát triển Kinh tế xã hội quốc gia. Trung tâm thiết kế sẽ tạo điều kiện để các nhà thiết kế đương đại tư vấn cho người sản xuất và góp phần vào việc phát triển các sản phẩm địa phương. Như ông Banphot Hongthong đã nói "Cơ chế này sẽ bao gồm cả việc ứng dụng các công nghệ của nước ngoài và giúp các sản phẩm của các dự án “Mỗi địa phương, một sản phẩm” cạnh tranh được trên thị trường thế giới".
người không hiểu về dự án, do địa phương nào cũng muốn được nhận tín dụng để phát triển một sản phẩm riêng, tuy nhiên không phải tất cả các địa phương đều có khả năng phát triển một sản phẩm riêng và vấn đề tiếp thị là thách thức lớn.
Nhiều dân làng mong muốn trong khuôn khổ dự án này, Chính phủ sẽ tài trợ trực tiếp cho họ. Tuy nhiên thực tế Chính phủ chủ trương tài trợ dưới hình thức tiếp thị, đào tạo và chuyển giao công nghệ. Một Hội đồng giám sát quốc gia đã được thành lập, do Phó Thủ tướng Pongpol Adireksarn đứng đầu để xem xét 6340 dự án loại này (Tuấn Anh, 2012).
2.2.1.3. Xây dựng nông thôn mới ở Nhật Bản
Sau Chiến tranh thế giới II, kinh tế Nhật Bản bị tàn phá nặng nề, không chỉ sản xuất công nghiệp mà nông nghiệp cũng đạt ở mức rất thấp, nguyên liệu và lương thực trong nước thiếu thốn trầm trọng. Do vậy, trong điều kiện đất chật người đông, để phát triển nông nghiệp Nhật Bản coi phát triển khoa học - kỹ thuật nông nghiệp là biện pháp hàng đầu. Nhật Bản tập trung vào các công nghệ tiết kiệm đất như: tăng cường sử dụng phân hoa học; hoàn thiện công tác quản lý và kỹ thuật tưới tiêu nước cho ruộng lúa; lai tạo và đưa vào sử dụng đại trà những giống kháng bệnh, sâu rầy và chịu rét; nhanh chóng đưa sản xuất nông nghiệp sang kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất...
Từ năm 1979, ở tỉnh Oi-ta, Nhật Bản đã hình thành và phát triển phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP), với mục tiêu phát triển vùng nông thôn của khu vực này một cách tương xứng với sự phát triển chung của cả Nhật Bản. Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” dựa trên 3 nguyên tắc chính là: Địa phương hóa rồi hướng tới tới toàn cầu; tự chủ, tự lập, nỗ lực sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, nhấn mạnh đến vai trò của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ kỹ thuật, quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm được xác định là thế mạnh. Sau 20 năm áp dụng OVOP, Nhật bản đã có 329 sản phẩm đặc sản địa phương có giá trị thương mại cao như nấm hương Shitake, rượu Shochu lúa mạch, cam Kabosu,… giúp nâng cao thu nhập của nông dân địa phương.
2.2.1.4. Kinh nghiệm của Trung Quốc qua phát triển Doanh nghiệp đầu rồng
Kể từ thập kỷ 70, nông nghiệp nông thôn Trung Quốc đã trải qua 3 giai đoạn phát triển quan trọng. Mỗi giai đoạn, nông nghiệp, nông thôn Trung Quốc đều gặp những thách đố to lớn nhưng trong thời điểm như vậy, những quyết sách mang tính đột phá đã kịp thời tháo gỡ được khó khăn, tạo động lực và mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển. Ở giai đoạn thứ 3 từ cuối thập kỷ 90, thách
thức của nông nghiệp về dư thừa nông sản khi tiến lên sản xuất hàng hoá đòi hỏi Trung Quốc phải có những quyết sách và động lực mới để tháo gỡ bế tắc. Trong tình hình này đã xuất hiện mô hình sản nghiệp hoá với mũi nhọn là phát triển Doanh nghiệp đầu rồng. Đây là một hướng đi mới nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nông sản, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập của nông dân.
Doanh nghiệp đầu rồng là một phương thức quan trọng về kinh doanh sản nghiệp hóa nông nghiệp; là đầu tầu của sản nghiệp hoá nông nghiệp mà một đầu của nó vươn tới thị trường trong và ngoài nước, đuôi của nó lại bám chặt vào kinh tế của hàng triệu hộ nông dân hình thành một thực thể kinh tế cộng đồng liên kết tự nguyện với kinh tế hộ nông dân, bình đẳng, cùng có lợi. Mục tiêu phát triển các Doanh nghiệp đầu rồng nhằm phát huy ưu thế của doanh nghiệp trong nông nghiệp đồng thời lấy kinh tế làm liên kết mạng lưới kinh doanh phân tán của các hộ nông dân sản xuất riêng lẻ, hình thành một thực tế chung về lợi ích kinh tế, dẫn dắt đông đảo nông dân hội nhập và thị trường trong nước và thế giới. Năm 1993 những manh nha đầu tiên của loại hình doanh nghiệp kết nối sản xuất - chế biến - tiêu thụ mà sau này trở thành phong trào lớn là các Doanh nghiệp đầu rồng đã bắt đầu xuất hiện ở tỉnh Sơn Đông.
Năm 1995: Chính phủ thông qua văn bản "chiến lược khuyến khích các thành phần công, thương nghiệp tham gia vào sản xuất nông nghiệp", khuyến khích phát triển hình thức sản nghiệp hoá nông nghiệp với các Doanh nghiệp đầu rồng đóng vai trò chủ đạo. Chiến lược này được đưa vào thực hiện trên phạm vi toàn quốc.
Cuối năm 1999, Trung Quốc đã có hơn 30000 đơn vị kinh doanh sản nghiệp hoá nông nghiệp, thu hút hơn 39 triệu hộ gia đình nông thôn, chiếm 15% tổng số hộ nông dân trên toàn quốc tham gia, bình quân mỗi hộ tăng thêm thu nhập hơn 800 tệ/năm. Chỉ riêng các tổ chức mới hình thành năm 1988 đã thu hút được hơn 5 triệu lao động nông thôn. Xét về loại hình tổ chức, 66% trong số đó có hình thức Doanh nghiệp đầu rồng là chủ thể, hình thức Hợp tác xã chiếm 26%, các loại hình khác chiếm 8%. Xét về ngành nghề liên quan, trồng trọt chiếm 39%, chăn nuôi chiếm 24%, các ngành khác 37%. Về phương thức hợp tác: ký kết hợp đồng chiếm 80%, cổ phần hợp tác chiếm 11%, các hình thức khác 9%.
Một số bài học trong phát triển các Doanh nghiệp đầu rồng ở Trung Quốc: Thứ nhất, từng bước đưa các cơ quan nghiên cứu chuyển dần sang tự hạch toán nhằm nâng cao hiệu suất chuyển giao khoa học kỹ thuật đến với người trực tiếp sản xuất.
Thứ hai, những sáng kiến từ địa phương là giải pháp để tháo gỡ những thách thức thường bắt nguồn từ cuộc sống thực tế, nó thường thiết thực, có sự tham gia rộng rãi của nhân dân và phản ánh nhu cầu và năng lực của dân.
Thứ ba, chính quyền địa phương luôn chủ động đưa ra các chính sách tạo môi trường thuận lợi cho các mô hình, sáng kiến mới phát triển ra diện rộng.
Thứ tư, xây dựng mối liên kết chặt chẽ và thông tin kết nối giữa chính quyền trung ương với địa phương và thực tế xảy ra ở địa phương (Phạm Quang Diệu, 2003).
2.2.2. Tình hình quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam
2.2.2.1. Tình hình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên toàn quốc
Việt Nam đi lên từ một nước có nền nông nghiệp lạc hậu, vì vậy ngay trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề xuất phong trào thi đua ở vùng giải phóng với ba nội dung chủ yếu: “Thi đua tăng gia sản xuất để diệt giặc đói, thi đua học chữ quốc ngữ để diệt giặc dốt, thi đua giúp đỡ bộ đội, xây dựng dân quân du kích để diệt giặc ngoại xâm”.
Ngày 03/04/1946, Ủy ban vận động đời sống mới Trung ương được thành lập nhằm đẩy mạnh hơn nữa công cuộc vận động xây dựng đời sống mới trong toàn quốc. Đây là những tiền đề để tiến hành xây dựng NTM trong suốt quá trình chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, quá trình này vẫn tiếp tục được duy trì và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần ổn định chính trị - xã hội; xóa bỏ tàn dư văn hóa thực dân do Mỹ ngụy để lại; phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội; giữ vững chủ quyền và an ninh quốc gia; tạo ra những tiền đề cho quá trình đổi mới đất nước.
Sau hơn 20 năm đổi mới, nền kinh tế nông thôn đã chuyển từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN. Đây là bước chuyển biến cơ bản làm thay đổi cấu trúc Kinh tế - Văn hóa - Xã hội ở nông thôn.
Xây dựng và phát triển cơ cấu hạ tầng nông thôn - tiền đề để đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Trong những năm qua, mạng lưới điện nông thôn phát triển nhanh, đã đáp ứng được yêu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Năm 1994, cả nước có 60,4% số xã, 49,6% số thôn, ấp, bản và 53,2% số hộ có điện. Đến nay, 98,6% số xã và 93,3% số hộ có điện lưới quốc gia (Phùng Hữu Phú và cs., 2009).
Đường giao thông nông thôn được xây dựng và nâng cấp về cả số lượng và chất lượng. Sự phát triển mạnh mẽ giao thông nông thôn với phương châm “Nhà Nước và nhân dân cùng làm” đã góp phần đầu tư vào khu vực nông thôn, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển Kinh tế - Xã hội ở nông thôn. Đến năm 2006, 96,9% tổng số xã cả nước đã có đường ô tô đến khu trung tâm. Các đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa, nhựa hóa ở các mức độ khác nhau, chiếm 64,8% tổng số xã.
Đảng và Nhà nước ta đã xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu nên đã chú trọng công tác giáo dục và đào tạo ở nông thôn. Hệ thống trường học các cấp liên tục được mở rộng về số lượng và chất lượng và cơ bản xóa trường, lớp