6. CẤU TRÚC LUẬN VĂN
2.1.1 Cái tôi tự hào trước hiện thực
Đọc thơ Lưu Quang Vũ, chúng ta dễ dàng cảm nhận được là thơ ông chan chứa tình yêu thương xen lẫn tự hào đối với quê hương đất nước mình. Có yêu thương và trân quý đất nước, con người thì mới có được cảm xúc tự hào về đất nước mình, nhân dân mình từ những điều bình dị nhất.
Tập thơ “Mây trắng của đời tôi” tập hợp những bài thơ tươi vui, lạc quan, được viết trong thời kỳ sau khi tác giả vượt qua được những đắng cay, dằn vặt của cuộc đời mình. Ông dần cân bằng lại cuộc sống của mình, bước đầu gặt hái được những thành công trong tình yêu cũng như sự nghiệp. Đọc tập thơ này chúng ta thấy được tâm hồn và tình cảm của Lưu Quang Vũ dường như được gửi gắm cả vào thơ. Vũ Quang Vinh khi đọc tập thơ này đã nhận xét: “Điều đáng quý nhất ở thơ Lưu Quang Vũ không nằm trong kỹ xảo kỹ năng trau chuốt ngôn từ, mà chính là một hồn thơ chân thành da diết. Sức nói, sức gợi, sức cảm của
thơ anh chính là bắt nguồn từ đó”[24;96]. Thật vậy, chính những lời lẽ bình dị
2.1.1.1 Cái tôi yêu mến tự hào về quê hương đất nước
Ngay từ những buổi đầu, ông đã có những cảm xúc yêu thương mãnh liệt đối với đất nước và quê hương, một đất nước “tươi hoa đẹp nắng” thì chúng ta phải cùng nhau gìn giữ mới là điều phải lẽ. Tình cảm ấy xuất phát từ trong máu thịt, từ trong tâm hồn của người con đất nước chứ không phải được học từ trong sách vở, có như vậy thì khi thốt lên thành thơ mới thật tự nhiên, gần gũi mà không giả tạo:
“Tổ quốc là nơi tỏa bóng yên vui Nơi nghĩ đến lòng ta yên tĩnh nhất”.
(Việt Nam ơi)
Thơ ông luôn gắn chặt với đời, gắn với hiện thực và thể hiện tình cảm của ông một cách chân thành. Đối với quê hương đất nước mình, ông yêu mến đến mức tự hào về nơi mình sinh ra và lớn lên. Cho dù có phải xa bao lâu thì hình ảnh quê hương vẫn nguyên vẹn trong trái tim ông:
“Ở nơi ấy có một đồi mua tím Có con đường đất mịn mát chân đi
Ở nơi ấy có một rừng bưởi chín Có người em bé nhỏ ngóng ta về”.
(Nơi ấy)
Những hình thân quen như đồi cây, con đường, rừng bưởi, và cả người em bé nhỏ đã nằm trọn trong trái tim của chàng trai thi sĩ, để trên mỗi bước đường hành quân ông vẫn luôn ấp ủ, nhớ về. Hình dáng quê hương cứ như thế chưa bao giờ nhạt phai:
“Tôi đã tới những khu rừng xa ngái Dốc lớn đèo cao, nước nguồn măng núi Đường quân đi trùng điệp tháng năm dài Nhớ quê hương thao thức một vườn xoài”
Hình ảnh quê hương mà tác giả tha thiết nhớ về đôi khi là những hình ảnh hết sức nhỏ bé và bình dị: vườn xoài! Tuy nhiên những hình ảnh nhỏ bé ấy lại có sức mạnh vô cùng lớn lao, nó cho người chiến sĩ xa quê một nguồn sức mạnh, sự vững tin, nó tiếp sức cho người con của quê hương chiến thắng mọi khó khăn gian khổ. Đó chính là ân tình của quê hương!
Yêu quê hương đất nước, tự hào về quê hương đất nước là một tình cảm hết sức thiêng liêng, đáng quý và là nguồn cảm hứng bền chắc trong thơ ông. Ông cho rằng đó cũng là trách nhiệm của một người công dân khi nghĩ về quê hương đất nước. Nói là trách nhiệm nhưng kỳ thực đây cũng là một niềm vui, vì nó xuất phát từ những tình cảm chân thành nhất của con người. Yêu đất nước cũng không phải là yêu cái gì to lớn xâu xa, hay vĩ đại, mà tác giả cho chúng ta thấy đất nước gắn với chúng ta từ những gì nhỏ bé nhất, gần gũi và thân quen nhất. Đó là những quả đồi, những con đường, vườn cây; là mẹ, là em, là những người cùng ta chiến đấu. Những điều đó làm cho ta nhớ thương một cách rất tự nhiên. Thậm chí đó còn là Tiếng Việt, là ngôn ngữ mà chúng ta vẫn sử dụng hằng ngày nhưng ít ai để ý đến. Lưu Quang Vũ đã khám phá ra một điều vô cùng thú vị, đó là Tiếng Việt gắn với mọi thứ, mọi kỷ niệm, mọi vui buồn của chúng ta. Là tiếng mẹ gọi ta vào những buổi chiều, là tiếng cha dặn, là tiếng gọi đò sông vắng…Tiếng Việt đã bao trùm lấy chúng ta đến nỗi tác giả đã ví von hài hước: “Ta như chim trong tiếng Việt như rừng”. Hơn thế, tiếng Việt còn gắn bó với cả dân tộc mình từ thuể sơ khai, gắn bó với cuộc đời mỗi người từ khi còn thơ bé:
“Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói Vầng trăng cao đêm cá lặng sao mờ Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh Như gió nước không thể nào nắm bắt Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh”.
Trên cả tình yêu thương và tự hào về đất nước, quê hương, về tiếng nói dân tộc, Lưu Quang Vũ còn cho rằng chính đất nước, quê hương đã ban cho chúng ta những hình hài ta có hôm nay:
“Đất nước tôi ơi
Những dòng sông đã cho tôi gương mặt Những chân trời đã cho tôi tiếng hát
Đồng bãi cho tôi sức vóc bàn tay Đồi núi cho tôi những bước đi dài Hoa và chim đã cho tôi mộng ước Những trái tim đập dồn trong ngực Là của người – lẽ sống của đời tôi”.
(Người cùng tôi)
Hiểu một cách đơn giản nhất, nhờ có đất nước chúng ta mới thấy mình như thế nào, để rồi từ đó tìm thấy lẽ sống của cuộc đời mình. Đây là một nét nghĩ có phần sáng tạo mà trước nay chúng ta chưa từng bắt gặp ở những nhà thơ khác. Ngoài ra, đối với quê hương đất nước thân yêu, Lưu Quang Vũ còn có một mong ước hết sức to lớn nhưng chân thành:
“Ước chi được hóa thành ngọn gió Để được ôm trọn vẹn nước non này Để thổi ấm những đỉnh đèo buốt giá Để mát rượi những mái nhà nắng lửa
Để luôn luôn được trở lại với đời Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi…”
(Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi)
Ông yêu quý và mong muốn mãi được gắn bó với quê hương, muốn ôm trọn vẹn đất nước vào lòng, và còn muốn luôn được trở lại với cuộc đời chứ không phải như kiếp người nhân sinh nhỏ bé, chỉ sống một lần trên đời và đã ra đi là không khi nào trở lại. Muốn làm được điều đó nên tác giả đã mơ ước được làm ngọn gió, một
nguồn năng lượng siêu nhiên vô tận, để sưởi ấm và làm tươi mát cuộc đời, và trên tất cả là mang tình yêu thổi trên khắp đất nước mình. Đó là một mong ước lớn lao xuất phát từ trái tim yêu thương chân thành, một ước mơ vô cùng đáng quý!
Khi đất nước oằn mình với nỗi đau chiến tranh, làm sao ta có thể chỉ lo cho mình được. Tâm thế chung của tất cả mọi người là chiến đấu bảo vệ tổ quốc, xem mục tiêu bảo vệ gìn giữ đất nước là niềm vui và lẽ sống của chính mình:
“Tiếng ai hò, dáng lạ cũng thân quen Đường nào vui bằng đường ra trận tuyến”.
(Đêm hành quân)
Với ông, đất nước nơi mình sinh ra và lớn lên là một mảnh đất anh hùng, dù qua bao khổ đau vẫn vững tin hướng về những điều tốt đẹp phía trước:
“Hồn dân tộc dậy ta làm thi sĩ Quá khứ nhiều mà ta chẳng già nua
Mọi tai ương khủng khiếp đã qua Gà đã gáy xôn xao chào buổi sớm Mai gắn lại những vết thương xé thịt
Dân tộc mình mở tới một trang vui Hoa gạo hồng lại nở, bà ơi Cháu đã đi từ lòng bà ấm áp Để sống hết những vui buồn dân tộc Những hoa bìm hoa súng nở trên ao Những ban mai xanh biếc tiếng đàn bầu
Bà hiền hậu têm trầu bên chõng nước Em đi gặt trên cánh đồng cổ tích
Lúa bàng hoàng chín rực những triền sông…” (Đất nước đàn bầu)
Sau khi những tai ương đi qua, chúng ta lại dựng xây một cuộc đời mới đáng tự hào. Gà lại gáy, hoa lại nở, mọi thứ lại yên bình, tươi đẹp. Đất nước anh
hùng như vậy thật chẳng phải rất đáng tự hào hay sao! Tác giả đã vững tin như vậy, một niềm tin son sắt không gì thay đổi được.
2.1.1.2 Cái tôi tự hào về nhân dân vĩ đại
Hơn thế nữa, bên cạnh niềm tự hào về quê hương đất nước, tác giả còn rất tự hào về nhân dân mình, những con người bình dị mà góp phần làm nên đất nước. Hình ảnh nhân dân dưới ngòi bút của Lưu Quang Vũ trở nên vĩ đại không kém gì những vị tướng khi đứng trước trận mạc, mặc dù vô danh nhưng chính họ đã làm nên lịch sử.
Trong bài thơ “Người cùng tôi”, Lưu Quang Vũ đã thể hiện rất rõ quan điểm của mình về nhân dân. Có thể khẳng định chính nhân dân đã làm nên cuộc đời, không có nhân dân thì cũng không có đất nước hôm nay. Nhân dân được tác giả gọi bằng một danh từ trịnh trọng: “Người”!
“Người cùng tôi bên bờ biển bão Người cùng tôi đầu ngọn gió mùa
Người vỡ rừng mở đất bao la Bàn tay chai làm ra tất cả Làng xóm, đền đài, thành phố Tháp bút cao, điệu múa, những cung đàn
Đi chân không, người thêu vạn hài cong Mặc vải nâu, người dệt muôn sắc lụa. Không biết chữ, người làm ra tục ngữ Những thuyền to, chuông lớn, những vườn cây…
Người làm nên cuộc đời Ngàn năm bàn tay trắng”.
(Người cùng tôi)
Ngay từ thuở sơ khai, chính nhân dân chứ không phải bất kỳ một vị vua chúa hay tướng lĩnh nào đi vỡ rừng mở đất. Bàn tay nhân dân chai sạn đi vì làm những công việc nặng nhọc, nhưng đất nước được dựng xây lại gắn liền với tên
vua, tên tướng. Mọi tài sản của dân tộc từ vật thể như tháp bút, đền đài cho đến phi vật thể như điệu múa, cung đàn cũng đều từ nhân dân mà ra cả. Họ là những con người vĩ đại biết bao trong mắt nhà thơ bởi lẽ chính những con người cơ cực nhất lại làm ra những thứ quý giá nhất. Họ đi chân không, nhưng chính tay họ thêu nên vạn đôi hài cong sang trọng; họ không biết chữ nhưng bằng sự thông minh và sáng tạo của mình họ đã khéo léo tạo ra tục ngữ, một tài sản vô giá của dân tộc ta. Chính nhân dân đã tạo ra mọi tài sản của đất nước mình, chính họ đã làm nên cuộc đời, nhưng theo lẽ đời họ lại là những người
“ngàn năm bàn tay trắng”.
Hình ảnh nhân dân hiện lên trong bài thơ có cuộc đời cực nhọc, đầy những thiệt thòi, nhưng họ chưa bao giờ đòi hỏi quyền lợi cho mình mà luôn vun vén vì một cuộc đời chung của dân tộc. Nhân dân không ngại ăn những thứ “nộm
rau chát đắng” hay mặc những bộ quần áo “vá víu lem nhem”, họ chịu những
nỗi khổ “gối đầu cán gươm”, “suốt đời trận mạc xa quê” nhưng vẫn luôn sống lạc quan tin tưởng và vui vẻ. Thậm chí, trong ánh nhìn tinh tường của tác giả, nhân dân hiện lên thật đáng ngưỡng mộ:
“Người đánh bò đi kéo xe thuê Người đẻ con đàn nheo nhóc
Mụn vải, mẩu đinh người đều nhặt nhạnh Mất nắm rơm cũng cãi vã kêu ca Nhưng khi cần mang tất cả đem cho Sẻ áo nhường cơm quên mình cứu bạn…”
(Người cùng tôi)
Họ chắt chiu từng chút nhỏ trong đời nhưng khi cần thì sẵn sàng cho đi tất cả những gì mình có, đó chính là sự hi sinh vĩ đại nhất. Họ cũng sẵn sàng liều tính mạng của mình vì một mục tiêu lớn hơn cho dân tộc, vì độc lập, tự do. Cũng chẳng cần ai phải nhớ tên hay trả công cho mình, tất cả mọi người chung tay, kề vai đưa đất nước thoát khỏi ách nô lệ:
“Người mài mực cho Nguyễn Trãi viết Bình Ngô, người cùng Quang Trung đi đánh giặc
Quang Trung ngồi trên bành voi, người cầm giáo xông lên phía trước Quang Trung lên làm vua, người về nhà cày ruộng
Bị lão trương tuần quát nạt cũng run Nhưng mỗi lần đất nước sắp suy vong
Người đều cứu cỗ xe ra khỏi vực”. (Người cùng tôi)
Đến cuối cùng, công lao của người làm tướng lĩnh vĩ đại hơn hay công lao và sự hi sinh không màng đền đáp của nhân dân vĩ đại hơn, điều đó còn tùy thuộc vào ánh mắt nhìn của mỗi người. Nhưng những gì mà nhân dân đã dành cho đất nước này là vô cùng quý giá, thiêng liêng. Vai trò của nhân dân đối với sự thành bại, sự sống còn của dân tộc là vô cùng to lớn và không thể nào có thể phủ nhận được. Thậm chí mối quan hệ giữ đất nước và nhân dân có thể được coi là sóng đôi, có đất nước thì mới có nhân dân và ngược lại. Như từ thuở nào Nguyễn Trãi đã khẳng định “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”. Chỉ khi nhân dân đồng lòng thì đất nước mới trường tồn. Hình ảnh nhân dân trong thơ Lưu Quang Vũ chính là những con người vô danh nhưng làm nên lịch sử, rất đáng tự hào và đáng được ca ngợi.
Như vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng, đối với quê hương đất nước mình tác giả có một tình yêu rộng lớn bao la và chân thành. Với nhân dân tác giả bày tỏ lòng yêu thương kính trọng vô bờ bến trước sự hi sinh họ dành cho đất nước này. Tình yêu ấy xuất phát từ một trái tim đầy tin yêu xen lẫn tự hào, mong muốn đất nước mình trường tồn và ngày càng tươi đẹp cho dù hiện thực trước mắt là những đắng cay cơ cực, những nỗi đau nô lệ đi chăng nữa thì niềm tin ấy vẫn không mai một.