ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN THIẾU NHI CỦA NGUYỄN THÁI HẢI VỀ CỐT TRUYỆN VÀ NGÔN NGỮ
3.1.2. Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện
Có thể nói, tình huống truyện như chiếc chìa khóa vạn năng vận hành cốt truyện. Nó có vai trò quan trọng trong thể hiện số phận và tính cách nhân vật.Tình huống truyện còn là cánh cửa để đi vào khám phá tác phẩm, giải mã những điều thầm kín mà nhà văn gửi gắm thông qua hình tượng nhân vật. Có thể khẳng định, việc xây dựng tình huống truyện là cách để tác giả phác họa chân dung cuộc sống và con người. Khi đứng trước những tình huống khác nhau, quyết định của nhân vật trong tình huống đó sẽ chi phối toàn bộ cốt truyện và số phận của nhân vật. Trong truyện thiếu nhi Nguyễn Thái Hải, chúng tôi tìm hiểu nghệ thuật xây dựng tình huống truyện thông qua tình huống tâm trạng và tình huống hành động.
3.1.2.1.Tình huống tâm trạng
Tình huống tâm trạng là sự kiện đặc biệt của đời sống mà ở đó nhân vật rơi vào tình thế làm nảy sinh một biến động nào đó trong thế giới tình cảm. Tình huống này thường dẫn tới một kiểu nhân vật là con người tình cảm. Nhà văn tạo dựng nên hình tượng nhân vật chủ yếu bằng một hệ thống chất liệu là cảm giác, cảm xúc với các phức hợp khác nhau của chúng. Còn các khía cạnh khác như ngoại hình, hành động lí tính… ít được quan tâm. Và vì thế nó quyết định đến diện mạo của toàn thiên truyện. Tình huống tâm trạng thường
xuất hiện ở cốt truyện tâm lý. Ở kiểu tình huống tâm trạng nhân vật được đặt vào những va chạm đời thường, những xung đột tình cảm mang tính cá nhân, riêng tư nhiều hơn là những xung đột kịch tính hay xung đột thông qua những tình huống giao tiếp mang tầm vóc xã hội to lớn. Thông qua những tình huống giao tiếp đời thường đó mà tính cách và tình cảm của nhân vật được bộc lộ thoải mái, chân thật.
Truyện Nguyễn Thái Hải thu hút độc giả ở chính sự phân tích tâm lý sâu sắc, ở giọng văn tâm tình thân mật gần như không có khoảng cách giữa nhân vật và người đọc. Tình huống tâm trạng trong truyện là cơ sở để cốt truyện phát triển và tạo điều kiện để nhân vật thể hiện tính cách.
Truyện Hoa tầm gửi, tác giả đặt Dung Chi vào hai tình huống buộc em phải lựa chọn. Việc tạo ra tình huống lựa chọn đã tạo được một bối cảnh, một duyên cớ để tâm trạng, cảm xúc nhân vật được phơi bày, những mâu thuẫn tâm lý, những suy nghĩ giằng của nhân vật được bộc lộ. Ở dạng thức này, tâm lý thường bộc lộ ở những khoảnh khắc. Tình huống tâm lý đầu tiên là tình huống lựa chọn giữa việc tiếp tục ở lại cô nhi viện hay đồng ý về sống cùng cha mẹ nuôi. Giữa hai lựa chọn ấy, Dung Chi phân vân và đặt ra hàng tá câu hỏi về tình thương, về gia đình, nhiều lần em suy nghĩ:
“Hay là…? Em từ chối? Em sẽ được ở lại với các sư cô, với bạn bè, với các em nhỏ. Những kỷ niệm êm đềm từ ngày em trở thành đứa trẻ mồ côi ở nơi đây sẽ không xa rời em nữa. Nhưng còn người khách muốn xin em? Họ sẽ buồn biết bao (…) Có lẽ em phải nhận lời”.
Rất khó khăn cho Dung Chi khi em phải đưa ra quyết định, trong em luôn có những câu hỏi, những trạng thái tâm lý hồi hộp, lo lắng nếu lỡ quyết định của mình là sai. Tình huống thứ hai xảy ra buộc Dung Chi một lần nữa phải lựa chọn. Lần này cũng là một tình huống buộc em phải lựa chọn giữa đi
và ở. Sau một thời gian về sống trong gia đình mới, Dung Chi quyết định ra đi. Lần này Dung Chi suy nghĩ rất nhiều và day dứt. Nhưng trong một khoảnh khắc, Dung Chi nhớ lại khoảng thời gian sống cùng Sư cô, Dung Chi muốn được trở về nhưng em vừa “quyến luyến” với gia đình mới, vừa dứt khoát để về nơi sống cũ “Không được. Phải ra đi”. Sự lựa chọn của Dung Chi làm thay đổi cuộc sống của em và mạch truyện. Mỗi lần phải lựa chọn là một lần tính cách Dung Chi được bộc lộ rõ hơn. Người đọc cũng có cái nhìn sâu hơn về tâm lý trẻ - đặc biệt những trẻ em không còn gia đình như Dung Chi.
Truyện Chiếc lá thuộc bài, Ngoài cửa sổ, Mùa sương mù, Tiếng hát Vành Khuyên… là những dòng tâm sự, những mong mỏi của con trẻ về tình yêu thương. Cảm xúc nhân vật được tác giả đặc tả qua những đoạn độc thoại nội tâm, những lúc ở một mình là lúc cảm xúc nhân vật được bộc lộ.
Ở truyện Bên bóng thái sơn, trạng thái tâm lý được thể hiện nhiều qua
các bức thư Tuấn gửi cho ba. Trải qua biến cố của gia đình, Tuấn trưởng thành hơn, những suy tư của em đều được giấu kín ở mọi hoàn cảnh nhưng tất cả tâm tư lại được em thổ lộ vào các bức thư – một kiểu thể hiện tâm lý nhân vật mới trong truyện Nguyễn Thái Hải. Tình huống để Tuấn giãy bày lòng mình đó là sự đổ vỡ của ba mẹ, viết thư không chỉ là cách để em nói ra nỗi lòng mình gửi đến ba mà còn là sự trải lòng của Tuấn. Qua những bức thư người đọc hiểu được hoàn cảnh của gia đình Tuấn và hiểu được tâm lý của em. Khi chứng kiến cảnh ba đi cùng một người đàn bà khác trên tàu. Lòng ngực Tuấn như muốn vỡ ra, những thổn thức ấy em gửi vào các bức thư, thư là cách để Tuấn thổ lộ những gì sâu kín nhất trong lòng em một cách kín đáo. Không thể hiện sự u buồn, đau khổ ra ngoài mà tất cả được Tuấn giấu nhẹm đi rồi giãy bày ở một góc thầm kín. Cũng nhờ vậy mà người đọc có cái nhìn thẳm sâu vào tính cách và tâm tư của nhân vật. Tình huống truyện được Nguyễn Thái Hải dẫn dắt một cách tự nhiên như chính bản thân cuộc sống.
Những chi tiết, tình tiết, sự kiện góp phần làm nên sức thu hút của tình huống truyện đã được nhà văn khéo léo chọn lọc từ những trải nghiệm của đời sống thiếu nhi.
Nguyễn Thái Hải xây dựng các tình huống tâm trạng của trẻ thơ chân thực. Ông cứ thế miêu tả tâm trạng con trẻ mà không cần dùng đến các kĩ thuật phức tạp, cầu kì. Nguyễn Thái Hải đã dùng cả tấm lòng để lắng nghe, thấu hiểu và diễn tả chân xác thế giới tâm hồn trong trẻo, nhảy cảm của các em bằng một trái tim không hề già cỗi.
Tình huống tâm lý đặt nhân vật vào các tình thế giúp nhà văn khơi gợi những tâm tư, tâm trạng, suy nghĩ của nhân vật về cuộc sống. Thế giới nội cảm phong phú của trẻ em được bộc lộ trong trạng huống này. Từ đó tính cách nhân vật cũng được bộc lộ. Nó còn cho người đọc thấy được cái nhìn của con trẻ về cuộc sống hiện thực, những suy nghĩ của chúng tuy ngô nghê nhưng rất nhạy cảm và chính xác. Xây dựng tình huống truyện này, nhà văn đã chạm vào những địa hạt của tâm hồn tuổi thơ mà đôi khi người lớn khó tiếp cận được. Đọc truyện Nguyễn Thái Hải, người đọc có cảm giác như tâm lý nhân vật miên man, trải dài vô định như cách viết của Thạch Lam, nhất là kiểu thể hiện tâm lý trong tác phẩm Hai đứa trẻ.
3.1.2.2. Tình huống hành động
Tình huống hành động thường xuất hiện trong cốt truyện hành động. Tình huống hành động là loại sự kiện đặc biệt mà trong đó nhân vật bị đẩy tới một tình thế chỉ có thể giải quyết bằng hành động. Tức là loại nhân vật chủ yếu được hiện lên bằng hệ thống hành vi, hành động của nó mà các bình diện về tâm lý, ngoại hình… ít được quan tâm.
Đặc điểm chung của tình huống này trong truyện Nguyễn Thái Hải là nhân vật rơi vào một hoàn cảnh nào đó, mà ở hoàn cảnh đó nhân vật thôi thúc bản thân phải hành động mà không chần chừ suy nghĩ. Trẻ vô tư, hồn
hậu và luôn hành động theo cảm tính, nếu muốn làm việc gì mà mình thấy đúng chúng sẽ hành động mà không suy nghĩ quá nhiều. Heo sữa (Thằng
Heo sữa) vốn là đứa vô tư lại thích đọc các bảng hiệu nên khi thấy sai nó liền góp ý. Heo sữa đã dũng cảm chỉ ra lỗi sai chính tả của người lớn mặc dù nó bị dọa nạt hay bị người khác “cười khẩy” cho rằng “có bao nhiêu chữ nghĩa mà đòi dạy đời người lớn” thậm chí là bị bạt tai. Cái bạt tai của bác trưởng khu phố làm cho bạn đọc cảm thấy sợ nhưng nhờ tình huống này mà các em hiểu hơn về Heo sữa, hiểu những việc làm của Heo sữa là cần thiết và các em cần noi theo.
Truyện Ba chàng thám tử, Ai cướp chiếc laptop là truyện có nhiều tình huống hành động gay cấn. Các tình huống trong truyện đẩy kịch tính lên cao khiến cho câu chuyện luôn hấp dẫn. Tình tiết vụ việc trong truyện Ba chàng thám tử được Nguyễn Thái Hải tăng thêm màu sắc lì kì khi bọn trẻ bất ngờ
khám phá cái hang và đỉnh điểm của tình huống là dòng chữ “địa điểm giết. M.Đ”. Tình huống này đã khai màn cho cuộc điều tra của anh em nhà Lý Văn Hoạt. Diễn tiếp câu chuyện là các tình huống nhỏ nhưng không kém phần gay cấn để đưa câu chuyện đi đến hồi kết có hậu. Câu chuyện được cởi nút khi những thông tin bí mật về biệt thự Mẫu Đơn được hé lộ. Còn gia đình hổ Mun lại cùng nhau theo dõi tên trộm máy tính một cách bí mật và nghiêm túc (Ai
cướp chiếc laptop). Tình huống Hổ Mun nhặt được chiếc cặp chéo đựng máy
tính là cơ duyên cho câu truyện phát triển. Nhưng phải đến khi gặp anh Long – chủ nhân của chiếc laptop thì ba cha con nhà Hổ Mun mới thực sự điều tra vụ án. Gặp gỡ anh Long và nghe câu chuyện về vụ cướp là tình huống quyết định sự hành động của cha con nhà Hổ Mun. Có thể nói, tình huống truyện trong Ai cướp chiếc laptop không gay cấn, hồi hộp như truyện Ba chàng thám
tử nhưng nó lại có sức hút bạn đọc bởi sự bí mật, nửa mở nửa kín của câu chuyện. Các tình huống truyện mà tác giả xây dựng làm cho người đọc tưởng
chừng như sẽ dẫn đến kết cục nhưng nó lại dẫn đến một tình huống khác, lôi cuốn người đọc đi đến cùng tác phẩm. Tình huống hành động trong truyện thiếu nhi Nguyễn Thái Hải lúc gay cấn, lúc bí mật nhưng nhìn chung đều là những tình huống dẫn dắt người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và các hành động của nhân vật cũng làm cho câu chuyện thêm lý thú.
Hầu hết các tác phẩm viết trước năm 1975 của Nguyễn Thái Hải đều xây dựng kiểu cốt truyện tâm lý với các tình huống tâm trạng. Tác phẩm viết sau năm 1975 có sự vận động linh hoạt hơn với các kiểu cốt truyện và tình huống truyện phong phú. Trải qua một thời gian hoạt động với nghề viết, ngòi bút Nguyễn Thái Hải mềm mại, chắc chắn hơn thể hiện qua việc linh hoạt ngòi bút, mở rộng đề tài, khai thác các kiểu cốt truyện khác nhau và xây dựng tình huống truyện hấp dẫn.