Đề tài về thế giới loài vật vốn rất phổ biến trong văn học thiếu nhi. Trước Nguyễn Thái Hải đã có Tô Hoài, Phạm Hổ, Võ Quảng… là những nhà văn rất thành công với truyện đồng thoại. Song, mỗi nhà văn có một cách khai thác riêng. Nếu Tô Hoài đi mô tả thế giới loài vật có đời sống nội tâm phong phú, hoạt bát, năng động mang bản chất của con người thì Phạm Hổ viết đồng thoại cho trẻ em mềm mại, ngọt ngào mang âm hưởng của các câu chuyện cổ tích dân gian. Nguyễn Thái Hải viết về đề tài loài vật với những đặc điểm riêng của từng loài và tác giả lý giải những thắc mắc của bạn đọc nhỏ về thế giới loài vật nhiều lý thú. Thông qua đó, tác giả gửi gắm những bài học giàu ý nghĩa giáo dục.
Truyện đồng thoại không phải là thể loại theo đuổi ngay từ đầu của Nguyễn Thái Hải. Nhưng khi gắn bó với thể loại này, ông đã gặt hái được nhiều thành công bất ngờ. Theo Bùi Công Thuấn: “Truyện đồng thoại của Nguyễn Thái Hải có thể đem đến cho người đọc và những người viết văn khác nhiều kinh nghiệm về tính giáo dục của truyện viết cho nhi đồng” [67]. Nhận định trên cho thấy độ chín trong sự nghiệp sáng tác của ông. Nguyễn Thái Hải thể nghiệm sang một thể loại mới vừa để phù hợp với thị hiếu bạn đọc nhỏ ở thời đại mới, vừa để đổi mới mình, thử sức mình và thể hiện bản lĩnh của một cây viết văn học thiếu thi khu vực miền Nam.
Thế giới loài vật trong truyện của Nguyễn Thái Hải phong phú, đa dạng và gần gũi trong sinh hoạt đời thường của con người. Đó là Bồ Câu, Chó, Mèo, chim Sẻ, Chuột cống, Ốc Sên, Gà, Vịt, Hoa, Cây cỏ… Tất cả các các loài vật nói trên được Nguyễn Thái Hải quan sát tỉ mỉ, tinh tế. Trong thế giới loài vật của Nguyễn Thái Hải, mỗi con vật có một biệt tài, một cá tính riêng: những chú chó luôn sống có lý tưởng, bênh vực cái tốt, cái yếu (Mi
khi tự rước tại họa vào mình (cô Miu Miu, mụ Mướp); bồ câu có đức hy sinh cao quý (bà Bồ Câu Bạch); Rắn hung dữ và hay bắt nạt người khác; Ốc Sên thường phá phách… Không những thế, thế giới loài vật của Nguyễn Thái Hải có số phận khác nhau, có loài được yêu thương, cưng chiều nhưng cũng có loài phải chịu nhiều bất hạnh, vất vả.
Khi viết về loài vật, Nguyễn Thái Hải không phân biệt loài xấu – loài đẹp, loài hiền – loài hung hăng, loài sạch – loài không sạch mà tất các các loài vật gần gũi với đời sống thiếu nhi đều được tác giả đưa vào tác phẩm nhằm giúp bạn đọc nhỏ có nhiều cách nhìn về thế giới loài vật, tạo điều kiện cho các em học hỏi, hiểu biết thêm các đặc tính của loài vật và còn giúp đọc giả nhí có cái nhìn liên hệ, so sánh giữa đời sống loài vật và đời sống con người. Hơn nữa những loài vật thân quen giúp các em tiếp nhận tác phẩm nhanh hơn, tránh sự nhàm chán. Khi Nguyễn Thái Hải viết về loài vật, ông không chỉ mô tả đúng các đặc điểm bên ngoài cũng như một phần tính cách của loài vật, sau đó gắn tính cách của con người lên con vật một cách phù hợp với đặc điểm của chúng mà còn lồng ghép vào câu chuyện các thông tin khoa học chính xác về loài. Sự khéo léo của nhà văn đã dẫn dắt bạn nhỏ vào thế giới loài vật sinh động, đầy màu sắc.
Có thể nói, những đề tài mà Nguyễn Thái Hải khai thác trong tác phẩm của mình không phải là những vấn đề mới nhưng ông chọn cho mình một cách viết khác để không trùng lặp các nhà văn đi trước. Điều đó thể hiện sự tìm tòi, nỗ lực của Nguyễn Thái Hải trên con đường mang đến niềm vui cho các em. Truyện của ông không chỉ hấp dẫn bởi cách khai thác đề tài theo hướng bình cũ rượu mới mà còn cuốn hút người đọc bởi cốt truyện hấp dẫn, cuốn hút bởi sự tận tâm, tâm huyết của một nhà văn viết cho thiếu nhi luôn cố gắng làm mới mình.