Hình thức thực hiện pháp luật là cách thức mà các chủ thể tiến hành các hoạt động có mục đích làm cho các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống. Các quy phạm pháp luật rất phong phú nên hình thức thực hiện chúng cũng rất phong phú và khác nhau. Căn cứ vào tính chất của hoạt động thực hiện pháp luật, có thể xác định thực hiện pháp luật bao gồm các hình thức: Tuân thủ pháp luật, thi hành pháp luật, sử dụng pháp luật, áp dụng pháp luật. Trong đó, Tuân thủ pháp luật là một hình thức thực hiện pháp luật, theo đó các chủ thể pháp luật kiềm chế không tiến hành những hoạt động mà pháp luật cấm; Thi hành pháp luật là một hình thức thực hiện pháp luật, các chủ thể pháp luật thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình bằng hành động tích cực; Sử dụng pháp luật là hình thức trong đó các chủ thể pháp luật thực hiện quyền chủ thể của mình (thực hiện những hành vi mà pháp luật cho phép), ở hình thức này các chủ thể pháp luật có thể thực hiện hoặc không thực hiện quyền được pháp luật cho phép theo ý chí của mình; Áp dụng pháp luật là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó nhà nước thông qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc nhà chức trách tổ chức cho các chủ thể pháp luật thực hiện những quy định của pháp luật, hoặc tự mình căn cứ vào những quy định của pháp luật để
tạo ra các quyết định làm phát sinh, thay đổi, đình chỉ hoặc chấm dứt những quan hệ pháp luật cụ thể.
Thực hiện pháp luật về dịch vụ văn hóa cũng được thể hiện thông qua 4 hình thức như sau:
Tuân thủ pháp luật về dịch vụ văn hóa: Là hình thức thực hiện pháp luật về hộ tịch, trong đó các chủ thể pháp luật kiềm chế không thực hiện các quy định cấm của pháp luật dịch vụ văn hóa.
Để đảm bảo công tác đăng ký và quản lý dịch vụ văn hóa được thực hiện kịp thời, đầy đủ theo các quy định của pháp luật về dịch vụ văn hóa, những yêu cầu chủ thể pháp luật phải luôn luôn tự kiềm chế mình một cách chủ động và tự giác trong mọi điều kiện, hoàn cảnh tình huống luật định mà bản thân mình đang gặp phải để không thực hiện những hành vi pháp luật ngăn cấm trong lĩnh vực dịch vụ văn hóa.
Với các quy định này đòi hỏi cả từ phía người dân và chủ thể thực hiện đăng ký dịch vụ văn hóa không được thực hiện các hành vi pháp luật cấm. Nếu trong trường hợp có những cơ quan, tổ chức, cá nhân, công dân hoặc cán bộ, công chức vi phạm thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, bồi thường thiệt hại hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Thi hành pháp luật về dịch vụ văn hóa: Là một hình thức thực hiện pháp luật về dịch vụ văn hóa, trong đó các chủ thể pháp luật tự thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình bằng hành động tích cực. Bên cạnh việc đề ra các quy định mang tính ngăn cấm nhằm hạn chế những hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc đăng ký, quản lý dịch vụ văn hóa, pháp luật còn có những quy định mang tính bắt buộc thể hiện ở những nghĩa vụ của các chủ thể trong quá trình đăng ký, quản lý và tiến hành các dịch vụ văn hóa.
Sử dụng pháp luật về dịch vụ văn hóa: là hình thức thực hiện pháp luật về dịch vụ văn hóa, trong đó các chủ thể sử dụng các quyền về đăng ký, quản
lý dịch vụ văn hóa để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Hình thức này khác với hình thức tuân thủ pháp luật và thi hành pháp luật ở chỗ có thể thực hiện hoặc không thực hiện quyền được pháp luật cho phép theo ý chí. Ví dụ: Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về dịch vụ văn hóa, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Như vậy pháp luật cho phép các chủ thể pháp luật có quyền khiếu nại, tố cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật về dịch vụ văn hóa nhưng họ có thể không thực hiện các quyền này của mình nếu họ cảm thấy không cần thiết.
Áp dụng pháp luật về dịch vụ văn hóa: là một hình thức thực hiện pháp luật, đặc biệt trong đó nhà nước thông qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc các tổ chức xã hội và các cá nhân được nhà nước trao quyền tổ chức cho các chủ thể pháp luật để ban hành các quyết định làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt những quan hệ pháp luật về dịch vụ văn hóa. Trong trường hợp này các chủ thể tham gia thực hiện pháp luật, thực hiện các quy định của pháp luật có sự can thiệp của Nhà nước.