Một là, về cơ chế chính sách
(1) Cơ chế tài chính cho KKT Dung Quất trong thời gian qua, nhất là trong giai đoạn đầu mới thành lập không ổn định và không đáp ứng yêu cầu vốn đầu tư.
Theo tinh thần Quyết định số 50/2005/QĐ-TTg ngày 11/03/2005 của Thủ tướng Chính phủ qui định: “Trong thời gian 15 năm đầu; kể từ khi quyết định này có hiệu lực thi hành, Ngân sách nhà nước cân đối hàng năm không thấp hơn toàn bộ nguồn thu Ngân sách trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất cho yêu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội và các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng quan trọng, phục vụ chung cho Khu kinh tế
Dung Quất theo các chương trình mục tiêu”. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính ban
hành Thông tư số 119/2005/TT-BTC ngày 22/12/2005 và được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 33/2008/TT-BTC ngày 23/4/2008 hướng dẫn.
Mặc dù Thủ tướng có Quyết định và Bộ Tài chính cũng có Thông tư hướng dẫn nhưng không triển khai thực hiện, mà hàng năm chỉ căn cứ vào khả năng cân đối của ngân sách Trung ương để bố trí vốn và bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để thực hiện; nhưng mức bố trí của ngân sách
trung ương hàng năm rất ít, không ổn định, không đảm bảo yêu cầu đầu tư hạ tầng phục vụ thu hút đầu tư phát triễn
(2) Cơ chế ưu đãi đầu tư chưa thật sự hấp dẫn và thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng KCN
Hiện nay, thu nhập của các Dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng cho thuê lại đất đầu tư dự án tại KKT thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, được xác định là thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản nên không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 2, Điều 16, Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, đây là các dự án được đầu tư thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khác biệt so với đầu tư kinh doanh hạ tầng cho thuê lại đất tại các địa bàn thuận lợi như ở thành phố và đô thị. Mặt khác, khả năng thu hồi vốn của các công trình kết cấu hạ tầng thấp nên việc huy động vốn của các nhà đầu tư từ khu vực tư nhân không cao, đặc biệt đối với những tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn thấp như tỉnh Quảng Ngãi.
(3) Có sự chồng chéo giữa các quy định của Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường
Tại Khoản 1, Điều 22, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư thì trình tự đầu tư có 04 bước, bao gồm: (1) Quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định này; (2) Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định tại Điều 44 Nghị định này đối với nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế; (3) Thực hiện thủ tục giao đất, giao lại đất, cho thuê đất, cho thuê lại đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai (nếu có); (4) Thực hiện thủ tục về xây dựng theo quy định của
pháp luật về xây dựng (nếu có). Không quy định bước thực hiện thủ tục về môi trường.
Trong hồ sơ để xem xét cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không yêu cầu phải có hồ sơ về môi trường (Quyết định phê duyệt ĐTM hoặc văn bản xác nhận Kế hoạch BVMT); đồng thời, tại Khoản 2, Điều 6, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư thì:
“Cơ quan đăng ký đầu tư không được yêu cầu nhà đầu tư nộp thêm giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư và Nghị định này”.
Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2, Điều 25, Luật Bảo vệ môi trường thì Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp thẩm quyền thực hiện các việc Quyết định chủ trương đầu tư dự án (điểm a) và Cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án (điểm đ).
Về thời điểm đăng ký, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường: tại Điều 31, Luật Bảo vệ môi trường quy định: “Chủ dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định tại Điều 29 của Luật này phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường gửi cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 32 của Luật này xem xét, xác nhận trước khi triển khai dự án, phương án sản xuất, kinh
doanh, dịch vụ”. Như vậy thời điểm “trước khi triển khai dự án” đã không
được quy định trong quy trình đầu tư theo quy định tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ.
Sự chồng chéo giữa các quy định tại Luật Đầu tư, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ và Luật Bảo vệ môi trường, thì các cơ quan có thẩm quyền thực hiện quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không thể xác định thực hiện theo quy định nào giữa quy định tại các Luật này.
Hai là, về chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý:
- Thiếu hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc cho việc phát triển của KKT Dung Quất nói riêng và các KKT, KCN, KCX trong cả nước nói chung. Hiện nay, để quản lý các KKT, KCN, KCX mới chỉ có Nghị định của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất cho nên việc chồng chéo, bất cập giữa các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các hoạt động quản lý tại KKT Dung Quất là không tránh khỏi.
- Thiếu sự gắn kết trong quản lý giữa cơ quan quản lý trực tiếp các sở, ngành cấp tỉnh; việc chưa thực hiện ủy quyền một số nhiệm vụ theo quy định tại Khoản 3, Điều 63, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 về việc các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh và cơ quan có thẩm quyền ủy quyền cho Ban Quản lý KCN, KKT thực hiện dẫn đến các nhiệm vụ đan xen về thẩm quyền và trách nhiệm trong quản lý đầu tư, xây dựng, lao động và môi trường, dẫn đến sự chồng chéo, lòng vòng, thiếu rõ ràng và nhất quán, từ đó làm giảm hiệu lực và hiệu quả trong quản lý.
Ba là, một số công chức, viên chức còn thiếu trách nhiệm, chưa năng
động, sáng tạo trong việc thực hiện nhiệm vụ; việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành còn chậm, chưa đạt so với yêu cầu đề ra như: cấp phép đầu tư qua mạng, đấu thầu qua mạng, đăng tải thông tin dự án trên cổng thông tin quốc gia về giám sát và đánh giá đầu tư.
Tiểu kết chương 2
Chương 2 đã đưa ra vị trí địa lý, đặc điểm phát triển kinh tế ảnh hưởng đến Quản lý nhà nước về thu hút vốn xây dựng KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Từ đó đưa ra những thực trạng Quản lý nhà nước theo các nội dung: Thể chế, tổ chức bộ máy, biên chế nhân sự, chi phí tài chính công trong Quản lý nhà nước đối với thu hút vốn xây dựng cơ sở hạ tầng KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Qua đó nêu ra những kết quả đạt được và những hạn chế, đồng thời đã đưa ra một số nguyên nhân của những tồ tại, hạn chế trong Quản lý nhà nước về thu hút vốn xây dựng KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi như: Cơ chế tài chính cho KKT Dung Quất trong thời gian qua, nhất là trong giai đoạn đầu mới thành lập không ổn định và không đáp ứng yêu cầu vốn đầu tư; cơ chế ưu đãi đầu tư chưa thật sự hấp dẫn và thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư chiến lược; Kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội còn nhiều yếu kém, chưa đảm bảo cho phát triển; hạn chế về chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý.
Từ lý luận của chương 1, kết hợp phân tích thực trạng ở chương 2 làm luận cứ khoa học để luận văn tiếp tục đưa ra những giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả Quản lý nhà nước về thu hút vốn xây dựng KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi tại chương 3.
Chương 3
PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG
KHU KINH TẾ DUNG QUẤT, TỈNH QUẢNG NGÃI