Bảo đảm về quy định đối với tổ chức hành nghề công chứng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện pháp luật về công chứng trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 81 - 84)

2. Hoàn thiện pháp luật về công chứng

2.2.2. Bảo đảm về quy định đối với tổ chức hành nghề công chứng

Mô hình văn phòng công chứng được Luật Công chứng số 53/2014/QH13 chỉ quy định mô hình Văn phòng công chứng duy nhất, đó là Văn phòng công chứng có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn.

Theo tác giả, không nên hạn chế Văn phòng công chứng do 01 công chứng viên thành lập do đây là nhu cầu của người thành lập, việc từ 02 người trở lên tham gia cũng sẽ có những bất cập nhất định trong hoạt động, giống như các doanh nghiệp, nếu giữa các công chứng viên có sự bất đồng ý kiến. Nếu Văn phòng công chứng do 01 công chứng viên thành lập khiến người yêu cầu công chứng phải mất nhiều thời gian để thực hiện hợp đồng, giao dịch thì họ sẽ chuyển hồ sơ sang tổ chức hành nghề công chứng khác. Do vậy, các Văn phòng công chứng do 01 công chứng viên sẽ phải tự điều chỉnh, sắp xếp phù hợp để đáp ứng yêu cầu của người yêu cầu công chứng. Mặt khác, công chứng viên hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tổ chức hành nghề công chứng có từ 02 công chứng viên trở lên không có nghĩa là người đứng đầu tổ chức hành nghề công chứng có quyền áp đặt về mặt chuyên môn đối với các công chứng viên khác. Về mặt bản chất, các công chứng viên luôn hoạt động độc lập mà không phụ thuộc vào mô hình tổ chức hành nghề công chứng có 01 hay nhiều công chứng viên. Lập luận về việc Văn phòng công chứng có 02 công chứng viên trở lên sẽ không làm gián đoạn tính pháp lý của các hồ sơ công chứng do công chứng viên này có thể tiếp quản công việc của công chứng viên kia là không chính xác. Ngay trong một tổ chức hành nghề công chứng, vẫn có rất nhiều trường hợp, cùng một yêu cầu công chứng, công chứng viên này thì từ chối tiếp nhận nhưng công chứng viên khác lại tiếp nhận. Do đó, không nên quy định hạn chế quyền của Văn phòng công chứng do 01 công chứng viên thành lập.

Đồng thời, nên cho phép Văn phòng công chứng có thành viên góp vốn. Giống như một doanh nghiệp, nhu cầu vốn để vận hành hoạt động của văn phòng công chứng là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, để tránh trường hợp thành viên góp vốn lạm quyền, gây áp lực với các công chứng viên, Luật cần quy định rõ quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn nhằm bảo đảm sự độc lập của các công chứng viên trong quyết định chuyên môn.

Về việc quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng, Luật Công chứng số 53/2014/QH13 đã bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng trong cả nước tại điểm b, khoản 2, Điều 69, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng quy hoạch: "Xây dựng, trình Chính phủ ban hành chính sách phát triển nghề công chứng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng trong cả nước"

Thành phố Hà Nội hiện có 122 tổ chức hành nghề công chứng, tuy nhiên, theo Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn thành phố Hà Nội thì đến năm 2020 có 121 tổ chức. Như vậy, thời điểm hiện tại, Hà Nội đã vượt số lượng tổ chức hành nghề công chứng so với quy hoạch đồng nghĩa với việc hết năm không cần phát triển tổ chức hành nghề công chứng là đủ số lượng tiêu chuẩn theo quy hoạch.

Theo quan điểm của tác giả, không nên quy hoạch các tổ chức hành nghề công chứng, đây là một yếu tố gây cản trở cho quá trình xã hội hóa, thu hút nguồn lực tư nhân đầu tư trong lĩnh vực công chứng. Khi tư nhân tham gia hoạt động công chứng, mong muốn của họ là địa bàn nơi đặt trụ sở phải có nhiều giao dịch, để đạt được doanh thu cao, nếu hạn chế số lượng tổ chức hành nghề công chứng trên một địa bàn sẽ không khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực công chứng, tạo cơ chế xin cho khi thành lập tổ chức hành nghề công chứng. Quy hoạch là mong muốn các tổ chức hành nghề công chứng phục vụ các giao dịch trên địa bàn. Tuy nhiên, công chứng viên trên địa bàn Hà Nội có

thể thực hiện việc công chứng trên tất cả các quận, huyện, không phụ thuộc vào vị trí đặt trụ sở tổ chức hành nghề công chứng, nên việc giới hạn số lượng tổ chức hành nghề công chứng tại một đơn vị cấp quận, huyện không có ý nghĩa.

Ngược lại, tại các quận, huyện tập trung đông dân cư, điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, có nhu cầu cao về công chứng thì việc giới hạn số lượng tổ chức hành nghề công chứng là quá cứng nhắc trong khi Luật không quy định cụ thể về điều kiện thành lập các Văn phòng công chứng, dễ tạo điều kiện cho tình trạng tùy tiện trong việc quyết định thành lập mới các Văn phòng công chứng, tạo lợi thế độc quyền cho các tổ chức hành nghề công chứng đã được thành lập, ảnh hưởng đến quyền được hành nghề của công chứng viên. Do đó, trong công tác quy hoạch, quản lý các tổ chức hành nghề công chứng, cần đặc biệt lưu ý đến tính chất, đặc điểm cũng như nhu cầu của từng địa phương, tránh cách làm áp đặt, chủ quan, gây khó khăn cho công chứng viên, cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu công chứng cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của xã hội nói chung.

Về quyền của tổ chức hành nghề công chứng, Luật Công chứng số 53/2014/QH13 cần cho phép các tổ chức hành nghề công chứng được quảng cáo, mở chi nhánh, văn phòng đại diện để giới thiệu thông tin tới người dân, mở rộng quy mô doanh nghiệp. Đây là quyền chính đáng của một doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp. Nhà nước không có chính sách để hỗ trợ lĩnh vực công chứng thì cũng không nên hạn chế quyền của tổ chức hành nghề công chứng.

Về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, Luật Công chứng số 53/2014/QH13 đã quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, việc vẫn quy định nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của tổ chức hành nghề công chứng khiến áp lực tài chính đối với tổ chức hành nghề công chứng rất lớn, Luật Công chứng số 53/2014/QH13 cần sửa đổi theo hướng,

quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho cá nhân công chứng viên, phù hợp với quy định công chứng viên chịu trách nhiệm cá nhân về hành vi công chứng của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện pháp luật về công chứng trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 81 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)