Nghệ thuật xây dựng nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm truyện thiếu nhi của nguyễn thái hải (Trang 43 - 49)

Một tác phẩm nghệ thuật cần có sự hài hòa về nội dung và hình thức nghệ thuật. Văn học cũng không nằm ngoài yêu cầu này. Truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải vừa đảm bảo được tính nội dung vừa tạo được sự hài hòa về nghệ thuật. Không quá cầu kì trong câu chữ, không rườm rà trong lối kể chuyện, truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải ấm áp, tự nhiên và đến với độc giả như những câu chuyện hiển nhiên đang xảy ra ngoài đời sống.

Đọc ông, chúng ta cảm nhận sự hấp dẫn của truyện toát ra từ cái duyên của người viết, cách xây dựng nhân vật.

2.2.2.1. Miêu tả ngoại hình

Ngoại hình nhân vật là những biểu hiện dáng vẻ bề ngoài của nhân vật. Đó là diện mạo, trang phục, tác phong… của nhân vật được miêu tả trong tác phẩm. Việc chú ý miêu tả ngoại hình là cách để nhà văn xây dựng tính cách nhân vật và giúp người đọc hình dung nhân vật một cách rõ ràng. Chỉ bằng những nét bút thoáng qua, Nguyễn Thái Hải đã dựng lên chân dung các nhân vật rõ nét trên trang văn và rõ ràng trước mắt độc giả.

Mỗi nhân vật của Nguyễn Thái Hải đều có một đặc điểm ngoại hình riêng. Ông lấy sự khác biệt vẻ bề ngoài đó để đặt tên cho nhân vật. Vì vậy mà tên gọi các nhân vật của ông luôn gắn liền với đặc điểm ngoại hình. Đến với tác phẩm Thằng Heo sữa, bạn đọc nhỏ sẽ có suy nghĩ thằng Heo sữa là một chú heo con đáng yêu hay một bạn học sinh? Đây có phải là một truyện đồng thoại? Đọc từng trang văn, bạn đọc sẽ lần lượt tự lý giải được cho mình các câu hỏi trên. Thằng Heo sữa có cái tên ngộ nghĩnh ấy là “do một phụ huynh dẫn con đến ghi tên học múa, mua báo của nó rồi gọi nó như thế (…) Heo sữa cũng đúng với cái dáng phục phịch và gương mặt “búng ra sữa” của nó”. Từ đó mọi người đều gọi nó Heo sữa mà quên luôn tên thật của nó là gì. Tí sún – bạn thân của Heo sữa thường bị gọi là thằng Chuột Nhắt. Tí sún được đặt thêm biệt danh mới vì Tí còn có nghĩa là chuột, mà Tí còn sún hàm răng trước nên mọi người mới gọi nó là Chuột Nhắt (Thằng Heo sữa). Đến với gia đình

nhà Hổ Mun trong truyện Ai cướp chiếc laplop, người đọc được gia đình Hổ

mun đưa đi khám phá cuộc phiêu lưu đầy kỳ thú với gia đình mình. Điều lý thú hơn là trước khi vào truyện, tác giả giới thiệu với bạn đọc từng thành viên trong gia đình nhà Hổ mun, nhưng lạ thay, mọi người đều được gọi tên theo năm sinh: ông Thân, bà Hợi, Hổ mun (tên thật là Trần Thanh Tuấn), Rắn

nước (Trần Thị Thanh Tâm). Cách gọi tên nhân vật theo năm sinh đều là dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Dân gian vẫn nói rằng Dần Thân Tỵ Hợi là tứ hành xung, gia đình nhà Hổ mun cũng nằm trong hành xung này nhưng lại sống với nhau rất hoàn thuận và hợp tác với nhau rất ăn ý trong vụ điều tra bí mật của gia đình. Bởi vậy mà nhân vật trong truyện của Nguyễn Thái Hải không hề xa lại với bạn đọc nhí ngay từ lần gặp đầu tiên. Cách đặt tên nhân vật của Nguyễn Thái Hải cũng làm cho các bạn nhỏ tò mò, ông tạo thêm hứng khởi để bạn đọc tìm hiểu câu chuyện.

Với Nguyễn Thái Hải, hình ảnh của trẻ em luôn gắn liền với những nét hồn nhiên, thơ ngây. Đó là nét hồn nhiên, thơ ngây của tuổi mười hai kết tụ trọn vẹn ở nhân vật Túy Đoan “mái tóc óng mượt như những sợi tơ mềm, thắt thành hai cái bím kết nơ đỏ, bờ môi Đoan xinh xắn mọng đỏ lúc nào cũng ươm sẵn nụ cười. Đoan hơi gầy, nhưng vì thế mà trông cô bé càng dễ thương hơn” (Ngoài cửa sổ); là nét đẹp thanh tú, dịu dàng của tuổi xuân xanh “chị Hằng Thu với cái răng khểnh thật dễ thương, với nụ cười của đôi môi nhỏ, đỏ, với tiếng hát thanh thanh” (Hoa tầm gửi)… Bên cạnh việc miêu tả vẻ đẹp,

Nguyễn Thái Hải còn thể hiện tuổi thơ vất vả, nhọc nhằn, lam lũ của trẻ em qua cái dáng vẻ lấp lét vì sợ, vì đói “đứa nào cũng quần áo xốc xếch, bẩn thỉu” trong truyện Hoa tầm gửi. Tuấn trong truyện Bên bóng thái sơn cũng vì buôn bán mưu sinh mà thể chất em “gầy hẳn đi, may mà không bị ốm đau gì”.

Như nhiều nhà văn khác, Nguyễn Thái Hải lựa chọn hình ảnh của “đôi mắt” để làm điểm nhấn đặc biệt cho nhân vật. Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, là nơi cất chứa bao điều thầm lặng. Thông qua cánh cửa tâm hồn, tác giả mở ra cho người đọc thêm một góc nhìn về tâm trạng, tính cách nhân vật. Ví như hình ảnh của Tuấn trong tác phẩm Bên bóng thái sơn, mỗi khi nghĩ về ba, đôi mắt Tuấn luôn “rưng rưng nước mắt”. Không phải nức nở, cũng không phải những dòng lệ chảy dài mà rưng rưng, ánh mắt ấy chất chứa biết bao tâm sự,

chồng chất những tổn thương, buồn tủi và cả sự dỗi hờn trong những ngày thiếu vắng tình yêu của cha, vất vả, cực nhọc đè nặng đôi vai gầy nhỏ yếu. Đôi mắt rưng rưng biểu lộ sự yếu đuối của chàng trai nhỏ cam chịu với cảnh sống nghèo túng vất vả. Dù có mạnh mẽ, gắng gượng đến đâu thì cũng có lúc con người ta yếu đuối, nhất là ở trẻ em độ tuổi ăn chưa no lo chưa tới như Tuấn. Nỗi buồn, sự tổn thương của Tuấn còn được Nguyễn Thái Hải biểu cảm trên đôi mắt của em. Nhìn thấy ba đi với một người phụ nữ khác mà không phải mẹ mình Tuấn “ứa nước mắt”, đôi mắt ngấn nước ấy là sự dồn nén cảm xúc, cố kìn lòng mình lại để không òa lên nức nở. Tuấn đang cố tỏ ra mạnh mẽ trước mặt em Tiến nhưng thực ra trong lòng em là ngổn ngang bao u buồn, thất vọng.

Khi thể hiện sự cô đơn của con trẻ, Nguyễn Thái Hải dùng hình ảnh của đôi mắt để diễn tả. Sự trống trải, cô đơn của Túy Đoan thể hiện trên “đôi mắt đượm rõ nét u uất của tâm hồn”. Đôi mắt vừa thể hiện sự yêu thương vừa xen lẫn đôi chút lo lắng, sợ hãi của Út Đen khi hướng về cha làm người đọc ray rứt, khi thì “chỉ dám len lén nhìn” như sợ bị cha phát hiện suy nghĩ của mình, khi thì “đôi mắt ngỡ ngàng” bởi những câu nói ấm áp lạ thường khác với những lời nói sắt búa hằng ngày của cha, có khi đôi mắt ấy lại ầng ậc nước mắt vì lo lắng cho bệnh tình của cha sợ lưỡi hái tử thần cướp mất cha.

Như vậy, khi miêu tả ngoại hình nhân vật, Nguyễn Thái Hải không sao chụp một cách máy móc chân dung của các nhân vật mà ông chấm phá, phác họa một vài nét thoáng qua của nhân vật. Dù không miêu tả tỉ mỉ nhưng những nét chấm phá ấy có ý nghĩa trong giá trị tạo hình tượng nhân vật. Những đặc điểm riêng mà Nguyễn Thái Hải miêu tả là yếu tố đầu tiên để định danh và phân biệt nhân vật này với nhân vật khác. Vẻ ngoài của nhân vật làm cho nhân vật chân thực hơn, còn là chiếc chìa khóa để giúp ta đoán biết cuộc đời, số phận của nhân vật và phần nào nói lên được tính cách nhân vật.

Nguyễn Thái Hải muốn cho nhân vật của mình vừa thân thiết với độc giả, vừa đem đến nụ cười tinh nghịch cho tuổi thơ.

2.2.2.2. Miêu tả hành động

Bên cạnh việc miêu tả ngoại hình thì miêu tả hành động cũng là một cách để thể hiện cá tính nhân vật. Hành động nhân vật là những cử chỉ, hành vi, việc làm cụ thể của nhân vật trong mối quan hệ với thế giới xung quanh. Hành động của nhân vật gắn với diễn biến cốt truyện và sự thay đổi số phận của nhân vật. Miêu tả hành động là một trong những cách để bạn đọc nhỏ ghi nhớ cốt truyện, lưu tâm về các nhân vật trong truyện. Trong truyện Nguyễn Thái Hải, nhân vật thiếu nhi đều là những em bé nhạy cảm, cuộc sống gặp không ít khó khăn nhưng vẫn nghị lực vươn lên, biến nỗi buồn thành sức mạnh. Vì thế, người đọc có thể hiểu được tâm tư, thái độ của các em trước cuộc sống thông qua hành động của các em.

Với những em bé có hoàn cảnh khó khăn, Nguyễn Thái Hải thường thiên về miêu tả những hành động vươn lên đáng được khen ngợi. Chẳng hạn như Dung Chi (Hoa tầm gửi), sống trong cô nhi viện, em cảm nhận được sự hy sinh, vất vả của các sư cô hằng ngày phải tất bật làm biết bao nhiêu việc. Vì vậy mà Dung Chi nhận nhiệm vụ chăm sóc các em nhỏ khác để các sự cô có thời gian làm việc khác và nghỉ ngơi. Một phần em ý thức về thân phận mình, một phần em biết ơn và hiểu được sự vất vả của các sư cô nên việc gì có thể làm em đều cố gắng hoàn thành tốt. Hay như thằng Út Đen (Cha con ông Mắt Mèo), là một đứa ít học, đêm đêm vẫn cùng cha đi ăn trộm Sầu Riêng nhưng tâm hồn Út Đen không hề bị vẩn đục bởi sự thiếu học và công việc của mình. Nó là một đứa trẻ tốt bụng, tâm hồn lương thiện. Trong những ngày chăm sóc cha ở bệnh viện, Út Đen “mau mắn giúp đỡ bất cứ ai cần nhờ đến”. Vì vậy mà nó được rất nhiều người yêu mến. Hay chú bé Hòa trong Mùa sương mùa, mặc dù em căm giận mẹ của Thiện nhưng khi

Thiện gặp nạn, Hòa không chần chừ mà xông vào ngay để cứu Thiện thoát khỏi hiểm nguy. Người đọc cảm động với hành động Hòa tìm cách giải cứu Thiện khi Thiện bị mẹ nuôi Hòa bắt cóc. Chống lại việc làm không tốt của mẹ là cách em bộc lộ tính hướng thiện của mình.

Không chỉ yêu thương con người mà trẻ em của Nguyễn Thái Hải còn yêu thương muôn loài. Cô bé Hương trong truyện Tha lỗi cho Hương chim nhé! (tập Sao chim không hót), đã khóc nức nở khi thằng Dụng bắn chết con chim mà thường ngày em vẫn cho nó ăn thóc và trò chuyện. Thằng Tùng trần (truyện Sao chim không hót trong tập Sao chim không hót), tưởng chừng nó là một thằng bé láu cá, không biết yêu thương loài vật khi nó định đem con chim không biết hót của mình vặt lông làm mồi nhậu cho ba. Nhưng đến khi con chim được nó thả ra khỏi lồng cất tiếng hót thì ánh mắt nó sáng lên, nhoẻn miệng cười hiền lành đến lạ. Dù bên ngoài có vẻ lạnh lùng, vô cảm nhưng nhân vật của Nguyễn Thái Hải luôn có những hành động bất ngờ khiến người đọc phải ngỡ ngàng. Chúng là những em bé có trái tim ấm áp đầy yêu thương. Tình yêu đó không chỉ dành cho cha mẹ, mọi người xung quanh mà còn là tình yêu với thế giới thiên nhiên. Bản tính nhân hậu của con trẻ được Nguyễn Thái Hải khai thác triệt để trong các thiên truyện của mình. Ở các em bé ấy, đều có những hành động đẹp, đức tính tốt, ngoan ngoãn và hiếu thảo. Xây dựng nhân vật với những hành động đẹp là một trong những cách để bồi dưỡng thêm tính nhân văn trong tâm hồn con trẻ.

Trong truyện Nguyễn Thái Hải, bên cạnh những hành động đẹp đáng khen ngợi còn có những hành động chưa tốt, cần phải nắn chỉnh, sửa đổi của một số bạn nhỏ. Trẻ em vốn hiếu động, những hành động, những trò nghịch ngợm tai quái của chúng dễ khiến người lớn bực mình nhưng ở đó có nét đáng yêu của tuổi thơ. Thằng Tùng trần mặc dù “siêng năng lao động kiếm sống”, “ai nhờ làm gì nó cũng nhận và làm rất ra trò, đâu vô đó”, yêu thiên

nhiên nhưng nó lại là đứa trẻ “ngỗ nghịch”, phá làng phá xóm theo cách của nó. Khi thì nó lấy lưỡi cưa sắt cưa một vòng tròn quanh gốc cây mận nhà ông Quân (vì ông có cây mận rất sai nhưng không cho đứa trẻ nào trong xóm dù chỉ một trái), khi thì nó vứt “một con chuột chết, mấy cái vỏ trứng hoặc gói rác có đầu tôm, vẩy cá” qua nhà hàng xóm nhưng khi hỏi đến nó đều “chối bay chối biến”. Hay đám con nít rủ nhau ra bờ sông tắm rồi hùa nhau cùng hái trộm mận nhà ông Tư bên mé sông. Chúng cứ thế ăn rồi lại nhảy xuống sông tắm. Hồn nhiên, vô tư. Hành động của Tùng trần, của đám con nít nói lên bản chất hiếu động, bản tính nghịch ngợm, tinh quái đầy cá tính của trẻ thơ mà nhất là ở đám con trai. Sự thông minh, lém lỉnh, thích khám phá và hướng về cuộc sống công bằng còn thể hiện ở hành động dấn thân đi vào vụ án của anh em nhà Hổ mun (Ai cướp chiếc laptop), Lý Văn Hoạt và những người bạn (Ba

chàng thám tử)… Đó đều là những hành động bộc phát nhưng nó thể hiện tính

cách của các em.

Có thể thấy, sự xuất hiện của các hành động đẹp, nghịch ngợm, thông minh của những đứa trẻ đã làm cho câu chuyện trở nên thú vị và sôi động hơn. Qua hành động của các nhân vật trong truyện, Nguyễn Thái Hải giúp người đọc xác định rõ hơn về tính cách và bản chất của từng nhân vật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm truyện thiếu nhi của nguyễn thái hải (Trang 43 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)