2.1.2.1. Điều kiện kinh tế
Đến nay cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch theo hướng tích cực: tăng tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp - dịch vụ, giảm tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp. Tổng giá trị sản xuất CN - TTCN trong cơ cấu kinh tế chiếm gần 55%; thương mại - dịch vụ trên 33%; nông nghiệp còn trên 12%. Các ngành nghề truyền thống đã dần được khôi phục và hiện nay đã có thêm nhiều nghề mới. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được xác định là khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế, một số ngành đã khắc phục khó khăn, phục hồi sau suy thoái giai đoạn 2008 -2015, duy trì tốc độ tăng trưởng khá như cơ khí, đóng tàu, dệt may, sản xuất đồ gỗ, vật liệu xây dựng, hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu...; 04 cụm công nghiệp tập trung đã được hình thành thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất. Ngành nông nghiệp đã tích cực triển khai thực hiện tái cơ cấu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ; áp dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất; thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất, xây dựng các cánh đồng lớn, tiến tới sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp. Đã triển khai thành công Dự án nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 140 ha do Công ty VinEco - Tập đoàn VinGroup đầu tư tại vùng bãi xã Xuân Hồng.
Đặc biệt trong phong trào “Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới” với sự quyết tâm cao và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, với cách làm sáng tạo và bước đi
phù hợp, Chương trình xây dựng NTM của huyện Xuân Trường đã đạt được nhiều kết quả nổi bật: Diện mạo nông thôn đổi mới toàn diện, ngày càng khang trang, sạch đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; hạ tầng kinh tế - XH được quan tâm đầu tư đồng bộ theo quy hoạch, có sự phân công, phân cấp quản lý, đầu tư cụ thể với phương châm “Nhân dân làm - Nhà nước hỗ trợ”; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được hồi phục và phát triển, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương,...; văn hóa, y tế, giáo dục phát triển đồng bộ, môi trường được bảo vệ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường và giữ vững.
2.1.2.2. Điều kiện xã hội
Xuân Trường có truyền thống hiếu học, lao động cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo, được mệnh danh là vùng đất "địa linh nhân kiệt", là đất học của Trấn Sơn Nam Hạ; là nơi có nhiều công trình kiến trúc văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo độc đáo với 36 di tích lịch sử văn hóa được Nhà nước xếp hạng, tiêu biểu là Quần thể lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh, di tích Chùa Keo - Hành Thiện được Nhà nước công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia đặc biệt, Tiểu Vương cung Thánh đường Phú Nhai, Tòa Giám mục Bùi Chu (một giáo phận lớn của Miền Bắc).
Xuân Trường là huyện có truyền thống văn hóa và cách mạng, có chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam từ những năm 1930, đến nay đảng bộ huyện có trên 8.000 đảng viên, sinh hoạt ở 74 đảng bộ, chi bộ trực thuộc Huyện ủy; có nhiều nhà hoạt động cách mạng xuất sắc, giữ các trọng trách lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội, tiêu biểu trong số đó là Tổng Bí thư Trường Chinh. Nhân dân Xuân Trường giàu lòng yêu nước và ý chí quật cường, luôn nêu cao tinh thần đấu tranh chống áp bức, bóc lột, chống giặc ngoại xâm. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Xuân Trường đã đóng góp sức người, sức của cùng với nhân dân cả nước kiên cường chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. ết thúc kháng chiến, toàn huyện có 2.945 liệt sỹ, 1.051 thương binh, 836 bệnh binh, 250 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" và hàng ngàn
người có công với cách mạng. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp - nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Xuân Trường và 12 xã, thị trấn đã được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp"; Cán bộ và xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Xuân Phương được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động” thời kỳ đổi mới.