Những hạn chế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về giáo dục mầm non từ thực tiễn quận ba đình, thành phố hà nội (Trang 64 - 67)

Thứ nhất, hệ thống văn bản quản lý nhà nước về giáo dục mầm non một số còn thiếu, chưa đồng bộ

Nghiên cứu hệ thống văn bản QLNN về giáo dục mầm non của quận còn thiếu văn bản triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển giáo dục mầm non, đặc biệt là phân cấp quản lý theo quy định Điều lệ trường mầm non thì sự tham gia của Phòng Giáo dục và Đào tạo về quản lý nhân sự, tài chính cùng với quản lý thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo phân cấp quản lý còn hạn chế.

Các văn bản QLNN tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giáo dục mầm non công lập, có thể nói Nhà nước từ cấp trung ương tới cấp địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức với hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập, nhất là chưa tạo điều kiện thuận lợi về ưu tiên, hỗ trợ, cho thuê đất để các tổ chức, cá nhân xã hội hóa phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập, tạo lên sức ép về nhu cầu gửi trẻ, khó khăn cho cơ quan QLNN khi quản lý cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đặc biệt là các cơ sở tự phát.

Thứ hai, công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình kế hoạch phát triển giáo dục mầm non thuộc quận Ba Đình, thành phố Hà Nội nhiều công việc, tiến độ còn chậm, một số chỉ tiêu chưa hoàn thành kế hoạch đề ra.

Hiện nay, quận đang chỉ đạo triển khai thực hiện quy hoạch như đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị, tập trung vào các nội dung: đầu tư xây dựng các phòng học đảm bảo quy mô phát triển trường lớp; xây dựng các công trình phụ trợ, đặc biệt là bếp ăn, nhà vệ sinh, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, đầu tư xây dựng các trường học mới theo quy hoạch. Tuy nhiên, tiến độ đầu tư xây dựng còn chậm so với kế hoạch đề ra, các dự án xây dựng trường mầm non tư thục còn nhiều vướng mắc.

Thứ ba, năng lực quản lý, năng lực chuyên môn của đội ngũ quản lý giáo viên và nhân viên giáo dục mầm non còn hạn chế

Công tác chỉ đạo, hướng dẫn của Phòng Giáo dục và Đào tạo còn hạn chế. Số trường, nhóm, lớp mầm non trên địa bàn đông, dẫn đến thời gian dành cho công tác kiểm tra của phòng đối với các cơ sở giáo dục mầm non còn hạn chế. Đội ngũ giáo viên các trường mầm non công lập đã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn luôn chủ động, tích cực thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ. Song tỷ lệ giáo viên có trình độ trên chuẩn còn chưa cao, một số giáo viên mới vào nghề, một số giáo viên tuổi cao chưa hiểu thấu đáo về bản chất cái mới, cái ưu việt của chương trình, còn lúng túng khi thực hiện, cách hiểu máy móc. Giáo viên chịu ảnh hưởng nặng nề của phương pháp cũ, nặng về diễn giải chưa lấy trẻ làm trung tâm, ít tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm. Khả năng quan sát, ghi chép nhật ký chưa thường xuyên, cách ghi chép còn sơ sài và đánh giá trẻ theo các chỉ số, yêu cầu của Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi và các độ tuổi khác còn hạn chế.

Thứ tư, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện kết luận, quyết định sau thanh tra, kiểm tra còn hạn chế

Hoạt động thanh tra, kiểm tra giám sát ở các trường, nhóm lớp mầm non công lập và tư thục được các cấp, các ban ngành đặc biệt quan tâm và tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất. Hàng năm, quận đã tiến hành nhiều đợt thanh tra, kiểm tra. Quận Ba Đình hiện có 30 trường mầm non và 12 trường ngoài công lập đang hoạt động đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn các phường nên việc thanh tra, kiểm tra vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, tỷ lệ còn thấp. Trong kiểm tra vẫn còn một số trường hợp nể nang, chưa mạnh dạn thẳng thắn phê bình vì vậy sự tiến bộ của cơ sở, giáo viên còn chậm, việc thực hiện các quyết định, kết luận sau thanh tra, kiểm tra còn hạn chế.

Thứ năm, về cơ sở vật chất trường, lớp và đồ dùng trang thiết bị còn thiếu, một số chưa đáp ứng được yêu cầu

Cơ sở vật chất trường lớp tuy đã được đầu tư trong nhiều năm gần đây, song thực tế vẫn còn thiếu phòng học. Một số phòng học diện tích chật hẹp không đủ diện tích theo yêu cầu Điều lệ dẫn đến quá tải, ảnh hưởng đến việc tổ chức các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.

Bếp ăn một số nơi cả công lập và tư thục diện tích chật hẹp, đồ dùng trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ chưa đầy đủ ảnh hưởng đến công tác nuôi dưỡng của các cơ sở giáo dục mầm non.

Đồ dùng, trang thiết bị theo Thông tư 02, Thông tư 36 cho các nhóm, lớp chưa đầy đủ ảnh hưởng đến chất lượng tổ chức hoạt động giáo dục cho trẻ.

Thứ sáu, thực hiện chế độ, chính sách cho giáo viên các trường mầm non trên địa bàn quận Ba Đình còn nhiều bấp cập

Mức thu nhập của đội ngũ giáo viên, nhân viên các trường công lập còn thấp, nhân viên nấu ăn chưa được hưởng biên chế nhà nước và chưa có chế độ

phụ cấp độc hại vì vậy một số giáo viên, nhân viên chưa thực sự yên tâm với nghề. Giáo viên mầm non công tác tại các cơ sở mầm non tư thục được Nhà nước hỗ trợ chi phí bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tuy nhiên số giáo viên này thường thay đổi, không ổn định ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về giáo dục mầm non từ thực tiễn quận ba đình, thành phố hà nội (Trang 64 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)