Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện gia lâm, thành phố hà nội (Trang 47 - 50)

Phần 4 Kết quả và thảo luận

4.1. Đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội huyện Gia Lâm

4.1.1. Điều kiện tự nhiên

4.1.1.1. Vị trí địa lý

Gia Lâm là huyện ngoại thành nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc của thành phố Hà Nội; gồm 22 đơn vị hành chính cấp xã trong đó có 20 xã và 02 thị trấn. Ranh giới hành chính của huyện như sau:

+ Phía Đông giáp tỉnh Hưng Yên;

+ Phía Tây giáp huyện Đông Anh, quận Long Biên và quận Hoàng Mai; + Phía Nam giáp huyện Thanh Trì và tỉnh Hưng Yên;

+ Phía Bắc giáp huyện Đông Anh và tỉnh Bắc Ninh.

Gia Lâm nhiều tuyến giao thông huyết mạch chạy qua như Quốc lộ 5, Quốc lộ 1, tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường Hà Nội – Hưng Yên và các tuyến đường thủy trên sông Hồng, sông Đuống.

4.1.1.2. Địa hình, địa mạo

Huyện Gia Lâm thuộc vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, có địa hình thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam theo hướng chung của địa hình và theo hướng dòng chảy của sông Hồng. Tuy vậy, địa hình của huyện cũng khá đa dạng, làm nền tảng cho cảnh quan tự nhiên, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, xây dựng các công trình hạ tầng dân dụng và khu công nghiệp, đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của huyện.

4.1.1.3. Khí hậu, thời tiết

Huyện Gia Lâm mang các đặc điểm chung của khí hậu, thời tiết vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng:

- Một năm chia làm 2 mùa rõ rệt: Mùa nóng ẩm kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10, mùa khô hanh kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Giữa 2 mùa nóng ẩm và mùa khô hanh có các thời kỳ chuyển tiếp khí hậu tạo ra một dạng khí hậu 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.

- Nhiệt độ không khí trung bình năm 23,5oC, mùa nóng nhiệt độ trung bình tháng đạt 27,4oC.

- Lượng mưa trung bình năm 1400-1600 mm. Mưa tập trung vào mùa nóng ẩm từ tháng 5 đến tháng 9, mưa nhiều nhất vào tháng 7 và tháng 8.

- Hướng gió thịnh hành là gió mùa Đông Nam và gió mùa Đông Bắc. Gió mùa Đông Nam bắt đầu vào tháng 5, kết thúc vào tháng 10 mang theo nhiều hơi nước từ biển vào gây nên những trận mưa rào, đôi khi bị ảnh hưởng của gió bão, áp thấp nhiệt đới kèm theo mưa lớn gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống. Gió mùa Đông Bắc từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, thường gây ra lạnh và khô ở những tháng đầu mùa, lạnh và ẩm ướt vào tháng 2, tháng 3 do có mưa phùn. Đôi khi có sương mù, rét đậm trong các tháng 12 và tháng 1 gây ra những thiệt hại cho sản xuất.

4.1.1.4. Thuỷ văn

Chế độ thuỷ văn của huyện chịu ảnh hưởng chính của sông Hồng và sông Đuống, với các đặc điểm sau:

- Sông Hồng: là sông lớn nhất miền Bắc chảy qua địa bàn huyện ở phía Đông với chiều dài khoảng 8 km. Chế độ thủy văn của sông Hồng chia làm hai mùa: mùa khô và mùa lũ với biên độ dao động mực nước rất lớn, từ dưới 2 m đến trên 11,5 m (báo động cấp 3), việc thoát nước vào sông Hồng trong mùa lũ bắt buộc phải dùng bơm động lực.

- Chế độ thủy văn của sông Đuống: Sông Đuống chảy qua địa bàn huyện với chiều dài khoảng 10 km, sông Đuống có nhiệm vụ tưới tiêu cho khu vực trong đê của huyện Gia Lâm. Lưu lượng nước sông Đuống ở đầu nguồn từ 26m - 150m3/s, mực nước ở hạ lưu từ 4,5m - 5,2m.

Ngoài ra, chế độ thủy văn của huyện còn chịu ảnh hưởng bởi sông Cầu Bây, sông Thiên Đức.

4.1.1.5. Tài nguyên đất

Theo kết quả Kiểm kê đất đai năm 2015 của UBND huyện Gia Lâm, tổng diện tích tự nhiên là 11.671,24 ha, trong đó: Diện tích đất nông nghiệp là 6.538,08 ha, chiếm 56,02%; Đất phi nông nghiệp là 5.060,60 ha, chiếm 43,36%; Đất chưa sử dụng còn 72,56 ha, chiếm 0,62%, cụ thể từng loại đất như sau:

Hình 4.2. Cơ cấu sử dụng đất năm 2015 của huyện Gia Lâm

4.1.1.6. Tài nguyên nước

Nước mặt: Gia Lâm có 2 con sông lớn chảy qua là sông Hồng và sông Đuống. Đây là 2 con sông có trữ lượng nước khá lớn, là nguồn chính đáp ứng yêu cầu về nguồn nước ngọt phục vụ phát triển sản xuất và đời sống dân sinh.

Nước ngầm: Theo báo cáo điều chỉnh quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội huyện Gia Lâm, nguồn nước ngầm ở Gia Lâm có 3 tầng: Tầng chứa nước không áp có chiều dày chứa nước thay đổi từ 7,5m-19,5m, trung bình 12,5m. Tầng nước không áp hoặc áp yếu, đây là tầng chứa nước nằm giữa hai tầng qh và qp1 có diện tích phân bố rộng khắp đồng bằng Bắc bộ thuộc lưu vực sông Hồng. Tầng chứa nước áp lực là tầng chứa nước chính hiện đang được khai thác rộng rãi phục vụ cho huyện. Tầng này có chiều dày thay đổi trong phạm vi khá rộng từ 28,6m- 84,6m, trung bình 42,2m. Độ nhiễm khuẩn rất thấp, có nơi không nhiễm khuẩn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện gia lâm, thành phố hà nội (Trang 47 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)