Từ kinh nghiệm thực hiện pháp luật đối với hoạt động dịch vụ văn hoá ở các địa phương nêu trên, có thể rút ra một số bài học cho tỉnh Quảng Bình như sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức hoạt động dịch vụ văn hóa - sản phẩm tinh thần thuộc lĩnh vực tư tưởng, có liên quan đến thuần phong mỹ tục, bản sắc của dân tộc, nên cần phải tăng cường vai trò định hướng của các cấp lãnh đạo và hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Tăng cường công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh niên.
Thứ hai, thông qua việc tổ chức và quản lý các hoạt động dịch vụ văn hóa của tỉnh đến huyện, xã đối với một số hoạt động văn hóa nói chung, dịch vụ văn hoá nói riêng cần phải xây dựng các văn bản pháp quy để điều chỉnh, quản lý các hoạt động dịch vụ văn hóa, quyền lợi và nghĩa vụ của các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động này, kiểm tra và chống mọi biểu hiện thương mại hóa văn hóa. Từng bước đa dạng hoá các hoạt động văn hoá, đồng thời tạo ra
được các sản phẩm văn hoá đặc thù của địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá ngày càng phong phú, đa dạng của nhân dân.
Thứ ba, phát huy hiệu quả sự tham gia của toàn xã hội, của mọi lực lượng vào hoạt động tổ chức, phát triển và quản lý văn hóa. Thu hút toàn xã hội tham gia các hoạt động sáng tạo, cung cấp và phổ biến pháp luật về hoạt động dịch vụ văn hóa. Quá trình này sẽ tạo điều kiện cho văn hóa phát triển văn hóa của nhân dân, giữ gìn, phát triển sáng tạo nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời cần có sự liên kết, hợp tác giữa các địa phương, các vùng để phát triển và tăng cường quản lý hoạt động văn hoá bằng pháp luật được thực thi.
Thứ tư, thu hút các nguồn đầu tư, khai thác các tiềm năng về nhân lực, vật lực và tài lực trong toàn xã hội. Tranh thủ sự quan tâm của tỉnh, của Trung ương để có nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hoá, trong đó có dịch vụ văn hóa.
Thứ năm, để nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về hoạt động dịch vụ văn hóa phải đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế; tạo công ăn việc làm, nhất là đối tượng thanh niên; tăng cường hiệu quả phối hợp của các cơ quan chuyên môn trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá.
Tiểu kết chương 1
Các dịch vụ văn hóa như: phim nhựa, băng đĩa ca nhạc, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, triển lãm văn hóa, tổ chức lễ hội, hoạt động karaoke, vũ trường, nhà nghỉ,... phát triển tương đối mạnh mẽ, tác động đến đời sống văn hóa xã hội, bước đầu đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân; công tác thực hiện pháp luật về dịch vụ văn hóa đã dần đi vào nề nếp. Các chủ cơ sở kinh doanh đã có ý thức trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, nhiều cơ sở đã có sự đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ và trang thiết bị phục vụ. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa nói chung và hoạt động karaoke, vũ trường nói riêng được chú trọng và tăng cường; các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động karaoke, vũ trường từng bước được hạn chế.
Tuy nhiên, Quảng Bình là tỉnh đang trong quá trình đô thị hóa, thời gian qua, việc vi phạm các quy định của Nhà nước trong hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường,... còn khá phổ biến: Nhiều cơ sở kinh doanh không có giấy phép, địa điểm kinh doanh không đủ diện tích, thiết bị âm thanh ánh sáng chưa đảm bảo; không có phương tiện phòng cháy, không có cam kết an ninh trật tự, hoạt động quá giờ, tiếng ồn vượt quá quy định ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt của người dân, sử dụng băng đĩa không có tem nhãn...
Những kết quả nghiên cứu tại Chương 1 là nền tảng lý luận để tác giả đi sâu phân tích thực trạng thực hiện pháp luật về dịch vụ văn hóa và đề xuất giải pháp bảo đảm thực hiện pháp luật về dịch vụ văn hóa ở tỉnh Quảng Bình tại Chương 2 của luận văn
Chương 2:
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM THỰC HIỆN PHÁP LUẬT