ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN THIẾU NHI CỦA NGUYỄN THÁI HẢI VỀ CỐT TRUYỆN VÀ NGÔN NGỮ
3.2.2. Ngôn ngữ đậm bản sắc vùng miền
Nguyễn Thái Hải sinh ra ở Thái Bình nhưng phần lớn cuộc đời gắn bó với Đồng Nai – mảnh đất hội tụ những vẻ đẹp của vùng đất Đông Nam Bộ. Có lẽ bởi vậy mà ngôn ngữ trong tác phẩm của ông chịu sự ảnh hưởng của hai miền Bắc – Nam. Trong sáng tác của ông, với những tác phẩm có bối cảnh ở nông thôn, chốn thôn quê dân dã ông dùng ngôn ngữ khẩu ngữ của người Nam Bộ. Trong các truyện viết về trẻ em vùng phố thị, Nguyễn Thái Hải thường dùng ngôn ngữ vùng Bắc Bộ. Nét riêng trong cách sử dụng ngôn ngữ này làm nên đặc điểm riêng trong sáng tác của Nguyễn Thái Hải.
Từ lời dẫn truyện của tác giả cho đến ngôn ngữ đối thoại của nhân vật ở vùng miệt vườn, vùng quê trong truyện Nguyễn Thái Hải đều gần gũi, dung dị với cuộc sống của trẻ em bình dân, tất cả hiện lên chân thực như họ ở ngay trước mặt chúng ta vậy. Người miền Nam vốn khẳng khái, cương trực, sống vồn vã và chan hòa. Bởi vậy mà nhân vật ở các vùng đất này được Nguyễn Thái Hải xây dựng với vẻ đẹp thân tình, cởi mở như con người miền Nam. Nguyễn Thái Hải đã sử dụng ngôn từ trong hệ thống từ vựng gắn với đời sống sinh hoạt, với phong tục tập quán của người dân Nam Bộ. Đó là những từ xưng hô mang đậm sắc thái Nam Bộ như: ba, má, con nhỏ, ngoại, ổng, tao, mày, tụi tao, cậu út, con nít, thằng nhỏ,ba mày, thằng cha mày, chú nhóc, bọn
nhóc… Đọc Cha con ông Mắt Mèo, chúng ta thấy từ nhân vật người cha cho đến đứa con hoặc cả những người hàng xóm đều được tác giả khắc họa đậm chất con người Nam Bộ vùng miệt vườn. Ông Mắt Mèo khẳng khái, bộc trực, nóng nảy, cho nên ngôn ngữ của ông đôi lúc được nhà văn mô tả suồng sã, đậm chất khẩu ngữ. Câu cửa miệng thường ngày của ông vẫn hay nói là: “mồ tổ mày”, “thằng cha mày”, “ba mày”, thường ngày ông Mắt Mèo vẫn gọi “mày” xưng “tao” với Út Đen, họa hằn lắm thì ông mới trìu mến gọi con mình là “con trai”. Cùng đó, cách đặt tên cho nhân vật của Nguyễn Thái Hải cũng mang đặc trưng riêng của người miền Nam: Út Đen, Ngoại Năm, má Hai, ông Hai, bà Hai Ngọc,ông Mười Của… Tùy ở từng tác phẩm mà mật độ phương ngữ tác giả dùng nhiều hoặc ít. Từng cái tên của nhân vật hay các từ ngữ xưng hô đã tạo nên được sự gần gũi giữa tác phẩm với người đọc, mở ra một vùng văn hóa mới trong mắt độc giả.
Ngoài việc sử dụng lớp từ ngôn ngữ xưng hô và gọi tên nhân vật theo phương ngữ của miền Nam thì Nguyễn Thái Hải còn sử sụng các từ ngữ ngữ khí như hả, hì hì, mà nè, hổng, chớ, chứ, chi…và quán ngữ riêng của người
dân Nam bộ: cười móm càng, riết tới hồi, thiệt hôn, thật xôm, rành sáu câu, số dzách… Các từ ngữ khí và quán ngữ không xuất hiện nhiều trong truyện Nguyễn Thái Hải nhưng việc sử dụng từ ngữ khí và quán ngữ đã làm cho câu văn trở nên sinh động, thể hiện thái độ, tình cảm của nhân vật và đặc biệt thể hiện được nét chân thực lời ăn tiếng nói của người Nam Bộ. Đồng thời, nó còn góp phần thu hẹp khoảng cách giữa câu chuyện kể và những chuyện ngoài đời thực, làm cho cốt truyện trở nên gần hơn với các em.
Ngoài ra, Nguyễn Thái Hải còn đưa vào các tác phẩm tên các địa danh gắn liền với vùng đất phương Nam: chợ Bến Thành, Sài Gòn, Dĩ An, cù lao Phố, suối nước nóng Bình Châu ở Bà Rịa – Vũng Tàu, sông Rạch Cát…Các món ăn, sản vật gắn liền với những địa phương ở miền Nam: Sầu Riêng, gỏi
rau Càng Cua, tấm đi văng gỗ…
Ông còn thể hiện đặc trưng riêng trong ngôn ngữ giao tiếp của người Nam Bộ như cuộc đối thoại của cha con Út Đen khi “đi mần”:
“Nó thì thào:
Ba… bộ ba quên cho Vá của bà Hai Ngọc rồi sao?
Út Đen nghe tiếng ba nó thở khì qua mũi:
Mày giỏi lắm. Nhưng tao đâu có ngu. Con Vá tối nay bị nhốt cũi rồi.
Tại sao ba biết?
Biết! Nó bị nhốt cũi vì tối nay nhà bà Hai có khách… không nhốt nó lại, đêm hôm khách ra vườn, nó “đớp” một miếng thì hư chuyện hết. Biết chưa?
Nhưng… khách nào vậy hả ba?
Đồ con nít, đừng tò mò… Chuẩn bị đi… Đội nón sắt vô”.
Lời nói chuyện của cha con Út Đen (Cha con ông Mắt Mèo) hầu như đều
được Nguyễn Thái Hải mô tả với những câu nói ngắn gọn, chỏng lỏn, ngôn ngữ khẩu được sử dụng đậm đặc. Cuộc sống vùng kênh rạch miệt vườn khó khăn, con người thường ngày vẫn phải vật lộn với cái ăn, cái mặc nên câu nói cốt làm sao để ngắn ngọn, dễ hiểu nhưng vẫn diễn đạt được những gì muốn nói chứ không vòng vo, khách sáo. Điều này thể hiện tính cách thẳng thắn, thật thà, bộc trực của người dân vùng Nam Bộ.
Còn với những tác phẩm có bối cảnh ở vùng đô thị, Nguyễn Thái Hải xây dựng lớp ngôn ngữ mang đậm chất Bắc Bộ. Trong cách gọi tên nhân vật cũng hết sức đơn giản. Nhân vật được gọi bằng chính cái tên cha mẹ đặt cho mình chứ không gọi tên theo theo biệt danh, đặc điểm bên ngoài hay vị thứ trong gia đình như những nhân vật vùng quê Nam Bộ (Tuấn, Phúc, Thảo, thầy Khanh, chị Thu, ba Khôi…) Ngôn ngữ xưng hô mang màu sắc lịch sự,
chất khẩu ngữ không còn nhiều như ở những tác phẩm viết về vùng nông thôn. Các nhân vật xưng hô với nhau bằng tên hoặc các đại từ nhân xưng nghe thân tình, ngọt ngào như: anh – em, bác – cháu, cô – cháu... chứ không xưng hô mày – tao phổ biến như ở các truyện viết về trẻ em vùng Nam Bộ. Cách xưng hô khác nhau mang lại những giá trị nghệ thuật khác nhau của ngôn ngữ trong tác phẩm nhưng tựu chung đều là để phân biệt được văn hóa vùng miền, tính cách con người khác nhau của hai vùng văn hóa.
Những hoạt động mưu sinh của trẻ em cũng gắn liền với cuộc sống chốn đô thị như: bán báo, bán kem, gánh phở… - những món đồ ăn xa xỉ đối với những đứa thôn quê, các ngón nghề trộm cắp, móc túi đều phổ biến ở thành thị. Nhìn chung, trong các tác phẩm sáng tác cho thiếu nhi, Nguyễn Thái Hải sử dụng nhiều phương ngữ Nam Bộ hơn phương ngữ vùng Bắc Bộ.
Truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải dùng không quá nhiều phương ngữ vùng miền. Tất cả đều ở mức độ vừa phải, vừa đủ để người đọc nhận ra vùng miền mà nhân vật đang sống, ông tránh gây sự khó hiểu cho độc giả nhí khi vốn sống và vốn từ còn quá ít. Ngôn ngữ ông sử dụng trong tác phẩm hầu hết đều gần gũi với đời sống trẻ em ở hai miền đất nước. Tạo điều kiện để người đọc hiểu về phong tục tập quán, tính cách không chỉ của nhân vật mà còn của con người từng vùng. Tác giả đã sử dụng rất linh hoạt ngôn ngữ phương ngữ, mang lại hiệu quả cao trong miêu tả thiên nhiên, cuộc sống và con người Nam Bộ.Ngôn ngữ trong tác phẩm được Nguyễn Thái Hải sử dụng linh hoạt không bó hẹp trong bất cứ phạm vi nào, biên độ ngôn ngữ và sự hiểu biết văn hóa vùng được mở rộng khi đọc tác phẩm của ông. Tất cả thể hiện vốn sống phong phú, sự quan sát tỉ mỉ của tác giả.
Tiểu kết chương 3
Truyện thiếu nhi Nguyễn Thái Hải xây dựng cốt truyện gần gũi với thiếu nhi. Truyện của ông cảm động, khơi gợi nhiều cảm xúc của người đọc với cốt truyện tâm lý. Đơn giản, dễ đọc, dễ hiểu với kiểu cốt truyện đơn tuyến. Hồi hộp, ly kỳ với các truyện có kiểu cốt truyện tuyến tính – hành động. Các tình huống truyện được nhà văn dẫn dắt một cách tự nhiên như chính những tình huống cuộc sống đang diễn ra. Những chi tiết, tình tiết, sự kiện ấy góp phần làm nên sức hút của truyện.
Thế giới tuổi thơ còn được khắc họa chân thật và rõ nét hơn với ngôn ngữ mà ông sử dụng trong truyện. Nguyễn Thái Hải đã giúp trẻ em tiếp cận tác phẩm văn chương mang đặc trưng riêng của từng vùng và giúp các em hiểu hơn về bản sắc con người Bắc Bộ và Nam Bộ, đem lại sự gần gũi, mở mang tầm hiểu biết cho các em. Ngôn ngữ Nguyễn Thái Hải sử dụng trong truyện thiếu nhi của mình là một phong cách diễn đạt riêng ấn tượng.
KẾT LUẬN
1. Nguyễn Thái Hải học Dược nhưng đam mê văn chương. Từ những ngày đầu mới chập chững bước vào văn đàn, Nguyễn Thái Hải đã thể hiện đam mê, tài năng của mình với hàng loạt các tác phẩm viết cho thiếu nhi và được đón nhận nồng nhiệt. Khi còn là cây bút Tuổi Hoa, hàng tháng Nguyễn Thái Hải đều có truyện ngắn hoặc thơ để đăng báo, mỗi năm ông đều xuất bản các truyện thiếu nhi. Cho đến nay, vẫn đều đặn như thế suốt hơn năm mươi năm cầm bút, ông cống hiến sức trẻ, nhiệt huyết của mình cho văn học trẻ thơ. Vừa viết cho thiếu nhi, vừa sáng tác cho người lớn nhưng chưa bao giờ Nguyễn Thái Hải bỏ quên mảng văn học thiếu nhi. Ông chưa bao giờ coi nghề viết văn là nghề tay trái mà ông coi đó là tri thiên mệnh. Với ông, viết văn là một công việc đầy thú vị để trở về tuổi thơ, để tiến gần hơn với thiếu nhi hiện đại và viết văn còn là một hạnh phúc lớn.
2. Truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải làm say mê bao thế hệ trẻ em. Đề tài về thế giới tuổi thơ luôn là cảm hứng bất tận trong sáng tác của ông. Viết về đề tài này, Nguyễn Thái Hải thể hiện cảm quan sâu sắc của mình về đời sống trẻ thơ trong mối quan hệ với gia đình, bạn bè, trường lớp và các trò chơi của lứa tuổi. Khi viết về đề tài loài vật, ngòi bút Nguyễn Thái Hải thể hiện sự sắc sảo, tinh tế trong việc tái hiện đời sống con người trong thế giới đồng thoại. Phải quan sát, phải hiểu, phải yêu con trẻ lắm thì những trang viết ấy mới xúc động và tràn đầy yêu thương như vậy. Dưới ngòi bút của Nguyễn Thái Hải, tâm hồn trẻ thơ không chỉ luôn hồn nhiên, vô tư; ánh mắt không phải lúc nào cũng trong trẻo, vô lo vô nghĩ mà thế giới trẻ thơ của Nguyễn Thái Hải là thế giới phức hợp của nhiều cảm xúc, nhiều tâm tư mà nỗi buồn chiếm phần lớn. Các tác phẩm của ông làm sống dậy những kỉ niệm kí ức của các thế thế thiếu nhi những năm 70, 80 của thế kỉ XX.
mạnh mẽ, kiên cường và đầy nghị lực. Trong mọi hoàn cảnh khó khăn các em đều không nản lòng mà thể hiện tinh thần vươn lên, hướng đến cuộc sống tốt đẹp. Tâm hồn các em luôn bừng lên ánh sáng của lương thiện, vẻ đẹp của yêu thương và ý chí. Viết về trẻ em bất hạnh trước 1975 hay sau 1975 thì ngòi bút Nguyễn Thái Hải vẫn nồng đượm yêu thương. Ông chăm chút đi tìm những vẻ đẹp thơ ngây, thánh thiện ở những góc hẻo của cuộc đời. Tác giả phải có tấm lòng nhân ái, nhân văn đậm đà thì mới tìm thấy những cái đẹp không tên đó. Đi cùng thế giới nhân vật, tác giả lựa chọn những cách thức xây dựng nhân vật phù hợp. Đó là miêu tả ngoại hình, miêu tả hành động của nhân vật. Những nỗ lực ấy đã giúp nhà văn in sâu hình tượng nhân vật trong tâm trí bạn đọc. Nguyễn Thái Hải đã tạo dựng được cho mình một phong cách viết truyện thiếu nhi. Cái buồn, cái khổ của trẻ em được nói nhiều trong tác phẩm nhưng không bị lụy mà lấp lánh hy vọng, tươi đẹp với ý chí vươn lên.
Đến với truyện Nguyễn Thái Hải, bạn đọc được thưởng thức những những câu chuyện thiếu nhi đơn giản, không cầu kì, khó hiểu mà nó thường nhẩn nha, lắng đọng bên trong những câu chuyện đời thường bình dị, chân tình, ấm áp. Thông qua những câu chuyện giản dị ấy tác giả gửi gắm những bài học về giáo dục về lòng nhân ái, giáo dục sự hiểu biết về cuộc sống cho trẻ em. Đến với truyện thiếu nhi Nguyễn Thái Hải, người đọc nhận ra nhiều thông điệp giáo dục khác nhau, có ý nghĩa thiết thực không chỉ với trẻ em mà còn cho cả người lớn. Nhiệt huyết đem những điều nhân văn truyền vào văn chương để giáo dục các em của Nguyễn Thái Hải là một điều trân trọng.
3. Truyện thiếu nhi Nguyễn Thái Hải được xây dựng với ba kiểu cốt truyện chính. Cốt truyện tâm lý giúp nhà văn khai thác chiều sâu nội tâm nhân vật. Cho người đọc thấy được những biến động sâu sắc, thầm kín của nhân vật để từ đó thấu hiểu với nhân vật nhiều hơn. Cốt truyện đơn tuyến là cốt truyện truyền thống được Nguyễn Thái Hải sử dùng nhiều trong sáng tác của mình.
Cốt truyện này giúp nhà văn xây dựng câu chuyện hoàn chỉnh, hấp dẫn, tránh sự khó hiểu, nhàm chán cho bạn đọc nhỏ khi cốt truyện được kể theo mạch thời gian tuyến tính. Kiểu cốt truyện tuyến tính – hành động xuất hiện rất ít trong tác phẩm của ông nhưng nó lại thể hiện nét riêng trong đặc điểm sáng tác của Nguyễn Thái Hải.
Nói đến đặc điểm truyện thiếu nhi Nguyễn Thái Hải không thể không nói đến những đặc điểm về ngôn ngữ. Đó là ngôn ngữ trần thuật giản dị, đậm chất trẻ thơ và ngôn ngữ mang đậm bản sắc vùng miền. Nguyễn Thái Hải có cách riêng trong sử dụng ngôn ngữ khi viết cho thiếu nhi. Ông viết về trẻ em nông thôn thì sử dụng ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ, còn khi biết về trẻ em ở chốn thị thành thì ông lại dùng ngôn ngữ mang đậm bản sắc Bắc Bộ. Nó làm nên một sự đặc biệt trong sáng tác của Nguyễn Thái Hải.
4. Nguyễn Thái Hải đã xác lập được cho mình một phong cách viết truyện thiếu nhi. Nhà văn luôn có ý thức làm mới mình, thay đổi để phù hợp với thị hiếu thiếu nhi thời đại mới. Nỗ lực thay đổi mình là điều trân quý ở nhà văn. Đâu đó trong một và tác phẩm không tránh khỏi những hạn chế nhưng Nguyễn Thái Hải đã có những đóng góp đáng kể cho văn thiếu thiếu nhi Việt Nam.