Các khuyến khích tài chính ở đây bao gồm lương, thưởng, phúc lợi và các đãi ngộ vật chất khác cho người lao động. Mỗi yếu tố có cách tính riêng và có ý nghĩa khác nhau đối với việc kích thích động viên người lao động hăng hái, tích cực, sáng tạo trong công việc và trung thành với doanh nghiệp.
1.4.1.1 Tiền lương
Sử dụng tiền lương (hay tiền công) là hình thức cơ bản để khuyến khích vật chất đối với người lao động.
Tiền lương hay tiền công trong thực tế là hai thuật ngữ thường được dùng lẫn lộn để chỉ phần thù lao cơ bản cố định mà người lao động nhận được trong tổ chức. Nó được trả dựa trên cơ sở của loại công việc cụ thể, mức độ thực hiện công việc, trình độ và thâm niên của người lao động.
Tiền lương (hay tiền công) là bộ phận chủ yếu trong thu nhập và biểu hiện rõ ràng nhất lợi ích kinh tế của người lao động. Thực tế trong các tổ chức hiện nay tiền lương là mối quan tâm hàng đầu và là động lực làm việc của người lao động. Do đó, nó phải được sử dụng như là một đòn bẩy kinh tế mạnh mẽ nhất để kích thích người lao động
Người lao động muốn được trả lương đúng với tính chất công việc. Họ muốn được tăng lương theo kết quả công việc và nỗ lực của mình. Họ muốn được trả lương công bằng trên cơ sở so sánh với những lao động khác trong tổ chức và với vị trí tương tự trên thị trường lao động. Và cuối cùng họ muốn việc trả lương phải nhất quán, minh bạch và rõ ràng.
Ai cũng muốn lương cao, càng cao càng tốt. Tuy nhiên, mục đích của hệ thống tiền lương không hẳn phải là trả lương cao nhất mà là đạt được sự hài lòng của người lao động với những mong muốn của họ nêu trên.
Vì vậy, muốn cho tiền lương (hay tiền công) trở thành đòn bẩy kinh tế, thì công tác trả công lao động phải được thực hiện trên cơ sở những nguyên tắc sau đây:
• Hợp lý: Trả lương đúng với tính chất công việc
• Công bằng: So với lao động khác trong doanh nghiệp và vị trí tương tự trên thị trường.
• Thoả đáng: Đảm bảo tăng lương theo kết quả công việc. • Hệ thống trả lương nhất quán, minh bạch, rõ ràng.
1.4.1.2 Tiền thưởng
Tiền thưởng là khoản tiền bổ sung cho tiền lương nhằm quán triệt hơn nguyên tắc phân phối theo lao động. Do đó, sau lương, tiền thưởng là kích thích vật chất quan trọng khác có tác dụng thúc đẩy nhân viên làm việc nhiệt tình, có trách nhiệm, không ngừng phấn đấu nâng cao hiệu suất công việc. Tiền thưởng phổ biến là biểu hiện bằng tiền, nhưng trong một số trường hợp, tiền thưởng còn có thể biểu hiện dưới dạng vật chất như: một kỳ nghỉ phép, vé du lịch ... và được gọi là phần thưởng.
- Tiền thưởng phải có giá trị và ý nghĩa tiêu dùng nhất định đối với người lao động thì mới tạo ra sự kích thích nhất định. Giá trị của tiền thưởng đôi khi còn phụ thuộc vào giá trị của những yếu tố trong thị trường hàng hóa của từng thời kỳ. Ngoài ra, mức tiền thưởng còn có giá trị nuôi dưỡng sự hi vọng vào việc sử dụng chúng. Nếu mức tiền thưởng quá thấp, người lao động hầu như không xuất hiện ý đồ sử dụng nó vào việc gì, như vậy sẽ không tạo ra được kích thích tâm lý cho người lao động, dẫn đến sự không cố gắng hoàn thành nhiệm vụ trong những công việc tiếp theo.
1.4.1.3 Phúc lợi
Phúc lợi hay còn gọi là lương bổng đãi ngộ gián tiếp về mặt tài chính, đó là khoản tiền trả gián tiếp cho người lao động ngoài tiền lương và tiền thưởng ra nhằm hỗ trợ cuộc sống và động viên tinh thần cho người lao động.
Phúc lợi thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp đến đời sống của người lao động, có tác dụng kích thích nhân viên trung thành, gắn bó với doanh nghiệp. Dù ở cương vị cao hay thấp, hoàn thành tốt công việc hay chỉ ở mức độ bình thường, có trình độ lành nghề cao hay thấp, đã là nhân viên trong doanh nghiệp thì đều được hưởng phúc lợi.
- Phúc lợi bắt buộc là các khoản phúc lợi tối thiểu mà các tổ chức phải đưa ra theo yêu cầu của pháp luật. Ở Việt Nam, các phúc lợi bắt buộc bao gồm năm chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động: trợ cấp ốm đau, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, thai sản, hưu trí và tử tuất.
- Phúc lợi tự nguyện là phúc lợi mà tổ chức đưa ra, tùy thuộc vào khả năng kinh tế của mỗi tổ chức và sự quan tâm của người lao động. Bao gồm các loại sau:
+ Các phúc lợi bảo hiểm như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm mất khả năng lao động.
+ Các phúc lợi bảo đảm như bảo đảm thu nhập, bảo đảm hưu trí.
+ Tiền trả cho những thời gian không làm việc như nghỉ phép, nghỉ giữa ca, giải lao, tiền du lịch…
+ Phúc lợi do lịch làm việc linh hoạt.
+ Các loại dịch vụ cho người lao động như dịch vụ bán giảm giá, hiệp hội tín dụng...
+ Các dịch vụ xã hội như trợ cấp về giáo dục, đào tạo, dịch vụ nghề nghiệp, dịch vụ nhà ở và giao thông đi lại.