Giọng điệu đắm đuối

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cái tôi trữ tình trong di cảo thơ lưu quang vũ (Trang 96 - 99)

6. CẤU TRÚC LUẬN VĂN

3.3.1 Giọng điệu đắm đuối

Cái tôi trữ tình trong thơ Lưu Quang Vũ là một cái tôi hướng nội, giàu cảm xúc. Ông là con người vô cùng nhạy cảm, nên cuộc đời được ông cảm nhận bằng mọi cảm xúc và nắm bắt bằng tất cả các giác quan của mình. Đọc thơ ông, dù là viết về niềm vui hay nỗi buồn, chúng ta đều cảm nhận được một giọng điệu đắm đuối thiết tha. Vũ Quần Phương đã phát hiện ra điều này: “Lưu Quang Vũ đắm đuối không chỉ ở cách nói, ở thủ pháp diễn đạt mà còn ở cái cách cảm thụ đời sống của anh. Anh cảm thụ bằng cảm giác…Cảm giác gọi những ý thơ tuôn chảy. Tứ thơ như tự hình thành trong quá trình cảm thụ. Đọc thơ Lưu Quang Vũ ít thấy dấu vết của bố cục, cảm hứng liền dòng ào ạt, đầy ắp hình ảnh, ảnh thực và ảnh ảo, hiện thực và tưởng tượng, sách vở và đời sống hòa quyện thúc đẩy

Thật vậy, chính sự dạt dào của cảm xúc đã tạo nên giọng điệu đắm đuối trong thơ ông. Và đắm đuối chính là bản sắc cảm xúc của Lưu Quang Vũ, khiến người đọc ấn tượng. Rất dễ nhận ra điều này ở những bài thơ như “Đất nước

đàn bầu”, “Tiếng Việt”, “Viết cho em từ cửa biển”… Đó là những cảm xúc rất thật và rất đáng tin:

“Buổi sáng tôi ra vườn Hoa móng rồng thơm ngát Lá xương xông mọc quanh vại nước Dây trầu không quấn quýt hàng cau

Đất rụng vàng hoa ngâu Nước mưa rơi tí tách

Tôi lắng nghe như chú dế mèn con Đi ra đồng cả ban đêm”

(Đất nước đàn bầu)

Tác giả cảm nhận cảnh vật buổi sáng sớm bằng cả khứu giác, thị giác lẫn thính giác, nên ông đã phát hiện ra những thay đổi dù là nhỏ bé của tạo vật. Những hình ảnh dần được vẽ ra một cách chân thực theo mạch cảm xúc mà không cần bất cứ sự sắp đặt hay dụng ý nào.

Chất đắm đuối còn được tạo ra từ âm hưởng buồn thương da diết trong thơ ông, nó gợi lên trong lòng người đọc những cảm xúc rất riêng tư, đồng cảm, thấu hiểu:

“Anh cứ nghĩ thương nhau là tất cả Nhưng em cười khi anh chẳng thể vui

Hai ta không chung một ngả đường Không chung khổ đau không cùng nhịp thở

Những gì em cần, anh chẳng có Em không màng những ngọn gió anh trao

Chiếc cốc tan, không thể khác đâu em Anh nào muốn nói những lời độc ác

Như dao cắt lòng anh như giấy nát Phố ngoài kia ngột ngạt những toa tàu”.

(Từ biệt)

Nỗi buồn khi tình yêu của ông tan vỡ, khi niềm tin bị phủ nhận đã khiến ông thốt lên những lời thơ đầy chất đắm đuối. Đó là đoạn thơ vô cùng giàu hình ảnh, hình ảnh thực và ảo đan xen lẫn nhau, ông viết như đang trong một cơn say, cảm xúc chảy tràn trên trang giấy, tạo nên chất đắm đuối rất riêng không lẫn với ai được.

Khi viết về tình yêu, không chỉ có nỗi buồn tạo nên chất đắm đuối, mà ngay cả khi vui, khi nhớ nhung thì cảm xúc trong thơ ông vẫn đắm đuối không ngừng:

“Cốc nước trên bàn quyển sách gập giữa trang tấm gương soi vào khoảng trống

ngọn đèn soi gian phòng vắng tấm áo em trên thành ghế im lìm chiếc thìa con, lát chanh mỏng úa vàng

vài sợi tóc đen vương trên chiếc lược… những đồ vật lung linh dấu vết của dịu hiền thân thuộc ngón tay em”.

(Em vắng)

Chính cảm giác nhớ nhung đã gọi ý thơ tuôn chảy tự nhiên, chúng ta không hề thấy dấu vết của một sự sắp đặt bố cục nào cả. Một phần khác cũng nhờ thể thơ tự do không bó buộc vào một khuôn khổ nào nên cảm xúc của tác giả khi đọc lên nghe thật tự nhiên, thoải mái như những lời tâm sự chân thành

nhất. Đây cũng là một yếu tố tạo sự lôi cuốn và hứng thú cho người đọc khi đến với những vần thơ Lưu Quang Vũ.

Đối với Lưu Quang Vũ, thơ ông là những cảm xúc thực của lòng ông, mọi nhớ nhung hờn trách hay vui sướng khổ đau đều xuất phát từ trái tim chân thành, gắn bó và yêu thương cuộc đời. Ông làm thơ trước hết là để cho mình, để gửi gắm nỗi lòng, cho nên lúc nào ông cũng đắm đuối cho dù những vần thơ ấy có lạc điệu so với thời cuộc. Ông gây ấn tượng với độc giả bằng hồn thơ riêng biệt của mình, không cầu kỳ trau chuốt mà vẫn đầy chất thơ bởi sự tuôn trào mãnh liệt của cảm xúc và hệ thống hình ảnh phong phú.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cái tôi trữ tình trong di cảo thơ lưu quang vũ (Trang 96 - 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)