8. Kết cấu của luận văn
2.3.2. Những hạn chế
- Hiện tại có nhiều văn bản liên quan về công tác quản lý tài chính và chế độ kế toán ngân sách xã, có văn bản mới, có văn bản bổ sung, sửa đổi, bãi bỏ,... Điều này gây ra không ít khó khăn cho cán bộ làm công tác kế toán xã trong việc kiểm tra, đối chiếu, vận dụng các văn bản này.
- Hệ thống chứng từ, sổ sách kế toán tuy đầy đủ nhưng lại quá nhiều biểu mẫu, có sự chồng chéo giữa các chế độ kế toán lĩnh vực công. Làm cho người làm công tác kế toán phải dành nhiều thời gian nghiên cứu các văn bản để kiểm tra, đối chiếu tránh sự chồng chéo giữa các chế độ kế toán.
- Hệ thống tài khoản kế toán: hệ thống tài khoản hiện tại còn thiếu so với yêu cầu hạch toán của đơn vị (xã Vĩnh Quang, thị trấn Vĩnh Thạnh), tài khoản 431 “các quỹ công chuyên dùng”, đơn vị đã mở thêm các tài khoản chi tiết của tài khoản 431 để theo dõi các quỹ như: TK 4311, 4312, 4313, 4315, 4316, 4317, 4319 để theo dõi riêng từng quỹ của xã.
Đơn vị (thị trấn Vĩnh Thạnh) có phát sinh tiền gửi các quỹ và tiền gửi ngân hàng nhưng không có tài khoản cấp 1 cho nội dung này nên đơn vị đã
theo dõi chung vào tài khoản 1128.
Việc sử dụng phần mềm kế toán gặp phải các khó khăn như: kế toán ít được tập huấn về phần mềm, chế độ dịch vụ bảo hành còn chậm, giá của phần mềm cao.
- Hệ thống sổ sách kế toán: Các xã, thị trấn chỉ in các loại sổ sách kế toán vào cuối năm chứ không in sổ theo định kỳ hàng tháng, hàng quý. Điều này sẽ dẫn đến rủi ro nếu phần mềm kế toán bị hư hỏng đột xuất, và không đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin kịp thời cho lãnh đạo đơn vị khi cần thiết.
Các xã cũng chỉ in một số sổ kế toán cơ bản chứ không in tất các sổ kế toán để lưu trữ theo quy định nên gây khó khăn trong việc kiểm tra, đối chiếu giữa các sổ với nhau.
- Báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán:
Các xã chỉ lập báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán vào cuối năm chứ không lập báo cáo định kỳ hàng tháng theo quy định.
Việc lập và trình bày báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán còn chưa đầy đủ, kịp thời và chính xác. Hầu hết, các xã, thị trấn không lập thuyết minh báo cáo tài chính. Có một số đơn vị lập Báo cáo thuyết minh tài chính nhưng chưa rõ ràng, chưa chỉ ra được những kết quả đạt được, các vướng mắc của đơn vị trong quá trình quản lý và sử dụng ngân sách và đề xuất các kiến nghị xử lý với cơ quan cấp trên.
Các mẫu biểu báo cáo quyết toán ngân sách xã như: Bảng cân đối quyết toán xã (B03-X), báo cáo quyết toán thu ngân sách xã theo mục lục ngân sách (B03a-X), báo cáo quyết toán chi ngân sách xã theo mục lục ngân sách (B03b-X), báo cáo tổng hợp quyết toán thu ngân sách xã theo nội dung kinh tế (B03c-X), báo cáo tổng hợp quyết toán chi ngân sách xã theo nội dung kinh tế (B03d-X), báo cáo quyết toán chi đầu tư xây dựng cơ bản, báo cáo kết quả
hoạt động tài chính khác của xã trùng với các biểu mẫu của Thông tư 344/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn.
Quyết định 94/2005/QĐ-BTC và thông tư 146/2011/TT-BTC không có biểu mẫu báo cáo tài chính phản ánh tính cân đối giữa tài sản và nguồn vốn tại đơn vị, báo cáo kết quả hoạt động và dòng tiền lưu chuyển của xã trong năm.
- Tổ chức bộ máy kế toán: Số lượng người trược tiếp làm công tác kế toán còn ít, mỗi xã thường chỉ có 2 người, trong khi các nghiệp vụ phát sinh tại xã ngày càng nhiều. Hiện tại mỗi xã, thị trấn huyện Vĩnh Thạnh có 2 kế toán, riêng xã Vĩnh Hiệp chỉ có 1 kế toán. Do đó, một số đơn vị còn vi phạm nguyên tắc bất kiêm nhiệm như Thủ quỹ vừa là người đi mua hàng (văn phòng phẩm, công cụ, dụng cụ,…) và cũng là người đề nghị thanh toán.
Cán bộ là công tác kế toán xã không được thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ liên quan đến kế toán ngân sách xã nên cũng làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác kế toán.
2.3.3. Nguyên nhân của những hạn chế a. Khách quan
- Hệ thống pháp luật hướng dẫn cho kế toán ngân sách xã như: Luật kế toán, Luật NSNN hay Chế độ kế toán ngân sách xã đã được ban hành trong một thời gian dài và có nhiều điểm không còn phù hợp trong giai đoạn kinh tế hiện nay.
- Việc quản lý tài chính công tại Việt Nam thay đổi và chưa có văn bản cố định hướng dẫn cùng với các luật có liên quan trong lĩnh vực công vẫn chưa được ban hành, điều này không ổn định dẫn đến chế độ kế toán ngân sách xã và phần mềm phải thay đổi liên tục cho phù hợp dẫn đến khó khăn cho kế toán khi
sử dụng phần mềm.
b. Chủ quan
- Khả năng cập nhật các chính sách về kế toán của cán bộ làm công tác kế toán còn hạn chế, chưa theo kịp với sự thay đổi của các văn bản pháp lý liên quan.
- Đa số các đơn vị có từ 02 kế toán, tuy nhiên cũng có đơn vị chỉ được bố trí 01 kế toán, trong khi khối lượng công việc tương đối nhiều, nhất là vào thời điểm cuối năm nên không đảm bảo được chất lượng công việc. Bên cạnh đó, một số kế toán còn kiêm nhiệm các công việc khác không thuộc chuyên môn.
- Công tác đào tạo kế toán dành cho khu vực công tại các trường đại học, cao đẳng hiện nay còn rất hạn chế, một số trường chỉ đưa vào giảng dạy ở môn tự chọn nên có nhiều trường hợp sinh viên kế toán không chọn học môn này, nhưng sau khi ra trường lại làm kế toán toán tại các UBND xã, thị trấn nên cũng gây khó khăn trong công việc.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Trong Chương 2, tác giả đã tiến hành khảo sát thực trạng tổ chức công tác kế toán tại các UBND xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh tỉnh Bình Định về các nội dung như: tổ chức hệ thống chứng từ kế toán, tổ chức hệ thống tài khoản kế toán, tổ chức hệ thống sổ kế toán, công tác tổ chức Báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán và tổ chức kiểm tra kế toán.
Từ kết quả khảo sát, tác giả đã chỉ ra những ưu điểm cũng như hạn chế và nguyên nhân hạn chế trong công tác tổ chức công tác kế toán tại các UBND xã, thị trấn tại huyện Vĩnh Thạnh. Đây là cơ sở để tác giả đưa ra những đề xuất, kiến nghị, và giải pháp nhằm hoàn thiện tổ chức công tác kế toán tại các UBND xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh tỉnh Bình Định trong Chương 3.
CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN TỔ CHỨC CÔNG TÁC KẾ TOÁN TẠI CÁC UBND XÃ, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA
BÀN HUYỆN VĨNH THẠNH TỈNH BÌNH ĐỊNH