Thứ nhất, con người luôn là nguồn lực quan trọng nhất trong mọi hoạt động, trong đó công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng vậy. Đội ngũ cán bộ, công chức là yếu tố quyết định trực tiếp đến việc thành công hay thất bại của công tác đấu tranh bài trừ những thực phẩm kém chất lượng.
Để đảm bảo có một đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực có thể đáp ứng được yêu cầu công việc đòi hỏi phải làm tốt ngay từ khâu tuyển dụng, bố trí và đào tạo cán bộ, công chức.
Tuyển dụng công chức phụ trách công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phải là những người có đầy đủ chuyên môn và kiến thức về vệ sinh thực phẩm. Công tác tuyển dụng phải đảm bảo khách quan công bằng, đảm bảo tuyển chọn được những người có khả năng nhất cho từng vị trí công việc. Quá trình tuyển dụng nên có sự kiểm tra giám sát của các cơ quan độc lập, việc thi tuyển phải căn cứ vào năng lực thực tế của người dự thi, không nên quá chú trọng vào bằng cấp, vì trên thực tế bằng cấp không thể hiện được hết năng lực các thí sinh. Việc thi tuyển công chức phải thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo tuyển chọn được những người có năng lực thực sự vào làm việc cho bộ máy nhà nước.
Việc bố trí cán bộ, công chức phải đảm bảo đúng chuyên môn nghiệp vụ, ngoài ra cũng cần phải quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, đảm bảo cho cán bộ, công chức phát huy tối đa năng lực của mình.
Thường xuyên mở các chương trình đào tạo để bổ sung kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ, công chức làm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Đào tạo, bồi dưỡng không chỉ là về kiến thức mà còn là cả về đạo đức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, nếu có chuyên môn, trình độ nhưng nếu không có đạo đức trách nhiệm thì cũng khó có thể hoàn thành tốt được công việc. Có thể kết hợp với các trường đại học trên địa bàn để xây dựng chương trình đào tạo khoa học và thực tế nhất, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng công chức phải gắn liền với thực tiễn và có thể ứng dụng vào thực tế.
Ngoài ra để có nguồn nhân lực có chất lượng trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thì cơ quan nhà nước có thể đặt hàng nhân lực tại các trường đại học, cao đẳng uy tín trên địa bàn thành phố, phương pháp này được rất nhiều những công ty, tập đoàn lớn sử dụng và mang lại những kết quả rất khả quan.
Mặt khác cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm thường xuyên phải làm đêm, làm ngoài giờ do đặc thù của ngành do đó để cán bộ, công chức có thể chuyên tâm làm tốt công tác của mình thì cần phải có các chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp để họ có thể hoàn thành tốt công tác của mình. Hiện nay nhà nước ta có rất ít các chính sách để tạo động lực làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức, môi trường làm việc lại không phát huy được tính năng động sáng tạo của người lao động. Do vậy để khuyến khích người lao động hoàn thành các công việc hiệu quả đòi hỏi cần phải có các chính sách tạo động lực làm việc, thúc đẩy sự năng động sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức.
Thứ hai, nguồn lực tài chính.
Quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm là hoạt động vô cùng phức tạp, để có thể thực hiện tốt hoạt động này đòi hỏi phải có nguồn kinh phí đảm bảo.
Nhà nước cần có kế hoạch dự toán kinh phí hàng năm trong đó ưu tiên cấp kinh phí phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện nay theo kinh phí cấp cho hoạt động quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Do đó để có thể cung cấp đủ kinh phí cho công tác quản lý an toàn thực phẩm có thể cho phép các địa phương sử dụng toàn bộ số tiền xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩ tại địa phương mình. Như vậy vừa đảm bảo cho địa phương có thể chủ động trong việc sử dụng kinh phí, ngoài ra điều này còn làm động lực cho hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm. Tuy nhiên để tránh xảy ra tình trạng tiêu cực thì việc thu và chi các
khoản phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm cần phải có báo cáo, giải trình cụ thể.