ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN THIẾU NHI CỦA NGUYỄN THÁI HẢI VỀ CỐT TRUYỆN VÀ NGÔN NGỮ
3.1.1. Các kiểu cốt truyện
Nếu đề tài là mảnh đất để tác giả mở ra hướng đi cho câu chuyện mình muốn kể thì cốt truyện là nơi chứa đựng sự kiện có sự ảnh hưởng đến số phận và tính cách nhân vật. Trong tác phẩm tự sự, cốt truyện cũng là một yếu tố quan trọng. Cốt truyện không phải là toàn bộ nội dung tác phẩm, nhưng thông
qua những sự kiện, hành động thể hiện qua cốt truyện, tính cách nhân vật được bộc lộ trong những mối quan hệ qua lại với các nhân vật khác nhằm làm sáng tỏ chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Cốt truyện đóng vai trò quan trọng, góp phần vào thành công chung của một tác phẩm văn chương.
Khảo sát truyện thiếu nhi Nguyễn Thái Hải, chúng tôi nhận thấy, nhà văn thường sử dụng các kiểu cốt truyện tâm lý, cốt truyện đơn tuyến và cốt truyện tuyến tính – hành động.
3.1.1.1. Cốt truyện tâm lý
Cốt truyện tâm lý là kiểu cốt truyện mà các chi tiết thường được sử dụng để miêu tả nội tâm, miêu tả thế giới cảm xúc của con. Tuy nhiên, ở kiểu cốt truyện này vẫn có một vài sự kiện xảy ra nhưng nó chỉ đóng vai trò khơi gợi để nhân vật bộc lộ tâm lý, bộc lộ suy nghĩ của mình về thế giới xung quanh.
Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy Nguyễn Thái Hải sử dụng cốt truyện này ở 8 tác phẩm trong hệ thống truyện thiếu nhi của ông. Kiểu cốt truyện này được Nguyễn Thái Hải sử dụng ở các tác phẩm như: Hoa tầm gửi, Chiếc lá thuộc bài, Ngoài cửa sổ, Mùa sương mù, Tiếng hát Vành Khuyên, Bên bóng thái sơn… Các truyện này, hầu như không có những sự kiện gì đáng kể hoặc
có cũng chỉ là sự kiện tạo tình huống, còn lại là dòng chảy tâm trạng của các nhân vật. Hoa tầm gửi là tác phẩm mang kiểu cốt truyện tâm lý rõ nét nhất. Truyện không phải là những biến cố, sự kiện, mâu thuẫn mà chủ yếu là diễn biến nội tâm của nhân vật Dung Chi. Truyện Hoa tầm gửi có thể được xem
như một truyện không có cốt truyện. Xuyên suốt câu chuyện của Dung Chi, người đọc nhận thấy những suy nghĩ trầm buồn, miên man của nhân vật về tình thương, về thân phận: “Tự ái chẳng nên có ở em, chẳng nên có ở một đứa trẻ mồ côi như em. Em đang là người ngửa tay xin xỏ tình thương mà”, “Em nghe xót xa phận mình quá. Niềm vui chừng như là một cái gì thật xa tầm với của em. Không bao giờ niềm vui hiện diện lâu dài trong em”. Chi tiết tình
thương xuất hiện mười lăm lần trong tác phẩm đã tô đậm thêm những dòng chảy đầy ắp tâm trạng của em bé mồ côi suy nghĩ về tình cảm gia đình, tình người, thân phận. Mặc dù truyện có sự kiện, có tình huống nhưng đó đều không phải là những sự kiện làm nên kịch tính cho câu chuyện mà đó là những là tình huống để Dung Chi bộc bạch nỗi lòng mình.
Trong cốt truyện tâm lý người đọc nhận thấy nhân vật luôn khao khát bộc bạch, luôn khao khát được cảm thông, chia sẻ. Vì vậy mà tính chất đối thoại được giảm đi nhiều thay vào đó là những suy nghĩ và cảm xúc của nhân vật. Sự chuyển biến tâm lý của nhân vật là điều làm nên thú vị cho cốt truyện này, nhất là ở đoạn miêu tả tâm trạng Dung Chi khi có người nhận về nuôi. Ban đầu, Dung Chi khấp khởi mừng nhưng lòng em tràn ngập hoài nghi, mơ hồ về cuộc sống phía trước. Em cố gắng nghĩ đến những điều tốt đẹp nhưng lại hồ nghi, chần chừ. Rồi em quyết định sẽ thay đổi cuộc sống hiện tại nhưng bất chợt em phân vân, lo sợ mặc dù trước đó em đã rất quyết tâm. Khi không nén nổi những chịu đựng, không nén nổi những nhớ thương thì em trở về nơi em đã từng gắn bó. Có thể nói, tâm lý của nhân vật chuyển hóa liên lục và phức tạp: đang vui hóa buồn, lúc buồn lại vui ngay. Tâm lý trẻ em được Nguyễn Thái Hải mô phỏng trong tâm trạng của Dung Chi, nhưng ở Dung Chi em chín chắn, trưởng thành hơn so với độ tuổi của mình. Diễn tả tâm trạng nhân vật Dung Chi, Nguyễn Thải Hải cho người đọc thấy được hoàn cảnh sống đã khiến cho tâm lý con trẻ cảm thấy bất an, vô định, không có định hướng và không biết níu vào ai để làm điểm tựa. Các em buộc phải tự mình quyết định cuộc sống mà không có sự hướng dẫn, định hướng của người lớn. Khi bế tắc và cảm thấy chênh vênh, con người thường tìm về chốn tâm linh như một sự cứu dỗi, một chỗ dựa vững chắc. Đó là lý do vì sao tác giả để cho hình ảnh của Chúa xuất hiện tám lần. Đó là tám lần Dung Chi cầu nguyện và xin được ban phước lành khi em cảm thấy bất an, cô đơn, buồn tủi.
Mùa sương mùa là câu chuyện của nhân vật “tôi” – một đứa bé “gan góc, liều lĩnh, bưỡng bỉnh”. “Tôi” bị người giúp việc của mẹ ôm bỏ trốn. Vì sự ích kỉ của mẹ nuôi mà em phải sống xa mẹ suốt những năm tháng tuổi thơ. Khi tìm lại được mẹ, Hòa nghẹn ngào “nước mắt ràn rụa”, lòng đầy yêu thương nhưng cũng không ít nỗi buồn. Câu chuyện bắt đầu khi Hòa và hai người mẹ đã về sống chung một nhà hòa thuận, hạnh phúc, sau đó nhân vật “tôi” quay lại kể về thuở ấu thơ của mình cho đến lúc “tôi” tìm lại được mẹ. Có thể nói qua những dòng tâm trạng đan xen giữa quá khứ và hiện tại với người kể là nhân vật, tuổi thơ và hiện tại của “tôi” hiện lên chân thực với tất cả những buồn tủi, vất vả và hạnh phúc trên con đường tìm về nguồn cội.
Cốt truyện tâm lý trong Chiếc lá thuộc bài, Ngoài cửa sổ, Tiếng hát Vành Khuyên được kể theo trật tự tuyến tính. Mạch truyện diễn ra theo trật tự
thời gian với ngôi kể thứ ba. Các câu chuyện xảy ra ở thời điểm hiện tại cho người đọc cái nhìn trực tiếp vào diễn biến tâm lý nhân vật. Truyện kể theo lối tuyến tính giúp người đọc dễ hiểu, nhất là đối với các bạn đọc nhỏ tuổi.
Cốt truyện tâm lý của truyện Bên bóng thái sơn được Nguyễn Thái Hải xây dựng cốt truyện đơn giản. Truyện kể về niềm khao khát cháy bỏng của những đứa con về một gia đình có cha, có mẹ. Ước mong cả gia đình sống cuộc đời bình dị mà hạnh phúc trong căn nhà cũ kỹ nhưng luôn tràn đầy tiếng cười. Trong truyện này, những sự kiện nội tâm nhân vật chủ yếu xoay quanh những tình cảm, cảm xúc của nhân vật Tuấn dành cho ba, nghĩ về ba của mình. Tâm lý nhân vật không quá giằng co phức tạp như ở truyện Hoa tầm gửi, nhưng tâm trạng nhân vật được cô đặc, dồn nét, dòng tâm trạng của nhân
vật cứ đều đặn trôi chảy và cuối cùng tuôn ra trong những bức thư. Cốt truyện được xây dựng với cách mở đầu và kết thúc đều là những bức thư. Câu chuyện bắt đầu là lá thư nhân vật Tuấn viết cho ba nói về nỗi lòng mình khi chứng kiến cảnh ba mẹ cãi nhau. Tiếp sau đó là các lá thư Tuấn viết cho ba kể
về cuộc sống vất vả, cơ cực của mẹ con Tuấn và thể hiện sự mong mỏi của mình về một ngày gia đình đoàn tụ. Những tưởng những bức thư ấy đều vô nghĩa với ba, khi mà Tuấn nghĩ rằng “đến lúc này con đã hoàn toàn mất hết niềm tin đối với ba rồi. Đó là một điều bất hạnh cho con (…) ba đã quên gia đình, quên dứt khoát rồi” thì bất ngờ, em lại nhận được thư ba với lời hứa ba sẽ trở về sau khi hoàn thành xong chuyến đi tàu. Cốt truyện với lối kết cấu theo hình thức lá thư như vậy những điều riêng tư sâu kín sẽ được thổ lộ, phô bày một cách tự nhiên hơn và nội dung được kể cũng có thể dàn trải, biến hoá linh hoạt hơn và tạo ấn tượng đậm nét về một cái tôi nhân vật. Nói cách khác, hình thức bức thư thường tạo ra kết cấu mở cho tác phẩm, cho người đọc có nhiều cái nhìn khác nhau về phần kết truyện. Tâm trạng nhân vật không có quá nhiều biến động, không dàn trải nhưng lại được mô tả dồn nén làm cho nỗi khao khát về tình cảm gia đình của nhân vật được đẩy lên cao như một điều bức thiết.
Tuy nhiên, phải nói rằng kiểu cốt truyện tâm lý là kiểu cốt truyện hạn chế xuất hiện trong truyện viết cho thiếu nhi. Cốt truyện này phù hợp hơn với truyện dành cho người lớn. Vì kiểu cốt truyện tâm lý thường xuất hiện nhiều đoạn độc thoại nội tâm. Với truyện viết cho thiếu nhi, độc thoại nội tâm không khiến cho các em cảm thấy tác phẩm thú vị mà đôi khi nó là điều cản trở sự tiếp cận của trẻ em với tác phẩm. Trên báo Văn nghệ (1963) có viết “Thiếu nhi là lớp người chưa quen suy nghĩ trừu tượng, tâm trí các em thu nhận dễ dàng nhất, nhanh chóng nhất và sâu sắc nhất những hình ảnh, những sự vật, những hành động cụ thể” [55, tr.258]. Trẻ em thích những câu chữ biết nhảy múa, nghĩa là ngôn ngữ trong truyện viết cho các em cần linh hoạt, nhiều mô tả, nhiều hoạt động và hình ảnh thay vì những đoạn miêu tả nội tâm. Trẻ em tiếp cận thế giới nhanh nhất bằng hình ảnh cụ thể hơn là những mô tả sâu bên trong thế giới tâm hồn. Qua hình ảnh và hành động được mô tả trong
tác phẩm, các em sẽ có sự phân tích và mở ra cách nhìn về nhân vật.
Trong hệ thống tác phẩm dành cho thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải, những truyện đặc tả tâm trạng, nội tâm chủ yếu xuất hiện ở các tác phẩm sáng tác trước năm 1975 (7/8 tác phẩm) – giai đoạn đất nước khó khăn đang đi vào hồi kết của cuộc kháng chiến chống giặc xâm lăng. Các em mông lung trước thực tại, trong thời buổi bom gầm đạn xé, con người phải lo đến việc tìm hầm trú ẩn, việc làm sao để đủ cơm ăn mỗi ngày, làm sao để sống sót giữa đạn bom đã đủ bận rộn thì không còn thời gian để chú ý đến những suy nghĩ của các em, các em không có điều kiện để bộc lộ những tâm sự của mình. Hơn nữa cốt truyện tâm lý diễn tả nội tâm con người, tuy nó không ly kì, bí hiểm như các truyện hành động trinh thám, nhưng những dòng nội tâm là những gì sâu kín nhất trong tâm hồn của nhân vật được bộc lộ. Qua đó tác giả muốn gửi vào trái tim độc giả sự đồng cảm, thấu hiểu và sẻ chia. Xuất phát từ những nguyên do đó mà tâm trạng nhân vật trẻ em trước 1975 của Nguyễn Thái Hải luôn trong trạng thái u buồn, suy tư về mọi thứ trong cuộc sống. Các em luôn đặt ra những câu hỏi để tự đối chất với mình, với cuộc sống. Vì vậy, độc thoại nội tâm là cách tốt nhất để tác giả cho nhân vật vùng vẫy trong thế giới nội tâm của mình, bộc lộ những suy nghĩ riêng tư và thầm kín nhất. Đồng thời, Nguyễn Thái Hải còn giúp người đọc hình dung được đời sống tinh thần của trẻ em những năm trước cách mạng. Các nhân vật của Nguyễn Thái Hải chỉ độc thoại nội tâm khi rơi vào hoàn cảnh éo le, cô đơn, buồn tủi. Dường như, các em chơ vơ không tìm được niềm cảm thông và sự chia sẻ. Bằng trái tim yêu thương và sự thấu hiểu, Nguyễn Thái Hải chú ý khai thác thế giới nội tâm của nhân vật để biểu hiện những suy nghĩ, cảm xúc về cuộc sống mà các em nếm trải.
3.1.1.2. Cốt truyện đơn tuyến
Cốt truyện đơn tuyến là cốt truyện chỉ có một nhân vật chính, đặt trong mối quan hệ với tất cả các nhân vật khác. Người đọc dễ đọc, dễ theo dõi mạch
nội dung, tư tưởng của câu chuyện. Từ điển thuật ngữ văn học chỉ ra rằng:
“Trong cốt truyện đơn tuyến, hệ thống sự kiện được tác giả kể lại rõ ràng và thường là đơn giản về số lượng, tập trung thể hiện quá trình phát triển tính cách của một vài nhân vật chính” [9, tr.100].
So với cốt truyện tâm lý, cốt truyện đơn tuyến được Nguyễn Thái Hải sử dụng nhiều trong hệ thống truyện thiếu nhi. Chúng tôi thấy có 12 tác phẩm sử dụng cốt truyện này. Ở truyện thiếu nhi Nguyễn Thái Hải, cốt truyện đơn tuyến thường xuất hiện ở các truyện đồng thoại và các tập truyện ngắn. Cốt truyện này, hệ thống sự kiện được kể đơn giản về số lượng, rất gọn gàng, ít nhân vật và tính cách nhân vật thường được mô tả tập trung, cô đọng. Cốt truyện được dệt nên bởi các sự việc nhỏ nhặt, cỏn con từ chất liệu dung dị của đời sống hằng ngày. Qua đó, người đọc có cái nhìn sơ lược về số phận, tính cách của nhân vật chứ nhân vật không hiện lên là con người toàn diện từ ngoại hình cho đến nội tâm.
Nguyễn Thái Hải thường lựa chọn một thời điểm nhất định nào đó như: buổi chiều hôm ấy, tiết học cuối năm, một hiệp bóng đá, buổi tổng kết năm học, một cơn mưa, chiều nay, kỳ nghỉ hè, buổi sáng đẹp trời… để mô tả về nhân vật. Việc lựa chọn thời gian cụ thể để mô tả nhân vật nhằm phản chiếu đoạn đời nào đó của nhân vật chính hay một khoảnh khắc bất chợt nhà văn chụp lại trong tâm trí hoặc thể hiện một lát cắt của cuộc sống được được quan tâm. Truyện đồng thoại Khu vườn hạnh phúc được mở đầu bằng lời mời đi thăm thú khu vườn của người kể chuyện: “Mời các em cùng tham dự vào nếp sống hàng ngày của “Khu vườn hạnh phúc” để chứng kiến nếp sống và vẻ đẹp của khu vườn này. Cốt truyện chỉ đơn giản như vậy, không có hệ thống sự kiện hay quá nhiều nhân vật. 12 truyện ngắn trong tập truyện này kể về sự phát triển, cuộc sống sinh hoạt của các loài vật sinh sống trong khu vườn theo thời gian. Đan xen những đoạn văn miêu tả cuộc sống thường ngày của loài
vật là những miêu tả về cách sắc của khu vườn “xinh xắn”. Mỗi truyện ngắn trong tập truyện này giải quyết một vấn đề, một câu chuyện nhỏ trong toàn tác phẩm. Ví dụ như: cả khu vườn cùng nhau tiêu diệt gã Chuột hung bạo để bảo vệ bình yên cho khu vườn (Không tha kẻ phá hoại), sự hy sinh bà Bồ Câu
Bạch khiến cả khu vườn cảm động và nể phục (Đức hy sinh cao quý), các loài khỏe mạnh trong khu vườn cùng nhau giúp đỡ những gia đình bị nạn khi nước mưa ập về (Giúp đỡ kẻ hoạn nạn) mà tất cả đều dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của ông Lu Lu. Như vậy, mỗi truyện là một sự kiện được tác giả tập trung miêu tả và tập trung giải quyết vấn đề được đặt ra trong truyện. Khi xâu chuỗi các truyện lại với nhau người đọc có cái nhìn tổng quan về quang cảnh, khung cảnh sinh hoạt, tính cách của từng nhân vật trong khu vườn. Các truyện liên kết với nhau tuân thủ theo trật tự thời gian tuyến tính để xây dựng nội dung tổng thể của câu chuyện. Cốt truyện tuy đơn giản nhưng cách viết lôi cuốn của Nguyễn Thái Hải thích ứng được tầm đón đọc của bạn đọc nhỏ tuổi.
Trong truyện đồng thoại khác, Nguyễn Thái Hải cũng sử dụng cốt truyện này. Truyện Mèo con đã lớn lên như thế! kể về hành trình khôn lớn, trưởng thành của một chú mèo. Cái cớ để câu chuyện bắt đầu là trong một lần rượt đuổi Cống Nhum, mèo con bị bắt cóc. Sống với người chủ mới, mèo siêng năng tiêu diệt lũ chuột xấu xa nên được người chủ rất thương yêu, nó trở thành người hùng trong mắt bác gà, chim sẻ… Chẳng bao lâu sau, trong một lần lạc đường, mèo con được sự giúp đỡ của anh Mực đã tìm được đường để trở về nhà cũ. Cuộc hội ngộ diễn ra với tâm trạng mừng mừng tủi tủi của mẹ con nhà mèo sau một năm xa cách. Từ đây, mèo sống vui vẻ, hạnh phúc với mẹ của mình. Cũng giống như truyện Khu vườn hạnh phúc, truyện đồng