a, Pháp luật
Hiện nay, các quy định của pháp luật về công chứng không chỉ được quy định trong Luật Công chứng mà còn được quy định trong rất nhiều các đạo luật khác: Bộ luật Dân sự, Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật hôn nhân và gia đình, Luật doanh nghiệp, Luật hộ tịch, Luật kinh doanh bất động sản, Luật cư trú... Tuy nhiên, thời gian qua, bên cạnh việc sửa đổi Luật Công chứng, các luật liên quan đến lĩnh vực công chứng đã và đang
được sửa đổi, bổ sung với nhiều quy định mới. Có thể thấy, nếu hệ thống Pháp luật được đảm bảo chặt chẽ sẽ tạo ra khung pháp lý an toàn cho pháp luật về công chứng. Từ đó sẽ siết chặt hơn về việc thực hiện và vận dụng pháp luật, nhằm nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện pháp luật về công chứng.
b, Công tác tổ chức quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Quản lý nhà nước về công chứng là loại hoạt động quản lý mang tính chất quyền lực hành chính của Nhà nước do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền do pháp luật quy định thực hiện. Quản lý nhà nước về công chứng nhằm tác động lên quá trình tổ chức và hoạt động công chứng làm cho quá trình này diễn ra trong khuôn khổ của pháp luật và đạt được mục đích định trước. Cụ thể là góp phần bảo đảm an toàn pháp lý trong quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại và quan hệ khác, phòng ngừa tranh chấp, vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Việc thực hiện đúng quy định, đầy đủ, kịp thời trách nhiệm của mình trong quản lý nhà nước sẽ có tác động tích cực đến hiệu quả của hoạt động công chứng. Ngược lại, nếu việc thực hiện không đúng quy định, chậm hoặc không đầy đủ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động công chứng.
c, Điều kiện kinh tế, xã hội
Nền kinh tế, xã hội phát triển năng động, bền vững sẽ là điều kiện thuận lợi cho hoạt động thực hiện pháp luật, tác động tích cực tới việc nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức pháp luật của các tầng lớp xã hội. Ngược lại, kinh tế, xã hội chậm phát triển, kém năng động và hiệu quả sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thực hiện pháp luật của các chủ thể pháp luật.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, kinh tế đất nước phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định qua các năm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, nhu cầu thực hiện các hợp đồng, giao dịch có công chứng ngày càng tăng, yêu cầu, đòi hỏi đối với công chứng viên
phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao để xử lý nhanh, bảo đảm chất lượng, số lượng các tổ chức hành nghề công chứng phải nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu, trách nhiệm quản lý nhà nước nặng nề hơn, cần phải tăng cường tranh tra, kiểm tra để bảo đảm các quy định của pháp luật công chứng được thực hiện đúng và chính xác.
d,Ý thức pháp luật
Các quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi của các chủ thể pháp luật thông qua sự tác động vào ý thức của họ. Ý thức pháp luật của chủ thể càng cao thì việc thực pháp luật càng đúng đắn, hiệu quả.
Thực tế cho thấy, ý thức pháp luật của người dân ngày càng tăng, hiểu biết về pháp luật cũng tăng lên, trước đây còn bị động trong việc thực hiện các thủ tục công chứng, nay họ đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu trước khi yêu cầu thực hiện thủ tục công chứng, hồ sơ đã được chuẩn bị đầy đủ, chính xác, giao dịch, thời gian thực hiện thủ tục được rút ngắn.
Đối với các công chứng viên, cơ quan quản lý nhà nước, ý thức pháp luật cao giúp cho việc lựa chọn quy phạm pháp luật, ra quyết định và tổ chức thực hiện đúng đắn, hợp lý và chính xác. Do đó, cần phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của chủ thể pháp luật khi thực hiện thủ tục công chứng.
TIỂU KẾT CHƯƠNG I
Thực hiện pháp luật công chứng là quá trình có mục đích làm cho các quy phạm pháp luật về công chứng trở thành hoạt động thực tế của các chủ thể pháp luật nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự, kinh tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia giao dịch, hơn hết là vai trò trong công cuộc phát triển kinh tế, cải cách hành chính, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế của xã hội.
Việc thực hiện đúng và đầy đủ pháp luật về công chứng sẽ góp phần phòng ngừa tranh chấp và vi phạm pháp luật, đồng thời hỗ trợ trong hoạt động quản lý nhà nước được vận hành một cách thường xuyên, liên tục, kỷ cương và trật tự. Thực hiện pháp luật về công chứng được thể hiện, nhìn nhận qua các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật đặc thù này, đó là tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên, hơn hết là việc thực hiện các thủ tục, quy trình, hồ sơ công chứng và đặc biệt là sự quản lý của các cơ quan có thẩm quyền.
Nhà nước thực hiện quản lý đối với các tổ chức hành nghề công chứng thông qua việc ban hành thể chế, chính sách pháp luật về công chứng, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động công chứng để kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm của các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên, đảm bảo hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng diễn ra lành mạnh, đúng định hướng. Ý thức pháp luật của các chủ thể trong hoạt động thực hiện pháp luật về công chứng cũng chỉ có thể được nâng cao nếu nền kinh tế - xã hội được điều chỉnh bằng hệ thống các quy định pháp lý đầy đủ, rõ ràng cùng với đó là các chế tài tăng nặng tính răn đe.
CHƯƠNG II
THỰC TRẠNG THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ CÔNG CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI