Phần 2 Tổng quan nghiên cứu
2.2. Cơ sở thực tiễn của quy hoạch xây dựng nông thôn mới
2.2.2. Tình hình quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam
2.2.2.1. Tình hình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên toàn quốc
Việt Nam đi lên từ một nước có nền nông nghiệp lạc hậu, vì vậy ngay trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề xuất phong trào thi đua ở vùng giải phóng với ba nội dung chủ yếu: “Thi đua tăng gia sản xuất để diệt giặc đói, thi đua học chữ quốc ngữ để diệt giặc dốt, thi đua giúp đỡ bộ đội, xây dựng dân quân du kích để diệt giặc ngoại xâm”.
Ngày 03/04/1946, Ủy ban vận động đời sống mới Trung ương được thành lập nhằm đẩy mạnh hơn nữa công cuộc vận động xây dựng đời sống mới trong toàn quốc. Đây là những tiền đề để tiến hành xây dựng NTM trong suốt quá trình chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, quá trình này vẫn tiếp tục được duy trì và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần ổn định chính trị - xã hội; xóa bỏ tàn dư văn hóa thực dân do Mỹ ngụy để lại; phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội; giữ vững chủ quyền và an ninh quốc gia; tạo ra những tiền đề cho quá trình đổi mới đất nước.
Sau hơn 20 năm đổi mới, nền kinh tế nông thôn đã chuyển từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN. Đây là bước chuyển biến cơ bản làm thay đổi cấu trúc Kinh tế - Văn hóa - Xã hội ở nông thôn.
Xây dựng và phát triển cơ cấu hạ tầng nông thôn - tiền đề để đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Trong những năm qua, mạng lưới điện nông thôn phát triển nhanh, đã đáp ứng được yêu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Năm 1994, cả nước có 60,4% số xã, 49,6% số thôn, ấp, bản và 53,2% số hộ có điện. Đến nay, 98,6% số xã và 93,3% số hộ có điện lưới quốc gia (Phùng Hữu Phú và cs., 2009).
Đường giao thông nông thôn được xây dựng và nâng cấp về cả số lượng và chất lượng. Sự phát triển mạnh mẽ giao thông nông thôn với phương châm “Nhà Nước và nhân dân cùng làm” đã góp phần đầu tư vào khu vực nông thôn, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển Kinh tế - Xã hội ở nông thôn. Đến năm 2006, 96,9% tổng số xã cả nước đã có đường ô tô đến khu trung tâm. Các đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa, nhựa hóa ở các mức độ khác nhau, chiếm 64,8% tổng số xã.
Đảng và Nhà nước ta đã xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu nên đã chú trọng công tác giáo dục và đào tạo ở nông thôn. Hệ thống trường học các cấp liên tục được mở rộng về số lượng và chất lượng và cơ bản xóa trường, lớp tạm. Năm 2006, có 88,3% số xã có trường mẫu giáo; 99,3% số xã có trường tiểu học; 90,8% số xã có trường trung học cơ sở; 10,8% số xã có trường trung học phổ thông.
Hệ thống y tế nông thôn được quan tâm xây dựng rộng khắp và trở thành tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Năm 2006, có 99,3% tổng số xã có trạm y tế. Bình quân một trạm y tế có 0,63 bác sỹ và 1.000 dân có một bác sỹ. Đến nay, có 45% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 70% dân cư nông thôn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Mạng lưới thông tin, văn hóa phát triển nhanh góp phần nâng cao đời sống tinh thần của dân cư nông thôn. Năm 2006, 85,5% tổng số xã có bưu điện và văn hóa xã; 17,7% tổng số xã có bưu điện được nối Internet; 21,2% số hộ có máy điện thoại.
Hệ thống chợ, làng nghề, cơ sở chế biến nông - lâm - thủy sản có bước phát triển nhanh, góp phần đa dạng hóa các hình thức sản xuất, kinh doanh ở nông thôn, tạo điều kiện tiếp xúc với khoa học - công nghệ, kích thích sản xuất phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trên thì vẫn còn nhiều tồn tại đang gây nhức nhối khiến cho quá trình xây dựng NTM chưa được hoàn thiện: Thu nhập của người dân nông thôn vẫn đang ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chênh lệch giàu nghèo vẫn gay gắt, hệ thống an sinh xã hội chưa được cải thiện, tình trạng thiếu việc làm kéo dài, môi trường tự nhiên ở một số vùng đang bị ô nhiễm, môi trường văn hóa - xã hội chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp.
Để khắc phục tình trạng này, Đảng và Nhà nước ta đã đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ và đề ra giải pháp cho chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2020 là: Xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội hiện đại; Có cơ cấu kinh tế và các tổ chức sản xuất hợp lý; gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; Xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; Dân trí được nâng cao; Môi trường sinh thái được bảo vệ; Hệ thống chính trị nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường; Xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - tri thức vững mạnh, tạo nền tảng kinh tế - xã hội và chính trị vững chắc cho sự nghiệp CNH - HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhiệm vụ và giải pháp xây dựng NTM: Xây dựng và phát triển nông nghiệp hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phù hợp với đặc điểm của từng vùng. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn hiện đại, gắn với phát triển đô thị và đô thị hóa. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, tạo việc làm ổn định và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, nhất là vùng khó khăn. Đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn.
2.2.2.2. Tình hình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội
Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố 5 năm qua có nhiều tiến bộ và đạt được nhiều kết quả quan trọng; cơ cấu ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thuỷ sản và dịch vụ nông nghiệp. Năm 2015, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn thành phố đạt trên 297 nghìn ha, bằng 101,02% so với năm 2013. Diện tích lúa cả năm đạt 100% kế hoạch với tổng diện tích trên 203.330 ha, bằng 99,5% so với năm 2013; năng suất bình quân ước đạt 57,68 tạ/ha; sản lượng 1.173 triệu tấn, tăng hơn so với năm 2013 là 16.284 tấn.
Diện tích các vùng lúa chất lượng cao trên toàn thành phố được mở rộng. Đến nay, sau 5 năm thực hiện, tổng diện tích các vùng lúa chất lượng cao trên toàn thành phố đạt trên 21.100 ha tại 11 huyện ngoại thành. Diện tích canh tác hoa, cây cảnh của Thành phố được mở rộng, đã hình thành 50 vùng sản xuất hoa tập trung với quy mô từ 20 ha/vùng trở lên tại các huyện: Từ Liêm, Mê Linh, Tây Hồ và Đan Phượng (Lê Tâm, 2015).
Công tác dồn điền đổi thửa được chú trọng triển khai. Đến nay, thành phố đã dồn được 75.965/76.365 ha, bằng 99,48% kế hoạch. Sau dồn điền, thành phố đã quy hoạch và đào đắp giao thông, thuỷ lợi nội đồng theo tiêu chuẩn, tiêu chí nông thôn mới.
Sau 5 năm thực hiện xây dựng NTM, kết quả đã đạt được mục tiêu yêu cầu đề ra của chương trình. Đến nay, toàn thành phố Hà Nội, nếu tính cả huyện Từ Liêm cũ, có 109/386 xã đạt chuẩn NTM (đạt 28,23%), 156 xã đạt từ 14 - 18 tiêu chí, 115 xã đạt 10 - 13 tiêu chí và chỉ còn 6 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí. Như vậy, từ chỗ bình quân mỗi xã chỉ đạt 2 tiêu chí năm 2010, đến nay, mỗi xã đạt bình quân trên 15 tiêu chí. Riêng năm 2014, có 71 xã đạt chuẩn NTM, tăng 11 xã so với mục tiêu kế hoạch.
Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trụ sở xã được cứng hoá đạt 100%, đường trực thôn, liên thôn được cứng hoá đạt 95%. Tỷ lệ thôn có điện đạt 100%, tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh là 94%, trong đó có 36% số dân được sử dụng nước sạch. Tỷ lệ số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh là 78%. Tỷ lệ người dân được tham gia bảo hiểm y tế đạt 96%. Y tế xã đạt chuẩn quốc gia theo chuẩn mới đạt 85%. Tỷ lệ thôn, làng đạt tiêu chuẩn làng văn hoá đạt 54%, 100 thôn làng đã có nhà văn hoá với trang thiết bị phục vụ tốt hoạt động văn hoá, thể thao.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,91%, giảm 5,61% so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 11,25% năm 2011 xuống còn 2,89%. Thu nhập người dân tăng lên 28,6% triệu đồng/người/năm. Nông thôn không còn nhà dột nát, đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Trong 4 năm triển khai thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy. Thành phố đã huy động được 48.708 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển cho triển khai các dự án xây dựng cơ bản khu vực nông thôn ngoại thành trong đó riêng vốn ngân sách thành phố là 40.678 tỷ đồng.
Qua 5 năm thực hiện Chương trình, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả, dẫn đầu cả nước trong xây dựng NTM. Cũng qua chương trình này, khu vực nông thôn đã có sự thay đổi lớn, phong trào xây dựng NTM trở thành sự nghiệp của toàn đảng, toàn dân. Các địa phương hình thành nhiều phong trào, mô hình hay và phát hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, góp phần giúp bộ mặt nông thôn Hà Nội đổi thay từng ngày.
Tuy nhiên, còn hạn chế: sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, việc ứng dụng công nghệ cao vẫn còn yếu. Điều này là một khó khăn lớn khi sắp tới nước ta hội nhập với nền kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, khoảng cách thành thị và nông thôn vẫn còn khá lớn. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường ở nông thôn, nhất là ở một số làng nghề trở thành vấn đề đáng lo ngại, việc sản xuất nông sản còn chưa có quy hoạch tổng thể.