Bản thân pháp luật sinh ra là để điều chỉnh các quan hệ xã hội, là cơ sở để các chủ thể thực hiện pháp luật. Song chính các mặt, các khía cạnh khác nhau của chuẩn mực pháp luật cũng có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động thực hiện pháp luật. Người dân thực hiện pháp luật tốt hơn với một hệ thống pháp luật toàn diện (hệ thống pháp luật phải có khả năng đáp ứng được đầy đủ nhu cầu điều chỉnh pháp luật trên các lĩnh vực quan trọng), đồng bộ ( không được chồng chéo, không được mâu thuẫn với nhau) và phù hợp (nội dung của thực hiện pháp luật luôn có sự tương quan với trình độ phát triển kinh tế xã hội của đất nước). Có thể nói pháp luật là đời sống xã hội được khái quát hóa
và nâng lên thành luật thông qua hoạt động lý trí và ý chí của con người. Do vậy sự thống nhất, toàn diện, đồng bộ, phù hợp của các văn bản pháp luật, đặc biệt là các đạo luật là vô cùng quan trọng, đảm bảo cho hiệu quả của việc thực hiện pháp luật. Trong thực tiễn xây dựng pháp luật ở nước ta, nhiều văn bản pháp luật được ban hành (thậm chí ngay cả hiến pháp ) chưa phù hợp với qui luật phát triển khách quan của xã hội, chưa đồng bộ và thống nhất. Có khi nhiều văn bản pháp luật vừa ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung, thậm chí phải được thay thế bằng văn bản khác, vì nếu để nguyên không những không thực hiện được trong thực tế mà còn gây thiệt hại cho đất nước.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về dịch vụ văn hóa là yếu tố đầu tiên, đảm bảo và quyết định hiệu lực, hiệu quả hoạt động thực hiện pháp luật về dịch vụ văn hóa. Hệ thống bản quy phạm pháp luật về dịch vụ văn hóa là cơ sở pháp lý xác định phạm vi, đối tượng, nội dung, nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể trong quan hệ pháp luật về dịch vụ văn hóa. Do đó, không có hệ thống các văn bản bản quy phạm pháp luật về dịch vụ văn hóa thì không có thực hiện pháp luật về dịch vụ văn hóa; ngược lại, không có hoạt động thực hiện pháp luật thì pháp luật về dịch vụ văn hóa không thể được thực thi, không đi vào cuộc sống. Giữa chúng có mối quan hệ biện chứng chặt chẽ với nhau, biểu hiện: Pháp luật về dịch vụ văn hóa có đầy đủ, phù hợp với thực tiễn yêu cầu quản lý của các quan hệ xã hội, là cơ sở đảm công tác thực hiện pháp luật được thuận lợi, thống nhất và phát huy hiệu quả; ngược lại, thực hiện pháp luật về dịch vụ văn hóa đảm bảo hiện thực hóa, đưa các quy định của pháp luật về dịch vụ văn hóa đi vào cuộc sống, đồng thời là cơ sở đánh giá tính phù hợp hay không phù hợp của hệ thống văn bản pháp luật về dịch vụ văn hóa với thực tiễn nhu cầu đời sống- xã hội, từ đó từng bước hoàn thiện phát triển hệ thống văn bản pháp luật về dịch vụ văn hóa ngày càng đầy đủ, toàn diện hơn.