Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh bình dương (Trang 97 - 98)

7. Kết cấu của luận văn

3.3.8 Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra

Thanh tra, kiểm tra là nhiệm vụ quan trọng của quản lý nhà nước về báo chí, là một công cụ quản lý không thể thiếu của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Hoạt động này tốt, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng cao, ngược lại, hoạt động này chưa tốt thì hiệu quả quản lý nhà nước cũng kém...Hiện nay, xu hướng mới trong công tác quản lý nhà nước là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Do đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra càng giữ vai trò quan trọng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng thanh tra, kiểm tra vừa thiếu về số lượng lại vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ do giảm biên chế, một người phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, không có thời gian đầu tư nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ.

Để công tác thanh tra, kiểm tra thực sự phát huy hiệu quả, Nhà nước cần quan tâm bố trí thêm biên chế ở lĩnh vực thanh tra để hoạt động thanh tra, kiểm tra được thực hiện vừa thường xuyên, vừa đột xuất, và đồng bộ trên mọi mặt, cả tài chính kinh tế, công tác tổ chức, nhân sự…, khắc phục hạn chế thường thấy trong hoạt động thanh tra, kiểm tra là chỉ được tiến hành sau khi đã xảy ra sai phạm hoặc có dấu hiệu sai phạm.

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, các sai phạm của cơ quan báo chí thời gian qua đa số từ các báo trung ương, báo chí địa phương khác có văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, phóng viên đưa tin tác nghiệp trên địa bàn tỉnh. Lý do xuất phát từ quy định của Luật Báo chí 2016 về Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí vẫn có một số điểm chưa rõ, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý. Quy định hiện hành mới quy định thẩm quyền kiểm tra, chưa quy định cho địa phương có thẩm quyền xử phạt

vi phạm hành chính đối với báo chí trung ương, báo chí của địa phương khác trên địa bàn nên làm giảm hiệu quả, hiệu lực của địa phương trong công tác kiểm tra, xử lý đối với Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú có sai phạm. Do đó, cần đẩy mạnh phân cấp cho địa phương thẩm quyền xử lý vi phạm đối với Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn; tăng trách nhiệm của cơ quan chủ quản của các cơ quan báo chí này, cụ thể là bộ phận tham mưu, giúp việc thực hiện việc quản lý nhà nước đối với báo chí.

Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp giữa Sở Thông tin và Truyền thông với cơ quan công an để xử lý hiệu quả những tiêu cực trong hoạt động báo chí. Thực tế cho thấy, những phóng viên thoái hóa, biến chất thường thực hiện hành vi vi phạm bằng nhiều cách thức, thủ đoạn tinh vi, với chức năng, quyền hạn của lực lượng thanh tra chuyên ngành thông tin và truyền thông sẽ rất khó để phát hiện, trong tình huống này cần phải áp dụng các biện pháp nghiệp vụ điều tra, xác minh, theo dõi của lực lượng công an, vì vậy vai trò của cơ quan công an rất quan trọng. Hai lực lượng này phải phối hợp chặt chẽ mới có thể kịp thời ngăn chặn, xử lý hiệu quả những đối tượng lợi dụng danh nghĩa người làm báo để nhũng nhiễu, tống tiền cơ quan, tổ chức, cá nhân mà dư luận hiện đang rất bức xúc.

Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra phải có kết luận rõ ràng, công khai, minh bạch, có chế độ báo cáo sau khi khắc phục sai phạm. Các biện pháp cứng rắn phải được áp dụng với các trường hợp tái diễn vi phạm, vi phạm kéo dài như tăng mức tiền xử phạt, cách chức, kiến nghị thu hồi thẻ nhà báo, thậm chí đình chỉ, rút giấy phép hoạt động của cơ quan báo chí.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh bình dương (Trang 97 - 98)