Thực trạng khiếu nại và giải quyết khiếu nại ở tỉnh Phú Thọ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về giải quyết khiếu nại ở tỉnh phú thọ (Trang 42 - 47)

Năm 2014

Năm 2014, các cấp, các ngành trong tỉnh nhận 5.703 đơn, trong đó: 910 đơn khiếu nại, 416 đơn tố cáo, 3464 đơn loại khác. Trong số 910 đơn khiếu nại, đơn thuộc thẩm quyền và đủ điều kiện giải quyết là 148 đơn, chiếm 16,26% so với tổng số đơn nhận được, số còn lại là đơn trùng, đơn không đủ điều kiện thụ lý theo quy định hoặc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan tư pháp, thi hành án [18].

Kết quả giải quyết đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền

Trong tổng số 910 đơn khiếu nại nhận được, số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết là 148 vụ; đã giải quyết 125 vụ việc đạt 84,45%. Trong số 125 vụ việc đã giải quyết có 23 vụ việc phải giải quyết lần 2 (chiếm 18,4%) [18].

- Kết quả giải quyết:

+ 102 vụ việc khiếu nại giải quyết lần 1: Số vụ việc khiếu nại đúng 09 chiếm 8,82%, số vụ việc khiếu nại sai 71 chiếm 69,60%, số vụ việc khiếu nại đúng một phần 22 chiếm 21,56% (trong đó có 02 vụ việc công dân rút đơn).

+ 23 vụ việc khiếu nại giải quyết lần 2: Giữ nguyên quyết định giải quyết lần 1 là 12 đơn chiếm 52,17%; phải sửa một phần nội dung là 03 đơn chiếm 13,04%; phải sửa toàn bộ quyết định lần 1 là 08 đơn chiếm 34,78% (trong 23 vụ việc có 07 vụ việc công dân rút đơn, UBND tỉnh ban hành văn bản đình chỉ giải quyết khiếu nại).

- Việc thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật: Tổng số quyết định giải quyết khiếu nại phải tổ chức thực hiện 125 quyết định; số quyết định đã thực hiện xong 108 đạt 86,4%.

Năm 2015 [19]

Tổng số đơn các cấp, các ngành nhận được 5.614 đơn, trong đó: Khiếu nại 314 đơn, tố cáo 265 đơn, loại khác 4.505 đơn.

Tổng số vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp, các ngành là 79 vụ việc.

Đã giải quyết xong khiếu nại 73/79 đơn. Cụ thể: + UBND tỉnh giải quyết xong khiếu nại 09/10 vụ việc; + Cấp sở, ngành giải quyết xong 48/50 vụ việc;

+ UBND cấp huyện giải quyết xong khiếu nại 15/18 vụ việc; + Cấp xã giải quyết xong khiếu nại 01/01;

Năm 2016 [20]

Tổng số đơn các cấp, các ngành nhận được 4.954 đơn, trong đó: Khiếu nại 278 đơn, tố cáo 174 đơn, loại khác 4.502 đơn.

Tổng số đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp, các ngành là: 68 đơn (29 vụ việc).

Đã giải quyết xong khiếu nại 25/29 vụ việc còn 04 vụ việc đang trong hạn giải quyết. Cụ thể:

+ UBND tỉnh giải quyết xong 03/06 vụ việc, còn 03 vụ việc mới phát sinh.

+ Cấp sở, ngành giải quyết đạt 100% (khiếu nại 13/13 vụ việc).

+ UBND cấp huyện giải quyết xong đạt 100% khiếu nại 09/09 vụ việc; + Cấp xã giải quyết đạt 100% (khiếu nại 01/01 vụ việc).

Trong số 25 vụ việc khiếu nại đã giải quyết (có 06 vụ việc công dân rút khiếu nại) khiếu nại đúng 01 đơn, chiếm 4%; khiếu nại đúng một phần 03 đơn, chiếm 12%; khiếu nại sai 21 đơn, chiếm 84%.

Năm 2017 [25]

Năm 2017, các cấp, các ngành trong tỉnh nhận 5.225 đơn, giảm 210 đơn so với cùng kỳ (3,9%); trong đó: Khiếu nại 361 đơn, tố cáo 178 đơn, loại khác 4.686 đơn. Đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền cơ quan hành chính và đủ điều kiện giải quyết là 88 đơn (khiếu nại 32 đơn; tố cáo 56 đơn), chiếm 1,7% trong tổng số đơn nhận được, số còn lại là đơn trùng, đơn không đủ điều kiện thụ lý hoặc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan tư pháp, thi hành án.

Các cấp, các ngành đã giải quyết xong khiếu nại 26/32 vụ việc Cụ thể: - Vụ việc thuộc thẩm quyền cấp tỉnh khiếu nại 06/07 vụ việc;

- Vụ việc thuộc thẩm quyền sở, ngành khiếu nại 13/16 vụ việc; - Vụ việc thuộc thẩm quyền cấp huyện khiếu nại 06/08 vụ việc; - Vụ việc thuộc thẩm quyền cấp xã khiếu nại 01/01 vụ việc;

Kết quả giải quyết cụ thể:

- Trong 26 vụ việc khiếu nại đã giải quyết (10 vụ việc công dân rút đơn): + Giải quyết lần đầu 18 vụ việc, trong đó: Khiếu nại đúng 03 vụ việc = 16,7%; khiếu nại sai 15 vụ việc = 83,3%.

+ Giải quyết lần hai 08 vụ việc, trong đó: Giữ nguyên quyết định giải quyết lần đầu 05 vụ việc; nhất trí một phần với quyết định giải quyết lần đầu 02 vụ việc; phải sửa đổi biện pháp giải quyết 01 vụ việc

Nhìn chung, tổng số đơn nhận nhiều, nhưng đơn thuộc thẩm quyền cơ quan hành chính chiếm tỷ lệ thấp do một người gửi đơn nhiều lần cùng một nội dung hoặc có trường hợp một nội dung nhưng gửi đơn đến nhiều cơ quan; đơn thuộc thẩm quyền của cơ quan tư pháp, thi hành án.

Các khiếu nại của tỉnh Phú Thọ nội dung chủ yếu liên quan đến đất đai như: trình tự, thủ tục thu hồi đất, đơn giá bồi thường, bố trí tái định cư, chính sách hỗ trợ, giải quyết việc làm sau khi thu hồi đất, ngoài ra còn một số nội dung liên quan đến tranh chấp đất đai chính sách xã hội với người có công.

Tình hình khiếu nại trên đây do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ cơ chế chính sách còn rất bất cập, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư; do các cấp, các ngành còn thiếu quan tâm, buông lỏng quản lý, chỉ đạo, xử lý dứt điểm nhất là việc chấp hành thực thi pháp luật về GQKN chưa nghiêm và chưa thực hiện đúng Chỉ thị 09/TW của Ban Bí thư Trung ương, Thông báo kết luận số 130/TB-TW của Bộ Chính trị về GQKN.

Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhất là quản lý đất đai, quản lý kinh tế xã hội còn nhiều yếu kém, sai phạm, mặt khác trong thời gian qua nhiều địa phương triển khai, thực hiện rất nhiều các dự án đầu tư nhưng việc công khai quy hoạch, chính sách đền bù, hỗ trợ, tái định cư trong quá trình thu hồi đất, giải phóng mặt bằng của nhiều dự án chưa thực hiện đúng

theo quy định từ đó phát sinh đơn khiếu nại. Khi phát sinh khiếu kiện, giải quyết vụ việc chậm, áp dụng pháp luật cứng nhắc, dùng các biện pháp hành chính, thiếu kiên trì vận động, giải thích, thuyết phục dân.

Do tính chất phức tạp của nhiều vụ việc khiếu nại phần lớn các vụ việc bức xúc, kéo dài do lịch sử để lại đều liên quan đến cơ chế, chính sách qua nhiều thời kỳ, đã được giải quyết hết thẩm quyền hoặc còn vướng mắc, trong quá trình giải quyết, địa phương đã cố gắng vận dụng nhưng công dân không đồng ý với việc giải quyết hoặc có sự so bì, phát sinh khiếu nại gay gắt, phức tạp, khó có thể chấm dứt. Mặt khác, nhiều vụ việc khiếu nại phức tạp thường liên quan tới nhiều địa bàn, lĩnh vực, sự phối giữa các ngành, các cấp thiếu chặt chẽ nên việc giải quyết không dứt điểm. Ngoài ra do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế. Trong nhiều trường hợp đã giải quyết đúng quy định nhưng vẫn cố tình không chấp hành; một số trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại để lôi kéo, kích động gây mất trật tự công cộng.

Công tác quản lý nhà nước về khiếu nại của các cấp chính quyền và hệ thống thanh tra địa phương nhiều nơi còn hạn chế, bộc lộ yếu kém khuyết điểm, thường chỉ tập trung giải quyết các vụ việc đã và đang xảy ra, chưa quan tâm công tác phòng ngừa, ngăn ngừa các vi phạm có liên quan đến khiếu nại của công dân. Vai trò lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền địa phương, sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong công tác giải quyết KN ở một số địa bàn còn thiếu tập trung và chưa đồng bộ nên hiệu quả chưa cao. Một bộ phận cán bộ, công chức chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của công tác tiếp dân; trình độ năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, chưa thực sự khách quan, công tâm khi thực hiện nhiệm vụ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về giải quyết khiếu nại ở tỉnh phú thọ (Trang 42 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)