2.2.1. Những kết quả đạt được
2.2.1.1. Việc xây dựng, kiện toàn hệ thống cơ quan tổ chức trợ giúp pháp lý nhà nước
Việc xây dựng hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý nhà nước trên cơ sở Quyết định số 734/TTg ngày 06/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ, được các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức thực hiện nghiêm túc. Kết quả của việc tổ chức thực hiện pháp luật trong nội dung này, là hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý của nhà nước đã được thành lập từ TW đến địa phương. Thời gian đầu, Cục trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp được thành lập. Sau đó, do yêu cầu ngày càng nhiều và đa dạng của người dân, ở cấp huyện, cấp xã các chi nhánh trợ giúp pháp lý và Tổ trợ giúp pháp lý cũng được thành lập để tư vấn những vụ
việc đơn giản, phân loại bước đầu vụ việc cần trợ giúp pháp lý. Trước ngày 01/01/2007, Cục trợ giúp pháp lý với vai trò là đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý trên toàn quốc; trực tiếp thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách... Sau ngày 01/01/2007, theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý thì Cục trợ giúp pháp lý không còn chức năng thực hiện trợ giúp pháp lý theo vụ việc mà chỉ thực hiện chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý.
Tại Kiên Giang, để thi hành Luật Trợ giúp pháp lý tại địa phương, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 02/3/2007 về việc triển khai thi hành Luật TGPL; Quyết định số 2001/QĐ-UBND ngày 24/8/2009 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức, bộ máy của Trung tâm TGPL nhà nước (gọi tắt là Trung tâm); Quyết định số 1738/QĐ-UBND ngày 22/7/2008 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Trung tâm TGPL nhà nước; quyết định thành lập 2 chi nhánh TGPL và quyết định bổ sung biên chế cho Trung tâm TGPL; quyết định thành lập Hội đồng Phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng; ban hành các kế hoạch về bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL, kế hoạch thực hiện mục tiêu chương trình quốc gia về giảm nghèo…[59], [60].
Trên cơ sở quy định của pháp luật và kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã ban hành và ký kết nhiều văn bản liên ngành với các sở, ngành để triển khai thực hiện công tác TGPL trên địa bàn tỉnh.
Xác định tầm quan trọng của hoạt động trợ giúp pháp lý, nhằm hướng hoạt động trợ giúp pháp lý về cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận hoạt động trợ giúp pháp lý, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/2000/CT-TTg ngày 01/3/2000, về tăng cường công tác trợ giúp pháp lý. Trên cơ sở Chỉ thị này, Bộ Tư pháp đã cho phép các địa phương có địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn thành lập các chi nhánh, Tổ trợ giúp pháp lý ở cấp huyện, áp dụng mô hình trợ giúp pháp lý ở xã như các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý...
Tính đến 31/12/2014, trên toàn quốc có 201 Chi nhánh đặt tại các huyện và liên huyện, 5.371 Câu lạc bộ TGPL (trong đó có 3.842 Câu lạc bộ đang hoạt động, 1.529 Câu lạc bộ không hoạt động[15, tr.3] . Tại Kiên Giang, đến nay có 01 Trung tâm với 04 phòng chuyên môn nghiệp vụ và 02 Chi nhánh trực thuộc ở huyện U Minh Thượng và huyện Giồng Riềng; có 08 tổ TPGL và 69 câu lạc bộ TGPL; biên chế hiện có 26 người, trong đó có 12 Trợ giúp viên pháp lý (biên chế còn lại để thành lập chi nhánh theo lộ trình đã được phê duyệt), [61, tr.2].
Những mô hình này đã kịp thời giải quyết những vướng mắc pháp luật của người dân ngay tại cơ sở. Những thành công của mô hình này là cơ sở để Đề án quy hoạch mạng lưới Trung tâm TGPL và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2008 - 2010, định hướng đến năm 2015 ban hành kèm theo Quyết định số 792/QĐ-TTg ngày 23/6/2008 (sau đây gọi tắt là Đề án Quy hoạch). Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 (sau đây gọi tắt là Chiến lược) của Thủ tướng Chính phủ được ban hành và triển khai trên thực tế.
Kết quả hoạt động xây dựng và kiện toàn hệ thống cơ quan tổ chức trợ giúp pháp lý trong thời gian qua cho thấy: quá trình xây dựng, quản lý hướng dẫn để kiện toàn tổ chức trợ giúp pháp lý đã đạt được những kết quả nhất định, phát huy được những mặt tích cực trong việc tổ chức đưa các quy phạm pháp luật trợ giúp pháp lý vào cuộc sống. Địa vị pháp lý của các tổ chức trợ giúp pháp lý cấp huyện, cấp xã từ chỗ không được pháp luật điều chỉnh, nhưng thực tế nó vẫn ra đời, khẳng định được vị trí và trở thành một trong những nội dung quan trọng của hệ thống pháp luật về tổ chức trợ giúp pháp lý ở nước ta.
2.2.1.2. Việc xây dựng đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý
Được pháp luật trợ giúp pháp lý xác định là nòng cốt trong hoạt động trợ giúp pháp lý; cán bộ, viên chức công tác trong các trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và cộng tác viên là các chủ thể chủ yếu, trực tiếp thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo và người được trợ giúp pháp lý khác ở nước ta trong thời gian vừa qua
và cả trong thời gian tới. Việc tổ chức thực hiện pháp luật trong công tác quản lý nhà nước đối với hai chủ thể này đã đạt những kết quả khả quan, đội ngũ viên chức và cộng tác viên không ngừng được củng cố và nâng cao năng lực chuyên môn.
Theo số liệu của Bộ Tư pháp, sau 08 năm thi hành Luật TGPL, tổng số công chức, viên chức và người lao động khác thuộc hệ thống TGPL của Nhà nước là 1.313 người, trong đó có 572 Trợ giúp viên pháp lý (490 người đã qua đào tạo nghề luật sư, 63 người được miễn đào tạo nghề luật sư). Các Trợ giúp viên pháp lý đều có trình độ cử nhân luật trở lên, trong đó có 31 người có trình độ thạc sĩ luật, trung bình 09 Trợ giúp viên pháp lý/Trung tâm. Trong đó, 26 tỉnh, thành phố có từ 10 Trợ giúp viên pháp lý trở lên (chiếm 41,27%); 29 tỉnh, thành phố có từ 05 - 09 Trợ giúp viên pháp lý (chiếm 46,03%) và 08 tỉnh, thành phố có dưới 05 Trợ giúp viên pháp lý (chiếm 12,7%). Các địa phương trên toàn quốc đã chú trọng xây dựng và phát triển mạng lưới cộng tác viên TGPL từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Hiện nay, toàn quốc có trên 10.700 cộng tác viên TGPL, trong đó có 1.136 cộng tác viên TGPL là luật sư và 174 tư vấn viên pháp luật đăng ký tham gia TGPL [15, tr.4]. Riêng đối với tỉnh Kiên Giang, có 12 Trợ giúp viên pháp lý (làm việc tại Trung tâm là 07 người; tại các chi nhánh là 03 người); 280 cộng tác viên; 23 cộng tác viên TGPL là luật sư và 07 tư vấn viên pháp luật đăng ký tham gia TGPL [61, tr.3].
Với việc đội ngũ cộng tác viên không ngừng phát triển trong thời gian vừa qua, đã làm cho hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo đạt được những kết quả rõ rệt, trong tổng số các vụ việc do các trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã thực hiện, số vụ việc do cộng tác viên đảm nhiệm chiếm tới gần 50%. Đặc biệt các vụ việc cần sự đại diện, bào chữa cho người nghèo và đối tượng chính sách đều do các luật sư đảm nhiệm, vì pháp luật tố tụng chưa cho phép chuyên viên trợ giúp pháp lý là công chức tham gia tố tụng, thực hiện bào chữa và ở nước ta chưa có đội ngũ luật sư nhà nước, chuyên trách thực hiện việc đại diện, bào chữa cho đối tượng được trợ giúp pháp lý. Đối với hoạt động trợ giúp pháp lý tại cơ sở, cộng tác viên trợ giúp pháp lý giữ vai trò quan trọng, có mặt thường xuyên và giải tỏa các vướng
mắc cho đối tượng ngay tại các địa bàn xã, phường... Tại các văn phòng trợ giúp pháp lý của Hội Nông dân Việt Nam tỉnh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam tỉnh, người tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, cán bộ hưu trí. Đây là đội ngũ tương đối có trình độ pháp luật lại nắm bắt khá rõ tâm tư, hoàn cảnh của đối tượng, nên việc thực hiện trợ giúp pháp lý gặp nhiều thuận lợi.
2.2.1.3. Thực hiện trợ giúp pháp lý của các tổ chức trợ giúp pháp lý nhà nước đối với người được trợ giúp pháp lý
Đây là quá trình các tổ chức của nhà nước vận dụng các quy định pháp luật, tác động tích cực đến các đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý, làm cho người được trợ giúp pháp lý có những hành vi hợp pháp trên thực tế. Qua hơn 08 năm thực hiện trợ giúp pháp lý theo Luật TGPL, các trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trong toàn quốc đã có nhiều nỗ lực để giải quyết các vụ việc trợ giúp pháp lý liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích thiết thân của những người nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc và các đối tượng chính sách khác. Nhiều vụ việc phức tạp, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài nhiều năm do nhiều nguyên nhân khác nhau mà không được giải quyết triệt để, đã dẫn đến giảm lòng tin của nhân dân đối với pháp luật của Đảng và nhà nước đã được các tổ chức trợ giúp pháp lý hướng dẫn, giải quyết dứt điểm, giải tỏa tâm lý bức xúc trong nhân dân nhất là những vùng có điểm nóng về khiếu kiện.
Theo kết quả tổng hợp báo cáo của các địa phương, sau 08 năm thực hiện Luật TGPL (từ 01/01/2007 đến hết tháng 12/2014), các Trung tâm TGPL trong cả nước đã thực hiện được 920.292 vụ việc, trong đó chia theo hình thức gồm: 51.408 vụ việc tham gia tố tụng (12.756 vụ việc đại diện, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho người được TGPL; 38.652 vụ việc bào chữa); 856.218 vụ việc tư vấn pháp luật, 1.030 vụ việc đại diện ngoài tố tụng, 1.711 vụ việc hòa giải và 5.870 vụ việc khác. Chia theo lĩnh vực TGPL, có 77.928 vụ việc hình sự, 196.769 vụ việc dân sự, 101.746 vụ việc hôn nhân và gia đình, 70.988 vụ việc hành chính, 223.035 vụ việc
đất đai, 20.298 vụ việc lao động, 124.963 vụ việc ưu đãi và 98.872 vụ việc trong lĩnh vực pháp luật khác.
Tổng số lượt người được TGPL sau 08 năm là 987.949 đối tượng, trong đó có 269.965 người nghèo, 132.331 người có công với cách mạng, 15.678 người già cô đơn không nơi nương tựa, 37.880 trẻ em, 13.390 người khuyết tật, 540 người nhiễm HIV, 242.351 người dân tộc thiểu số, 1.398 nạn nhân của tội phạm mua bán người và 274.416 người thuộc diện được TGPL khác.
Đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý đã từng bước đáp ứng yêu cầu công việc, tham gia ngày càng nhiều các vụ việc tham gia tố tụng để đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Theo báo cáo Tổng kết 08 năm thi hành Luật TGPL, tính đến năm 2014, 572 Trợ giúp viên pháp lý đã thực hiện trên 74.258 vụ việc/124.171 vụ việc trong toàn quốc, trong đó có 3.690 vụ việc tham gia tố tụng (trung bình mỗi Trợ giúp viên pháp lý thực hiện 06 vụ tham gia tố tụng). Năm 2015, số vụ việc TGPL, đặc biệt là vụ việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý đã tăng lên rõ rệt. Cụ thể là, 595 Trợ giúp viên pháp lý đã thực hiện 84.481 vụ việc/141.651 vụ việc trong toàn quốc, trong đó có 4.838 vụ việc tham gia tố tụng (trung bình mỗi Trợ giúp viên pháp lý thực hiện 08 vụ tham gia tố tụng/năm) [15, tr.4].
Riêng đối với tỉnh Kiên Giang, Tổng số vụ việc TGPL từ năm 2007 đến năm 2014 là 36.174 vụ, trong đó: Trung tâm Trợ giúp pháp lý thực hiện: 35.754 vụ (trợ giúp viên thực hiện: 15.521 vụ, cộng tác viên thực hiện: 20.233 vụ); Trung tâm Tư vấn pháp luật 420 vụ. (Trong đó, lĩnh hình sự 1.857; dân sự 7.586; hôn nhân gia đình 1.465; khiếu nại hành chính 7.447; đất đai 4.541; lao động 23; pháp luật ưu đãi 2.269; các lĩnh vực khác 10.986). Tổng số đối tượng được TGPL 34.452 người, trong đó: Trung tâm TGPL thực hiện: 34.080 người, Trung tâm Tư vấn pháp luật 372 người. Cụ thể như: Người nghèo 3.493; người dân tộc thiểu số 10.809; chính sách - ưu đãi 1.947; trẻ em 2.435; phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình 72;
người già cô đơn không nơi nương tựa 64; người khuyết tật 24; người nhiễm HIV 01; diện khác 15.607 người.
Vụ việc TGPL được thực hiện nhiều nhất ở lĩnh vực tư vấn pháp luật (chủ yếu trong các buổi TGPL lưu động) 22.340 vụ, trong đó: Trung tâm Tư vấn thực hiện 420 vụ. TGPL trong hoạt động tố tụng được 2.636 vụ, chiếm khoảng 35% vụ án (có đối tượng được TGPL) có trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư cộng tác viên tham gia; trong đó 65% vụ việc tham gia từ giai đoạn điều tra; có 92% vụ kiến nghị được giải quyết triệt để [61, tr.5].
Từ số liệu trên cho thấy, các tổ chức trợ giúp pháp lý trong đã có nhiều cố gắng và nỗ lực trong việc giải quyết các vụ việc trợ giúp pháp lý liên quan đến quyền và lợi ích của người nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số... Có thể nói, từ chỗ người dân còn bỡ ngỡ và chưa quen với hoạt động trợ giúp pháp lý, thì việc chỉ trong thời gian ngắn, số lượng vụ việc được các tổ chức trợ giúp pháp lý giúp đỡ theo yêu cầu của người dân với số lượng lớn như trên là một kết quả đáng ghi nhận. Việc tư vấn, kiến nghị, hướng dẫn người nghèo, đối tượng chính sách là những đối tượng có trình độ pháp luật, trình độ văn hóa nhìn chung hạn chế hơn các đối tượng khác, lại sẵn tâm lý mặc cảm, tự ty đến được các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết dứt điểm các vụ việc liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ một cách đúng pháp luật, đã phần nào góp phần giải tỏa những tâm lý bức xúc, khiếu kiện kéo dài, đem lại niềm tin của nhân dân vào sự công bằng của pháp luật.
Hình thức trợ giúp pháp lý lưu động trực tiếp đến với người dân, những vướng mắc pháp luật của người dân, đặc biệt là của người nghèo đã được giải đáp, tư vấn ngay tại cơ sở. Qua khảo sát, Trung tâm TGPL tỉnh còn có sáng kiến cử cán bộ, chuyên viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý trực tại nơi tiếp nhận hồ sơ, thủ tục của cơ quan công quyền để hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc về pháp luật cho người nghèo và đối tượng chính sách. Tại phòng tiếp dân của UBND huyện, một số địa
phương còn bố trí cộng tác viên trợ giúp pháp lý trực để hướng dẫn, giải đáp pháp luật cho nhân dân như huyện Tân Hiệp, Giồng Riêng, Gò Quao - tỉnh Kiên Giang.
Thông qua việc tổ chức thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý đối với các vụ việc cụ thể tại trụ sở và lưu động, công tác phổ biến tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người nghèo, đối tượng chính sách cũng được phát huy. Tính đến thời điểm cuối năm 2014, cả nước đã có gần 987.949 đối tượng (tỉnh Kiên Giang 34.452 người) và hàng chục triệu lượt người được phổ biến tuyên truyền, giáo dục pháp luật thông qua các trợ giúp pháp lý. Qua đó, trình độ hiểu biết pháp luật của người