1.3.1.1.Trình độ chuyên môn:
Đào tạo được xem như một quá trình làm cho người ta “trở thành người có năng lực theo những tiêu chuẩn nhất định”. Đào tạo là “quá trình tác động đến con người làm cho người đó lĩnh hội và nắm vững những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo,…một cách có hệ thống nhằm chuẩn bị cho người đó thích nghi với cuộc sống và khả năng nhận một sự phân công lao động nhất định” [57]. Còn bồi dưỡng được xác định là quá trình làm cho người ta “tăng thêm năng lực hoặc phẩm chất”. [57]
Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng sẽ tạo tiền đề cho quá trình tiếp tục đổi mới, sáng tạo của đội ngũ giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng.
Trong những năm gần đây, phương pháp giáo dục của giáo viên mầm non đã có những đổi mới sâu sắc về quy trình giáo dục và chăm sóc trẻ. Năng lực sư phạm của giáo viên được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp chăm sóc, giáo dục mầm non. Đội ngũ giáo viên từng bước đạt chuẩn trình độ đào tạo và một số đáng kể đạt trình độ trên chuẩn. Bước đầu đã có phương pháp khoa học tốt để chăm sóc, nuôi dạy trẻ.
Trong thời đại ngày nay, những năng lực cụ thể mà người giáo viên mầm non cần phải trang bị như kỹ năng quan sát trẻ, năng lực trí tuệ cảm xúc và khả năng sáng tạo trong dạy học.
1.3.1.2. Phẩm chất đạo đức, tình yêu thương trẻ, yêu nghề:
Lòng yêu trẻ, yêu nghề là phẩm chất đầu tiên trong nhân cách một giáo viên mầm non. Vì đặc điểm của giáo viên mầm non luôn thể hiện ba chức năng là chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ thơ, lấy quan hệ tình cảm yêu thương mẹ - con làm yếu tố quyết định. Bác Hồ kính yêu đã nói: “Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được thế thì phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ
hay quấy, phải bền bỉ chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt, dạy trẻ tốt thì sau này các cháu thành trẻ tốt. Anh chị em giáo viên mẫu giáo cần luôn luôn gương mẫu về đạo đức để các cháu noi theo”[43, tr. 234]
Phẩm chất và năng lực quan trọng nhất đối với một người giáo viên mầm non là: Tôn trọng trẻ em, chịu khó học hỏi, giao tiếp ứng xử đúng mực. Bác Hồ đã nói: “Đối với trẻ em phải dạy thế nào cho các cháu biết đoàn kết, ham học, ham làm nhưng làm sao phải cho các cháu giữ được tính chất trẻ con. Phải làm sao cho các cháu có kỉ luật nhưng vẫn vui vẻ, hoạt bát chứ không phải khúm núm, đặt đâu, ngồi đấy” [43, tr. 235]
Sự xuống cấp phẩm chất đạo đức của giáo viên mầm non sẽ làm phai nhạt truyền thống tôn vinh của xã hội đối với nghề giáo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giáo dục làm người cho thế hệ trẻ.
1.3.1.3. Sức khỏe và thể chất:
Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội và phải bao gồm tình trạng không có bệnh hay thương tật, thần kinh thì thoải mái, sự sống diễn ra một cách bình thường, tất cả phản xạ có điều kiện hay không có điều kiện đều bình thường. Sức khỏe tình thần là một khái niệm chỉ tình trạng tinh thần và cảm xúc tốt của mỗi cá nhân.
Bậc học mầm non có vai trò quan trọng trong việc phát triển thể chất và tinh thần cho trẻ, là giai đoạn quan trọng nhất trong việc hình thành nên nhân cách của mỗi con người. Trẻ mầm non là đối tượng đặc thù, chưa ý thức được hành vi nên rất hay nghịch ngợm, tranh giành nhau,…trong khi lớp học thường quá đông, giáo viên đôi khi khó có thể quan sát hết và phản ứng kịp thời. Họ gần như phải chịu trách nhiệm về tất cả các mặt của trẻ như an toàn thân thể, chất lượng giáo dục. Giáo viên mầm non không chỉ là một cô giáo mà còn là một người mẹ chăm lo cho trẻ suốt cả ngày. Do đó, sức khỏe và thể chất không chỉ là yêu cầu bắt buộc khi tuyển dụng giáo viên mà còn là yêu
cầu được duy trì trong cả sự nghiệp công vụ của giáo viên cũng như nhu cầu cần thiết của mỗi con người trong cuộc đời.
Mỗi giáo viên mầm non hiện trung bình phải làm việc 12 tiếng mỗi ngày, ngoài giảng dạy còn phải làm nhiều việc khác như trông các cháu ngủ, cho các cháu ăn, làm vệ sinh lớp, chờ phụ huynh đón…Ngoài ra chưa kể đến thời gian soạn giáo án buổi tối ở nhà, làm đồ dùng dạy học, đồ chơi vào các ngày nghỉ. Do đó, giáo viên mầm non luôn phải có sức khỏe tốt mới hoàn thành nhiệm vụ được giao và chăm sóc gia đình.