thang điểm Barthel
4.3.1. Phân bố mức độ độc lập trong sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân đột quỵ não theo thang điểm Barthel
Trong nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tỷ lệ bệnh nhân độc lập trong sinh hoạt hàng ngày của đối tượng nghiên cứu là 15,3%. Phần lớn bệnh nhân cần trợ giúp trong sinh hoạt hàng ngày, chiếm tỷ lệ 58,2% và có 26,5% bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn trong sinh hoạt hàng ngày. Điểm Barthel trung bình trong nghiên cứu của chúng tôi là 61,17 ± 24,62. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cao hơn so với nghiên cứu của các tác giả trong nước như Hoàng Trọng Hanh (2015) [8] có điểm Barthel trung bình là 56,6 ± 21,2. Hoặc nghiên cứu của tác giả Nguyễn Tấn Dũng (2012) [7] ở nhóm không can thiệp tại thời điểm ra viện là 59,6 ± 30,04. Bên cạnh đó, kết quả của chúng tôi cũng cao hơn so với các nghiên cứu của các tác giả trên thế giới như của tác giả Nakao S (2010) [44] có tỷ lệ thang điểm trung bình của Barthel vào lúc xuất viện là 42,5 ± 37,4. Hoặc của tác giả Li Pei (2016) [36] có điểm Barthel trung bình là 50,50 ± 27,12.
Một nghiên cứu cũng cho kết quả tương tự như kết quả nghiên cứu của chúng tôi là nghiên cứu của tác giả Trịnh Viết Thắng (2012) [18] có mức độ độc lập hoàn toàn chiếm 11,9%; trợ giúp chiếm 57,1%, còn phụ thuộc hoàn toàn chiếm 31%. Theo nghiên cứu của Mai Thọ Truyền (2012) [21] thì mức độ độc lập hoàn toàn trong sinh hoạt hàng ngày chiếm tỷ lệ 16%, trợ giúp chiếm tỷ lệ 44%, tỷ lệ bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn chiếm 40%. Theo nghiên cứu của Cao Minh Châu (2003) [4] về đánh giá mức độ độc lập trong sinh hoạt hàng ngày ở bệnh nhân liệt nửa người sau tai biến mạch máu não tại cộng đồng cho thấy tỷ lệ bệnh nhân độc lập hoàn toàn trước can thiệp chiếm 5,2%, những bệnh nhân cần trợ giúp trước can thiệp chiếm 71,01%, và số bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn trước can thiệp chiếm tỷ lệ 23,79%. Một nghiên cứu khác của tác giả Đặng Hoàng Anh (2009) [1] thì mức độ
độc lập hoàn toàn chiếm tỷ lệ 22,95%, trợ giúp chiếm 28,68%, phụ thuộc hoàn toàn chiếm tỷ lệ khá cao 48,36%.
Một nghiên cứu của tác giả Nakao S. (2010) [44] tại bệnh viện Tokushima của Nhật Bản cho thấy mức độ độc lập hoàn toàn chiếm tỷ lệ 34,6%, phụ thuộc hoàn toàn chiếm tỷ lệ khá cao 56,4%. Một nghiên cứu khác của tác giả Li Pei (2016) [36] nghiên cứu về các yếu tố liên quan đến hoạt động sinh hoạt hàng ngày giữa bệnh nhân cao tuổi khuyết tật với đột quỵ cho thấy những bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn chiếm tỷ lệ cao 52,6%; bệnh nhân cần trợ giúp chiếm 47,4%; không có bệnh nhân độc lập hoàn toàn.
Sự khác biệt có thể là do thang điểm Barthel có nhiều ngưỡng quy định về mức độ độc lập và phụ thuộc khác nhau nên việc so sánh giữa các nghiên cứu về tỷ lệ độc lập hay phụ thuộc trong sinh hoạt hàng ngày cũng có phần khác nhau giữa các nghiên cứu và cũng có thể do mức độ đột quỵ nặng hay nhẹ của bệnh nhân ảnh hưởng đến mức độ độc lập trong sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Thông qua việc đánh giá mức độ độc lập trong sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân, điều dưỡng hiểu rõ về tình trạng độc lập chức năng sinh hoạt hàng ngày cũng như hiểu rõ khả năng tự chăm sóc của bệnh nhân để từ đó lập kế hoạch chuẩn bị xuất viện. Điều dưỡng sẽ tác động về mặt tâm lý, thông báo, giải thích, động viên cho bệnh nhân hoặc nguời nhà về tình trạng bệnh hiện tại. Đồng thời, điều dưỡng sẽ cung cấp kiến thức và kế hoạch tập phục hồi vận động sớm tại nhà để nâng cao khả năng tự chăm sóc bản thân trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày giúp bệnh nhân sớm hòa nhập với cộng đồng và tự tin hơn trong cuộc sống.
4.3.2. Phân bố mức độ độc lập chức năng của 10 hoạt động sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân đột quỵ não theo thang điểm Barthel
Qua nghiên cứu, chúng tôi cũng mô tả mức độ độc lập chức năng của 10 hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Tại thời điểm ra viện, phần lớn bệnh nhân độc lập hoàn toàn trong các hoạt động kiểm soát đại tiện (84,7%) và đại tiện (79,6%). Hai hoạt động này chiếm tỷ lệ rất cao. Ngược lại, có rất ít bệnh nhân độc lập trong các hoạt động di chuyển như tự đi lên/xuống cầu thang (7,1%); di chuyển trên mặt phẳng
bằng (10,2%) hay di chuyển từ giường sang ghế/xe lăn và ngược lại (14,3%). Những bệnh nhân có mức độ cần trợ giúp chiếm tỷ lệ cao trong các hoạt động di chuyển từ giường sang ghế/xe lăn và ngược lại (76,5%); di chuyển trên mặt phẳng bằng (70,4%); lên và xuống cầu thang (68,4%). Điều này có thể do tình trạng tổn thương não ở mức độ nhẹ, được chẩn đoán điều trị kịp thời và thời gian phục hồi nhanh. Việc hiểu rõ các hoạt động nào trong sinh hoạt hàng ngày có mức độ độc lập cao hay thấp, hoạt động nào cần trợ giúp sẽ giúp người điều dưỡng cũng như bệnh nhân và gia đình trong quá trình lập kế hoạch để chuẩn bị cho bệnh nhân khi xuất viện.
4.4. Liên quan giữa mức độ độc lập trong sinh hoạt hàng ngày theo thang điểm Barthel
4.4.1. Liên quan với giới tính
Trong nghiên cứu của chúng tôi cho thấy bệnh nhân nam có tỷ lệ độc lập trong sinh hoạt hàng ngày cao hơn so với bệnh nhân nữ, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (với p < 0,01). Chúng tôi nhận thấy giới tính có liên quan đến mức độ độc lập trong sinh hoạt hàng ngày theo thang điểm Barthel. Như vậy điều này có thể lý giải do nam giới khả năng hồi phục tốt hơn nữ giới. Kết quả nghiên cứu này cũng tương tự với nghiên cứu các nghiên cứu của tác giả trong nước và ngoài nước. Theo nghiên cứu của Cao Minh Châu (2003) [4] và Trần Thị Mỹ Luật (2008) [13] đều cho rằng cho thấy tỷ lệ độc lập trong sinh hoạt hàng ngày của nam cao hơn nữ, song sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05). Tuy nhiên, trong nghiên cứu của Cao Minh Châu (2003) [4] ở nữ giới mức độ phụ thuộc hoàn toàn tỷ lệ cao hơn nam giới (10,31%) (p<0,05). Một nghiên cứu khác của tác giả Phạm Văn Phú (2003) [17] cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về mức độ độc lập hoàn toàn và trợ giúp trong sinh hoạt hàng ngày theo giới (p>0,05). Tuy nhiên nữ có mức độ phụ thuộc nhiều hơn nam (10,31% so với 3,49%, p>0,05).
4.4.2. Liên quan với tuổi
Qua kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những bệnh nhân ở nhóm tuổi < 45 tuổi có mức độ độc lập trong sinh hoạt hàng ngày chiếm tỷ lệ cao nhất,
những bệnh nhân > 60 tuổi chiếm tỷ lệ thấp nhất. Sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05). Như vậy tuổi càng cao thì khả năng độc lập càng giảm. Kết quả nghiên cứu này phù hợp với nghiên cứu của tác giả Cao Minh Châu (2003) [4] cho thấy mức độ độc lập hoàn toàn ở nhóm > 74 tuổi chiếm tỷ lệ thấp nhất. Tuy nhiên, mức độ phụ thuộc hoàn toàn ở nhóm tuổi cao tỷ lệ nhiều hơn nhóm tuổi trẻ (sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05). Theo nghiên cứu của tác giả Trần Thị Mỹ Luật (2008) [13] cho thấy nhóm tuổi từ 60 trở xuống kết quả phục hồi tốt hơn cả về vận động cũng như các hoạt động chức năng trong sinh hoạt hàng ngày so với bệnh nhân ở nhóm tuổi trên 60 hay tuổi càng trẻ phục hồi càng tốt.
Theo nghiên cứu của tác giả Nakayama H. (1994) [45] sự tiến bộ về chức năng trong các hoạt động hàng ngày ảnh hưởng bởi lứa tuổi. Tuổi cao mức độ độc lập trong sinh hoạt hàng ngày sẽ giảm so với tuổi trẻ, tác giả cho rằng đó là khả năng phục hồi của người cao tuổi kém. Cứ tăng thêm 10 tuổi sẽ giảm 7% điểm trong thang điểm Barthel.
Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ nhóm người cao tuổi với nhóm người trẻ xấp xỉ bằng nhau nên chưa thể hiện mối tương quan, chủ yếu những người trẻ tuổi có mức độ tổn thương não nhẹ nên mức độ độc lập trong sinh hoạt hàng ngày cao hơn những người khác.
4.4.3. Liên quan với nơi cư trú
Theo nghiên cứu của chúng tôi, những bệnh nhân sống ở thành thị có mức độ độc lập trong sinh hoạt hàng ngày thấp hơn những bệnh nhân sống ở nông thôn, tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (với p > 0,05). Có thể do nghiên cứu của chúng tôi chỉ mới bước đầu thực hiện trong giai đoạn phục hồi sớm của bệnh nhân đột quỵ tại thời điểm khi xuất viện nên vai trò về nơi sinh sống của bệnh nhân chưa thể hiện rõ được mối liên quan. Tuy nhiên, việc tìm hiểu về sự ảnh hưởng của môi trường sống của bệnh nhân ở thành thị hay nông thôn đến mức độ phục hồi chức năng sinh hoạt hàng ngày cũng là một yếu tố mà người điều dưỡng cần lưu ý trong kế hoạch chuẩn bị xuất viện.
4.4.4. Liên quan với trình độ học vấn, nghề nghiệp, tình trạng kinh tế
Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy có sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05) giữa mức độ độc lập trong sinh hoạt hàng ngày theo thang điểm Barthel và trình độ học vấn, trình độ học vấn ở cấp I có mức độ độc lập thấp nhất. Điều này có thể lý giải do những bệnh nhân có trình độ học vấn càng cao thì khả năng ý thức về vấn đề tự chăm sóc bản thân càng cao. Kết quả này có sự tương đồng với nghiên cứu của tác giả Mai Thọ Truyền (2012) [21] cho rằng người có trình độ học vấn cao có khả năng hồi phục chức năng sinh hoạt tốt hơn những người có trình độ học vấn thấp.
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy số bệnh nhân đang làm việc có mức độ độc lập cao hơn những bệnh nhân khác (bao gồm thất nghiệp, già, hưu trí), sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (với p > 0,05). Điều này có thể giải thích rằng, hầu hết những bệnh nhân đi làm là những bệnh nhân trẻ nên khả năng phục hồi hoạt động sinh hoạt hàng ngày nhanh.
Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi thì mức độ độc lập của bệnh nhân có tình trạng kinh tế nghèo/ trung bình cao hơn so với bệnh nhân trên mức khá (sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05). Tuy nhiên, mức độ phụ thuộc hoàn toàn ở bệnh nhân có tình trạng kinh tế nghèo/ trung bình có tỷ lệ cao hơn (sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05). Theo nghiên cứu của tác giả Egan M (2015) [27] những bệnh nhân có thu nhập thấp có liên quan đến nguy cơ đột quỵ và các dịch vụ chăm sóc, các dịch vụ về phục hồi chức năng sinh hoạt cũng như vận động sớm bị hạn chế.
Các yếu tố như trình độ học vấn, nghề nghiệp và tình trạng kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến mức độ độc lập trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ độc lập của các đối tượng xấp xỉ như nhau nên có thể lý giải họ có thể ý thức được gánh nặng bệnh tật của họ lên gia đình rất lớn vì vậy tạo động lực, ý chí thúc đẩy khả năng hồi phục của họ. Mặc dù các yếu trên không có liên quan đến mức độ độc lập nhưng điều dưỡng cũng cần phải quan tâm, tìm hiểu để có kế hoạch phù hợp trong giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân khi ra viện.
4.4.5. Liên quan với người tham gia chăm sóc
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy thành phần chăm sóc là tự chăm sóc có mức độ độc lập trong sinh hoạt hàng ngày theo thang điểm Barthel cao nhất so với vợ/ chồng chăm sóc chiếm tỷ lệ thấp nhất nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05. Điều này có thể do bệnh nhân chủ yếu là trẻ tuổi có mức độ tổn thương não nhẹ nên có mức độ độc lập trong sinh hoạt hàng ngày cao hơn những người khác. Tuy nhiên, cũng có thể do những bệnh nhân tự chăm sóc không thể ỷ lại người khác mọi việc nên họ cố gắng thực hiện những việc mình có thể tự chăm sóc được cho bản thân nên mức độ độc lập trong sinh hoạt hàng ngày cao hơn người khác.
4.5. Liên quan giữa mức độ độc lập trong sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân đột quỵ não theo thang điểm Barthel và đặc điểm lâm sàng của bệnh nhân đột quỵ não theo thang điểm Barthel và đặc điểm lâm sàng của bệnh nhân
4.5.1. Liên quan với loại tổn thương não
Theo nghiên cứu của chúng tôi thì mức độ độc lập trong sinh hoạt hàng ngày theo thang điểm Barthel của nhồi máu não cao hơn xuất huyết não, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (với p > 0,05). Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của tác giả Cao Minh Châu (2003) [4] không có sự khác biệt về mức độ độc lập trong sinh hoạt hàng ngày giữa nhồi máu não và xuất huyết não (p>0,05). Một nghiên cứu khác của tác giả Phạm Văn Phú (2003) [17] không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về khả năng độc lập trong sinh hoạt hàng ngày theo loại tổn thương não (p>0,05). Tuy nhiên, theo nghiên cứu của tác giả Li Pei (2016) [36] có sự khác biệt về mức độ độc lập trong sinh hoạt hàng ngày giữa nhồi máu não và xuất huyết não (p<0,001). Mối liên quan giữa mức độ độc lập trong sinh hoạt hàng ngày với nhồi máu não hay chảy máu não còn là vấn đề gây tranh cãi vì vậy chúng tôi nghĩ cần có nhiều nghiên cứu sâu hơn cho vấn đề này. Mặc dù người điều dưỡng không thể tác động trực tiếp về vấn đề này tuy nhiên việc hiểu rõ tình trạng của bệnh nhân là điều cần thiết khi lập kế hoạch chăm sóc ra viện.
4.5.2. Liên quan với tình trạng yếu liệt
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy bệnh nhân có yếu liệt thì mức độ phụ thuộc hoàn toàn trong sinh hoạt hàng ngày chiếm tỷ lệ cao hơn so với bệnh nhân không yếu liệt, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (với p < 0,05). Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây khiếm khuyết về chức năng vận động làm cho bệnh nhân tàn tật vĩnh viễn. Vì vậy những bệnh nhân có yếu liệt bị hạn chế khả năng độc lập trong sinh hoạt hàng ngày là điều tất yếu, đây là một trong những nguyên nhân cản trở bệnh nhân hòa nhập với cộng đồng. Cho nên bệnh nhân bị yếu liệt thì phụ thuộc hoàn toàn hoặc cần phải có sự hỗ trợ của người khác trong hoạt động cuộc sống hàng ngày. Người điều dưỡng cần khuyến khích bệnh nhân tập luyện phục hồi và có các kế hoạch phù hợp với những bệnh nhân tùy thuộc vào mức độ yếu liệt của họ.
4.5.3. Liên quan với vị trí liệt
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy bệnh nhân liệt bên trái mức độ độc lập hoàn toàn trong sinh hoạt hàng ngày thấp hơn bên phải, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (với p > 0,05). Theo nghiên cứu của Cao Minh Châu (2003) [4] không có sự khác biệt trong độc lập chức năng sinh hoạt hàng ngày theo bên liệt (p > 0,05). Sự khác nhau về khả năng phục hồi chức năng sinh hoạt hàng ngày giữa bệnh nhân liệt nửa người bên trái và liệt nửa người bên phải đang còn là vấn đề tranh luận của nhiều tác giả. Đối với bệnh nhân liệt nửa người do đột quỵ, tổn thương bán cầu não bên phải hay bên trái sẽ có những biểu hiện lâm sàng về khiếm khuyết và giảm khả năng khác nhau, ngoài liệt nửa người bệnh nhân có các rối loạn đặc trưng khác kèm theo.
4.5.4. Liên quan với tiền sử đột quỵ
Qua nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tiền sử đột quỵ không có mối liên quan với mức độ độc lập trong sinh hoạt hàng ngày (p > 0,05). Kết quả này có sự tương đồng với nghiên cứu của McNaughton H. (2001) [39] cho rằng không có mối liên quan giữa tiền sử đột quỵ và mức độ độc lập trong sinh hoạt hàng ngày (p > 0,05). Tuy nhiên trên thực tế những bệnh nhân có tiền sử đột quỵ luôn có điểm số
Barthel thấp hơn những bệnh nhân bị đột quỵ lần đầu hay có thể nói họ có thể là phụ thuộc hoàn toàn hoặc cần trợ giúp vào người khác về các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Cho nên theo nghiên cứu của Li Pei (2016) [36] thì tần suất xảy ra đột