Phòng tài nguyên và môi trường là cơ quan thuộc UBND quận Hai Bà Trưng, tham mưu, giúp UBND Quận thực hiện chức năng quản lý nhà nước về địa chính, môi trường. Thực hiện nhiệm vụ, công tác chuyên môn theo quy định của Nhà nước và của Ngành, với chức năng, nhiệm vụ cụ thể được quy định tại điều 4, chương II Thông tư liên tịch số 50/2014/TTLT-BTNMT-BNV ngày 28/8/2014 như sau:
Một là, trình UBND Quận ban hành các văn bản hướng dẫn việc thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, chính sách, chế độ và pháp luật của Nhà nước về quản lý tài nguyên và môi trường; Kiểm tra việc thực hiện sau khi UBND Quận ban hành.
Hai là, lập quy hoạch sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt; Thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã.
Ba là, thẩm định hồ sơ về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu, sử dụng tài sản gắn liền với đất cho các đối tượng thuộc thẩm quyền của UBND Quận.
Bốn là, theo dõi biến động về đất đai; cập nhật, chỉnh lý các tài liệu và bản đồ về đất đai; Quản lý hoạt động của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất ; Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện thống kê, kiểm kê, đăng ký đất đai đối với công chức chuyên môn về tài nguyên và môi trường tại các xã, thị trấn; Thực hiện việc lập và quản lý HSĐC, xây dựng hệ thống thông tin đất đai của Quận theo hướng dẫn của Sở tài nguyên và môi trường.
Năm là, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc xác định giá đất, mức thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của Quận; Thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định của pháp luật.
Sáu là, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật và sự chỉ đạo của UBND Quận về bảo vệ tài nguyên đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản.
Bảy là, tổ chức đăng ký, xác nhận và kiểm tra việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường trên địa bàn; Lập báo cáo hiện trạng môi trường theo định kỳ; Đề xuất các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; các cụm công nghiệp, khu du lịch trên địa bàn; Thu thập, quản lý lưu trữ dữ liệu về tài nguyên nước và môi trường trên địa bàn Quận; Hướng dẫn UBND các phường quy định về hoạt động và tạo điều kiện để tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường hoạt động có hiệu quả.
Tám là, hướng dẫn và kiểm tra việc tổ chức thực hiện bảo vệtài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, môi trường tự nhiên; Khắc phục các hậu quả gây suy thoái, ô nhiễm môi trường tự nhiên, hậu quả thiên tai.
Chín là, điều tra, thống kê, tổng hợp và phân loại giếng phải trám lấp; Kiểm tra việc thực hiện trình tự, thủ tục, yêu cầu kỹ thuật trong việc trám lấp giếng.
Mười là, thực hiện kiểm tra và tham gia thanh tra, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực tài nguyên và môi trường theo phân công của UBND Quận.
Mười một là, thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thông tin về tài nguyên và môi trường, các dịch vụ công trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường theo quy định của pháp luật.
Mười hai là, báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ về các lĩnh vực công tác được giao cho UBND Quận và Sở tài nguyên và môi trường.
Mười ba là, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức chuyên môn về tài nguyên và môi trường phường.
Mười bốn là, Quản lý công chức, tài chính và tài sản của Phòng theo quy định của pháp luật và phân công của UBND Quận.
Mười lăm là, tổ chức thực hiện các dịch vụ công trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại địa phương theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Phòng tài nguyên và môi trường là cơ quan chuyên môn quản lý nhà nướcvề địa chính tại quận, có trách nhiệm giúp việc cho chính quyền quận Hai Bà Trưng trong lĩnh vực quản lý nhà nướcvề địa chính; phối hợp và thực hiện sự hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ của Sở tài nguyên và môi trường thành phố; có trách nhiệm hướng dẫn và giúp UBND phường, cán bộ địa chính phường về chuyên môn. Đối các phòng ban khác trong quận, phòng tài nguyên và môi trường quận có quan hệ hợp tác và bình đẳng trong công việc.
Đây là những vấn đề có tính nguyên tắc, nhưng trong quản lý cần được phân chia cụ thể về chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ, trách nhiệm, sự phối hợp nhằm tránh trùng lập và đùn đẩy trách nhiệm cũng như những “khoảng trống” trong quản lý.