Trong hệ thống bệnh viện công lập, việc cung ứng thuốc được thực hiện thông qua đấu thầu theo quy định. Hiện nay, việc đấu thầu thuốc tại các bệnh viện đang được thực hiện theo Thông tư số 10/2007/TTLT-BYT-BTC [20]. Tuy nhiên, các bệnh viện, các tỉnh có thể áp dụng hình thức khác nhau trong tổ chức đấu thầu. Tại một số thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các bệnh viện tự tổ chức đấu thầu theo kế hoạch được Sở Y tế phê duyệt trong khi nhiều tỉnh lại áp dụng hình thức Sở Y tế tổ chức đấu thầu sau đó các bệnh viện trong tỉnh áp dụng kết quả trúng thầu để mua thuốc (đấu thầu tập trung). Thực tế cho thấy có nhiều vướng mắc trong quy định về đấu thầu mua thuốc theo Thông tư số 10/2007/TTLT-BYT-BTC. Việc chậm trễ trong quy trình thực hiện đấu thầu, nhất là thủ tục thẩm định phê duyệt là vấn đề thường gặp dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, chậm cung ứng thuốc tại nhiều bệnh viện. Việc xác định giá thuốc trong kế hoạch đấu thầu cũng gặp nhiều khó khăn do việc cập nhật giá trên trang web của Cục Quản lý Dược không được đảm bảo. Nhiều cơ sở phản
ánh quy định giới hạn về giá trị thuốc mua không qua đấu thầu đối với các thuốc không có trong danh mục đấu thầu quá thấp nhất là đối với bệnh viện tỉnh và Trung ương.
Kết quả nghiên cứu của Luận án đã chỉ ra: mua sắm thuốc thông qua đấu thầu là phương thức cơ bản để các cơ sở khám, chữa bệnh cung ứng thuốc cho người bệnh BHYT. Kết quả nghiên cứu cho thấy cả 3 hình thức đấu thầu đều được áp dụng, trong đó hình thức đấu thầu tập trung là phương thức mua sắm thuốc chủ yếu, được áp dụng tại 40/63 tỉnh, thành phố chiếm tỷ lệ 63,5%, tỷ lệ này ở các hình thức đấu thầu đại diện và đấu thầu đơn lẻ là 15,87% và 20,63% (Bảng 3.1).
Việc lựa chọn hình thức đấu thầu cung ứng thuốc có liên quan chặt chẽ đến mô hình quản lý hệ thống y tế và đặc điểm kinh tế xã hội của địa bàn nơi cơ sở khám, chữa bệnh đứng chân. Theo đó, các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến trung ương trực thuộc Bộ Y tế tập trung chủ yếu tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ sở khám, chữa bệnh ở cả 3 tuyến trực thuộc các Bộ, Ngành khác đều lựa chọn hình thức đấu thầu đơn lẻ để cung ứng, mua sắm thuốc. Các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện và tương đương trực thuộc Sở Y tế chủ yếu thực hiện việc cung ứng thuốc qua kết quả đấu thầu tập trung hoặc đại diện (Bảng 3.2), trong đó 59,1% các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT thực hiện cung ứng thuốc qua đấu thầu tập trung và 28,3% thông qua đấu thầu đại diện (hình 3.1). Các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập cũng tham gia vào hoạt động khám, chữa bệnh BHYT, năm 2010 cơ quan Bảo hiểm xã hội ký hợp đồng khám, chữa bệnh với 276 cơ sở y tế ngoài công lập [3]. Các cơ sở này tự tổ chức cung ứng thuốc thông qua đấu thầu đơn lẻ hoặc mua sắm trực tiếp căn cứ vào kết quả đấu thầu thuốc của bệnh viện công lập tương đương tuyến CMKT hoặc đồng hạng trên cùng địa bàn.
Tuy nhiên, cũng có những lựa chọn khác nhau trong việc thực hiện mua thuốc BHYT tại các tỉnh thuộc cùng một khu vực có điều kiện kinh tế xã hội
tương đồng. Ngay tại các vùng có điều kiện kinh tế xã hội phát triển, giao thông khá thuận tiện, tập trung nhiều đơn vị cung ứng thuốc như đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long nhưng phương thức mua thuốc qua đấu thầu khác nhau. Vấn đề này phụ thuộc vào quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Sở Y tế các địa phương và đặc thù của mỗi cơ sở khám, chữa bệnh.
Đấu thầu tập trung được cho là hình thức mua thuốc thuận lợi cho công tác quản lý với những ưu điểm như:
(i) Tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh với sự tham gia của số đông đơn vị cung ứng, giúp lựa chọn nhà cung cấp thuốc có chất lượng và hợp lý;
(ii) Giá thuốc thanh toán BHYT thống nhất giữa các cơ sở khám, chữa bệnh, thuận lợi cho công tác thanh toán chi phí thuốc BHYT;
(iii) Trong quá trình cung ứng thuốc, các đơn vị cung ứng có trách nhiệm cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời, ngay cả đối với các cơ sở khám, chữa bệnh ở vị trí xa trung tâm. Hiện tượng bỏ thầu cung ứng thuốc vẫn còn xảy ra nhưng không nhiều do nhà thầu được ràng buộc nhiều hơn với quá trình tổ chức đấu thầu, đặc biệt khi giá thuốc trên thị trường biến động lớn. Một số địa phương đã có những ràng buộc chặt chẽ với nhà thầu, quy định việc thoả thuận xử lý khi giá thuốc biến động trên 10% như thành phố Đà Nẵng, đem lại việc cung ứng thuốc ổn định, kịp thời của các nhà cung ứng thuốc.
Bên cạnh các ưu điểm nêu trên, hạn chế lớn nhất của đấu thầu cung ứng thuốc tập trung là việc tổ chức đấu thầu còn chậm, do Sở Y tế phải tập hợp nhu cầu mua thuốc của tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở xây dựng kế hoạch đấu thầu. Do vậy chỉ cần một số cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện chậm cũng gây ảnh hưởng đến tiến độ tổ chức đấu thầu. Một số tỉnh như Thanh Hóa, do địa bàn rất rộng nên giá thuốc trúng thầu của nhà cung ứng còn cao.
Tuy nhiên một số tỉnh chưa áp dụng hình thức này, đặc biệt là các tỉnh thuộc khu vực miền núi, biên giới do điều kiện địa lý, địa hình chia cắt hiểm trở,
giao thông chưa thuận tiện, nhân lực làm công tác đấu thầu còn hạn chế cả về số lượng và trình độ. Mặt khác, mặc dù trên địa bàn các tỉnh này cũng có nhiều đơn vị cung ứng nhưng chưa có đơn vị nào đủ mạnh để có khả năng tập hợp được các đơn vị nhỏ lẻ thành một mối thống nhất.
Đối với hình thức đấu thầu đại diện (hình thức 2), những ưu điểm nổi bật là: (i) Tiến độ tổ chức đấu thầu nhanh, chi phí tổ chức đấu thầu thấp;
(ii) Giá thuốc thanh toán BHYT được khống chế theo kết quả đấu thầu của 1 hoặc 2 cơ sở khám, chữa bệnh nên cũng rất tập trung.
Tuy nhiên hình thức này lại có những bất cập trong quá trình cung ứng thuốc, cụ thể là: Do cơ sở khám, chữa bệnh đứng ra tổ chức đấu thầu có vị trí thuận lợi trong quá trình cung ứng thuốc, nên việc cung ứng thuốc tại chính cơ sở khám, chữa bệnh này rất thuận lợi. Tuy nhiên do ràng buộc chưa chặt chẽ, nên tại các cơ sở khám, chữa bệnh xa cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức đấu thầu đại diện sẽ gặp khó khăn trong quá trình cung ứng thuốc của nhà thầu.
Với hình thức đấu thầu đơn lẻ, các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ rất chủ động trong việc cung ứng thuốc, đáp ứng nhu cầu điều trị, thời gian tổ chức đấu thầu sẽ nhanh hơn, nhưng có nhược điểm là chi phí đấu thầu tốn kém, giá thuốc không thống nhất, khó quản lý và có sự chênh lệch giữa các cơ sở khám, chữa bệnh.