2.2.2.1. Về trình độ học vấn
Theo số liệu điều tra dân số năm 2017, có 80,2% số thanh niên đang theo học tại các trường từ THPT trở lên. Thanh niên trên địa bàn huyện được khuyến khích tiếp tục học nghề, cao đẳng hoặc đại học, do vậy, trình độ học vấn của thanh niên liên tục tăng lên qua các năm.
Trong giai đoạn 2015 - 2018, tỷ lệ thanh niên vào học các trường ngoài công lập tăng về số lượng và chất lượng được cải thiện đáng kể. Thanh niên có ý thức hơn về quyền và nghĩa vụ học tập, có quan điểm thực tế hơn đối với việc chọn học các ngành nghề đáp ứng thị trường lao động trong nước và quốc tế. Trong thời gian qua, tỷ lệ thanh niên đăng ký theo học các trường nghề và các trường trung học chuyên nghiệp tăng 32% so với giai đoạn 2010 - 2015. Cùng với đó, phổ cập tin học và ngoại ngữ đến thanh niên tại 100% các cơ sở đào tạo trên địa bàn huyện, qua đó nâng cao trình độ tin học và ngoại ngữ của thanh niên trên địa bàn huyện được nâng lên rõ rệt.
Thực trạng trình độ học vấn của thanh niên có mối liên hệ chặt chẽ với chất lượng lực lượng lao động trẻ. Trình độ học vấn là nền tảng cơ bản để mỗi cá nhân có thể tiếp tục nỗ lực phát triển kỹ năng, sự sáng tạo và khả năng đáp ứng yêu cầu của các ngành nghề. Nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao được đánh giá là một trong các nguồn lực quan trọng nhất cho phát triển kinh tế của quốc gia nói chung và của địa phương nói riêng. Tỷ lệ thanh niên đang theo học tại các trường nghề và các bậc học từ THPT trở lên tăng qua các năm là dấu hiệu tích cực, tuy nhiên vấn đề hiện nay mà thanh niên huyện Sóc Sơn phải đối mặt đó là còn thiếu và yếu về kỹ năng mềm, kỹ
năng giao tiếp xã hội, trình độ ngoại ngữ và tin học vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu học tập và công việc. Từ đó đòi hỏi QLNN về công tác thanh niên cần phải quan tâm hơn nữa đến chất lượng học tập của thanh niên trong giai đoạn hiện nay.
2.2.2.2. Về tình hình lao động, việc làm
Tỷ trọng thanh niên trong nhóm lao động có việc làm chiếm khoảng 25,9% dân số toàn huyện, trong đó, tỷ lệ lao động trong độ tuổi từ 25-30 tuổi là 11,7%, chiếm tỷ trọng cao nhất trong 3 nhóm tuổi. Giai đoạn 16-19 tuổi là giai đoạn thanh niên chuyển tiếp từ đi học sang đi làm do vậy tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trong nhóm này là thấp nhất. Sự chênh lệch trong tất cả các nhóm tuổi giữa tỷ lệ nam và nữ tham gia lực lượng lao động có xu hướng giảm dần theo các nhóm tuổi, thể hiện sự tham gia vào quá trình lao động giữa nam và nữ trở nên đồng đều khi độ tuổi tăng lên.
Bảng 2.4: Tỷ trọng thanh niên trong nhóm lao động có việc làm
Đơn vị: %
STT Chỉ tiêu 16-30 tuổi 16-19 tuổi 20-24 tuổi 25-30 tuổi
1 Toàn huyện 25,9 5 9,2 11,7 2 Nam 27,1 5,6 9,8 11,7 3 Nữ 24,8 4,4 8,7 11,7
(Nguồn: Báo cáo thống kê năm 2017)
Về cơ cấu lao động theo ngành, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối khá và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện, cơ cấu lao động theo ngành cũng có sự chuyển dịch tích cực. Trong thời gian qua, huyện Sóc Sơn tập trung hướng lao động thanh niên vào khu vực công nghiệp dịch vụ, giảm tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp. Theo đó, trong giai đoạn 2015 - 2018, tỷ lệ thanh niên lao động trong ngành nông - lâm - ngư nghiệp
chiếm 34,84%, ngành công nghiệp - xây dựng là 38,31% và ngành dịch vụ là 26,33%.
Do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, nên số thanh niên nông thôn di dân vào các đô thị tăng lên đáng kể. Theo thống kê của Hội LHTN Việt Nam huyện Sóc Sơn, trong giai đoạn 2015 - 2018, số lượng thanh niên tại địa phương từ 24.154 người năm 2015 giảm còn 20.978 người năm 2018. Đồng thời, quy mô các khu công nghiệp trên địa bàn tăng lên, dẫn đến số lượng thanh niên công nhân tăng từ 23.943 công nhân năm 2015 đến năm 2018 là 27.685 công nhân. Kết quả, việc giải quyết việc làm cho thanh niên được cải thiện tốt hơn, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho thanh niên, cơ cấu lao động trẻ phù hợp hơn với cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên điều đó cũng dẫn đến nhiều vấn đề bức xúc nổi lên trong thanh niên như tệ nạn xã hội, an toàn giao thông, trật tự xã hội, … Do vậy, cần phải nâng cao hiệu quả hoạt động QLNN về công tác thanh niên trong giai đoạn hiện nay.
2.2.2.3. Về tình hình sức khỏe, thể chất
Bảng 2.5: Chiều cao, cân nặng của thanh niên Sóc Sơn trong độ tuổi 20-24 năm 2018
Chiều cao (cm) Cân nặng (kg)
Chung Nam Nữ Chung Nam Nữ 159,0 164,4 153,4 49,7 54,2 45,9
(Nguồn: Kết quả điều tra đánh giá thể chất thanh niên Sóc Sơn của UBND huyện Sóc Sơn năm 2018)
Trong bối cảnh đời sống của nhân dân và thanh niên được nâng cao, chế độ dinh dưỡng được cải thiện, điều kiện chăm sóc y tế và rèn luyện thân thể tốt hơn, giai đoạn 2015 - 2018 thanh niên Sóc Sơn có thể chất tốt hơn so với những giai đoạn trước. Tầm vóc cơ thể của thanh niên được tăng thêm. Theo
kết quả điều tra đánh giá thể chất thanh niên Sóc Sơn do UBND huyện Sóc Sơn tiến hành năm 2018, chiều cao trung bình của nam thanh niên chỉ đạt 164,4 cm, thấp hơn 13cm so với chuẩn và chiều cao trung bình của nữ thanh niên là 153,4cm, thấp hơn 10cm so với chuẩn. So với 3 năm trước đây, chiều cao trung bình của nam tăng 2cm, của nữ tăng 1,1 cm và cân nặng trung bình tăng khoảng 4kg.
Tố chất thể lực của thanh niên ngày càng được nâng lên. UBND huyện phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Sóc Sơn tích cực phát động các phong trào thể dục thể thao nâng tỷ lệ thanh niên thường xuyên tập thể thao từ 6,9% năm 2015 lên 23,8% năm 2018. Tuy nhiên, so với tầm vóc của thanh niên đô thị, thì sức khỏe thể chất của thanh niên huyện Sóc Sơn cần phải được quan tâm hơn nữa để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội huyện.