ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN THIẾU NHI CỦA NGUYỄN THÁI HẢI VỀ CỐT TRUYỆN VÀ NGÔN NGỮ
3.2.1. Ngôn ngữ trần thuật giản dị, phù hợp với trẻ thơ
Ngôn ngữ trần thuật đóng vai trò then chốt trong việc thể hiện tư tưởng, phong cách của nhà văn. Với một nhà văn, khi sáng tác, họ luôn tìm cho mình một cách diễn đạt, một lối kể chuyện riêng để diễn tả ý đồ nghệ thuật của mình. Nguyễn Thái Hải cũng vậy, nhân vật trong tác phẩm của ông đa số là thiếu nhi – tuổi thích hoạt động, khám phá nên tâm lý, tình cảm, lời nói đều rất dung dị, dễ hiểu, thơ ngây.
Truyện Nguyễn Thái Hải thu hút trẻ nhỏ bởi ngôn ngữ trẻ thơ tươi tắn. Để phù hợp với thị hiếu văn học của trẻ em và yêu cầu của văn học thiếu nhi,
ngôn ngữ đối thoại trong tác phẩm của Nguyễn Thái Hải chiếm tỉ lệ lớn. Các em nhỏ bắt gặp những câu nói thường ngày vẫn dùng giao tiếp với nhau. Khi cùng nhau đi tìm gà cho bác Tám, bọn trẻ nháo nhào và trêu chọc nhau: “A, cài thằng này giỏi quá nhỉ? Mày dám ví tao là… gà mái à? Đồ… đồ… chuột!”
(Ba chàng thám tử). Trong Cha con ông Mắt Mèo, cha Út Đen không mấy khi
nhẹ nhàng với em mà thường nói với em bằng những câu thẳng thừng đến lạnh lùng: “Sợ thì cút đi, để mặc tao”, rồi sau đó an ủi con nhưng vẫn là những câu nói không chút nhẹ nhàng: “Ba mày không dễ chết đâu”. Ngôn ngữ mang tính chất khẩu ngữ trong truyện được Nguyễn Thái Hải vận dụng linh hoạt, tựa như lời tâm tình của các nhân vật đang trò chuyện thân mật, tâm sự với nhau, thể hiện tình cảm thân thiết dành cho nhau. Rõ ràng, trong ngôn ngữ của Nguyễn Thái Hải không có những từ ngữ hoa mĩ gây khó hiểu cho bạn đọc nhỏ mà ngôn ngữ trong tác phẩm của ông hiển hiện như lời ăn tiếng nói hàng ngày, hồn nhiên, tự nhiên, chân thật.
Tuy nhiên, trong một số truyện như Mơ làm thủ lĩnh, Cha con ông Mắt
Mèo… tác giả nhắc đến tích ông Quan Công trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, đôi
lúc nhà văn dùng các câu Hán Việt như: “Quân tử bất hí ngôn”, “đa mưu túc trí”, “tâm phục khẩu phục”, “xếp giáo quy hàng”, “thống nhất giang san về một mối”… làm cho bạn đọc nhỏ khó tiếp thu tác phẩm. Sử dụng những cụm từ Hán Việt này, tác giả muốn nhấn mạnh, khích lệ tinh thần anh hùng, dũng cảm, mạnh mẽ và tấm lòng hào hiệp, nghĩa khí của con người học võ nhưng vô tình lại các em cảm thấy khó khăn trong việc hiểu nghĩa và khó nắm bắt được câu chuyện. Mặc dù đây là một hạn chế nhưng Nguyễn Thái Hải cũng đã cố gắng mở rộng thêm sự hiểu biết cho các em về Quan Công, Tam Quốc Diễn Nghĩa, về các tích văn học…
Trong tác phẩm của Nguyễn Thái Hải, lời thoại được gia tăng, lời kể, tả, bình luận giảm thiểu một cách đáng kể. Tác giả cho nhân vật đối thoại với
nhau hoặc chính nhân vật kể về mình với ngôi thứ nhất xưng “tôi”, “em”. Đó là một điểm nổi bật ở nhiều tác phẩm của ông. Đoạn thoại của nhân vật có ý nghĩa đẩy cốt truyện phát triển, tạo mạch cho diễn biến của truyện phát triển tự nhiên. Ở nhiều truyện, người trần thuật chỉ đóng vai trò tổ chức truyện kể.
“Thân đen lớn hơn Sao một tuổi, học lớp 9/4, nhe răng cười hì hì: Mày cứ tập cho tụi tao hát rồi mày coi đứa nào hát hay, mày lấy bổ sung vô đội văn nghệ! Giọng ca của tao, chắc có nhiều hy vọng đó. An ghẻ bĩu môi:
Giọng của mày là giọng vịt đực! Đã vậy con bị nhiễm vi rút cảm nữa! Ở đó mà hát với hò!
Xinh ù góp ý:
Hát hay không bằng hay hát! Mày cứ tập cho tụi tao đi Sao mít ướt à. Coi như mày tập nháp trước khi tập cho đội văn nghệ trường ấy mà” (Cây trứng cá gãy ngọn).
Kiểu lời thoại này xuất hiện khá nhiều trong tác phẩm Nguyễn Thái Hải viết cho thiếu nhi. Lời thoại trong truyện Nguyễn Thái Hải tự nhiên đến mức hiển nhiên như thế, nhưng không đoán trước được. Tình huống truyện bất ngờ, hành động và ngôn ngữ nhân vật linh hoạt khiến cho người đọc say mê. Ở nhiều truyện, lời thoại mang tính hài hước được bật lên qua sự kết hợp với lời kể và lời đối thoại của nhân vật.
“Ba “học trò” vỗ tay khen “cô” không kém gì các fan cổ động cho “sao ca sĩ” của mình. Sao thích lắm nhưng vẫn khiêm tốn hỏi:
Tụi mày thấy bài hát có hay không? Xinh ù nói trước:
Bài hát hay mà mày hát cũng hay luôn. Tao cho điểm chín. Thân đen:
Vừa lúc ấy có một trái trứng cá trên cây rụng xuống đúng vào đầu Sao. Thằng An ghẻ cười hích hích:
Tao cho chín… rụng!” (Cây trứng cá gãy ngọn).
Có thể thấy, với một lượng ngôn ngữ hài hước xuất hiện trong đoạn thoại đã đem đến tiếng cười trong veo cho thế giới tuổi thơ. Những tiếng cười hì hì, hích hích, cả cái cười nhe răng và cách cho điểm khi trái trứng cá rơi vào đầu tạo sự thú vị, hồn nhiên trong veo của ngôn ngữ trẻ thơ. Hài hước mà chân thực.