Trong văn học thiếu nhi, tính giáo dục luôn được đặt ở vị trí hàng đầu. Lã Thị Bắc Lý khẳng định: “Tính giáo dục được coi là một trong những đặc trưng cơ bản nhất của văn học thiếu nhi. Văn học thiếu nhi có vai trò vô cùng to lớn trong việc giáo dục toàn diện nhân cách trẻ em, cả về đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ” [31, tr.7]. Văn học tác động vào sự hình thành nhân cách thuở ấu thơ của mỗi con người. Vốn liếng về tình cảm vốn dĩ không phải con người sinh ra đã tự nhận thức được mà phải qua quá trình rèn luyện. Tiếp xúc với những điều hay – lẽ phải trong văn chương các em sẽ dần xây dựng cho mình một nhân cách đẹp.
2.2.3.1.Vẻ đẹp lòng nhân ái
Để viết cho thiếu nhi, Nguyễn Thái Hải trước hết là một người bạn đồng hành cùng các em trên mọi chặng đường. Ông cùng các em chia sẻ mọi thú vui, những tâm sự và cùng nhau chia sẻ những bài học quý. Tác phẩm của ông dành cho các em không chỉ là những cuốn sách giải trí còn là những bài học ý nghĩa.
Nguyễn Thái Hải viết về thế giới trẻ thơ trong nhiều mối quan hệ mà trong đó nhà văn nói nhiều đến tình cảm gia đình. Trong Chiếc lá thuộc bài, tác giả khen ngợi tấm lòng hiếu thảo của cô bé Hương. Thương ba đi làm xa vất vả, thương mẹ sớm hôm tảo tần chăm sóc cho em, Hương cố gắng chăm chỉ học hành để ba mẹ không còn buồn lòng về em. Cái chết của ba lại càng làm cho Hương phải quyết tâm học tập tốt hơn nữa: “Con hứa lần cuối cùng với ba: con sẽ là một học sinh giỏi như ba mong muốn”. Hương hiểu ra rằng, học hành thật giỏi cũng là một cách để tỏ lòng hiếu thảo với ba mẹ. Ở truyện
Hoa tầm gửi, bạn đọc nhỏ động lòng với cô bé Dung Chi sống trong nỗi khắc
khoải đi tìm tình thương của một gia đình thực sự. Đọc truyện này, các bạn nhỏ vừa thương, vừa buồn cho số phận của Dung Chi, và bên cạnh đó, câu chuyện còn khơi gợi cho các em tình yêu thương, sự đồng cảm với những con người bất hạnh, các em nhận thức được sự quý giá của gia đình.
Đọc Cha con ông Mắt Mèo, người đọc cảm động với tình cảm cha con. Truyện ca ngợi tấm lòng hiếu thảo và tình phụ tử của cha con Út Đen. Đằng sau vẻ ngoài thô ráp, khô khan của ông Mắt Mèo là sự ấm áp, ngọt ngào của người cha. Út Đen thương cha bởi những vết thương lòng mà mẹ em để lại, thương cha vất vả gà trống nuôi con. Những ngày cha bị thương “Út Đen chạy tới chạy lui như con thoi. Mồ hôi tươm trên trán nó, ướt đẫm lưng nó. Nó còng lưng mà làm, cắn răng chịu đựng cả những lời mắng mỏ oan ức. Nó cần học nghề. Nó cũng cần tiền để nuôi ba dưỡng bệnh”. Từ
những ngày cực khổ ấy, Út Đen hiểu được những nỗi vất vả của cha và càng thương cha hơn khi giờ đây ông chỉ còn một chân.
Truyện của Nguyễn Thái Hải không chỉ là những thông điệp dành cho bạn đọc nhỏ mà với người lớn tác giả còn gửi những nhắn nhủ đến phụ huynh. Các truyện Hoa tầm gửi, Chiếc là thuộc bài, Mùa sương mù, Bên bóng thái sơn, Cha con ông Mắt Mèo… là những thông diệp về tình yêu
thương, thông điệp về sự quan tâm, chia sẻ của phụ huynh đối với con cái. Trẻ nhỏ cần được sống trong tình yêu thương, sự vỗ về của cha mẹ sẽ tạo cho trẻ rất nhiều động lực để cố gắng.
Tình cảm nhân ái còn được Nguyễn Thái Hải thể hiện qua mối quan hệ với bạn bè. Trong truyện Tiếng hát Vành Khuyên, Nguyễn Thái Hải đặt hoàn cảnh của hai cô bạn thân bên cạnh nhau để làm nổi bật sự tương phản giàu – nghèo. Tuy gia cảnh có khác nhau nhưng không vì thế mà mà tình bạn của các em mất đi vẻ đẹp vốn có của tuổi học trò. Sự thông cảm, sự chia sẻ của Vành Khuyên dành cho Hạnh Trang đã làm cho tình bạn ngày một khăng khít, đôi bạn càng quý nhau hơn, gắn bó hơn. Câu chuyện này đã gửi một thông điệp yêu thương đến các bạn đọc nhỏ, nhắn nhủ với các bạn biết thương yêu những con người cùng khổ. Chỉ tình yêu thương và sự đồng cảm mới xóa nhòa mọi khoảng cách để con người đến gần với nhau hơn. Trong các truyện Ngoài cửa sổ, Bên bóng thái sơn, Cây trứng cá gãy ngọn… cũng thể hiện tình cảm bạn bè, với sự chia sẻ, thấu hiểu đã làm cho
những ngày tháng khốn khó nhanh qua đi, tình bạn ngày càng nồng thắm hơn.
Nhìn chung, Nguyễn Thái Hải đã xây dựng những hình ảnh đáng yêu, tác động tích cực đến tâm lý trẻ em. Lòng nhân ái của các em được thể hiện từ việc yêu thương gia đình cho đến bạn bè và các mối quan hệ ngoài xã hội.
2.2.3.2. Những bài học đầu tiên về cuộc sống
Truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải không phải là những câu chuyện khoa học nhưng ông đã khéo léo đan cài vào tác phẩm của mình các bài học về cuộc sống, về kiến thức xung quanh. Ở một góc độ nào đó, truyện của Nguyễn Thái Hải đã truyền thụ cho các em một số kỹ năng sống.
Đọc những truyện ngắn trong tập Hai con diều bay thấp, các em mở
rộng hiểu biết của mình về kiến thức thiên nhiên nhiều bổ ích. Trong truyện
Bài học đón xuân (tập Hai con diều bay thấp), hai anh em Tín và Nghĩa cãi nhau về cách phân biệt cây huệ trắng và huệ đỏ. Cách giải thích rõ ràng, tỉ mỉ của nội đã giúp anh em Tín, Nghĩa nhận biết được hai loại huệ nhưng cũng qua đó, nội còn chỉ bảo Tín, Nghĩa cách nói năng để thuyết phục người khác, ứng xử phù hợp trong giao tiếp.
Nếu anh em Tín, Nghĩa học được cách phân biệt cây huệ thì chú bé Triều trong truyện Bài học ở vườn hoa (tập Những sợi tóc sâu của mẹ) học được cách trồng hoa. Sau những lần trồng hoa nhưng không thu kết quả, chú bé làm vườn cần mẫn, ham học hỏi ấy đã được bác hàng xóm gợi ý, giúp đỡ đã giúp Triều có kinh nghiệm và trồng được những bông hoa hồng vừa to vừa thắm màu. Bài học trồng hoa còn là bài học trồng người mà Triều tự rút ra “Ngẫm nghĩ, hoa cũng như người, cần được chăm sóc nhưng phải chăm sóc đúng cách (…) việc học tập cũng thế. Đâu cứ phải nhồi nhét thật nhiều vào bộ óc là trở thành học sinh giỏi được; mà là biết đưa vào, ghi nhớ những gì cần thiết”. Đây không chỉ là bài học dành riêng cho Triều mà còn chung cho tất cả bạn đọc.
Truyện Cha con ông Mắt Mèo giúp các độc giả nhận biết đặc tính của quả Sầu Riêng. Cụ thể, người ta “không thể hái Sầu Riêng đem giú chín như các giống cây khác. Sầu Riêng chín trên cây, tự rớt xuống”, hay cách để làm món gỏi rau càng cua thơm ngon đều là những bài học đầy hữu ích. Ở truyện
Trái mận sâu, bạn đọc bật cười vì sự ngộ nghĩnh, đáng yêu của nhân vật và cảm thấy thú vị cách với suy nghĩ của con trẻ. Triều được bạn giới thiệu cách nhận biết một quả mận ngon là quả mận bên trong có cứt sâu “chỉ việc phủi bỏ cứt sâu trong đó là ăn được liền. Mận sâu ăn mới ngọt” và đúng là “trái mận sâu ăn nó ngọt hơn trái mận thường”. Trẻ con luôn hồn nhiên và vô tư, đôi khi chúng ngốc nghếch nhưng những phán đoán của chúng cũng thật chính xác và đáng yêu.
Đặc biệt trong các truyện đồng thoại, Nguyễn Thái Hải giúp các bạn nhỏ hiểu thêm về thế giới tự nhiên quanh mình, đồng thời còn nêu lên những bài học nhẹ nhàng mà mang nhiều ý nghĩa. Truyện Lớp học làng rừng là truyện đồng thoại rất phù hợp trẻ em lứa tuổi mẫu giáo. Hiểu tâm lý trẻ lứa tuổi này, Nguyễn Thái Hải viết những câu truyện có dung lượng vừa phải để các em dễ nắm bắt nội dung. Đồng thời, Nguyễn Thái Hải gửi gắm vào đó những lời dặn dò phù hợp với nhận thức của các em. Khi Miu Miu hỏi chú Đoản kiếm: “tại sao tất cả những nụ hoa của chú đều được nở?”, Đoản kiếm trả lời rằng: “Vì tất cả đều khỏe mạnh, ngoan ngoãn, biết vâng lời và luôn vui vẻ”. Hay khi Miu Miu hỏi Sẻ Nâu: “Tại sao hoa hồng màu đỏ mà không màu xanh? Vì hoa hồng đẹp nhưng khiêm tốn nên luôn luôn đỏ mặt trước những lời khen”… Nếu xét về góc độ khoa học, những lời giải thích trên có lẽ chưa hợp lý nhưng xét về tâm lý lứa tuổi thì những bài học trong tác phẩm rất gần gũi, dễ tiếp thu với trẻ em lứa tuổi mầm non.
Ở truyện Bạn rừng (tập Hai con diều bay thấp) các bạn đọc nhỏ thú vị với tiếng hót của chú vượn báo hiệu thời tiết: “Nếu tiếng hót dài tức là bạn vượn ấy khỏe khoắn, vui vẻ thì hôm đó trời nắng đẹp. Còn nếu tiếng hót ngắn là bạn vượn bị đau khớp và hôm đó trời sẽ có mưa”. Kiến thức về chú vượn đã giúp các em biết thêm về khả năng đặc biệt của thú rừng. Qua đây, Nguyễn Thái Hải cũng đã bồi dưỡng cho các em tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ
môi trường tự nhiên. Các truyện “Vườn” hoa mào gà của chú bé, Tha lỗi cho
Hương chim nhé, Sao chim không hót?... cũng có ý nghĩa tương tự.
Có thể nói rằng, các tác phẩm Nguyễn Thái Hải viết sau năm 1975 được lồng ghép không chỉ một mà nhiều bài học có ý nghĩa giáo dục. Những tác phẩm viết trước năm 1975 của ông chủ yếu giáo dục con trẻ về tình cảm gia đình, tình yêu thương con người – điều này cần với tác phẩm viết cho thiếu nhi ở mọi thời đại. Tuy nhiên, chúng tôi muốn nhấn mạnh ngòi bút của Nguyễn Thái Hải sau năm 1975 đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc hơn đến đời sống của thiếu nhi, giáo dục các em về lòng nhân ái, tình yêu quê hương, đất nước. Nguyễn Thái Hải còn đan cài vào truyện những bài học thiết thực về cuộc sống, về sinh học, về thiên nhiên. Điều này cần thiết cho văn học thiếu nhi thời hội nhập, nhất là với trẻ em thành phố không có nhiều điều kiện để trải nghiệm về cuộc sống thiên nhiên.
Như vậy, giáo dục ở văn học chính là tạo nên những giá trị tinh thần, bồi dưỡng tâm hồn và tình cảm, xây dựng nhân cách và bản lĩnh cho trẻ em, góp phần tạo nên môi trường đạo đức xã hội trong sáng, lành mạnh, có văn hóa. Văn học thực hiện chức năng giáo dục bằng con đường riêng của nó: tác động vào tình cảm con người bằng sự cảm hóa bởi những hình tượng thẩm mỹ. Văn học hoặc làm cho con người yêu mến kính trọng hoặc khinh bỉ căm ghét, hoặc đau đớn xót thương, hoặc căm giận trào sôi. Văn học góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ, tình cảm đạo đức cho con người bằng cách tập cho người đọc một thói quen cảm thụ tinh tế, mài sắc cho họ cảm quan nhận thức, khả năng nhận ra cái chân, cái thiện, cái mỹ trong đời sống bộn bề. Từ chỗ say mê, xúc động mãnh liệt, văn học làm cho con người nhận ra lẽ phải- trái, cái đúng- sai, nhận ra sự lầm lạc. Văn học có khả năng thanh lọc và cảm hóa con người.
Tiểu kết chương 2
Sự hồn nhiên, trong trẻo của thế giới trẻ thơ đã được ngòi bút Nguyễn Thái Hải ghi lại với nhiều cảm xúc. Càng về sau, cảm quan sáng tác của tác giả càng được mở rộng với nhiều chủ đề, đề tài gần gũi với thế giới tuổi thơ. Nếu như trước năm 1975, Nguyễn Thái Hải viết nhiều về chủ đề gia đình (6/8 tác phẩm) thì sau năm 1975, ông hướng tác phẩm đến các chủ đề khác nhưng vẫn xoay quanh thế giới bé thơ như chủ đề về trường lớp, bạn bè, các trò chơi, thiên nhiên… Sự mở rộng đề tài chứng tỏ bản lĩnh văn chương của Nguyễn Thái Hải và thể hiện sự trưởng thành của cây bút Tuổi Hoa.
Nhân vật trẻ em trong truyện Nguyễn Thái Hải đều là những đứa trẻ đáng thương. Cuộc sống của các em không êm đềm mà luôn đầy những khó khăn, thứ thách. Mỗi nhân vật đều có một nỗi đau riêng nhưng chúng có một đặc điểm chung là luôn nỗ lực hết mình, không ngừng cố gắng để sống gần với yêu thương. Điều đáng quý ở các em là dù cuộc sống khắc nghiệt như thế nào thì nhân vật của Nguyễn Thái Hải vẫn luôn có một trái tim nồng ấm yêu thương và lòng tràn đầy tin tưởng. Nhân vật loài vật của Nguyễn Thái Hải cũng mang lại nhiều giá trị nhân văn và giá trị nghệ thuật tích cực cho tâm hồn con trẻ. Nhân vật loài vật của Nguyễn Thái Hải để lại nhiều dấn ấn cho bạn đọc thiếu nhi bởi sự gần gũi, hiếu động gần với tính cách trẻ em, các bài học bổ ích. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình và miêu tả hành động nhân vật của Nguyễn Thái Hải đã góp phần khắc họa diện mạo, cá tính của nhân vật.
Viết cho thiếu nhi, Nguyễn Thái Hải không chỉ xây dựng đề tài, nhân vật hấp dẫn, gần gũi với lứa tuổi thiếu nhi mà ông đặc biệt chú ý đến việc giáo dục trẻ em.
Chương 3