4.1.1. Theo giới tính và tuổi
Tổng số đối tượng trong nghiên cứu của chúng tôi có 98 bệnh nhân đột quỵ, gồm 57 nam chiếm tỷ lệ 58,2% và 41 nữ chiếm tỷ lệ 41,8%. Kết quả này phù hợp với nhiều nghiên cứu của các tác giả khác như Phạm Văn Phú (2003) [17], Trần Thị Mỹ Luật (2008) [13], Mai Thọ Truyền (2012) [21], Nguyễn Tấn Dũng (2012) [7], Lê Hòa (2015) [9]. Một số nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ đa số là nam giới như Li Pei (2016) [36] 61,2% số người bệnh đột quỵ là nam giới; Cho K.H. (2014) [24] nam giới chiếm tỷ lệ 59% cao hơn so với nữ giới 41%.
Qua kết quả nghiên cứu của chúng tôi, đa số bệnh nhân ở nhóm tuổi già, trong đó tỷ lệ bệnh nhân thuộc nhóm tuổi 60 – 74 chiếm tỷ lệ 40,8%, tỷ lệ bệnh nhân thuộc nhóm tuổi từ 75 tuổi trở lên chiếm 41,8% và bệnh nhân thuộc nhóm tuổi dưới 45 thấp nhất, chiếm tỷ lệ 3,1%. Kết quả này phù hợp với một số nghiên cứu của các tác giả như Phạm Văn Phú (2003) [17] nhóm tuổi 60 - 74 chiếm tỷ lệ cao nhất 53,9%. Trần Thị Mỹ Luật (2008) [13] trên 60 tuổi chiếm tỷ lệ cao 75,8%. Mai Thọ Truyền (2012) [21] đối tượng lớn tuổi chiếm tỷ lệ cao, trong đó nhóm tuổi 60 - 74 tuổi chiếm 38%, nhóm ≥ 75 tuổi chiếm tỷ lệ 29%. Đặng Hoàng Anh (2009) [1] bệnh nhân nam chiếm tỷ lệ cao hơn nữ, nhóm bệnh nhân ở lứa tuổi trên 60 tuổi gặp cao nhất chiếm tỷ lệ 77,2%.
Để lý giải cho vấn đề nam giới tỷ lệ đột quỵ cao hơn nữ giới vì ở nam giới tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp nhiều hơn so với nữ và tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân gây ra đột quỵ ở người cao tuổi, ngoài ra ở nam giới có thói quen hút
thuốc lá, uống rượu, bia và chịu tác động của nhiều yếu tố sang chấn tâm lý, đây là yếu tố thuận lợi gây ra tăng huyết áp và đột quỵ. Trong 10 nguyên nhân gây gánh nặng bệnh tật lớn nhất theo giới năm 2010, tỷ lệ nam bị đột quỵ do xuất huyết chiếm 6% trong khi đó tỷ lệ nữ chỉ có 5%. Đột quỵ gặp nhiều nhất ở người cao tuổi và tăng tỷ lệ thuận với tuổi. Cùng với thời gian tác động của các yếu tố nguy cơ lên con người càng nhiều. Tuổi cao là yếu tố quan trọng, đây là bệnh của nhóm tuổi này vì tuổi càng cao có liên quan nhiều đến bệnh mạch máu. Tỷ lệ gặp đột quỵ có liên quan đến tăng huyết áp chiếm đa số từ 70 - 80% [3],[9],[22].
Tuổi trung bình của nhóm tham gia nghiên cứu là 71,52 ± 12,53 tuổi, thấp nhất là 42 tuổi và cao nhất là 96 tuổi. Kết quả này cũng tương tự với nghiên cứu của Li Pei (2016) [36] độ tuổi trung bình là 73,76 (SD = 8.212). Nhưng cao hơn so với tuổi trung bình trong nghiên cứu của tác giả Đinh Hữu Hùng (2014) [10] độ tuổi trung bình là 68,8 ± 13,1, với tuổi thấp nhất là 29 và cao nhất là 103 tuổi. Cao Phi Phong (2013) [16] độ tuổi trung bình 61,6± 9,9 (thấp nhất 40 và cao nhất 79). Cho K.H. (2014) [24] độ tuổi trung bình 67,82±10,96. Điều này phản ánh tuổi thọ hiện nay của người dân ngày càng tăng cao làm tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhưng hiện tại ở Việt Nam việc chăm sóc xã hội và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vẫn còn hạn chế vì vậy chúng ta cần có sự quan tâm chăm sóc đặc biệt với người cao tuổi [3].
4.1.2. Theo dân cư và trình độ học vấn
Qua nghiên cứu của chúng tôi nhận thấy phần lớn bệnh nhân đột quỵ sống ở vùng nông thôn chiếm tỷ lệ cao nhất 80,6%; chỉ có 19,4% bệnh nhân sống ở thành thị. Toàn bộ đối tượng nghiên cứu của chúng tôi đều là người dân sống tại tỉnh Phú Yên, một số bệnh nhân ở tỉnh Gia Lai nhưng sinh sống ở vùng núi. Kết quả nghiên cứu này cũng tương tự với tác giả Trịnh Viết Thắng (2012) [18] nghiên cứu trên 308 bệnh nhân bị đột quỵ tại cộng đồng dân cư tỉnh Khánh Hòa cho thấy bệnh nhân là nông thôn nhiều hơn thành thị.
Chúng tôi nhận thấy điều này phù hợp với thực tế, khi người bệnh đang trong tình trạng nguy kịch và cấp tính, họ thường có xu hướng tập trung về các bệnh viện
tuyến tỉnh. Bên cạnh đó, đặc điểm về phân vùng kinh tế tại duyên hải miền trung thì vùng nông thôn chiếm đa số. Nhóm dân cư sống ở nông thôn vùng núi, hải đảo là các nhóm khó tiếp cận với dịch vụ y tế hơn các nhóm khác. Vì vậy việc điều trị và dự phòng bệnh của nhóm đối tượng vùng nông thôn kém hơn thành thị làm cho tỷ lệ mắc bệnh ở nông thôn cao hơn thành thị.
Đối tượng nghiên cứu của chúng tôi có trình độ học vấn đa số có trình độ học vấn cấp I chiếm tỷ lệ cao nhất 49%; trình độ cấp II chiếm 25,5%; trình độ cấp III chiếm 18,4%; chỉ có 7,1% bệnh nhân có trình độ học vấn trên cấp III. Nghiên cứu của chúng tôi tương tự như nghiên cứu của Li Pei (2016) [36] đối tượng nghiên cứu là bệnh nhân sống tại 18 huyện của thành phố Tianjin - Trung Quốc cho thấy trình độ tiểu học chiếm tỷ lệ cao nhất 37,5%, trình độ trung học cơ sở chiếm 23,7%; trình độ trung học phổ thông là 19,1% và trình độ trên trung học phổ thông chỉ có 6,6%. Sự tương đồng này có thể do sự tương đồng về vùng miền và nơi cư trú. Tỷ lệ bệnh nhân có trình độ học vấn cấp I cao nhất trong nghiên cứu vì số bệnh nhân sống ở vùng nông thôn chiếm tỷ lệ 80,6%. Những người có trình độ học vấn thấp thường thiếu nhận thức về tầm quan trọng của việc phòng ngừa bệnh đột quỵ, do lối sống có thể chịu tác động nhiều hơn của các yếu tố nguy cơ.
4.1.3. Theo nghề nghiệp và tình trạng kinh tế
Sau khi quan sát chúng tôi nhận thấy hầu hết bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu đang thất nghiệp, nghỉ hưu, nội trợ hoặc già – chiếm tỷ lệ cao 74,5%; chỉ có 25,5% bệnh nhân đang làm việc. Nghiên cứu của chúng tôi cũng tương đồng với nghiên cứu của tác giả Cao Phi Phong (2013) [16] tình trạng người đang làm việc (41%) ít hơn người già/ nghỉ hưu (59%).
Phần lớn bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi có mức kinh tế là nghèo hoặc trung bình chiếm tỷ lệ 59,2% và có 40,8% bệnh nhân có mức kinh tế khá trở lên. Việc tài chính cũng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phục hồi bệnh. Kết quả nghiên cứu này có sự khác biệt với nghiên cứu của tác giả Li Pei (2016) [36] tỷ lệ bệnh nhân có tài chính chiếm tỷ lệ cao 81,5%. Theo Egan M (2015) [27] những bệnh nhân có thu nhập thấp có liên quan đến nguy cơ đột quỵ và các dịch vụ chăm
sóc, các dịch vụ về phục hồi chức năng sinh hoạt cũng như vận động sớm bị hạn chế.
Vì trình độ học vấn thấp, người dân sống ở nông thôn chiếm tỷ lệ cao nên ảnh hưởng đến nghề nghiệp và tình trạng kinh tế của họ. Đây cũng là một gánh nặng cho gia đình và xã hội. Những bệnh nhân đang làm việc là nguồn thu nhập chính cho gia đình, khi họ nằm viện thì nguồn thu nhập trong gia đình sẽ giảm sút. Và việc nằm viện cũng trở thành áp lực kinh tế cho gia đình khi phải chi trả chi phí điều trị tại bệnh viện cũng như chi phí chăm sóc lâu dài trong giai đoạn hồi phục tại nhà. Đối với những bệnh nhân đang làm việc có thể là nguồn thu nhập chính của gia đình lại bị bệnh đột ngột nhưng sau khi hồi phục xuất viện họ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp. Tình trạng này dẫn đến bệnh nhân mất thu nhập, giảm điều kiện và cơ hội tương tác với xã hội gây ra sự tự ti, họ cảm thấy mình trở thành gánh nặng cho gia đình và cảm thấy cuộc sống mất đi ý nghĩa, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến sự hồi phục của bệnh nhân.
4.1.4. Người tham gia chăm sóc
Về thành phần người tham gia chăm sóc theo quan sát của chúng tôi thì thân nhân chăm sóc bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu chủ yếu là con cái/ họ hàng/ người giúp việc chăm sóc tại thời gian nằm viện chiếm tỷ lệ 63,3%; tỷ lệ thân nhân là vợ/ chồng chăm sóc lẫn nhau chiếm 34,7%; thấp nhất là tỷ lệ bệnh nhân tự chăm sóc, chiếm 2%. Kết quả nghiên cứu này tương tự như nghiên cứu của tác giả Mai Thọ Truyền (2012) [21] việc chăm sóc cho bệnh nhân đột quỵ thì gia đình chăm sóc là chủ yếu trong đó vợ/chồng chiếm 72%, bệnh nhân tự chăm sóc chiếm 5%. Đồng thời cũng tương tự như nghiên cứu của tác giả Trịnh Viết Thắng (2012) [18] người nhà chăm sóc chiếm 91,4% trong đó chủ yếu là vợ/ chồng chăm sóc tỷ lệ 58,1%. Bệnh nhân được gia đình chăm sóc góp phần hỗ trợ điều dưỡng trong việc chăm sóc bệnh nhân, giúp bệnh nhân nhanh phục hồi trong giai đoạn nằm viện và sau khi xuất viện về nhà.